Điều sau cùng là “Tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa”. Hiện tượng trong mười pháp giới y chánh trang nghiêm là quả báo. Quả phức tạp là theo mức độ phức tạp mà nói thì nhân tất nhiên sẽ tỷ lệ thuận với quả. Vì trong nhân quả phức tạp như thế nên chúng ta cần phải cẩn thận chú ý, luôn cảnh giác chính mình từng thời khắc, tuyệt đối không được tạo nhân xấu.

Khi còn trẻ, mới tiếp xúc Phật pháp, tôi vô cùng khâm phục Đức Phật, Ngài chỉ dạy mọi người hãy nhìn mình, không nên nhìn người khác. Điều này làm tôi khâm phục năm vóc lạy sát đất. Đức Phật dạy là dạy cho bạn, không phải dạy cho người khác. Nếu như bạn không vào từ cửa này mà muốn sớm thành tựu đạo nghiệp thì tuyệt đối làm không đến. Bởi vì, trọng tâm tu học Phật pháp là thiền định, là tâm thanh tịnh. Nếu như tâm bạn luôn nghĩ đến hoàn cảnh bên ngoài rồi phân biệt nó thì đến khi nào bạn mới đạt được định? Sẽ không bao giờ đạt được mục đích ấy!

Bạn muốn thành tựu thiền định, thành tựu tâm thanh tịnh thật sự thì hoàn toàn không duyên theo cảnh bên ngoài, trở lại duyên bên trong; đây là Phật pháp cao minh; vì thế Phật pháp được gọi là “nội học” là dạy bạn không phan duyên bên ngoài. Cảnh giới bên ngoài, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng được; người tốt cũng được, người xấu cũng chẳng sao, bạn không cần để ý. Bạn đối với cảnh bên ngoài tâm luôn chân thật cung kính, thuận cảnh cũng như thế mà nghịch cảnh cũng như vậy; đối xử người thiện và người ác bình đẳng như nhau, tuyệt đối không được phân biệt, chỉ có tâm chân thành. Bạn vận dụng được tâm này thì không những người tốt, người thiện ca ngợi bạn mà người xấu cũng tán dương bạn; người xấu được bạn cảm hóa, đoạn ác tu thiện. Vì thế, Lục Tổ nói rất hay:

Nếu người thật tu đạo

Không thấy lỗi thế gian.

Người thường thấy lỗi thế gian là tự rước họa vào thân. Ngày nay, chúng ta mắc chứng bệnh nặng này rất phổ biến; từ sáng đến tối luôn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình. Khi nào chúng ta không thấy lỗi người khác mà chỉ thấy lỗi mình thì chúng ta thành công. Công phu tu tập của bạn đạt được hiệu quả, bạn được thọ dụng thật sự.

Người khác thì thế nào? Họ tự có nhân quả của họ, quan trọng là chính mình. Nhân quả của họ, bạn không thể chịu thay cho họ, cũng không thể giúp họ thay đổi. Huống gì ở thời buổi này, ai chịu nói lỗi của người khác? Người xưa cũng không nói. Chúng ta đọc Lễ ký, tác phẩm đời Hán ghi, người nào nói lỗi của bạn? Chỉ có cha mẹ của bạn và thầy giáo của bạn. Vì họ có trách nhiệm dạy dỗ nên mới nói lỗi của bạn, bạn không được cãi lại. Bạn nói lỗi của bạn đồng học thì bị họ oán hận, thù hiềm rình chờ cơ hội báo thù. Do đó, ai chịu nói lỗi cho mình? Không có người nào chịu.

Phật, Bồ-tát giảng kinh, thuyết pháp một cách khéo léo để chúng ta nghe rồi nghĩ lại, mình có lỗi hay không, nếu có lỗi thì hãy mau tự mình phản tỉnh; đây gọi là “có lỗi thì sửa, không có lỗi thì khen ngợi”. Các ngài không nói thẳng lỗi của chúng ta mà các ngài chỉ nói một cách khéo léo để chúng ta tự mình phản tỉnh, tự giác ngộ, vì tâm của các ngài thanh tịnh. Vì thế trong kinh, luận nói lỗi lầm của hàng phàm phu rất nhiều, nhưng trên thực tế Đức Phật chẳng thấy lỗi lầm của người nào; đây là sự tài tình trong cách dạy học của Đức Phật nên Ngài chẳng mất tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải hiểu rõ những điều này để tự mình phản tỉnh, hiểu được lòng từ bi chân thành của chư Phật, Bồ-tát thật bao la. Chỉ cần chúng ta tự nỗ lực, tu hành đúng lời dạy của các ngài, không cần quan tâm đến hoàn cảnh thì tự nhiên có Phật hộ niệm; Hộ pháp, Thiện thần ủng hộ chúng ta. Chúng ta không cần lo lắng có người đến phá hoại, gây chướng ngại. Bằng không, dù người khác không đến gây chướng ngại mà chính mình lại tự gây chướng ngại trước. Chúng ta nghĩ làm việc gì thì đó chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm hỏng chính mình trước tiên; điều này chúng ta cần phải nhìn kỹ mà buông xả.

Chúng ta phải tin chắc có sự hộ niệm của chư Phật. Sự hộ niệm này chính là tất cả chư Phật thường nhớ nghĩ và quan tâm chúng ta; đây là sự thật. Hộ pháp, Thiện thần tôn kính, khâm phục nên luôn luôn ủng hộ chúng ta. Còn nếu mình luôn nghi ngờ thì chẳng những Đức Phật không hộ niệm mà Thiện thần, Hộ pháp cũng không che chở. Chúng ta phải tự xét kỹ, bằng không thì chịu thiệt thòi rất lớn.

Vì thế, hai chữ “tin Phật” thật không dễ dàng, tin Phật rồi, chúng ta có còn vọng tưởng không? Còn lo âu, còn bận tâm không? Tất cả đều không còn, như thế mới nhất tâm hướng về đạo. Đạo ở đâu? Đạo chính là ngay trong cuộc sống, là chuyện ăn cơm, mặc áo. Chúng ta đọc đoạn mở đầu trong kinh Kim Cang ghi: “Đức Phật Thích-ca đắp y, ôm bát, vào thành Xá Vệ khất thực”; đây chính là đạo. Do đó, chúng ta có thể biết trong cuộc sống thường ngày chẳng có gì thay đổi, công việc hằng ngày cũng như vậy; những việc xử sự, đãi nhân tiếp vật, xã giao vẫn như thường.

Phật, Bồ-tát khác với phàm phu ở điểm nào? Phàm phu khởi tâm động niệm trong tất cả cảnh duyên vì phân biệt chấp trước nên trái với đạo. Còn Phật, Bồ-tát ngay trong cuộc sống không khởi tâm động niệm, không phân biệt, không chấp trước, hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức. Cuộc sống của các ngài tự tại, giao tiếp tự tại, được đại tự tại, được đại viên mãn.

Đại tự tại, đại viên mãn đều từ trong tâm thanh tịnh sinh ra. Kinh Kim cang nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh thì sinh thật tướng” tức là sinh trí tuệ thật tướng Bát-nhã. Trí tuệ thật tướng Bát-nhã hiện ra thì làm sao mà không được tự tại! Làm sao mà không viên mãn! Rốt cuộc đều do tâm thanh tịnh.

Vì thế, người tu hành ở bất cứ lúc nào, nơi nào cũng luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, cũng chính là Giác, Chánh, Tịnh mà phần trước nói là Tam quy. Giác là không mê, Chánh là không tà, Tịnh là không nhiễm. Đạo lý niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ như thế, lẽ nào chúng ta không được vãng sanh?

Nói về nhân duyên ở đời, như trong kinh Đức Phật dạy: “Chúng ta có thể làm được việc thế gian, nhưng không được làm theo ý thế gian”. Hai câu nói này thật là hay. Việc thế gian chúng ta có thể làm được, kinh Hoa nghiêm ghi: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Vậy chướng ngại ở đâu? Chướng ngại ở ý thế gian. Ý thế gian là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bạn phải đoạn trừ những thứ này. Ý nghĩa hai câu này rất sâu rộng.

Đức Phật thuyết pháp suốt 49 năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Ngài giảng điều gì? Chính là giảng những điều này, muôn nghìn lời nói, nói không cùng, đối với người, đối với việc, đối với sự vật; chúng ta nghĩ như thế nào? Nghĩ là sai lầm, nghĩ là rơi vào trong ý thức, nghĩ chính là vọng tưởng.

Có lẽ bạn hỏi: Chẳng phải mọi người đều phải suy nghĩ đó sao? Không sai! Mọi người đều là phàm phu, đều có vọng tưởng. Có phải ai cũng như thế không? Chỉ trừ Phật, Bồ-tát không suy nghĩ như vậy. Đáng tiếc là bạn chưa thấy, những điều bạn thấy đều là phàm phu; cho nên, bạn cho việc mình suy nghĩ bình thường.

Tại sao Phật, Bồ-tát không có suy nghĩ như thế? Bởi vì, các ngài biết vạn pháp đều không. Trong kinh Kim cang ghi: “Không thể nắm bắt được tâm ba thời”. Các ngài biết nghĩ là không, các pháp do duyên sinh, duyên sinh là tánh không, nên nghĩ cũng là không thì có gì để đâu mà suy nghĩ! Các ngài không suy nghĩ, nhưng đối phó sự việc lại có thể chu đáo mọi mặt. Tại sao các ngài làm chu đáo? Là phát xuất từ trí tuệ.

Tôi nêu ra một ví dụ, khi chúng ta đọc kinh điển thấy lời Đức Phật dạy có hay không? Rất có thứ tự, lớp lang không một chút lộn xộn; bất luận là giảng lý hay sự, đều đâu ra đó. Phật không khởi ý niệm: “Lần này, Ta phải giảng pháp như thế nào?”. Chưa hề, Ngài không khởi tâm, không động niệm, hoàn toàn tùy thuận tự tánh, từ trong tâm tánh phát ra tự nhiên như thế.

Chúng ta còn khởi tâm động niệm nên hành động còn nhiều thiếu sót. Vì sao nhiều người giảng mà chẳng có ai thành công, tại sao nhiều người viết sách mà chẳng có ai viết hay? Cho nên, chúng ta học Phật là học không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, mọi việc đều dùng tâm chân thành. Tâm chân thành tất nhiên phát sinh trí tuệ, nên tự nhiên được chư Phật gia trì. Sự gia trì này chính là sự hộ niệm, sự quan tâm của chư Phật.

Tâm chân thành là tâm Phật, bạn với Phật là đồng tâm. Bốn hoằng thệ nguyện là đồng nguyện với Phật, đồng tâm đồng nguyện, đồng đức đồng tâm. Chúng ta có hiểu được ý nghĩa này không? Ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta làm được bao nhiêu phần? Đây chính là điều chúng ta tu hành. Tại sao chúng ta hành không đạt hiệu quả? Vì sao không cải thiện được cuộc sống của chúng ta? Nguyên nhân là ở tại chỗ này.

Chúng ta xét kỹ lại mình, tự kiểm điểm mình thì thấy chúng ta làm sai rồi! Hôm nay chúng ta thuận theo phiền não, tùy thuận tập khí. Phiền não là tham, sân, si. Chúng ta tùy thuận mấy thứ này; mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, liền khởi tâm tham đắm, khởi tâm kiêu mạn, việc gì không vừa ý thì nổi giận; những điều này đều là ngu si.

Thế nên, có người này nhìn bề ngoài dường như là học Phật, nhưng trên thực tế đối với người, đối với sự việc, đối với sự vật thì luôn khởi tâm động niệm chẳng có chút gì sửa đổi. Trong kinh Đức Phật dạy hai chữ “thọ trì”; chẳng những chúng ta không làm được mà không hiểu ý nghĩa hai chữ này, nếu có hiểu thì lại hiểu sai; cho rằng mỗi ngày tôi tụng kinh một lần là thọ trì. Chúng ta biết sai ở đâu không?

Tôi nói thật, chúng ta muốn đạt được hiệu quả công phu tu tập là cải thiện cuộc sống của chúng ta, chẳng những cải thiện đời sống hiện tại mà còn cải thiện đời sau. Cuộc sống đời sau, ý nghĩa này thật là rất dài. Theo cách sống hiện tại của chúng ta đúng như trong kinh, luận Đại, Tiểu thừa Đức Phật dạy, sau khi chúng ta mất thân người, đời sau muốn được thân người, thật là khó. Vậy chúng ta sẽ đi về đâu? Phần đông đọa trong ba đường ác.

Làm sao chúng ta biết mình đọa vào ba đường ác? Chỉ cần nghe mọi người nói một câu thì biết rõ: “Chết rồi làm quỷ”. Mọi người đều cho rằng, sau khi chết rồi đều làm quỷ. Tôi chưa nghe ai nói chết rồi làm người mà chỉ nghe nói sau khi chết rồi làm quỷ.

Đức Phật thường dạy chân lý: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Theo cách nghĩ của bạn người chết đều thành quỷ. Bạn có ý nghĩ, quan điểm như vậy thì nhất định bạn đi làm quỷ rồi! Có bao nhiêu người suy nghĩ sau khi chết được làm người, hoặc sinh lên cõi trời hay làm Phật, Bồ-tát; điều này rất ít nghe nói đến, chỉ có nghe người chết đều bị làm quỷ. Chúng ta không nên cho câu nói này là bình thường, chưa chắc là đúng. Thật ra câu nói này là đúng, câu nói này thật không bình thường.

Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh, kinh Hoa nghiêm ghi: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Đây cũng là lời Đức Phật dạy, con người sau khi chết, được thân người lại rất khó; huống gì theo nguyên lý kinh Phật đã dạy, đời sau muốn được làm thân người thì nhất định phải đầy đủ điều kiện của năm giới. Năm giới với năm thường của nhà Nho ở Trung Quốc nội dung giống nhau. Năm thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

1. Nhân: Là nhân từ chúng ta làm được không? Đối với người, đối với vật chúng ta có lòng nhân từ chưa?

2. Nghĩa: Đối với người, đối với sự vật, chúng ta có tận tâm làm tròn nghĩa vụ chưa? Tuy có thù lao, nhưng không xem trọng thù lao mà cho là việc bổn phận của ta. Chúng ta phải tận tâm tận lực làm cho tốt; đây là đạo nghĩa, nhưng không nên xem là trả thù lao. Thù lao nhiều thì tôi làm nhiều, thù lao ít thì tôi làm ít, hạng người này không có nghĩa.

3. Lễ: Giữa người với người phải có lễ phép qua lại.

4. Trí: Nói đơn giản là lý trí, chẳng phải theo tình cảm mà làm việc.

5. Tín: Là tín dụng, chữ tín rất quan trọng là “không dối mình, không lừa người”. Tự lừa dối mình là lương tâm bị mê muội. Chúng ta thường nghe tục ngữ nói: “Người không có lương tâm”. Người không có lương tâm thì bàn đến chữ tín làm gì? Bên trong lương tâm mê muội; bên ngoài dùng nhiều thủ đoạn tinh vi lừa gạt người khác.

Người nào phạm năm điều này thì đời sau không làm được thân người. Chúng ta làm được năm điều này thì lương tâm không có hổ thẹn, chắc chắn đời sau được làm thân người. Chúng ta xem những người này trong xã hội ngày nay, lại so với mình, điều quan trọng nhất là tự kiểm điểm mình, tự mình có làm được hay không? Tự mình đời sau có được thân người không? Nếu như chúng ta không có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì đời sau nhất định đọa trong ba đường ác.

Như tôi vừa nói, mọi người đều nói sau khi chết làm quỷ, trong sáu đường luân hồi, không đến đường khác mà cứ khăng khăng chọn đường quỷ, nhưng đã nói đến đường quỷ thì phải có lý của nó. Điều kiện của đường ngạ quỷ là tâm tham; tham danh tiếng, tham lợi dưỡng, tham sắc đẹp; đối tượng tham rất nhiều, chỉ cần nặng tâm tham là nghiệp nhân của đường ngạ quỷ.

Tâm nặng sân hận, ganh tỵ là nghiệp nhân của đường địa ngục. Không có trí tuệ, không phân biệt được thật-giả, chánh-tà, thiện-ác là nghiệp nhân của đường súc sinh. Tham, sân, si là nghiệp nhân của ba đường ác. Chúng ta tự xét mình có tham, sân, si không? Tham, sân, si, ý niệm này có nghiêm trọng không? Nếu như ý niệm này nặng thì chúng ta phải luôn cảnh giác. Nếu không cảnh giác thì tương lai của chúng ta sẽ tăm tối, chúng ta muốn nghĩ đến niệm Phật cầu sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc thì nhất định phải diệt tham, sân, si; siêng tu ba tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh theo đúng lời Phật dạy mà tu hành. Đời nay, chúng ta không để thời gian trôi qua uổng phí, nhân duyên đời này thù thắng không gì sánh bằng. Chúng ta thật sự gặp được Phật pháp, lại gặp được pháp môn Tịnh độ rất thù thắng. Duyên phận này không thể nghĩ bàn, trong bài kệ khai kinh ghi: “Trăm nghìn vạn kiếp khó gặp được”. Cư sĩ Bành Tế Thanh ở đầu nhà Thanh nói: “Một ngày hiếm hoi khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Chúng ta đã gặp được rồi, nhân duyên thiện căn, phước đức đầy đủ; nếu như tự mình không nắm bắt để nó trôi qua thì thật là đáng tiếc.

Hôm nay, tôi tiếp tục luận bàn về một số chướng ngại trong sự tu hành. Đức Phật đích thực là bậc Nhất Thiết Trí; giống như tín đồ tôn giáo ở thế gian ca tụng thần “việc gì cũng biết, cái gì cũng làm được”. Sau khi, Đức Phật nhập diệt đến nay khoảng hơn 2500 năm, những chướng ngại của chúng sinh tu học Phật pháp, vào thời kì mạt pháp; thuở xưa, khi Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp đã từng nói việc này; nếu Ngài không phải là bậc Nhất Thiết Trí chân thật thì không nói được như thế.

Pháp Sư Tịnh Không



Có phản hồi đến “Phát Tâm Bồ-Đề, Tin Sâu Nhân Quả, Đọc Tụng Đại Thừa, Khuyến Tấn Hành Giả”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com