KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA gồm có bảy quyển, chia thành hai mươi tám phẩm. Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ hai mươi lăm, nhưng trong bản kinh văn xưa thì là thứ hai mươi bốn, vì trong đó thiếu một phẩm Ðề-Bà-Ðạt-Ða (phẩm thứ mười hai). Phẩm Phổ Môn diễn bày công đức thần thông diệu dụng và cảnh giới không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Có mười nhân duyên nói phẩm Phổ Môn này; đó là 1) Nhân Pháp, 2) Từ Bi, 3) Phước Huệ, 4) Chơn Ứng, 5) Dược Châu, 6) Hiển Mật, 7) Quyền Thật, 8) Bản Tích, 9) Duyên Liễu, và 10) Trí Ðoạn.

1. Nhân Pháp: "Nhân" có nghĩa là người, và ở đây chính là Bồ Tát Quán Thế Âm; còn "Pháp" chính là pháp môn Phổ Môn Thị hiện.

Bồ Tát Quán Thế Âm có thể cứu chúng sanh thoát khỏi bảy thứ tai nạn, giải trừ ba thứ độc, và đáp ứng hai điều mong cầu của chúng sanh; cho nên Ngài là một nhân vật không thể nghĩ bàn. Ngài lại nói pháp Phổ Môn Thị Hiện, có cầu tất ứng, vô cảm bất thông. "Pháp" này là một pháp môn không thể nghĩ bàn; vì không thể nghĩ bàn nên gọi là Diệu-pháp. Vì Nhân (người) ở đây cũng không thể nghĩ bàn, cho nên cũng có thể gọi là Diệu nhân. Là Diệu nhân, Diệu-pháp mới đáng gọi là Phổ Môn, mới có thể xưng là Thật-tướng-phù. Vậy, do nhân duyên của Nhân và Pháp, nên nói Phẩm Phổ Môn.

2. Từ Bi: do nhân duyên của Từ và Bi nên Bồ Tát Quán Thế Âm nói Phẩm Phổ Môn này. Sao gọi là "Từ?" Từ hay ban vui. Sao gọi là "Bi?" Bi hay cứu khổ.

Bồ Tát Quán Thế Âm cứu bảy thứ nạn, giải trừ ba thứ độc và đáp ứng hai thứ mong cầu của chúng sanh.

Bảy thứ nạn này trong kinh văn nói rất tỉ mỉ; đó là nạn lửa, nạn nước, nạn quỷ La-sát (gió bão), nạn đao gậy, nạn ác quỷ, nạn gông cùm (lao tù), và nạn oán tặc.

Ba thứ độc là gồm những thứ nào? Ðó là ba độc tham, sân, si.

Hai điều cầu mong tức là cầu mong sanh con trai và cầu mong sanh con gái.

Trong mọi chúng sanh đều có ba thứ độc tham, sân, si. Tuy nhiên, nếu người nhiều tham, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa tham. Nếu người nhiều sân, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa sân. Nếu người nhiều si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa si.

Thứ tham này nếu kể hết ra thì rất nhiều, sân cũng không ít, còn si thì không nhiều mà cũng chẳng ít. Nói nó nhiều thì cũng không hẳn là nhiều, nói nó ít thì cũng không phải là ít. Sao gọi là si, hoặc ngu si? Do thiếu trí huệ, không am hiểu sâu xa, không lãnh hội được hàm ý, thấy lý mà thấy không đúng (kiến lý bất chân), nên gọi là ngu si. Vì ngu si, dầu thấy được lý luận ấy không chính xác, biết nó là thế mà không biết tại sao như thế.

Căn cứ vào học thuyết của Vương Dương Minh, một học giả người Trung Hoa, thì người ngu si là người không thể tri hành hợp nhất. Theo ông, người ấy sở dĩ không làm là bởi người ấy không biết; nếu biết, thì người ấy sẽ làm ngay. Ông lại cho rằng, kẻ biết mà không làm, đó là do chưa thật biết; nếu kẻ ấy biết thật, thì nhất định sẽ làm ngay.

Vương Dương Minh là một học giả rất nổi tiếng ở Trung Hoa, học thuyết của ông là Tri Hành Hợp Nhất - biết và làm là một - nếu người thật biết thì nhất định sẽ thật hành; chỉ vì không biết, người ấy mới không làm. Ðiều này cũng có nghĩa là kẻ chân chánh hiểu biết, thì không làm những việc ngu si. Tại sao có người làm việc ngu si? Bởi vì người ấy không hiểu, không biết rõ. Cho nên tôâi nói đây là thấy không đúng lý.

Có bài thơ về người ngu si như sau:

Hoa đẹp sáng sáng đều xinh tươi,

Trăng sáng ngại gì mỗi đêm tròn,

Ðại địa có suối đều thành rượu,

Rừng già không cây chẳng lay tiền.

Người ham thích hoa sanh tâm ngu si nói: "Tôi muốn đóa hoa này mãi mãi xinh tươi, chẳng tàn phai; sáng sáng đều đẹp như thế này."

Người tham trăng tròn thì nói: "Trăng sáng nào ngại mỗi đêm tròn? Tối hôm qua trăng tròn thật đẹp, nếu trăng mỗi đêm đều tròn như thế cả thì tốt biết bao! Mỗi đêm ra ngoài trời ngắm trăng, ánh trăng sáng ngời cũng đủ, không cần phải dùng đèn điện, vừa bớt tốn tiền, mà dùng ánh sáng thiên nhiên còn tốt nữa!"

Như thế không phải là ngu si sao? Trăng có tròn có khuyết, hoa có nở có tàn. Hoa nở thì phải có lúc hoa tàn, trăng tròn thì phải có lúc trăng khuyết, đó là luật tuần hoàn của trời đất.

Người thích uống rượu lại nghĩ: "Mỗi ngày tôi đều đi mua rượu, mà whisky hoặc brandy thì rất đắt. Nếu tất cả ao nước trên trái đất này đều biến thành ao rượu, để khi nào tôi thèm rượu thì chỉ việc đến ao múc lên uống, thật tiện lợi biết bao!"

Còn kẻ tham tiền thì mơ mộng: "Mình bây giờ phải đi làm kiếm tiền, thật là quá sức vất vả. Ước gì tất cả cây cối đều biến thành 'cây tiền,' trên cây kết toàn những đĩnh vàng đĩnh bạc và tiền đô-la, để khi mình cần tiền thì chỉ việc hái xuống tiêu xài, thật tiện lợi biết bao!"

Những ước muốn không thể thực hiện được ấy đều là những ảo tưởng ngu si. Lại lấy một ví dụ dễ hiểu nhất. Như có người không có đi học, thậm chí cũng chưa học tiểu học-trung học thì khỏi nói rồi-nhưng lại muốn được một học vị Tiến sĩ ở đại học. Quý vị nói việc này có hợp lý không? Chưa học qua tiểu học, thì học vị Tiến sĩ làm sao cấp cho anh ta được?

Lại còn có những người, không làm ruộng bao giờ, song đến vụ mùa lại muốn thu hoạch như thiên hạ! Ðó đều là ngu si! Thậm chí có người không mua vé số mà lại mong trúng lô độc đắc, quả là một ý tưởng quá ngu si! Thế nhưng, đa số người đời đều mắc phải chứng bịnh vọng tưởng "không làm mà muốn có ăn." Vậy thì phải làm sao? Có thứ bịnh này thì cần phải sửa đổi đi mới được.

Bồ Tát Quán Thế Âm cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai điều mong cầu, đó là đại bi. Ngài lại làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui, đó là Ðại từ. Vì nhân duyên đại từ đại bi, nên Ngài nói phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn này.

3) Phước Huệ: Bồ Tát Quán Thế Âm sở dĩ có thể "tầm thanh cứu khổ," phân biệt được mọi âm thanh khác nhau của thế gian-tiếng thiện, tiếng ác, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phải, tiếng quấy-là vì Ngài có trí huệ chơn chánh.

Trí huệ của Ngài do đâu mà có? Là vì Ngài bố thí Phổ Môn, nhờ đem pháp ấy ban phát cho chúng sanh, cho nên Ngài được phước báo này-phước đức trang nghiêm. Vì thế nói là do nhân duyên Phước Huệ mà nói Phẩm Phổ Môn.

4) Chơn Ứng: "Chơn" là Bồ Tát Quán Thế Âm dùng diệu lực của chơn thân Ngài để giải cứu bảy nạn, giải trừ ba độc, thỏa mãn hai điều mong cầu của chúng sanh. Ngài lại thị hiện ba mươi hai Ứng hóa thân-cũng gọi là Ứng thân-để giáo hóa chúng sanh; vì thế nên có nhân duyên Chơn Ứng này.

5) Dược Châu: Tại sao gọi là "Dược?" "Dược" đây chính là Dược-vương-thọ. Sao lại gọi là Dược-vương-thọ? Cách đây thật lâu xa, có một người lên núi đốn củi gánh về bán ở chợ. Một vị thầy thuốc nọ thấy trong gánh củi của anh ta phát ra ánh sáng, bèn mua hết gánh củi đó. Về nhà, vị ấy dở củi ra xem thì thấy bên trong có một khúc cây Dược-vương. Sau khi vị thầy thuốc được Dược-vương-thọ rồi, gặp bất cứ bịnh gì, chỉ cần lấy Dược-vương-thọ gõ nhè nhẹ trên thân người bịnh, hoặc đánh nhẹ một cái thì bịnh liền hết, cứu được không biết bao nhiêu người. Chính vì thế mà gọi là Dược-vương-thọ.

Tại sao gọi là "Châu?" "Châu" đây chính là Như Ý bảo châu. Sao gọi là Như Ý bảo châu? "Như ý" là vừa lòng toại ý, cũng chính là khiến cho quý vị vui thích vừa ý, thỏa mãn sự yêu cầu của quý vị, đáp ứng mọi ước muốn của quý vị.

Nếu quý vị muốn ăn món chi thì Như Ý châu liền hiện ra món ấy, quý vị chẳng cần phải đi mua. Nếu muốn mặc bộ đồ đẹp, chỉ cần đối với Như Ý châu mà nghĩ rằng: "Tôi muốn có một bộ đồ thật đẹp, ít có trên đời," bấy giờ Như Ý châu liền hiện ra bộ đồ đúng như ý quý vị mong muốn. Thậm chí quý vị muốn có nhà ở, nó cũng có thể hiện ra được. Quý vị ao ước: "Tối nay tôi muốn ở một căn nhà thật sang trọng" thì bảo châu này liền hiện ra căn nhà như ý quý vị muốn. Sau khi ở một đêm, sang ngày thứ hai, căn nhà tự động trở về lại trong Như Ý châu.

Quý vị muốn ăn thức gì, Như Ý châu liền hiện ra thức ấy, phân lượng vừa đủ, không thừa không thiếu. Về y phục, quý vị cũng không cần phải sắm giá áo, chỉ cần cởi ra thì y phục ấy tự động trở về trong Như Ý châu. Vì thế, hạt châu ấy được gọi là "Như Ý," toại lòng vừa ý, thật là mầu nhiệm. Như Ý châu bao lớn? Hạt châu này rất nhỏ, có thể tùy tiện đem theo bên mình; nó lại không nặng và không choán chỗ.

Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm cũng giống như Dược-vương-thọ và Như Ý châu vậy, có thể làm cho mọi người được toại nguyện, vừa lòng. Chỉ cần quý vị đọc tụng Phẩm Phổ Môn thì cầu mong việc chi cũng sẽ được mãn nguyện. Nhưng không phải là hôm nay tụng niệm, ngày mai liền có hiệu quả. Cần phải trước tiên sửa soạn một cơ sở thật ổn định, giống như cất nhà lầu, trước tiên phải làm nền móng cho thật chắc chắn; nền móng không vững chắc thì nhà lầu không có cách gì xây lên được.

Phổ Môn Phẩm tuy có cảm ứng linh thiêng chẳng khác gì Dược-vương-thọ và Như Ý châu, cũng mầu nhiệm không thể nghĩ bàn như thế, nhưng trước tiên quý vị cần phải trì tụng Phẩm Phổ Môn. Quý vị phải mỗi ngày mỗi tụng niệm, tụng niệm cho đến chừng nào Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn nhận là quý vị hợp cách, có lòng thành, thì sau đó quý vị cầu điều chi cũng đều được như ý mãn nguyện. Không thể nào lúc bình thường chẳng hề tụng niệm, đến khi muốn cầu cảm ứng thì tức khắc có cảm ứng ngay được. Do vậy, lúc bình thường quý vị cũng phải nhất định dụng công tu hành, để đến khi cần thì Phẩm Phổ Môn sẽ thị hiện những sự vi diệu không thể nghĩ bàn giống như cây Dược-vương và ngọc Như Ý vậy. Nhưng trước hết, chính bản thân quý vị cần phải thường xuyên trì tụng mới được!

Có người nói: "Trong Phật giáo có quá nhiều điều phải học! Ðã tụng chú Lăng Nghiêm, chú Ðại Bi, bây giờ lại phải tụng thêm Phẩm Phổ Môn nữa. Thế thì nhiều thời khóa quá, chúng tôi làm sao có đủ thời giờ?"

Quý vị không cần quá nhiều thời gian, chỉ cần mỗi ngày quý vị ngủ ít đi một tiếng đồng hồ, bớt nói chuyện một tí, thì công khóa này có thể thực hiện được ngay. Nếu quý vị không muốn được toại lòng vừa ý, nói rằng: "Tôi không mong cầu điều chi cả. Tôi không có tâm tham, cũng không có tâm sân hoặc tâm si!" Với những lý do đó, quý vị chẳng cần phải tụng niệm và như thế thì không còn gì để nói nữa!

Tuy nhiên, nếu quý vị cảm thấy trong tương lai, mình có thể sẽ gặp một biến cố nào đó, muốn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Phật giúp đỡ cho, thì quý vị phải học nhiều Phật-pháp hơn một tí nữa. Phật-pháp ví như biển cả mênh mông, quý vị một giọt cũng chưa uống mà vội sợ nhiều, thì tương lai nhất định không thể nào uống hết nước trong biển cả ấy được. Nhưng chỉ cần quý vị cố gắng hết sức mình, cần bao nhiêu thì cứ uống bấy nhiêu. Phật-pháp là kho báu vô tận, dùng hoài không hết, cho nên quý vị hãy cố đem hết sức mình mà vận dụng Phật-pháp.

Vậy, do ý nghĩa Dược Châu nên nói Phẩm Phổ Môn.

6) Hiển Mật: "Hiển" là hiển lộ rõ ràng; "Mật" là bí mật kín đáo. Quý vị trì tụng Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm thì có lúc được sự cảm ứng rõ ràng, và cũng có lúc được sự cảm ứng âm thầm.

Cảm ứng rõ ràng tức là sự cảm ứng mà mọi người đều có thể nhìn thấy, đều biết được. Ví như việc Quán Thế Âm Bồ Tát cứu giúp chúng sanh, trong Phẩm Phổ Môn có nói: "Dầu vào lửa lớn, lửa chẳng đốt được."

Trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Quán Thế Âm Bồ Tát thuật về Nhĩ căn Viên thông, có nói: "Lửa không thể đốt vì tánh lửa là chơn không, tánh không là chơn hỏa."

Ví dụ như quý vị đang ngồi trong phòng, nhất tâm nhất ý niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, bất ngờ có hỏa hoạn xảy ra. Lúc ấy, chỉ cần quý vị có thể thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì dù cho nhà bên cạnh có bị cháy, nhà của quý vị vẫn được vô sự. Nhưng đó phải là vô ý chứ không phải cố ý!

Nếu quý vị cố ý nổi lửa đốt thử để xem nhà mình có bị cháy không, thì nhất định phải cháy rồi! Tại sao thế? Vì quý vị vốn có ý muốn thử Quán Thế Âm Bồ Tát! Bởi quý vị không có lòng tin chắc chắn nên mới thử Ngài như thế. Giống như quý vị có một người bạn chẳng hạn, vì muốn biết người bạn ấy có thật tâm với mình không, có phải là hạng người tốt, "gặp vàng không chóa mắt" hay chăng, bèn đợi khi người bạn đến chơi rồi cố ý đánh rơi dưới đất năm trăm đô-la và tự nhủ: "Nếu anh ấy là người tốt thì dù biết mình không trông thấy, anh ấy cũng sẽ không lấy số tiền kia."

Tại sao quý vị lại muốn thử thách bạn của mình? Chính là vì quý vị chưa có được sự nhận định đúng đắn về người bạn ấy, không biết anh ta có phải thật là người tốt không, cho nên mới thử nghiệm như vậy.

Trong kinh, Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, có nói rằng: Dầu vào lửa lớn, lửa chẳng đốt được. Về việc này, nếu quý vị không tin chút nào, thì Quán Thế Âm Bồ Tát cũng chẳng để ý đến những chuyện không đâu của quý vị. Quý vị muốn nhảy xuống biển tự tử, nói rằng: "Tôi nhảy vào trong biển lớn để xem có gặp chỗ cạn hay không?" Quý vị muốn thử nghiệm để xem thần thông diệu dụng của Quán Thế Âm Bồ Tát, điều đó chứng tỏ rằng quý vị không có lòng tin đối với Ngài. Nếu đối với Bồ-tát mà quý vị không có lòng tin, thì Ngài có thể cũng chẳng muốn để ý đến những việc không đâu của quý vị.

Quý vị ngụy biện: "Nếu không thử nghiệm, làm sao tôi biết được việc ấy là thật hay giả?" Quý vị biết việc ấy là thật, thì thế nào? Mà không biết việc ấy là thật, thì đã làm sao? Quý vị biết rồi, thì ngày ngày cũng vẫn phải ăn cơm, mặc quần áo, mới có thể sống được; thế thì quý vị cần gì phải làm thêm một việc thừa nữa?

Sự cảm ứng hiển lộ rõ ràng thì mọi người đều biết. Như nhà kế bên cháy mà nhà mình không cháy; đó không phải là hiển lộ rõ ràng sao? Ai nấy đều biết rõ: "A! Người ấy nhờ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát nên được sự cảm ứng đấy! Tin Phật thật là có sự mầu nhiệm." Ðó là sự cảm ứng hiển lộ.

Lại còn có sự cảm ứng bí mật nữa. Ví dụ đáng lẽ quý vị phải gặp tai nạn hoặc té xuống biển bị nước cuốn, nhưng trong vô hình, được sự cảm ứng từ Quán Thế Âm Bồ Tát, quý vị không phải gặp sự nguy hiểm ấy nữa. Trong thầm kín, Ngài làm cho tai nạn của quý vị tiêu mất đi, mà ngay cả quý vị cũng hoàn toàn không hay biết; đó gọi là sự cảm ứng bí mật.

Như có người đáng lẽ bị chết thiêu trong trận hỏa hoạn, nhưng nhờ người ấy tin tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài bèn âm thầm giải trừ tai nạn cho. Ðó cũng là sự cảm ứng bí mật.

Thậm chí quý vị đang ngồi trên phi cơ, lẽ ra phi cơ bị trục trặc - giao thông hiện nay tuy rất tiện lợi, song số người tử vong do phi cơ, xe lửa, xe taxi... gây ra cũng rất nhiều-nhưng quý vị nhờ tụng phẩm Phổ Môn, nhờ niệm chú Ðại Bi, nhờ tin tưởng ở Quán Thế Âm Bồ Tát, nên Ngài âm thầm, không để cho ai biết, lặng lẽ giúp quý vị "chuyển rủi thành may." Ðó gọi là "gặp hung hóa kiết, biến nguy thành an."

Nhân có sự quan hệ Hiển Mật cho nên nói Phẩm Phổ Môn. Phẩm này có Hiển Mật Viên thông-Hiển cũng viên thông mà Mật cũng viên thông; bởi Hiển Mật đều viên thông cả, nên công đức của Phẩm Phổ Môn là không thể nghĩ bàn.

Phẩm Phổ Môn có vô số diệu dụng, chú Ðại Bi cũng có những diệu dụng như thế. Bây giờ tôi kể một việc cảm ứng xảy ra ở quê tôi cho quý vị nghe.

Ở Ðông Bắc (Mãn Châu) quê tôi, có một người nông dân rất giàu có. Mùa thu năm ấy, ông chất nông phẩm lên xe đem ra chợ bán; bán xong mang tiền về nhà. Khi còn cách nhà độ ba dặm đường, bất ngờ gặp phải đám thổ phỉ chặn đường đánh cướp. Người nông dân này thấy phía trước có cướp thì hốt hoảng than thầm: "Phải làm sao đây? Chạy trốn ư?" Nhưng bọn thổ phỉ nhìn thấy rồi, muốn trốn cũng không được; nếu không trốn thoát thì nhất định phải bị cướp. Ngay lúc ấy, ông ta niệm chú Ðại Bi, và chiếc xe ngựa của ông ta cứ thẳng đường tiến tới trước.

Khi xe ông tiến gần đến chỗ bọn thổ phỉ, thì từ trong đám thổ phỉ có một người bước ra, đi đến trước xe và nói: "Ông đưa roi cho tôi để tôi đánh xe cho!"

Ông nghe lời, đưa roi đánh xe cho người kia. Xe ông đi ngang qua chỗ đám thổ phỉ mà bọn họ dường như không thấy không nghe gì cả, cho nên ông không bị cướp. Ðợi xe chạy tới chỗ bọn thổ phỉ không còn thấy được nữa, người đánh xe giùm ấy trả roi lại cho ông và nói: "Bây giờ ông hãy đi đi, không có việc gì nữa đâu."

Ông nông dân ấy vì nhìn thấy người đánh xe giúp mình vốn từ trong đám thổ phỉ đi ra, nên cứ đinh ninh anh ta cũng là thổ phỉ, mới nói: "Thưa tiên sinh, hôm nay nhờ tiên sinh cứu giúp mà tôi khỏi bị nạn cướp, dám hỏi quý danh tiên sinh là chi? Hiện ở đâu? Tương lai tôi sẽ đến quý phủ hầu bái tạ."

Người kia đáp: "Tôi tên là A Thệ Dựng."

Quý vị niệm chú Ðại Bi ắt đều biết rõ, trong chú Ðại Bi không phải có một vị Hộ pháp tên là A Thệ Dựng sao? Trong đồ hình, vị Hộ pháp ở phía sau vai có hai cánh, tên là A Thệ Dựng. Nhưng đương lúc ấy, người nông dân lại tự hỏi: "Ồ, A Thệ Dựng là ai vậy kìa?" Bấy giờ ông ta quên bẵng rằng "A Thệ Dựng" chính là một câu trong chú Ðại Bi và là tên của một vị Hộ pháp.

Tới chừng vị A Thệ Dựng ấy đi rồi, không còn nhìn thấy nữa, người nông dân mới sực nhớ ra: "À, đây không phải là vị Hộ pháp A Thệ Dựng trong chú Ðại Bi hay sao?" Song, khi ông nhớ ra thì tìm không thấy "A Thệ Dựng" nữa, chẳng biết là đã đi về đâu!

Trên đây là một trong những cảnh giới không thể nghĩ bàn của chú Ðại Bi. Nếu như người nông dân ấy nghĩ: "Ðể mình thử niệm chú Ðại Bi xem có linh nghiệm không," tất A Thệ Dựng sẽ không hiện thân đến cứu ông ta. Chính nhờ ông ta không có ý muốn thử nghiệm, mà chỉ một lòng tin tưởng: "Trì niệm chú Ðại Bi thì sẽ có thể gặp hung hóa kiết, đổi nguy thành an"; và quả nhiên ông ta được toại ý nguyện, không bị thổ phỉ cướp bóc.

7) Quyền Thật: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng sức của Pháp thân mà lặng lẽ, bí mật cứu giúp chúng sanh, ấy là "Thật." Ngài lại dùng ba mươi hai Ứng hóa thân để giáo hóa chúng sanh, ấy là "Quyền." "Quyền" là phương tiện quyền xảo, cũng là phương pháp tạm thời, không phải là vĩnh viễn. Lại vì Bồ Tát Quán Thế Âm dùng nhân duyên Quyền Thật này, nên mới nói Phẩm Phổ Môn.

8) Bản Tích: Sao gọi là "Bản?" "Bản" là căn bản, "Tích" là dấu tích. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một Pháp thân mà độ khắp tất cả chúng sanh; Pháp thân ấy chính là "Bản." Ngài lại dùng Ứng hóa thân để giáo hóa chúng sanh; các thân đó chính là "Tích."

Pháp thân của Bồ Tát Quán Thế Âm ví như vầng trăng sáng; còn "tích" của Ngài ví như bóng trăng soi trên ngàn sông nước. Ấy gọi là: "Nước đẫy ngàn sông ngàn ánh trăng." Chỉ có một vầng trăng sáng chiếu soi các dòng sông, mà tất cả những bóng trăng trong các dòng sông đều là từ bản thân của một mặt trăng duy nhất này huyễn hiện ra. Trăng trong nước chính là nước, là "tích;" còn mặt trăng trên trời chính là "bản."

Do nhân duyên Bản Tích mà nói Phẩm Phổ Môn.

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một Pháp thân mà thị hiện khắp trong tâm của tất cả chúng sanh, khiến cho họ đều cải quá tự tân, hồi tâm hướng thượng, lìa khổ được vui, rốt ráo thành Phật.

Giảng đến đây có người nói: "Hèn gì! Sở dĩ tôi không cải quá tự tân là vì Bồ Tát Quán Thế Âm không thị hiện ở tâm tôi, khiến tôi gây ra biết bao lỗi lầm, lại còn không chịu sửa đổi nữa."

Người nghiện thuốc lá thì nghĩ rằng: "Có lẽ là vì Bồ Tát Quán Thế Âm không gia bị tôi, không muốn giúp tôi cai thuốc."

Người thích uống rượu thì nói: "Tôi muốn học Phật pháp, nhưng đáng tiếc là tôi cai rượu không được. Ðó là lỗi của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì Ngài không chịu giúp đỡ tôi."

Họ nghĩ như thế rồi sanh lòng oán trách Bồ Tát Quán Thế Âm: "Bồ Tát Quán Thế Âm thật bất công! Tại sao Ngài giúp đỡ người ta mà không giúp đỡ tôi?"

Ðiều này thật là ngu lại càng ngu, thành ra hai cái ngu si chồng chất lên nhau. Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại không gia bị quý vị? Ðó là do quý vị không chịu nghe lời giáo hóa của Ngài đấy thôi. Quý vị nghe thấy danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải cải quá tự tân, phải thanh lọc đầu óc của mình đi. Ðồng thời, cần phải hiểu rằng:

Hiểu dĩ vãng là không kể đến,

Biết vị lai có thể truy tìm.

Mọi người đều phải biết rằng việc quá khứ thì đã qua rồi, kể như xong; còn tương lai thì sắp đến, chúng ta có thể sửa đổi để đi theo con đường chân thiện. Nhưng quý vị rõ biết mà cố phạm thì tội ấy càng chồng chất thêm. Vì thế, oán trách Bồ Tát Quán Thế Âm không bảo hộ quý vị là một điều quá lầm lạc! Bồ Tát Quán Thế Âm lúc nào cũng muốn bảo hộ quý vị, nhưng tiếc thay, cửa lòng quý vị đóng chặt, không để cho Ngài tiến vào. Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ có nước thở dài: "Ôi! Chúng sanh này thật là đáng thương biết bao!" Vì thế quý vị không nên trách Bồ Tát Quán Thế Âm, mà phải tự trách mình đã thiếu nhiệt tâm.

9) Duyên Liễu: "Duyên" là duyên nhân, "Liễu" là liễu nhân. Sao gọi là "Liễu nhân?" Ấy là cái nhân này đã kết liễu, đã dứt hết. Cũng có thể nói "liễu nhân" tức là hiểu rõ nguyên nhân.

Trong khóa tu học mùa hè năm nay (1968), mọi người đều thức dậy rất sớm và tận dụng từng giây từng phút để học Phật-pháp. Những người ở xa thì thức dậy từ lúc bốn giờ khuya để có thể đến đây tham Thiền và nghiên cứu kinh điển. Có những người đang theo học Cử nhân, Tiến sĩ tại trường Ðại học Washington ở Seattle, cũng đến tham gia khóa tu học này. Ðiều đó chứng tỏ rằng họ đã nhận thức được tầm quan trọng của Phật-pháp. Tại sao họ từ những nơi quá xa xôi như vậy mà chịu khó đến tận đây (San Francisco) để tham Thiền, học tập kinh tạng, nghiên cứu Phật-pháp? Chính là vì họ muốn "liễu" cái "nhân" ấy. Nghe kinh chính là chủng tử của "liễu nhân;" quý vị có nhân duyên nghe kinh, đó là "duyên" của nhân. Vậy, vì nhân duyên Duyên Liễu nên nói Phẩm Phổ Môn này.

10) Trí Ðoạn: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng trí huệ, trí đức trang nghiêm của Ngài để giáo hóa chúng sanh, quả vị của Ngài là trang nghiêm trí huệ.

"Trí" là Trí đức của Huệ, tức là đức hạnh của trí. "Ðoạn" là Ðoạn đức, tức là đoạn trừ, cắt đứt tất cả vô minh. Ðoạn đức còn được gọi là Phước đức. Nhân vì Ngài đoạn trừ được vô minh, nên có được phước đức trang nghiêm chân chánh.

Ðức Phật thì đầy đủ cả phước lẫn huệ; Bồ Tát Quán Thế Âm mặc dù là Bồ-tát, nhưng Ngài có phước đức trang nghiêm và cũng có huệ đức trang nghiêm. Cho nên, "Trí huệ" cũng gọi là "Phước huệ."

Trên đây là mười nhân duyên nói phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, phẩm thứ hai mươi lăm của bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Mười Nhân Duyên Nói Phẩm Phổ Môn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com