Tôi là một Phật tử nên Phật giáo với tôi rất quan trọng. Tôi cũng là một thầy thuốc nên giáo dục và y tế là hai lĩnh vực tôi rất quan tâm. Có thể nói Phật giáo như hơi thở còn y tế và giáo dục như hai cánh tay. Nhìn thực trạng y tế và giáo dục ở quê nhà, tôi cũng như bao nhiêu người dân Việt Nam khác không khỏi đau lòng. Có lẽ đó là những chuyện vĩ mô, tôi không vướng tới được nên chỉ làm những chuyện trong tầm tay của mình bằng cách cố gắng giáo dục các cháu, khám chữa bệnh, hướng dẫn cho tăng ni Phật tử bạn bè người thân có duyên tìm đến với tôi.
Từ ngày biết được Phật pháp cũng như tìm hiểu và tu tập, tôi luôn thắc mắc vì sao không có ngôi chùa hay chương trình nào thật sự có một mô hình tuyệt vời cho trẻ con. Trong lúc dạy hai cháu nhỏ học hành, tôi cũng cố gắng gieo một chút Phật pháp nhưng thật sự bế tắt không biết gởi các cháu đến chùa nào để có một chương trình giáo dục, những khóa giáo lý căn bản phù hợp nên các cháu chỉ biết ở nhà.
Nhìn xung quanh, tôi thấy ở chùa đa phần phục vụ cho những người lớn tuổi, có hoặc không có hiểu biết về Phật pháp, các chương trình tu tập, làm từ thiện, phát quà, nấu cơm cho bệnh viện rầm rộ, hay là cúng tụng, trai đàn, chú nguyện, phóng sanh, chẩn tế, cầu an cầu siêu, các nghi lễ siêu độ âm dương, tang lễ, động thổ, giờ là lễ cưới hay hằng thuận. Đó cũng là tùy duyên, tùy chúng sanh nương nhờ đến cửa chùa. Dần dần, có lẽ người ta sa vào tệ nạn, vào sự mê tín dị đoan, vào sự trông chờ cầu cúng ơn trên ban phước giáng họa, sợ những phần tâm linh, cõi âm quấy phiền hơn thật sự tự sống bình yên làm điều thiện lành theo lời Phật dạy ở ngay cõi dương gian này,
Trong hàng sa số những dịch vụ nghi lễ có thể xem là phát triển rầm rộ hiện nay, có chỗ nào thật sự dành cho các em nhỏ hay giáo dục các em. Cũng có các chùa có gia đình Phật tử nhưng chỉ là những buổi sinh hoạt, cắm trại, tổ chức văn nghệ ca nhạc vào các dịp lễ nhưng không phải em nào cũng có thể thật sự hiểu Phật pháp hay học tập đúng từ Phật pháp trong môi trường này. Cũng có một số chùa tổ chức khóa tu mùa hè, khóa tu một ngày an lạc, khóa tu sinh viên, tặng tranh truyện nhưng đó chỉ là tức thời với số lượng ít, dù có vẫn hơn không. Nếu thế hệ trẻ không được giáo dục về Phật giáo từ nhỏ làm thế nào các em lớn lên có sự hiểu biết đúng đắn về Phật giáo.
Tôi luôn ao ước có một môi trường, một đạo tràng hay một ngôi chùa thật sự dành cho các em nhỏ, cho tuổi trẻ là chính, vừa kết hợp cả truyền thống và hiện đại để các em cảm nhận đó thật sự là một nơi hạnh phúc, an lạc, tự mình tìm hiểu và ham thích đến chùa. Ở đây, các em còn được giáo dục các kỹ năng mềm ngoài việc học tập, đạo đức, lối sống và mở rộng ra với thế giới bên ngoài một cách tự tin. Đi đến đâu, gặp vị tăng ni nào tôi cũng đều thưa thỉnh ước nguyện ấy. Ai cũng hiểu, ai cũng trầm ngâm nhưng đều không thể thực hiện được vì chưa đủ duyên, vì quá khó, hay vì thiếu người tâm huyết để làm. Thôi thì tôi đành đưa ra một ngôi đạo tràng trong mơ mong nguyện với những phát thảo như sau.
Ngôi chùa này sẽ rộng ít nhất một hecta và ở nơi thôn quê, cách những con đường lớn để tránh đông đúc, phức tạp, tai nạn, ồn ào, các khu chợ búa buôn bán sầm uất nhưng cũng không phải quá xa xôi hẻo lánh khó vào. Trụ trì của chùa là một vị tăng hay ni có trình độ hiểu biết không chỉ với Phật pháp mà với cuộc sống, còn trẻ để dễ gần gũi với các em, ít nhất là tốt nghiệp trung học hoặc có bằng đại học càng tốt, như vậy mới có thể tiếp cận với những kỹ thuật khoa học hoặc cập nhật công nghệ để giáo dục các em. Vị trụ trì phải là một người chăm chỉ, siêng tu siêng làm việc, có lòng thương yêu các em, không quản ngại bất cứ công việc gì, đặc biệt là lao động sản xuất trồng trọt, chăm sóc cây cối. Đặc biệt, vị trụ trì phải có đạo hạnh
Ngôi chùa sẽ không xây dựng rộng lớn, đồ sộ, vĩ đại, đủ thứ tượng tháp tốn kém tiền của cũng như thời gian sức lực bảo quản. Hệ thống ở chùa sẽ sử dụng năng lượng sạch, tiêu chí chùa xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa, ý thức giảm thiểu tiêu dùng sẽ được nâng cao. Chùa xây bằng bê tông chắc chắn tránh gió mưa nhưng phải đảm bảo các tiêu chí về ánh sáng thông thoáng, đầy đủ nắng và không khí trong lành.
Chùa không dùng những cột kèo bằng gỗ quý ngàn năm để tránh phá hoại môi trường. Các loại vật liệu bằng gỗ ở chùa cũng phải được hạn chế đến mức tối đa và không sử dụng những loại bàn ghế đục đẽo đồ sộ khó dọn dẹp, khó di chuyển, dễ gây tai nạn khi trẻ con thường vào chùa. Rừng hiện nay đã bị tàn phá quá nhiều nên chùa không thể làm cho rừng bị thiệt hại thêm. Chánh điện rộng thoáng, không cột kèo, không sơn son thiếp vàng, bài trí rườm rà, chỉ thờ một tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, tránh quá nhiều tượng khác choáng không gian và công sức lau dọn. Các ô chắn gió hay thông thoáng gió phải chọn lựa để việc lau dọn dễ dàng, tránh bụi bám quá nhiều khó giữ gìn. Nếu nhiệt độ quá nóng cũng có thể chắn lắp máy lạnh trong các buổi lễ hay tu tập, bảo đảm sức khỏe cho mọi người.
Nền chùa lót đá, không lót gỗ, để dễ lau dọn bảo quản. Nếu ở khu vực dễ trợn trợt như thang cấp hay cầu thang, nên dùng đá không quá nóng tích nhiệt nhưng đảm bảo đủ độ nhám tránh trơn trợt, dễ đi. Sân chùa lót gạch nhưng không quá lớn, có nơi trồng cây che bóng mát. Chùa phải có cây cối được thiết kế bao phủ ngập trong không gian mát xanh. Dưới các tàng cây là những ghế đá hoặc những bộ bàn ghế sáng tạo bằng các loại cây trồng thông dụng như tre mít, nhiều sắc màu hình dáng trẻ em yêu thích. Các bộ bàn ghế sạch sẽ, được xử lý không mối mọt mục nát dễ dàng theo thời tiết có thể giúp cho các em vừa vui chơi, vừa đọc sách, vừa thư giản hay nghỉ ngơi.
Bên ngoài chùa chỉ thờ một tượng Phật Quán Thế Âm lộ thiên vì gần gũi với văn hóa dân tộc và trẻ em cũng yêu thích tượng mẹ Quán Thế Âm. Tượng Phật Quán Thế Âm cũng mang đến cho các em cảm giác yên bình với tình yêu thương bao la trìu mến của mẹ, hình ảnh những cô tiên trong truyện cổ tích ấm áp hiện về.
Trai đường, nhà bếp và nhà vệ sinh của chùa phải được đầu tư đảm bảo sự thông thoáng và sạch. Ở các chùa đa phần tôi thấy chánh điện hay các khu tượng tháp được đầu tư bài trí rất tỉ mỉ, công phu, tốn kém vô cùng như nhà bếp và nhà vệ sinh lại rất sơ sài, mất vệ sinh. Bệnh tật ngoài do bên ngoài cũng từ vấn đề vệ sinh và ăn uống gây nên. Nếu hai khu vực này không được đầu tư chu đáo sẽ gây mất mỹ quan, tạo mùi hôi thối khó chịu. Biết bao nhiêu loại vi trùng, mầm mống gây bệnh cũng từ hai nơi này. Chi phí chữa bệnh quá tốn kém nên để tránh phát sinh trong khả năng có thể, hai khu vực này cần phải được đầu tư phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu nơi ở không thông thoáng, khu vực vệ sinh quá dơ bẩn, đồ ăn thức uống không sạch, không an toàn, chi phí bệnh một năm gây ra là lớn vô cùng so với việc đầu tư cho những nơi đây.
Tất cả vật dụng nhà bếp sẽ sử dụng thép không rỉ, bằng nhôm.Khu trữ thực phẩm của chùa cũng sẽ có tủ đông bằng thép không rỉ sạch sẽ. Bếp nấu ăn sẽ được lót đá để dễ lau chùi, không bị đóng bụi dơ bẩn về lau dài. Nền bếp phải được lót đá cứng, chịu nhiệt, không trơn trợt, không hư vỡ nếu rơi rớt đồ. Tất cả điện phải được âm tường và các ổ cắm điện, khu vực sử dụng điện phải được bảo quản, tránh dễ tiếp xúc với nước hay dễ hỏng hóc, an toàn điện phải được nâng lên. Bếp sẽ nấu ăn bằng điện hay ga để tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tốt nhất là bằng điện từ năng lượng sạch từ chùa tạo ra.
Khu vực sơ chế đồ ăn sẽ trên bàn làm bằng inoc hay bằng đá, tránh chế biến đồ ăn ngồi đất nếu không cần thiết bảo đảm an toàn thực phẩm. Bồn rửa chén cũng phải là vật liệu thép không rỉ, inoc tốt nhất cùng với ống thông chứa nước đủ lớn không gây tắc nghẽn, hỏng hóc nếu nhiệt độ cao hay thắp hay với nước lạnh và nước sôi. Chén bát đũa muỗng bằng inoc không bị hư vỡ ẩm mục. Khu vực rửa chén và phơi chén phải hướng với ánh nắng mặt trời. Nhà bếp quá nóng nên cần thông thoáng, sạch sẽ, dễ chịu để những ai vào đây làm việc đều cảm thấy thoải mái, không ngột ngạt. Các cửa từ nhà bếp nhìn ra là cây xanh và hoa trái cũng dịu mát tâm người.
Bàn ăn ở trai đường hay nhà bếp cũng bằng inoc, bằng nhựa tốt lắp ghép, nhẹ, ghế cũng vậy. Như thế khi cần dọn dẹp thông thoáng, gọn sạch, xếp lại cũng dễ dàng. Nếu không cũng có thể ngồi dưới nền nhà sạch sẽ dùng cơm cũng không làm mất mỹ quan. Đồ dùng chén dĩa mọi thứ nên đồng kích cỡ phù hợp để dễ bảo quản và lau rửa, phơi nắng tẩy trùng khi cần. Nói chung ở cả chùa, nhà bếp hay trai đường cũng vậy, không bài trí hoặc chứa tủ bàn gì quá nhiều làm mất không gian thông thoáng. Những chất tẩy rửa và nước rửa chén, lau dọn sẽ thân thiện với môi trường, tránh xử dụng hóa chất độc hại gây bệnh tật, dị ứng.
Nhà vệ sinh, nhà tắm sẽ được đầu tư sạch sẽ, không cần sang trọng nhưng phải sử dụng vật liệu tốt, sứ tốt để đỡ bám dính, dễ chùi rửa, tránh hư hỏng thay đổi. Tường và nền sẽ lát gạch cứng chống bám dính, chống ẩm thấp, không trơn trợt, thông thoáng. Vì nơi đây thường hay bốc mùi, ẩm thấp nên sẽ luôn có những túi hạt, hương liệu từ cây cỏ, xác trà hay cà phê bỏ phía trong để hút ẩm, ngăn mùi. Bên ngoài là các loại hoa hay cây hương liệu có chất chống khuẩn cao.
Những khu vực còn lại như nhà ở của tăng ni hay nhà khách đơn giản, rộng thoáng, không bài trí. Người tu không có nhiều đồ dùng, áo quần, mỹ phẩm thời trang như người thường nên vấn đề phòng ngủ thông thoáng sạch không quá khó khăn. Nếu cần tủ chứa đồ hay áo quần sẽ là tủ âm tường như vậy sẽ không chiếm không gian căn phòng, nhìn vào đều thấy thoáng, mát, đầy ánh nắng. Vả lại, đây không phải là một ngôi chùa vĩ đại, xây dựng quá to rộng chiếm không gian, chỉ vừa đủ để tu tập, còn lại là để cảnh quan môi trường.
Chùa sẽ có một phòng y tế chứa thuốc men hay sơ cứu nếu khẩn cấp, bệnh tật xảy ra. Phòng y tế phải bảo đảm vệ sinh, an toàn. Giường nằm có thể được tẩy rửa, chống khuẩn dễ dàng tránh gây bệnh cho người tiếp theo. Định kỳ sẽ mời y bác sĩ đến khám bệnh cho cả chùa và người dân xung quanh. Nếu không người ở chùa hay người trực phòng y tế sẽ được chỉ dẫn, đào tạo kỹ năng y tế cơ bản để có thể phục vụ cho chùa.
Vậy ngôi chùa này khác với các ngôi chùa khác như thế nào nếu dành cho trẻ em. Trước tiên, ở đây sẽ có một thư viện chuyên dụng. Thư viện sẽ đủ rộng, được chia làm ba khu vực. Một khu vực để các em đọc sách, vẽ tranh, hay học bài yên tĩnh. Trang trí ở đây mát dịu nhiều sắc màu vui vẻ cùng những bức tranh của các em. Kệ sách tủ sách cũng giản đơn, dễ lau dọn, không gây nguy hiểm, tránh sử dụng kiếng hay thủy tinh để kê bàn, làm tủ, trẻ em hay nghịch dễ vỡ không an toàn. Thư viện sẽ có thật nhiều sách, không chỉ là sách về Phật pháp gần gũi với các em mà còn là những sách hay, truyện tranh, truyện cổ tích, nâng cao trí tuệ, hiểu biết về thế giới, thêm tình yêu thương gia đình, yêu cuộc sống, khơi gợi tính tìm hiểu, sáng tạo.
Phòng thứ hai là lớp học cũng là phòng nghe nhìn, có lắp ráp máy chiếu. Lớp học sẽ được dùng để dạy giáo lý mỗi tuần một lần. Thêm vào đó cũng sẽ có lớp học tiếng Anh một tuần một hay hai buổi nếu có thể. Nếu chưa có điều kiện vẫn có thể chứa nhiều video, các chương trình tiếng Anh, chương trình khoa học cuộc sống, kể cả phim hoạt hình, khám phá bằng tiếng Anh mở lên để các em có thể vừa nghe vừa nâng cao kiến thức và khả năng tiếng Anh. Ở đây không chỉ dành để dạy giáo lý, dạy tiếng Anh mà còn dạy các kỹ năng khác trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải, chăm sóc trồng cây, chăm sóc sức khỏe, tự lập, kỹ năng quản lý đội nhóm.
Phòng thứ ba là một phòng trống để các em cần sinh hoạt, nói chuyện, tự quản lý, tập dợt chương trình, múa hát,vui chơi, thảo luận mà không làm ồn ào mất trật tự với các bạn ở phòng đọc sách hay phòng nghe nhìn. Thư viện sẽ do Phật tử công quả chăm sóc, quản lý để các em dễ gần gũi. Nếu có điều kiện và nếu số lượng các em đông sẽ có những chương trình tọa đàm, mời những vị thầy, những chuyên gia về các lĩnh vực nào đó để đến trò chuyện, chơi đùa với các em.
Đó là các phòng chuyên dụng đơn giản. Chùa theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Ở chùa hạn chế đốt nhang và chỉ đốt nhang hương liệu thân thiện. Chùa tuyệt đối không đốt vàng mã và không có nơi để đốt vàng mã ở các nhà cửu huyền cúng bái linh đình. Chùa chủ yếu cho giới trẻ nên những nghi lễ cúng bái, trai đàn, nói chung các nghi lễ thông thường sẽ khuyến khích đến nơi khác.
Chùa sẽ lắp các tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng năng lượng sạch, lắp hệ thống sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Khắp chùa là các thùng rác phân loại tái sử dụng và hạn chế việc sử dụng đồ nhựa, đồ dùng một làn ở chùa như hộp giấy đựng cơm, ly tách nhựa. Các em và mọi người đến chùa sẽ được giáo dục phân loại rác thải như thế nào cũng như những bảng hướng dẫn treo khắp nơi gần các thùng rác. Chùa sẽ khuyến khích các em nên sử dụng ly riêng của mình tránh sự dụng chung với mọi người gây bệnh.
Hệ thống nước ở chùa sẽ được xử lý trở lại để tẩy bớt chất độc, kim loại nặng, xử lý mùi để có thể uống và sử dụng nấu ăn an toàn. Nếu chùa ở thôn quê sẽ đào giếng khoan sử dụng an toàn, tiết kiệm. Nếu gần sông ngòi sẽ dùng nước sông nhưng qua xử lý để tưới cây cỏ. Nếu gần nơi có gió vẫn có thể lắp đặt quạt gió tạo điện hay hướng đến nơi thông thoáng cho chùa.
Điểm đặc biệt ở chùa là hệ thống trồng rau quả sạch tự cung tự cấp và trồng hoa. Do không gian xây dựng ở chùa sẽ được hạn chế tối đa, chùa sẽ như nằm giữa một vườn cây và rau xanh mướt. Tổng thể sẽ được bài trí, phân bố hợp lý, nơi nào trồng rau, nơi nào trồng cây ăn quả, trồng cây lâu năm và trồng hoa. Rau sẽ được trồng thiết kế trong nhà lưới và nhà kính theo kỹ thuật hiện đại, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, tất cả đều là sản phẩm sạch. Hệ thống tưới tiêu phun nước sẽ được gắn tự động theo lịch trình.
Khu vực trồng cây ăn quả cũng phải được thiết kế hài hòa, cây nào có thể trồng riêng hoặc trồng chung với những loại rau có thể bò lan làm mát đất. Việc trồng cây cũng sẽ nghiên cứu theo kỹ thuật hiện đại để vừa có sản phẩm sạch tốt, vừa có tính lâu dài không tổn hại các loài vật khác. Hoa không thể thiếu ở chùa. Cũng như trồng rau quả, chùa cần có nơi để trồng hoa, trồng trong nhà kính để có hoa cúng Phật, làm đẹp cho chùa, trừ những loại hoa với cây thân lớn. Như vậy chùa sẽ có các loại rau quả sạch sử dụng an toàn, hoa để cúng Phật, không tốn kém, lại tạo thêm cảnh quang xanh. Những khu vực trồng trọt phải được phân chia rõ ràng, ngăn nắp, có lối đi, không trồng trọt tràn lan, thiếu quy hoạch, gây mất mỹ quan cho chùa.
Chùa cũng trồng những loại cây đặc trưng ở chùa như cây bồ đề, hoa sa la, hoa ngọc lan. Điểm xuyết là một vài cây bàng hay cây phượng vĩ tuổi học trò để mỗi mùa hè rực đỏ giúp các em đến chùa cũng thêm chút mộng mơ. Trên những tán cây sẽ là những câu Phật pháp bổ ích khắc treo nghệ thuật để mọi người tham quan hay các em có thời gian đứng đọc chiêm nghiệm nhắc mình. Chùa cũng có một mảnh đất nhỏ để trồng các loại cây thuốc thông dụng, các loại thảo dược diệt khuẩn, tạo mùi hương, chống bệnh mọi người đều biết để khi hữu sự có thể dùng.
Chùa sẽ có một ao lớn để trồng súng và sen. Nói đến chùa là nói đến sen. Trên ao sen lớn sẽ có một nhà tĩnh tâm nhỏ với chiếc cầu bắt hai bên làm bằng tre trúc. Hồ nước cũng để giúp điều tiết không khí mát cho chùa và cũng để thoát nước khi cần, cũng có thể giúp lọc bớt nước bẩn, giữ nước tưới tiêu. Hồ sen cũng là nơi để các Phật tử hay các em được giáo dục về bảo vệ động thực vật cũng có thể đến phóng sanh cá. Sen ra hoa được dùng cúng Phật, hạt lá đều có thể dùng. Nhà tĩnh tâm trên hồ sen để có một chút cảnh quan cho khách. Ao không quá sâu vì tránh xảy ra tai nạn, chết đuối cho trẻ em.
Ngoài ra, ở đây cũng có những mảnh đất hay nhà lưới riêng để các em tự trồng trọt, tự chăm bón nghiên cứu những loại cây trồng nào các em thích. Các em đăng ký sẽ được nhận một ô đất riêng. Đó cũng là một phần trong mô hình STEM giáo dục. Khi các em được học thực nghiệm, được tự chính mình thực hành không phải vì điểm phẩy, vì bắt buộc, các em sẽ cố gắng hết mình để chăm bón vun trồng cùng bạn bè khi được người lớn khuyến khích, không bị rầy la.
Các em ở trường chỉ suốt ngày biết học, chương trình quá nặng nề, không có thời gian vui chơi nên làm gì có thời gian trồng trọt nếu nhà có đất trống. Nhiều em nhà thành phố không hề biết đến các loại vật nuôi cây trồng trên sách vở. Do đó ở đây, các em được khuyến khích tìm hiểu, trồng những loại hoa quả nào em đang nghiên cứu, thử nghiệm, có sự hướng dẫn. Đó cũng là giáo dục cho các em biết yêu quý thiên nhiên, yêu quý cuộc sống, ham thích đến chùa để chăm sóc cây, kéo các em ra khỏi tivi, máy tính, game, phim ảnh hoặc bốn bức tường ở nhà.
Dần dần, khi có sự hiểu biết, chính các em sẽ tìm hiểu và tìm sang các cây trồng khác ở chùa để chăm sóc, yêu thương. Các em sẽ trông đợi cây lớn, cùng thu hoạch và sẽ cùng nhau nấu ăn, khoe thành quả ở chùa hoặc mang về khoe cha mẹ đều được. Gần gũi với thiên nhiên cây trồng cũng làm cho tâm hồn trẻ thở của em được nuôi dưỡng đầy đủ, thêm yêu thương hơn. Chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ vui vẻ và yên tâm hơn rất nhiều khi để con ở chùa chăm sóc trồng cây, học tập, gần thầy tốt bạn lành khi cha mẹ quá bận rộn không thể tạo nên những môi trường phù hợp cho các con yêu.
Có lẽ mọi người sẽ bảo thật vĩ mô, hoặc khó có thể thực hiện được, nào vấn đề kinh phí hay người đủ tâm đủ tầm quản lý, thực hiện. Tôi không nghĩ là khó, chỉ là có ai đủ tâm nguyện thương yêu các em để làm. Vậy nếu như không thể có kinh phí, không đủ nhân lực để làm, không có nhiều Phật tử trợ giúp thì sẽ như thế nào? Cũng không có gì khó khăn, chỉ là cần đất đủ rộng và một vị tăng ni trẻ đạo hạnh, có kiến thức, dám chịu khó chịu làm. Vị ấy có thể cất một am thất nhỏ bằng vật liệu lắp ghép không tốn kém.
Bên ngoài cũng sẽ là một phòng thư viện bằng vật liệu lắp ghép giản đơn, thoáng mát. Vị ấy sẽ đóng một ít bàn ghế kệ để sách cho các em, hoặc có thể mua các tủ để sách bằng nhựa rất phổ biến, hoặc có thể xin Phật tử cúng dường. Sách cũng sẽ không khó để xin tài trợ từ khắp nơi và các phụ huynh sẽ không ngại phiền để mua tặng một ít cho chùa.
Còn lại vấn đề canh tác, trồng trọt, vị ấy sẽ vẫn áp dụng kỹ thuật hiện đại như trên và tạo không gian xanh cho các em trồng trọt thực hành. Thư viện chỉ cần một hai Phật tử có tâm giúp quản lý, hoặc đơn giản chỉ là một nơi đọc sách vui chơi miễn phí cho các em. Nếu chùa có hoa quả hái tặng các em hay Phật tử có duyên sử dụng làm quà đều rất vui. Việc còn lại là giáo dục và hướng dẫn các em trong khả năng có thể trong vấn đề tiết kiệm, trồng trọt, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cũng như giáo lý cơ bản của Phật giáo.
Nếu ngôi chùa dù chẳng có chánh điện, không có công trình gì kỳ vĩ nhưng là một nơi giáo dục, một vườn cây đầy quả, vườn hoa đủ sắc màu với những loại rau quả sạch canh tác hiện đại, không chỉ các em nhỏ yêu thích muốn đến mà cả người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng mong con mình được đến những nơi này tận hưởng vui chơi. Muốn như vậy vị trụ trì phải thật sự có tâm, dành thời gian ở chùa, không nghĩ đến lợi danh chức quyền, chùa lớn Phật to, mở rộng bề thế phô trương, suốt ngày chỉ lo cúng tụng làm vừa lòng Phật tử, đi Phật sự khắp nơi, hiếm bao giờ ở chùa, chắc chắn mô hình chùa để tu tập và giáo dục cho mọi người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.
Tôi đang mơ về một nơi xa như vậy. Nhiều người sẽ cười tôi vì xa rời thực tế, không hiểu được tình hình ở Việt Nam hay mô hình ấy chỉ áp dụng ở nước ngoài. Tôi cũng không biết nhưng tôi nghĩ đó không có gì là khó để thực hiện, cũng không tốn kém quá nhiều. Tại sao các ngôi chùa hàng trăm hàng ngàn tỷ vẫn được dựng lên nhưng ngôi am thất nhỏ bé không cần tượng to Phật lớn, chỉ cần không gian giáo dục và một thư viện để các em học tập lại không thể hình thành. Nếu thế hệ trẻ không được giáo dục thì tương lai Phật giáo sẽ đi về đâu?
Tôi mơ và tôi cứ mơ. Thà mơ về những điều thiện nguyện, có giá trị lớn lao, không tổn hao lãng phí, mang lại lợi ích an lạc sao tôi lại không dám mơ nhỉ? Tôi mong ước các ngôi chùa dù ở thành thị hay nông thôn, khi xây cất, hãy nên có một thư viện nhỏ, không phải chỉ toàn chứa kinh sách cho tăng ni người lớn mà một phòng nhỏ để các em có nơi đến đọc sách, vui chơi. Các em như bị bỏ rơi ở chùa khi được cha mẹ đưa đến vì không biết sẽ phải làm gì, thật đáng thương và tội nghiệp vô cùng. Cả một thế hệ trẻ không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ về đạo lý Phật đà trong khi cả thế giới bên ngoài đang quay về với tâm linh của người Á Châu.
Nguyện cầu chư Phật sẽ gia hộ để có nhiều vị tăng ni đủ tài đức, đủ hạnh nguyện, đủ đạo hạnh, năng động nhiệt thành dấn thân vào phật sự này. Cầu mong tương lai sẽ có thật nhiều, thật nhiều ngôi chùa chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ, những sen búp và mầm non của Phật pháp tương lai. Cầu mong khắp các chùa chiền sẽ toàn tiếng vui cười dễ thương của trẻ con trong màu áo lam áo hồng tung tăng nô đức đến chùa như một mái nhà an bình xa rời giông bão ở ngoài kia.
Nhất tâm tôi xin cầu nguyện
Ngọc Hằng