Khi những hạt nắng hạ yếu dần, cái oi bức của mùa hè không còn nữa, thay vào đó là sự mát dịu của đất trời. Ðâu đây một vài chiếc lá vàng rơi, tất cả như báo hiệu mùa thu đã trở về.

Mùa thu trở về với sự êm dịu của nó khiến cho mỗi người con Phật chúng ta đều nhớ đến ngày lễ quan trọng trong năm, ngày Rằm tháng bảy – Lễ Vu Lan báo ân cha mẹ. Ðây là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo mà ngày nay được phổ cập trong quần chúng và được xem như ngày lễ về Mẹ của dân tộc Việt Nam.

Lễ Vu Lan đối với người con Phật là ngày tưởng nhớ đến công ơn sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Ðây cũng là ngày biểu hiện sự hiếu hạnh, ngày hội của những người con hiếu.

Mỗi khi nhắc đến hai chữ Vu Lan là chúng ta liên tưởng đến sự tích ngài Mục Kiền Liên vào ngục cứu thân mẫu. Hay nói đến những tấm gương hiếu hạnh, chúng ta lại nhắc đến ngài Diệu Thiện dùng mắt của mình chữa bệnh cho Vua cha, ngài Xá Lợi Phất trước khi viên tịch còn thuyết pháp độ mẫu thân, khiến cho mẹ Ngài dứt bỏ phàm tâm đạt được thánh quả. Những taám gương đại hiếu ấy vẫn luôn sáng chói để mỗi người chúng ta soi rọi lại chính mình và thực hiện theo hạnh nguyện cao cả ấy.

Thông thường khi nói đến lễ Vu lan, chúng ta chỉ nói đến việc những người con báo hiếu chứ chưa tô đậm công ơn sâu dày của cha mẹ. Ðặc biệt trong dòng sử Phật, có những người mẹ, ngoài cái ơn sinh thành còn có công lao rất lớn trong việc tác thành đạo nghiệp của con, un đúc cho con thành những bậc “Phật pháp đống lương” và hi sinh tất cả để cho con hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng “thiệu long Thánh chủng”. Những người mẹ này đã tạo nên những huyền thoại diệu kỳ, bất tử trong dòng sử hoằng truyền Phật pháp.

Chúng ta ai cũng biết, ngài Cưu Ma La Thập là một nhà phiên dịch tài ba đời Diêu Tần tại Trung Hoa. Ngài có công rất lớn trong việc phiên dịch kinh điển từ Phạn ngữ sang Hán ngữ và làm cho Phật giáo Trung Hoa một thời hưng thịnh. Nhưng mấy ai biết được ! Người un đúc nên thiên tài ấy chính là thân mẫu của Ngài. Mẹ Ngài là công chúa nước Quy Tư và cha Ngài là người Thiên Trúc. Sau khi sanh Ngài một thời gian thì bà mẹ xuất gia tu hành, chứng Thánh quả. Năm lên bảy tuổi, La Thập theo mẹ xuất gia. Vì muốn con mình trở thành Pháp khí trong nhà Phật nên bà đã không quản ngại dẫn Ngài đi tham học hết các chốn Tòng lâm. Nghe nơi đâu có bậc đạo sư diễn giải giáo nghĩa Ðại thừa thì bà lieàn đưa Ngài đến để theo học. Vì thế mà ngài La Thập đọc thông hết tất cả sách vở, am hiểu giáo nghĩa Ðại thừa và được người đời lúc bấy giờ gọi là Ðồng Thọ, nghĩa là đứa trẻ có trí tuệ của bậc Thánh. Như vậy, tác nhÂn thành tựu đạo nghiệp của Ngài ngoài cái trí tuệ bẩm sinh còn có công lao giáo dưỡng rất lớn của người mẹ hiền.

Một người mẹ khả kính nữa mà chúng ta hằng luôn nhớ đến, đó là thân mẫu của Lục tổ Huệ Năng. Ðọc Pháp Bảo Ðàn Kinh, chúng ta biết gia cảnh của ngài Huệ Năng rất đơn chiếc. Nhà chỉ có một mẹ một con và đời sống kinh tế chỉ trông chờ vào gánh củi của Huệ Năng. Thế mà sau khi nghe một câu kinh Kim Cang thì Ngài quyết chí xuất gia. Ðược một thiện hữu giúp cho mười lạng bạc, Ngài đem về an trí mẹ già và ra đi học Ðạo. Từ đó, chúng ta không nghe nhắc đến số phận của mẹ Ngài. Chúng ta không ai biết được bà sống như thế nào ? Bà xoay xở ra sao trong những lúc ốm đau hay trái gió trở trời.

Ở đây, chúng ta thử đặt một câu hỏi : Liệu rằng trên thế gian này có được mấy người có tấm lòng cao cả như Lư mẫu. Nếu bà không ưng thuận thì Huệ Năng vẫn là anh tiều phu ở chân núi Lĩnh Nam mà thôi. Thế nhưng Lư mẫu lại chấp nhận tất cả để cho Huệ Năng lên đường tầm sư học Ðạo. Bà đã hi sinh một người con của mình để dâng hiến cho đời một bậc Ðại sĩ. Và chắc hẳn cho đến lúc lìa đời baø cũng không gặp mặt được người con yêu dấu. Ôi ! Có sự hi sinh nào cao cả hơn thế nữa ? Tấâm gương ấy mãi là một điểm son sáng chói trong dòng sử Phật.

Lại như mẹ của ngài Hám Sơn đã cống hiến cho Phật giáo một viên ngọc quý. Sự thành tựu của ngài Hám Sơn đều bắt nguồn từ sự giáo dục của mẹ Ngài. So ra bà chẳng khác gì mẹ của Mạnh Tử vậy.

Thuở thiếu thời, ngài Hám Sơn chỉ thích lêu lỏng cùng chúng bạn chứ không chịu học hành. Mẹ Ngài thấy thế bèn gởi Ngài sang theo học cùng một ông đồ bên kia sông và ở hẳn bên ấy. Vì nhớ mẹ, Ngài trở về thăm thì bị mẹ dùng roi đánh và lôi xuống thuyền, bắt phải trở qua sông. Khi Ngài qua đến bên kia sông thì mẹ Ngài đứng bên này khóc sướt mướt. Bà ngoại Ngài hỏi tại sao có sự mâu thuẫn như vậy thì mẹ Ngài trả lời : “Nó là con trai thì phải có ý chí và tự lập. Nếu nuông chiều thì nó sẽ hư hỏng, sau này giúp ích được gì cho đời”. Chính nhờ sự giáo dục này mà Ngài chú tâm học tập và chẳng bao lâu thông thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng, Mạnh. Cho đến khi Ngài xin xuất gia thì ban đầu bà không chịu. Ngài hỏi tại sao thì bà bảo : “Nếu con xuất gia tu hành chơn chánh thì cha mẹ còn hưởng phước. Bằng ngược lại thì cha mẹ càng thêm tổn phước”. Nghe vậy Ngài thưa rằng : “Trong đời này con quyết chí làm Phật làm Tổ mà thôi”. Và Ngài đã thực hiện lời hứa ấy một cách trọn vẹn.

Qua đó, chúng ta thấy phương pháp giáo dục của mẹ ngài Hám Sơn thật là tuyệt diệu. Ngay từ nhỏ đã dạy cho con sự tự lập và cầu tiến. Ðã không biết bao đêm bà khóc thầm vì thương nhớ con thơ, nhưng khi gặp mặt thì tỏ thái độ nghiêm khắc để con học tập. Bà quả thật có một nghị lực phi thường. Bà đã làm được điều mà không hẳn bà mẹ nào cũng làm được.

Trên đây chỉ đơn cử sơ lược một vài tấm gương hiền mẫu trong dòng sử Phật, họ đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Và những người con của họ đã báo hiếu ân đức ấy đúng như tinh thần của Phật giáo - nỗ lực tu tập, chứng đắc Thánh quả và hóa độ chúng sinh.

Xuyên suốt 25 thế kỷ truyền thừa, lịch sử Phật giáo đã ghi nhận không biết bao nhiêu tấm gương từ mẫu hi sinh như mẹ ngài La Thập, Huệ Năng, Hám Sơn, v.v... Và hiện tại cũng có những người mẹ già đang dõi theo bước đươøng tu học của những người con, trực tiếp hay gián tiếp giữ gìn đạo hạnh cho con, giúp con vực dậy niềm tin sau những lúc nản lòng. Và tương lai ắt hẳn sẽ không thiếu những bà mẹ như vậy. Hình ảnh người mẹ đã đi vào trang sử Phật và trở thành những huyền thoại bất tử. Sự hi sinh thầm lặng của họ như những cung đàn vô âm nhưng vẫn mãi ngàn sau vang vọng. Ôi ! Có ngôn từ nào để tán thán công đức cao dầy ấy. Ngôn ngữ trầm phù của thế gian làm sao diễn đạt được tiếng “Mẹ” thân yêu.

Mùa Vu Lan lại về, chúng ta nhắc lại tích truyện của những hiền mẫu và hiếu tử trong lịch sử Phật giáo không ngoài mục đích “ôn cố tri tân”. “Ôn cố” thì ta đã làm rồi, nhưng còn “Tri tân” thì chúng ta phải tính sao đây !?

Giải Nghiêm



Có phản hồi đến “Huyền Thoại Mẹ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com