Ở cái xóm nhỏ này, ai cũng biết bác Thanh, hoạ sĩ Đặng Bá Đức và tôi là ba người bạn vong niên, tuy mỗi người một nghề nghiệp, một cảnh nhà khác nhau, nhưng cả ba chúng tôi đều có điểm chung: cùng là Phật tử đã quy y giữ năm giới, không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá; thi thoảng ngồi lại với nhau uống chén trà đàm đạo hát hò cho vui vẻ cửa nhà. Đặc biệt đám trẻ rất mến yêu chúng tôi.

Người ta nói chơi ba người là bộ tam, xui lắm! Nhưng ba chúng tôi sống với nhau hoà thuận hơn ba mươi năm. Y nguyên như bát nước đầy, chưa hề chao chọng! Bác Thanh và tôi, quê quán ở đây; bác may mắn có được người vợ tuyệt vời, buôn bán giỏi giang, bác chỉ phụ giúp thôi nên có rất nhiều thời gian rảnh rỗi; trong xóm có việc hiếu hỷ, ma chay tương tế đều có sự đóng góp công sức của bác.

Còn tôi chỉ là anh thợ sửa xe đạp lấm lem dầu mỡ, suốt ngày bên cái quán cóc nhỏ hẹp, khách hàng hết phân nửa là những em học sinh thơ ngây nghịch ngợm. Đây là xóm nghèo, sửa xe đạp cho các em, có em không có tiền cũng phải giúp; thế rồi những khi vắng khách, tôi lại quay sang cái chọ đá, loay hoay với bút lông mực xạ, tranh thủ hoàn thành một tác phẩm thư hoạ trên đá, hay còn gọi cho oai theo kiểu các vị sành điệu ở Đà Nẵng là nghệ thuật thạch thư.

Một hôm, tình cờ tìm được một viên đá cuội có hình trái tim, tôi nhặt về rửa sạch, viết lên đá chữ tâm. Ôi! Viên đá đẹp lắm! Tâm hồn tôi bay Bảng, chợt thấy viên đá có hồn như rung lên nhịp đập, tim tôi rộn rã niềm vui. Tôi và đá cuội bắt đầu cuộc dạo chơi, tiếp xúc sâu sắc với cuộc sống nhiệm mầu. Một ngày mới khởi đầu: có ánh dương hồng chói loà buổi ban mai, có cỏ hoa thơm thoảng hương trong gió sớm, có bầy chim sẻ chuyền cành ca hát líu lo…

Viên đá thứ hai tôi nhặt được, có hình chiếc hài màu vàng rất đẹp! Phải viết câu gì vào đây cho có ý nghĩa? Trong lúc tôi đang cố lục tìm trong trí nhớ, bỗng đâu bác Thanh và hoạ sĩ Đức xuất hiện, thay vì câu chào, anh Đức cười nhìn bác Thanh và hát: Em đi qua chuyến đò. Ối a! Ông Thanh còn trẻ. Ông Thanh đâu có ngờ, ngày kia sông sẽ già… Em đi qua chốn này. Ối a! Sao em đành vội. Tôi xin làm đá cuội và… lăn theo gót hài (Biết đâu nguồn cội – Trịnh Công Sơn). Một câu hát có chế lời để trêu chọc bác Thanh, không ngờ lại cho tôi một ý tưởng hay. Tác phẩm thạch thư: chiếc hài đá hoàn thiện tuyệt trần với dòng chữ thư pháp chưa ráo mực. Cả ba chúng tôi cùng ngắm tác phẩm mới một cách say sưa và cùng vui cười hát lui hát tới dòng chữ trên chiếc hài đá ấy: Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.

Còn hoạ sĩ Đức là người gốc Huế, cha mẹ mất sớm, anh giao lại căn nhà từ đường cho người em trai, rồi ra thị xã này lập nghiệp từ lúc tuổi mới hai mươi tư.

Anh hoạ sĩ Phật tử này để râu tóc dài, dân nghệ sĩ mà! Trông bề ngoài dữ dằn nhưng khi trò chuyện với anh vài lần mới thấy anh rất hiền, vẫn còn độc thân vui tính, ngủ chùa nhiều hơn ngủ nhà; có lẽ vì còn nặng nợ cõi Ta bà, nên chưa thể xuất gia tầm sư học đạo. Anh là hoạ sĩ lang thang chuyên sống bằng nghề vẽ, ai kêu vẽ gì anh cũng đáp ứng được ngay; từ chân dung cho đến phong cảnh: vẽ Đức Phật, vẽ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma hoặc có những ngôi nhà theo kiểu cổ ở những vùng nông thôn còn giữ chút bản sắc văn hoá xưa, vẫn thích anh trang trí cái mốt cũ, có đôi hạc hai bên, thêm chút phong cảnh điểm tô ở bức tường gian thờ làm phông, chính là là chữ Phước màu đỏ, anh viết bằng chữ Nho khá to theo kiểu chữ thảo, làm mê mẩn những con người nông thôn chất phác. Vẽ một phông như vậy mất vài ba ngày, anh ở lại nhà người ta cơm nước ngủ nghỉ qua đêm, họ không phiền mà ngược lại rất muốn anh nán lại vài bữa nữa để được nghe tiếng đàn guitar réo rắt xao động cả tâm hồn. Âm nhạc của anh đem đến cho họ một cảm giác rất lạ không sao hiểu nổi khi nghe những bản độc tấu gồm nhạc Việt như Hoài cảm, Hạ trắng… và nhạc của Chopin, Beethoven… như Tristesse Chopin, Lettre à Élisé…, trên khuôn mặt họ hiện rõ một niềm vui.

Một cây đàn guitar có bao da hẳn hoi; một túi cọ, màu bột, sơn dầu; nếu đi độ năm ba ngày thì anh thêm ít áo quần. Tất cả nằm gọn trên chiếc xe cuộc cà tàng, anh đạp túc tắc trên con đường làng có bóng tre im mát, miệng huýt sáo vang bài ca anh yêu thích nhất: Rong chơi cuối trời quên lãng, mỗi câu hát đem lại cho anh cảm giác khoẻ khoắn yêu đời:

Ta đi rong chơi, bên bờ suối theo bầy nai, đi tìm quên cơn mê này… Xin một sáng trong mùa Xuân, trên cỏ êm ta ngồi hát. Hoa nở ngát. Ôi thần tiên! Ta ngồi yên mỉm môi cười.

Tôi hỏi anh, đây là bài hát của ai? Anh cười: “Những bài hát hay thường là những bài quên tên tác giả, có nhiều chỗ quên lời, ta tạm thời chế lời của mình vô đó, nếu không thì cứ là lá la… quê bỏ xừ”. Tôi đã rất nhiều lần nghe anh hát bài này bằng cái giọng Huế nam trầm (bass) của anh, bài này tôi cũng có biết, nghe đôi chỗ rất lạ, dù lời khác nhưng nghe cũng êm tai không đến nỗi gì, tôi và bác Thanh rất thích hai câu cuối mà anh chàng hoạ sĩ đã chế lời: Xin một sáng trong mùa Xuân, trên cỏ êm ta ngồi hát. Hoa nở ngát. Ôi thần tiên! Ta ngồi yên mỉm môi cười. Bác Thanh vỗ vai, khen anh khen một câu phổng mũi: Chú mi khá thiệt đó! Nghệ sĩ chỉ uống nước trà thôi! Không thuốc không rượu mà vẫn lấy được cảm hứng sáng tác những bức chân dung Đạt Ma Tổ sư, Đức Phật đản sinh. Mỗi lần làm lễ đài, khi cầm ngay chỗ hoa sen để nâng bức tượng Đức Phật lên, bác cũng phải ngắm nghía một lúc, cảm xúc dâng trào, buột miệng bắt chước chú mi hát một câu chế lời: “Con xin làm sen nhỏ. Và nâng đôi gót hài”.

Ở tỉnh này, không Phật tử nào là không biết bác Thanh, ông đã qua cái tuổi U70 rồi nhưng vẫn còn khoẻ, thường xuyên đến nhiều chùa để làm công quả. Lễ đài Phật đản của những chùa như Châu Quang, Ngọc Hà, đều có bàn tay ông đóng góp và chỉ huy con cháu cùng làm; có năm ông vào làm cả lễ đài chùa Sắc Tứ nữa.

Tượng Đức Phật Thích Ca đản sinh trên các lễ đài đa phần đều do hoạ sĩ Đặng Bá Đức vẽ cúng dàng. Anh đã vẽ rất nhiều chân dung Phật với cái tâm kính ngưỡng. Có lần cả ba chúng tôi đang ngắm bức tượng Phật đản sinh mà anh Đức vừa mới hoàn thành. Bác Thanh đố tôi và anh Đức: Đức Phật, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài muốn nói gì? Chúng tôi im lặng nghe bác giảng: Sau khi Đản sinh thì Ngài một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Có nghĩa là trên trời dưới đất không ai tôn quý bằng Ta”. Có phải Đức Phật hết sức tự cao ngã mạn? Tôi không phải là luật sư biện hộ cho Phật, nhưng Đức Phật đích thực là người xứng đáng được mang danh hiệu như vậy. Đây là bác nói theo sách Khai thị, tập II, của Hoà thượng Tuyên Hoá đó. Anh hoạ sĩ và tôi cúi đầu bái phục bá phụ.

Lại một mùa Phật đản nữa sắp về, giống như những năm trước, tôi đem tượng Đức Bản Sư Thích Ca đản sinh ra lau sạch, mua cờ xí đèn lồng trang hoàng ngoài ngõ. Tôi cảm thấy bùi ngùi, bất giác thở dài nhìn bức thư hoạ: Cát bụi – Chợt một chiều tóc trắng như vôi – Trịnh Công Sơn. Nhớ lại câu trêu chọc của hoạ sĩ: Ông Thanh đâu có ngờ. Ngày kia ông sẽ già. Bác Thanh đã ra đi ở tuổi bảy lăm vào mùa Đông năm ngoái, để lại cho chúng tôi muôn vàn tiếc thương! Và hoạ sĩ Đặng Bá Đức vẫn còn độc thân ở cái tuổi năm mươi lăm, cũng đã giã từ cái xóm nhỏ thân thương, trở về nguồn cội quê hương. Chỉ còn lại mình tôi nhớ nhung, hoài niệm, ngồi đây mà quán chiếu, nhớ hai người bạn vong niên như loài cỏ thảo xót xa, thương cảm đưa tiễn những đoá hoa úa tàn về nơi miên viễn. Tất cả rồi sẽ xa, chỉ còn lại tiếng cười khóc giữa cuộc đời, cõi tạm huyễn hoặc vô thường.

Tôi lặng yên ngắm nhìn bàn chân, gót hài Đức Phật bước trên đài sen. Kính cẩn chiêm bái Đức Từ Phụ đang mỉm cười và tôi cũng mỉm cười khẽ hát vừa đủ cho Ngài nghe câu hát trên chiếc hài bằng đá mà bác Thanh đã chế lời: Con xin làm sen nhỏ, và nâng đôi gót hài. Tôi tin chắc rằng hai người bạn vong niên của tôi, một ở phố Tây phương Cực lạc, một ở xứ Thần kinh cố đô Huế mộng mơ; nhân mùa Phật đản cũng cầu xin Ngài, kiếp sau xin được làm đoá sen hồng bé nhỏ, nâng đôi gót hài ngà ngọc Như Lai.

Lê Đàn



Có phản hồi đến “Con Xin Làm Sen Nhỏ Và Nâng Gót Hài”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com