VẤN: Con là một hành giả mới tu tập theo Tịnh Độ niệm Phật phát nguyện vãng sanh. Ngày ngày con đều cố gắng niệm Phật tu hành nhưng con có một số thắc mắc chưa hỏi ai. Khi niệm Phật con nên niệm bốn chữ hay sáu chữ là đúng? Con nên niệm thầm hay nên niệm ra tiếng? Con niệm tiếng Việt nhưng nếu những người khác ở các nước họ niệm bằng ngôn ngữ của họ vậy thì chư Phật và Bồ Tát làm thế nào để biết mà rước chúng con? Có bạn khuyên nên niệm tiếng Pali và tụng theo Hán Kinh là đúng nhất nhưng con không thể chú tâm và không hiểu Hán kinh, chỉ tụng theo Việt kinh như vậy có phải là sai ý chư Phật không? Nếu mệt con nằm niệm Phật như vậy có bất kính không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Niệm Phật nên niệm 4 chữ hay 6 chữ?

Tự thuở xuất gia năm 1960, được Đức Tôn sư giáo hóa dạy lễ bái niệm Phật, khi niệm, niệm như thế nầy: “Nam Mô A Di Đà Phật” chầm chậm lạy xuống ”Nam Mô A Di Đà Phật” chầm chậm đứng lên và tiếp tục niệm Phật lạy Phật!

Từ năm 1960, theo thời dụng biểu tu tại Tổ đình Linh Sơn, mỗi ngày vào lúc 18 giờ 30 trước khi tụng khóa lễ Tịnh Độ, Đức Tôn Sư dạy chư Tăng Ni ngồi thiền niệm Phật 30 phút, niệm: Nam ở vị trí trên trán - Mô ở vị trí giữa đôi mắt - A ở vị trí chớp mũi - Di ở vị trí miệng - Đà ở vị trí cổ họng - Phật ở vị trí chấn thủy - rồi nhẹ nhàng từ từ trở ngược lại và tiếp tục niệm như trước, đó gọi là thiền niệm Phật (trích Thiền tịnh song tu của HT Thích Giác Quang)

Ngày mùng 8 tháng 8, năm 1960 xuất phát từ thiện tâm của ĐĐ Thích Như Lỳ, đệ tử của Đức Pháp Chủ Khánh Anh xin Đức Tôn sư cho phép mở khóa “niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ”. Đại chúng luân phiên niệm danh hiệu Phật A Di Đà 24 giờ trên 24 giờ; niệm cho đến ngày 17 tháng 11 lễ vía Phật A Di Đà mãn khóa tu.

Kinh hành niệm Phật trong pháp Bá Nhựt Trì Danh theo kinh Bát Chu phẩm Nhất Hạnh Tam Muội: "…mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” – rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao !) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ kế tiếp….Theo phép niệm Phật thì dù đi kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ oai vệ như “voi chúa” trong mỗi tâm niệm người con Phật đang tham dự khóa tu (Phật Pháp Vấn đáp - HT Thích Giác Quang, ngày 12/9/2013)

Niệm 6 chữ hồng danh Phật

Với ba phương pháp niệm Phật trên, pháp nào cũng niệm đủ danh hiệu 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đó là thuở thiếu thời tu của Sư cũng như chư huynh đệ đồng tu cho đến hôm nay vẫn niệm đủ danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, tức là lúc nào cũng xin quy mạng (Nam Mô) về với Đức Phật A Di Đà. Niệm như vậy mới có khuôn thước, thiền vị, có sự tương tác, tương trợ thần lực nhà Phật gọi là niệm đủ niệm đúng pháp và có hiệu quả.

Các cao Tăng dạy niệm Phật,

Hiện nay có nhiều phương pháp tu niệm Phật Tịnh độ được hoằng truyền trên thế giới, các bậc Đạo sư có quyết tâm hướng dẫn cho tín đồ Phật tử của môn phái mình niệm Phật sao cho kết quả, như: Đức đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Việt Nam), Giám đốc Trường Liên Hải Phật Học (1948), Ngài luôn dạy đồ chúng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật và chính Ngài cũng niệm như thế (năm 1964 Sư cư trú một tịnh thất của vị Cư sĩ Ng...gần chùa Vạn Đức có học pháp tu niệm Phật với Hòa Thượng), chỉ một đôi khi thăng đường Ngài dạy niệm A Mi Đà Phật, hay A Di Đà Phật dành cho Phật tử tu hành tiện lợi mà thôi.

Đây là bài kệ của Đại lão Hòa Thượng phát nguyện:

Tây Phương Cực Lạc thế giới Nam Mô A Di Đà Phật -

Tin sâu, Nguyện thiết, Hạnh chuyên
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
Tâm tiếng hiệp khắp nhau
Thường niệm cho rành rõ
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.

Pháp sư Tịnh Không (Hoa Kỳ) dạy niệm hồng danh Phật “A Di Đà Phật”. Như vậy, trong các hạnh niệm danh hiệu Phật 6 chữ hay 4 chữ cũng xuất phát từ tông chỉ niệm hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”. Nhìn chung ý tứ của các bậc Cao Tăng dạy niệm hồng danh Phật cũng xuất phát từ miệng Đức Phật Thích Ca, Tổ sư giáo hóa mà ra.

Bạn ơi! Trong quá trình tu hành Bạn cần có Thầy hướng dẫn. Thầy là la bàn cho Bạn đi giữa biển khơi, là kim chỉ nam tìm phương hướng, là ngọn đuốc soi sáng cho Bạn trong đêm tối. Thầy dạy niệm danh hiệu Phật bao nhiêu chữ, Bạn niệm bấy nhiêu là đúng, chánh niệm, nếu có thiếu, sai Thầy trách nhiệm. Tuy nhiên chúng ta cần có sự khẳng định: ”dù Bạn niệm bao nhiêu hồng danh hiệu Phật, không nên bàn đúng sai miễn làm sao Bạn đạt chánh niệm, chánh niệm thì không còn tranh luận đàm phiếm mất công vô ích.

Niệm thầm hay niệm ra tiếng

Theo Sách “48 phép niệm Phật” của đại sư Giang Đô Trịnh Vi Am, thì có 48 pháp niệm Phật, nay không đủ giấy mực để kể ra đây, chỉ kể những pháp học và có thực hành trong hành trình tu tập: một là Cao Thinh Trì, hai là Kim Cang trì, ba là Mặc Trì.

Cao Thinh Trì (niệm lớn tiếng): Khi nào thân uể oải, thức hôn trầm, ngọai cảnh chi phối nhiều, cần phải niệm thành tiếng lớn để lấn át các phiền não kia, tiến đến thuần thục và chánh niệm.

Kim Cang Trì (niệm bằng miệng không thành tiếng): cảnh trí vắng lặng, thân tâm chưa vắng lặng, vọng niệm sanh khởi liên tục, niệm bằng miệng không ra tiếng, để giữ vững thức tâm quay về chánh niệm.

Mặc Trì (niệm bằng thức tâm): tâm cảnh thanh tịnh, cảnh trí không giao động, thức tâm vắng lặng, giữa chốn đông người nơi phồn hoa đô hội, chốn công đường, hội nghị, lúc bấy giờ niệm tư thế mặc trì, tức là niệm bằng ý thức cho đến khi thuần thục, chánh niệm sanh khởi.

Các Bạn căn cừ như trên, tùy hoàn cảnh mà niệm Phật

Niệm Phật tiếng Việt hay niệm tiếng nước ngoài được không?

Trong chốn thiền môn có câu “khán kinh giả minh Phật chi lý”, nghiên cứu kinh hiểu ý Phật, tuy Bạn là phàm phu, nhưng khi nghiên cứu đọc học kinh chắc chắn dù ít hay nhiều Bạn cũng hiểu biết lời Phật dạy. Pháp Phật có công năng phổ hóa khắp mười phương ba đời, Bồ Tát, chư Thanh Văn, Thiên Long Bát Bộ, vô lượng chúng sanh trải qua nhiều kiếp sanh tử, người có thân nghe được, chư Thiên không thân nghe cũng được, người phi nhân, hai hình, thánh chúng trên cõi Cực Lạc, chúng sanh ở địa ngục đều nghe vẫn được huống gì Chư Phật không nghe được ngôn ngữ của người phàm tục hay sao? Người trong chốn địa ngục tăm tối nghe Bạn niệm Phật họ còn biết hồi tâm, tầm đường ra khỏi địa ngục, huống gì các dân tộc văn minh trên hành tinh nầy. Bạn là Mỹ, Tây, Tàu, Việt Nam có khả năng phiên âm, biên dịch giáo pháp Phật từ bản gốc ra thành ngôn ngữ nước Bạn thì còn sợ gì khi Bạn niệm Phật mà Đức Phật không nghe được Bạn niệm đến Phật!

Một đọan kinh sau đây trong Kinh Đại Tập Đại Phương Quảng Niệm Phật Tam Muội, phẩm 12, Thị Hiện Mỉm Cười, nói về pháp âm của Phật phổ cập khắp ta bà, năm châu ai nghe cũng được.

“...lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy xa hơn người thường, quán sát mười phương thấy chín mươi ức trăm ngàn na do tha thế giới chư Phật, vì muốn làm đại lợi ích chúng sanh nên Ngài lại phát ra tiếng rất vi diệu thù thắng, vang khắp ba ngàn đại thiên thế giới, ai cũng được nghe. Sau đó tiếng ấy lan ra các quốc độ của chư Phật, làm cho các chúng sanh đều được nghe. Sau đó lại từ giữa chặn lông mày, trong tướng lông mày trắng, Ngài phóng luồng hào quang gọi là Vô biên oai. Hào quang này chiếu khắp mười phương cõi Phật, khiến cho vô lượng ức trăm ngàn na do tha chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán”

Tiếng pháp âm của Phật, xuất sanh từ miệng Phật tuy có một thứ ngôn ngữ, nhưng khi giáo pháp Phật lan tỏa khắp trong nhân gian biến hóa thành nhiều ngôn ngữ khiến cho vô lượng ức trăm ngàn na do tha chúng sanh nghe được và tu chứng quả Tu Đà hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán”. Với đọan kinh trên cho thấy không còn như Bạn nghĩ nữa, dù Bạn ở quốc gia nào tu cũng được, nghe pháp niệm Phật cũng xong. Bạn nghe được pháp âm của Phật thì Phật cũng nghe được tiếng Bạn niệm Phật, chẳng lẽ Phật dỡ hơn Bạn hay sao? Ngài sẽ chứng cho Bạn vãng sanh, thành Phật đấy.

Trong Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội Thiện Trụ Ý Thiên Tử, thứ 36, phẩm Xưng Tán Phó Pháp (Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh, Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh XB PL 2543 - DL 1999). Đức Phật dạy: “ Nầy Di Lặc ! Quá khứ bảy a tăng kỳ kiếp có đức Phật xuất thế hiệu Phổ Hoa Tối Thượng Sư Tử Du Bộ Thắng Công Đức Tụ Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, Văn Thù Sư Lợi và Thiện Trụ Ý Thiên Tử ở chỗ đức Phật ấy ban đầu nghe kinh nầy”. Lúc nói kinh nầy, trong chúng có hằng sa chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại có chúng sanh nhiều gấp bội được an trụ bất thối nhẫn, lại có chúng sanh gấp bội nữa xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh. Đức Phật nói kinh nầy rồi, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Thiện Trụ Ý Thiên Tử cùng chư Bồ Tát mười phương, chúng chư Thiên, các Tôn giả Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp và chúng Tỳ Kheo nhẫn đến tất cả Thiên Long Bát Bộ nghe lời đức Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành. “

Qua đọan kinh trên, Đức Phật nói cho ngài Di Lặc được biết về việc ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Thiện Trụ Ý Thiên Tử nghe Phật giảng kinh, tức là Phật giảng kinh ở thế giới khác, trong khi đó chúng sanh ở hành tinh trái đất nầy như Xá Lợi Phất, Ca Diếp và các chúng Tỳ kheo vẫn nghe và hiểu được và tu chứng đạo, cho chúng ta thấy rằng tiếng pháp âm của Phật được phổ cập trong quảng đại quần chúng, có đủ phương tiện và khả năng làm cho quần chúng các dân tộc trên thế giới nghe được, hiểu được và tu đắc đạo, chẳng lẽ Phật không nghe được tiếng niệm Phật của Bạn để tiếp dẫn Bạn hay sao?

Câu niệm Phật là “đề mục” giúp Bạn tập trung tư tưởng dẫn đến chánh niệm, câu niệm Phật là “công án” giúp Bạn tăng trưởng định lực, người tu huệ học trong quá trình tu niệm Phật cần phải hiểu ý nghĩa sâu xa của “đề mục” hay “công án” niệm Phật mới hiệu quả. Niệm Phật mà không hiểu ý nghĩa câu niệm Phật, từng chữ của danh hiệu Phật thì khó mà chứng đắc trí tuệ thù thắng.

Như vậy, niệm Nam Mô A Di Đà Phật cốt chỉ dẫn Bạn đến chánh niệm, chánh niệm thì định lực sanh. Điều chính yếu, Thầy của Bạn là người quốc gia nào, dạy Bạn niệm Phật ra sao, Bạn niệm Phật theo ngôn ngữ quốc gia đó thì chánh niệm.

Ban là người Việt Nam, Thầy Bạn là người Mỹ dạy niệm Phật theo tiếng Mỹ, Bạn phải niệm theo Thầy, dễ sanh chánh niệm. Một người Mỹ quy y với Thầy Việt Nam, được Thầy dạy niệm Phật thì người Mỹ đó niệm danh hiệu Phật theo tiếng Việt Nam đễ giữ chánh niệm.

Bạn là người Việt Nam, Thầy Bạn là người Việt Nam, Ban niệm Phật bằng tiếng Việt Nam là đạt chuẩn. Nếu Bạn niệm bằng tiếng Pali, tiếng Hán, tiếng Tây Tạng, tiếng Mỹ là tạp niệm, thuộc về “tùy hứng” niệm Phật, nay theo Thầy nầy, mai theo Thầy khác, nay tu pháp nầy mai tu pháp khác, không nhất tâm, không có niềm tin vững vàng, không hạnh nguyện kiên cố!

Nằm niệm Phật được không?

Mặc dù trong oai nghi tế hạnh người tu có khuyên đi, đứng, nằm, ngồi đều phải giữ oai nghi tế hạnh; đối với pháp niệm Phật cũng khuyên đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật. Nằm mà thầm niệm, mặc niệm thì cũng không mất oai nghi và có thể niệm Phật, như các Cụ già ngồi lâu quá không được đành phải nằm niệm Phật thôi. Do vậy trong các oai nghi niệm Phật, cũng cho phép các Cụ già bệnh yếu được nằm niệm Phật nhưng thầm niệm (Lá Thơ Tịnh Độ - Ấn Quang đại sư)

Đứng về gốc độ tu hành tinh chuyên thì khuyên liên hữu không nên nằm niệm Phật, vì nằm niệm Phật là bất kính, nằm niệm Phật không kiểm soát chánh niệm, không kiềm nỗi tâm mông lung, hôn trầm, thụy miên say ngũ. Nằm niệm Phật máu sẽ đồn về não dễ sanh bệnh “lên máu”, thành tai biến mạch máu não, dễ sanh các bệnh tật kinh niên, chẳng lẽ do niệm Phật mà thành bệnh hay sao?

Một tiếng niệm Phật, một tiếng tâm
Khải tín thâm tâm, Phật lại thâm
Mắt mộng chưa khai tình kéo dẫn
Từ quang thường chiếu dạ trầm trầm

Chuỗi lần trăm tám chẳng đuôi đầu
Mỗi niệm tinh minh mỗi hạt châu
Sáu chữ mở toang vô tận tạng
Như như buông thả lại hồi thâu.

Thân Phật bao la khắp thái hư
Điểm rần lặng lẽ chẳng còn dư
Chớ đem tri kiến nhiều phân biệt
Một niệm hồi quang thấy đại từ

Giữa đêm trừ tịch chốn môn đình
Phá cảnh u trầm nói kệ kinh
Mãn khóa Pháp Hoq nhàn rỗi việc
Chén trà Long Tĩnh uống vơi bình.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Chư Phật Có Hiểu Và Tiếp Dẫn Nếu Niệm Phật Bằng Ngôn Ngữ Khác Nhau? ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com