VẤN: Con có một người bạn đồng tu đang muốn hiến xác của bạn để cứu người. Bạn ấy thấy quá nhiều người bệnh phải chết vì việc thiếu nội tạng. Do đó bạn ấy muốn hiến hết tất cả nội tạng của bạn có để giúp người và chết bạn cũng yên lòng. Bạn bảo đó mới chính là thực hành Bồ Tát Đạo, xưa kia Đức Phật và các vị Phật còn dám cúng dường tất cả mắt tai mũi lưỡi để chứng minh rằng đó là bố thí Ba La Mật vì Phật pháp không từ nan . Bạn còn rất khỏe không bệnh tật gì và muốn sang Trung Hoa hay Lào, Campuchia thực hành việc này do ở Việt Nam không được phép.

Con cảm thấy điều này là không bình thường. Con nghĩ có lẽ bạn bị bọn xấu hay các tổ chức mổ xẻ nội tạng kích động. Con khuyên bạn rằng bạn còn khỏe, cúng dường có nhiều cách, bạn vẫn có thể sống và làm nhiều chuyện khác giúp người, không nhất thiết hiến nội tạng mới chính là tu học. Bạn nói với con tất cả là vô thường, đã luân hồi tái sanh vô số kiếp giờ xá gì không dám hiến thân xác lần cuối để vừa cứu người và thực hành được việc Bố Thí Ba La Mật về với Phật. Con cảm thấy phân vân quá đỗi. Xin Sư khai tâm cho con và cho con biết việc bạn con làm như vậy là có đúng không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Trong đời sống chúng ta có nhiều cách “cho”, trong đó có các từ ngữ biếu, hiến, tặng, dâng. Cho tức là người cầm nắm vật thể hoặc quà quý giá hoặc không quý, tiền vàng bạc, quà cáp đưa từ tay mình đến tay người đối diện gọi là cho; hoặc là ký tên vào giấy hiến tặng trao vật thể cho người khác, hoặc là quỳ gối dâng lên những phần quà cao quý cho người lớn, người trên trước, nhà sư...tất cả cũng đều là hình thức “cho”. Như biếu quà, là do chính mình thân thiện với bạn bè nên đến ngày lễ đem quà biếu bạn, người nhận rất là vinh dự và mang ơn nghĩa, mong có ngày đáp lại.

Trong giáo pháp nhà Phật còn có từ ngữ Phật học đặc biệt là “cung dưỡng”, nghĩa là cung cấp dưỡng nuôi, cung cấp thức ăn, hộ trì vật chất một cách đơn giản đầy đủ, giúp cho những người xuất gia “thọ nhận” và sử dụng tạm trong lúc xuất gia làm đệ tử Phật, làm Phật và khi “cung dưỡng” người tín đồ quỳ dâng lễ vật. Từ đó từ ngữ “cung dưỡng”, đọc trại ra lâu ngày thành từ ngữ “cúng dường” quỳ lạy kính dâng. Người tín đồ Phật giáo luôn có trách nhiệm cung cấp dưỡng nuôi dành cho chư Tăng Ni thọ dụng, sống trong chốn thiền lâm để hoằng truyền giáo pháp Phật, nối truyền chánh pháp Phật Thích Ca. Như lời huyền ký của Phật, trong giáo pháp của ngài có 4 chúng, là: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ. Hai chúng xuất gia nam, xuất gia nữ là những người tu sĩ giữ gìn và hoằng truyền giáo pháp Phật, còn lại hai chúng tại gia nam, tại gia nữ cung cấp dưỡng nuôi, hộ trì cho hai chúng xuất gia nam, xuất gia nữ cư trú tu học suốt đời trong giáo pháp Phật.

Trong vấn đề tặng, hiến, cho, cao quý và kỳ lạ nhất là hiến thân, hiến máu, hiến xác chết, hiến tạng...Với giáo lý Phật, với chư Tăng Ni thì không xa lạ. Đối với Phật tử người Việt Nam chúng ta hiện nay đáng trân trọng, nhưng vẫn còn là chuyện phải bàn nhiều. Nhất là việc hiến tạng khi còn sống, hoặc sống vài tiếng đồng hồ, hay người mới chết cần có pháp luật quy định và chấp thuận.

I .

Vấn đề hiến thân

Trong kinh đại thừa Phương Tiện Phật Báo Ân:” là kinh tụng thường xuyên tại đạo tràng Bát Quan Trai Quan Âm tu viện và trong mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Ni: Câu chuyện Hoàng thái tử Tu Xà Đề xứ Ba La Nại thí thân cho cha me ăn. Một ngày nọ, do kinh thành bị giặc bao vây, nhưng Vua và Hoàng hậu thoát thân được ra ngoài thành lưu vong tránh nạn tai. Trên đường đi đến Vương quốc bạn, có một hướng gần và một hướng xa, trong khi quân binh đem được lương thực đủ cho hướng tị nạn gần nhất. Nhưng không ngờ trong lúc bối rối, cả đoàn bị lạc đường, do vậy mà thiếu lương thực cho nhà Vua và Hoàng hậu. Lúc bấy giờ đường đi đến vương quốc thứ hai chưa kịp đến, mà lương thực dành cho nhà Vua lại cạn kiệt, Hoàng thái tử Tu Xà Đề phát nguyện hiến thân của mình mỗi ngày cắt một lạng thịt chia thành hai phần, nửa dành cho cha, nửa dành cho mẹ dùng cho đến khi đến nước lân bang an toàn. Quá trình cắt thịt như thế đau đớn lắm, nhưng Hoàng thái tử cố gắng chịu đau cùng đi với đoàn tị nạn để có thịt tươi sống cho cha mẹ thọ dụng. Cuối cùng nhà Vua và Hoàng hậu được an toàn đến nước Bạn. Thái tử phát nguyện nếu chết thì cũng xong việc báo hiếu mẹ cha, ta chẳng hối hận!

Nhưng lúc bấy giờ cảm hóa, động lòng Thiên Vương, chư Thiên đến hộ trì chứng minh cho lời nguyện sắc son, khiến cho thịt da Hoàng Thái tử trở lại nguyên vẹn, thành thân vàng ròng mạnh khỏe như trước khi chưa thí thân. Thời gian sau, nhà Vua bình phục sức khỏe, vận động binh bị, khí tài, lương thực chiếm lại Vương quốc Ba La Nại, nhà Vua và Hoàng hậu trở lại Hoàng cung trị vì thiên hạ! Thật hy hữu thay gương hiếu đạo ở đời! Tuy nhiên đây chỉ là công hạnh của Bồ Tát, ngày nay làm con báo hiếu mẹ cha có rất nhiều cách nhiều hạnh, không nên thực hiện việc của người xa xưa nhé các Bạn! (Kinh Đại phương tiện Phật Báo Ân) Nam Mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.

Việc hiến thân xưa nay cũng hiếm, chỉ trừ các nhà yêu nước thương nòi, các anh hùng hào kiệt hy sinh vì đại cuộc. Trên thế giới chỉ có các anh hùng liệt sĩ của Việt Nam, võ sĩ đạo Nhật Bản, các hiệp sĩ Âu Châu, các anh hùng nghĩa hiệp của Trung Hoa nổi tiếng về việc hiến thân, vì đồng đội đồng bạn, hy sinh vì dân tộc vì tổ quốc non sông

II .

Sau đây là những việc mà xã hội tiến bộ không nên làm và đừng bao giờ làm:

Người Carthaginian, năm 800 - 146 trước công nguyên, sự tín ngưỡng thần thánh của các bộ lạc người Etruscan. Thời nhà Thương bên Trung Quốc, người Celt, người Hawaii, người Aztec, người Ai Cập, người Inca hiến thân xác cho thần thánh, chủ yếu là để cầu mưa thuận gió hòa. Tuy nhiên đó là một sự tín ngưỡng gieo rắc sự tàn ác, phục vụ cho một số ít thầy tế lễ, làm thỏa mãn các thầy tế lễ theo phong tục tập quán và môi trường thời cổ cả Đông và Tây bán cầu. Hiện nay không còn là tín ngưỡng phổ thông, tuyệt đối không làm, nếu làm là vi phạm pháp luật của Nhà Nước, cũng như cộng đồng thế giới; đồng thời con người dù trẻ hay già phải được pháp luật bảo vệ.

Ở một xã hội văn minh, việc hiến thân là việc hệ trọng, do lòng nhân ái lên cao, do tình thương nước thương dân, tình tương thân tương ái, tình yêu gia đình, xã hội nên việc hiến thân không còn là việc bình thường. Tuy nhiên ở thế kỷ 20 có những phong trào hy sinh vì bảo vệ tôn giáo, bảo vệ đạo pháp. Ở thế kỷ 21, có nhiều phong trào vận động hiến máu, hiến tạng, hiến xác để cứu người, cứu dân độ thế.

Tấm gương đầu tiên là bảo vệ đạo Phật bị đàn áp:

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức (1897-1963) là Hòa Thượng ân sư của Sư khi còn làm Phật tử ở chùa Long Khánh, xã Thuộc Nhiêu, huyện Cai Lậy.

Hòa Thượng thuộc học phái Bắc Tông, người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng Lê Văn Duyệt, ở Sài Gòn nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền chế độ cũ. Vụ việc Hòa Thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của nhà cầm quyền chế độ cũ. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, nhục thân của Hòa Thượng đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của Ngài thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng bi trí, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn Ngài là một vị Bồ tát, hiến thân đốt xác, đấu tranh bất bạo động để dành lại cho sự tự do tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam (tư liệu Phật giáo tranh đấu sử 1963).

III .

Hiến máu

Việc hiến máu nhân đạo để cứu người là mang tính nhân văn, nhân nghĩa không chỉ không riêng ở người Việt mà còn lan rộng cả thề giới, nhất là trong những cuộc chiến tranh, nhân lọai tàn sát lẫn nhau, có nhiều thương binh bệnh binh, cần có sự hiến máu nhân đạo, cứu người trong cuộc, cứu binh lính..

Lịch sử hiến máu bắt đầu từ năm 1492 - Tại Rome, Đức Giáo Hoàng Innocent VIII bị một cơn đột quỵ, ông bị yếu và hôn mê. Bác sĩ khuyên truyền máu như một biện pháp điều trị cho căn bệnh của Đức Giáo Hoàng. Do y học chưa phát triển, bệnh tình của Đức Giáo Hoàng không cải thiện và qua đời sau đó. Chúng ta có thể thấy phong trào nầy xuất phát từ Italia, sau đó đến các quốc gia như Vương quốc Anh, Áo, Pháp, Mỹ (Bài dịch: Mai Thanh Truyền - Phòng Quản lý Chất lượng - Theo The History of Blood Transfusion and Blood Transfusion Medicine)

Phong trào hiến máu nhân đạo lan rộng do Hiệp hội Chữ Thập Đỏ - Trăng Lưỡi Liềm Đỏ quốc tế khởi xướng từ năm 1921, đến nay đã được 92 năm

Phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam vốn có từ lâu. Sau ngày hòa bình 30/4/1975, việc hiến máu cũng trở thành phong trào rộng lớn. Mới đầu là hiến máu nhân đạo, đến năm 1978 trở thành bán máu làm kinh tế gia đình. Nhất là các gia đình ở vùng kinh tế mới dùng việc bán máu để nuôi gia đình, rất nguy hiểm và không còn là hiến máu nhân đạo nữa!

Giai đoạn 1993-2003 Viện trưởng HH&TMTƯ, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Trung Phấn cùng các cộng sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong công tác truyền máu ở Việt Nam.

Năm 1993, giáo sư Phấn tiếp nhận chức Viện trưởng HH&TMTƯ. Khi đó, nguồn duy nhất là của những người cho máu chuyên nghiệp. Số lượng không nhiều, chất lượng máu cũng không cao do họ cho máu quá nhiều lần.

Việt Nam lại chưa có khả năng sàng lọc máu, nguy cơ các mẫu máu có chứa virus HIV hay viêm gan B rất lớn. Thiếu máu, nhiều ca phẫu thuật bị hoãn, nhiều bệnh nhân không qua khỏi do thiếu máu truyền. Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam khi cần truyền máu đều sang Thái Lan hay Singapore để chữa trị bệnh khi cần máu (tư liệu Viện HH&TMTƯ)

Vấn đề hiến xác

Sinh họat của nhân sanh xưa nay vẫn bình chân như vại, không có gí làm cho con người phải suy nghĩ. Sự sống và sự chết luôn diễn ra hằng ngày, từng giờ từng phút từng giây, theo môi trường sanh diệt của tạo hóa, không ai tránh khỏi, nếu là con người trong hành tinh địa cầu và rộng hơn, xa hơn là ta bà thế giới, tam thiên đại thiên thế giới. Con người chưa từng nghe vụ hiến xác hiến tạng, thay da đổi thịt, từ con người nầy sang con người khác.

Theo giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Cường, trưởng bộ môn giải phẫu Trường đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, cho biết số lượng người đăng ký hiến xác ngày càng nhiều. Từ năm 1993 đến nay đã có 20.620 người đăng ký hiến xác cho bộ môn giải phẫu. Tính đến nay trường đã nhận được 583 thi thể, đã và đang sử dụng 432 thi thể cho việc dạy học và nghiên cứu khoa học.

Ở phường Bửu Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai có Đại Đức Thích Thiện Nguyện, cư trú Tổ đình Long Thiền, phát nguyện hiến xác sau khi viên tịch. Hạnh nguyện nầy là cao thượng góp phần cống hiến trọn đời mình cho nhân thế, nhất là cho y học. Hiến xác là việc cần làm, ai có thể mạnh dạn, không phân biệt đạo đời phát tâm hiến xác trước khi qua đời là việc làm trở thành nghĩa cử cao đẹp, giải thoát ra khỏi tấm thân sanh tử luân hồi, thật hy hữu trong đời.

Vấn đề hiến tạng?

Việc hiến tạng không phổ cập rộng và cũng rất ít người thực hiện, có thể theo lời Bác sĩ để cứu bệnh nhân nào đó hiệu quả, xát xuất 99% và có sự can thiệp của Pháp luật mới có thể thực hiện.

Hiến tạng có 2 cách: một là người mới chết do bệnh không truyền nhiễm, do bị xe đụng hay chết không hẹn ngày giờ, do người đó khi sanh tiền có lời nguyền hiến tạng. Hai là người còn sống, cha mẹ, hiến tủy, hiến thận cho con cái, hay người thân thiết nhất trong gia đình như vợ chống, báo hiếu ông bà cha mẹ. Trường hợp Bác sĩ chuyên môn cho phép.

Quan niệm, việc hiến máu, hiến tạng, hiến thân là việc làm của Bồ Tát. Việc hiến thân trong kinh Phật dạy là nói về ý nghĩa hạnh lành của Bồ Tát cứu nhân độ thế, vượt qua những khó khổ nếu là cứu người, cứu chúng sanh thì dù khó cách nào Bồ Tát cũng làm. Trong pháp học Bồ Tát giới Cư sĩ, giới thứ 28 Phật đã dạy cứu bệnh nhân trong cơn bức ngặt; có giới dạy không ăn thịt chúng sanh là việc khó làm, nhưng làm được đó mới là Bồ Tát.

IV .

Hạnh lành Bồ Tát

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai nhập bất tư nghì giải thoát, Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát 10 điều nguyện vương, trong đó có điều nguyện:

”Tam giả quảng tu cúng dường

......

Ngũ giả tùy hỷ công đức

......

Cửu giả hằng thuận chúng sanh” (kinh Hoa Nghiêm -

phẩm nhập bất tư nghì cảnh giới)

Bồ Tát Phổ Hiền cúng dường thân nguyện chẻ xương làm viết, chít máu làm mực, dùng da làm giấy để biên chép kinh điển của Phật chất cao như núi tu di cúng dường kinh Phật cho chúng sanh hoc tập, cho đến khi nào toàn chúng sanh thành Phật thì Ngài mới không làm nữa. Ý nói Bồ Tát Phổ Hiền cứu giúp chúng sanh, khi gặp những việc khó khăn cùng tột như thế thì Bồ Tát vẫn thực hiện cho bằng được, khi nào chúng sanh giải thoát thì Bồ Tát mới mãn nguyện. Trường hợp các Bạn nói muốn hành đạo Bồ Tát đem hiến cho toàn bộ các tạng trong thân của mình để cứu người, có chết cũng không sao, vì phát tâm thực hành Bồ Tát đạo?

Bạn ơi chẳng lẽ Bạn làm Bồ Tát chỉ để hiến tạng cho người thôi sao? Làm đạo Bồ Tát còn có nhiều lực dụng khác nữa từ sự phát bồ đề tâm của chính mình, tùy hỷ công đức mà phụng sự chúng sanh, cứu khổ chúng sanh, đưa chúng sanh và mọi người ra khỏi bể ái sông mê, vượt đẳng tam giới nầy mới gọi Bồ Tát hộ trì chánh pháp.

Việc Bạn đi Campuchia, Lào hay Singapore để hiến tạng cứu người, thực hiện hạnh Bồ Tát là tùy hỷ Bạn, sự phát tâm đó luôn được trân trọng. Nhưng Bạn ơi, nếu Bạn làm việc nầy khiến cho người thân và mọi người khổ đau đó; phàm làm việc gì mà có người khổ đau thì Bồ Tát không làm. Làm đạo Bồ Tát mà không có lực dụng tức không có người hỗ trợ, không có pháp luật chấp thuận, không gọi là Bồ Tát

Ở Việt Nam việc hiến tạng, tỷ, gan khi còn sống thì có, nhưng rất ít. Theo tư liệu báo Người Lao Động và của Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, từ năm 2013 đến nay chỉ có 1.000 người hiến tạng sau khi chết, 13 người hiến tạng khi còn sống. Trường hợp người bị xe đụng mới chết đem vào bệnh viện lấy tạng hiến cho bệnh nhân, theo Sư biết thà là chịu chết chứ không bệnh nhân nào chịu nhận tạng của người khác đem vào thân mình đâu! Vả lại, nếu Bạn làm thì Bạn không phải Bồ Tát rồi đó, vì Bạn không hằng thuận được con người và môi trường Việt Nam! Nếu Bạn hằng thuận, không làm việc hiến tạng theo môi trường Việt Nam là Bạn đã làm Bồ Tát Phổ Hiền hằng thuận chúng sanh rồi đó!

Làm con Phật, thọ Bồ Tát giới tại gia, Bồ Tát giới tại gia có 28 giới, trong đó giới thứ nhất Phật dạy là không sát hại chúng sanh. Như vậy, trường họp Bạn hiến tạng tức là phạm giới sát hại chúng sanh rồi? Đồng thời phạm thêm một giới Bồ Tát nữa là hoan hỷ cho Bác sĩ, mổ tạng của Bạn cho người khác? Người thân khổ đau vì Bạn phải “chết tức khắc”, hoặc “chết lần chết mòn”? tức là Bạn phạm tới 3 điều giới Bồ Tát, làm sao làm Bồ Tát?.

Tâm không Bồ Tát sạch trong

Tâm không, trong sạch vẫn đồng lý siêu

Bồ Tát cứu chúng sanh nhiều

Qua sông thì bắt cầu kiều cũng xong

Làm Bồ Tát giữ lý không

Hạnh nào cũng lớn cũng đồng như nhau

Bồ Tát chuyên tu dồi trau

Cho tâm, trí, tánh ra vào thảnh thơi

Không phải Bồ Tát gọi mời

Mà tu cho đúng sáng ngời đạo tâm

Bồ Tát đừng nghĩ xa xăm

Thân tâm trí tánh thậm thâm diệu huyền

Hạnh tu lục độ cần chuyên

Bố thí trì giới thấy không Bạn mình

Giới thì cho phải tinh nghiêm

Cho thân khẩu ý kết duyên niết bàn

Bồ Tát không có làm càng

Đừng làm đau khổ muôn ngàn sanh linh

Đừng đề ý thức sanh tình

Mà phải niệm Phật tinh chuyên mới là

Bồ Tát bậc đại ma ha

Tự tại vô ngại chưa là đến đâu

Còn cố chấp còn não sầu

Bồ Tát đa hạnh phải đâu chỉ là

Hiến tạng có bấy nhiêu thôi

Sao gọi Bồ Tát trên ngôi sen vàng

Học Phật quán chiếu rõ ràng

Đừng để nhân thế trăm ngàn khổ đau

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Hiến Xác Khi Đang Còn Sống Là Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com