VẤN: Nhà con là nhà từ đường và thường xuyên tổ chức đám giỗ, chay mặn đủ kiểu và má con rất khổ vì suốt ngày lo cúng quanh năm. Nhà con lại không khá giả gì. Có nhiều người phải thờ cúng con cũng không biết là ai, đời ông Cố ông Sơ. Con có hỏi má con sao không gộp lại để cúng chung như vậy sẽ đỡ mệt thì con bị gia đình la là không hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn, phải cúng cửu huyền thất tổ. Cửu huyền thất tổ là những ai và nếu cúng bao nhiêu đời vậy thì làm sao có thời gian và tiền bạc để cúng. Nếu không cúng tổ tiên ông bà có làm sao không vì ở nước ngoài con thấy họ có cúng bái gì đâu? Nếu cúng thì con thật sự không biết làm sao để giản đơn tránh tốn thời gian và tiền bạc cho gia đình. Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

I .

Đám giỗ, cúng giỗ, kỵ giỗ, giỗ chạp, mầng lễ giỗ, giỗ ông bà, giỗ cha mẹ, giỗ người thân, giỗ người đã qua, tưởng niệm người đã khuất bóng...tất cả những từ ngữ trên trở thành văn hóa Việt từ lâu đời. Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề. Không cúng lễ giỗ không thành nhân nghĩa, không dự lễ giỗ ông bà coi như thành viên đó không còn được công nhận trong gia tộc.

Cúng giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời quan trọng của người Việt, được tính theo âm lịch. Ngày này là ngày để thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến và vài món ăn giản dị cúng người mất cũng đã có lòng thành kính đối với người đã mất. Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Theo sách "Thọ Mai Gia Lễ" việc cúng giỗ chỉ thực hiện trong 5 đời theo phép "Ngũ đại đồng đường", đến đời thứ 6 người chịu trách nhiệm cúng giỗ sẽ mang "thần chủ" của cụ 6 đời đem đi chôn mà không thờ cũng nữa gọi là "ngũ đại mai thần chủ". Tất cả các "thần chủ" đều được sửa lại nâng lên 1 đời tính từ người chịu trách nhiệm cúng giỗ, còn về phần cụ 6 đời sẽ rước vào nhà thờ họ để khấn chung với cộng đồng gia tiên trong những dịp xuân tế hay chạp tổ.

Lễ giỗ theo Nhà Phật

Đối với nhà Phật, nam nữ Phật tử ngày nay tiến bộ vượt bậc, đám giỗ ông bà thì cúng chay, đãi nước ngọt, ngoài thân bằng quyến thuộc, còn có nam nữ Phật tử đến tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho ông bà, hoặc gia đình tự khai đàn tụng kinh. Có khi gia đình Phật tử còn thỉnh chư Tăng Ni đến để tụng kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, cúng dường trai Tăng cầu phước cho gia đình.

Có nhiều gia đình mỗi năm cúng giỗ đến 15 , 18 đám giỗ, đám giỗ ôi là đám giỗ, làm đám giỗ hoài, mãi dẫn đến nghèo xơ xát. Ở nông thôn thường nói câu: “...đám giỗ nhiều quá, nhà không còn một cộng lá để nấu cơm...”.

Nhiều gia đình Phật tử có đến hỏi Sư phải làm sao để giảm bớt cúng giỗ, đỡ tốn kém ngân sách gia đình. Sư hướng dẫn, các vị cúng hiệp kỵ:”nghĩa là thay vì mỗi năm cúng 18 lần giỗ, ta chỉ cúng một lần gọi là “cúng hiệp kỵ”, chọn một ngày tốt lành vào khoảng 15, 20 hay 25 tháng chạp tổ chức cúng linh đình, long trọng, mời toàn thể gia quyến tham dự một lần, khấn nguyện chung ông bà, cha mẹ, những người đã qua về chứng kiến.

II .

Các đời cửu huyền thất tổ:

"Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ."

Mặc dầu trong các từ điển, chúng tôi không thấy có chữ "huyền" nào có nghĩa là "đời" cả, nhưng qua quá trình Việt Hoá, chữ nầy được hiểu như là "đời", và có lẽ nên dịch là "thế hệ" thì chính xác hơn.

Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao - Tằng - Tổ - Khảo - Kỷ - Tử - Tôn - Tằng - Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.

Một vị Hoà Thượng mà người viết có duyên học hỏi đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ "Huyền" ở đây vì chữ "Huyền" trong "cửu huyền" này vốn có nghĩa là "đen", vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tuỷ xương máu và thịt tan rã, huỷ hoại đều biến thành màu đen nên gọi là "huyền". Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là "cửu huyền".

Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ.

Như vậy, chữ "cửu huyền" bao quát hơn chữ "thất tổ". Vì "thất tổ" chỉ cho các thế hệ đi trước, còn "cửu huyền" không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là "Nhà Thờ Cửu Huyền" (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ "Cửu Huyền Thất Tổ" (viết bằng chữ Hán), Nhà Thờ Họ, Nhà Chung, bàn thờ ông bà thờ bức tranh sơn thủy thật lớn trên bàn thờ ông bà.

Chư Tăng Ni miền Nam và miền Bắc cũng dùng cụm từ này để chỉ cho nơi thờ ông bà, cha mẹ mình nhiều đời, nhưng không phổ biến rộng rãi, các vị thường dùng từ "hương linh" chỉ người đã khuất, và nơi thờ các hương linh ấy được gọi là "bàn linh". Các tịnh xá thuộc hệ phái Khất Sĩ dùng từ "Cửu Huyền" hoặc cả "Cửu Huyền Thất Tổ", tại Quan Âm tu viện gọi là Viện Vãng Sanh chỉ cho nơi thờ những người đã quá vãng.

Không cúng có sao không?

Cúng giỗ chạp là truyền thống ông bà xưa nay, là phong hóa dân tộc Việt, là suối nguồn vui tươi đến với gia đình trong những ngày sắp đến giỗ chạp. Ngày kỵ giỗ của gia đình Việt Nam là ngày tưởng nhớ ông bà cha mẹ quá thế, đền ơn đáp nghĩa theo Sư nghĩ, nếu không cúng thì 80% người Việt Nam khó mà chấp nhận, vì các vị quan niệm đó là những gia đình không hiếu thảo với ông bà “hưởng của ông bà mà không nhớ ơn cúng quảy ông bà”, dường như việc không cúng ông bà là hiện tượng đi xuống của gia đình. Nên dù cúng lớn hay cúng nhỏ, cúng ít hay cúng nhiều, “giàu làm kép, hẹp làm đơn” theo Nhà Phật các Phật tử cũng nên cúng kính cho gia đình an cư lạc nghiệp. Đó cũng nhằm tưởng niệm công ơn của ông bà trong ngày sum họp gia đình, thân bằng quyến thuộc.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Người Phật tử phải chu toàn

Tưởng người quá cố nguyện cầu siêu sanh

Ngày tưởng niệm bỏ sao đành

Cầm lòng không đậu gia can không còn

Dù ta biết cửu huyền siêu

Nhưng ngày giỗ chạp ít nhiều không quên

Tưởng niệm là để đáp đền

Công ơn người quá cố trên liên đài

Việc cúng không cúng là sai

Không cúng là việc Đạo ngoài Đạo ta

 HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Được Gộp Cúng Giỗ Chung Được Không? Làm Thế Nào Để Đơn Giản Hóa Việc Cúng Giỗ?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com