Ở Campuchia, những ngày này đang trong mùa lễ Kan Ben, là dịp để người dân “đất nước Chùa Tháp” tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn, cầu phước cho vong linh các bậc sinh thành, những người trong thân tộc đã quá cố.

Lễ cổ truyền Kan Ben được tổ chức hằng năm trong 15 ngày và ngày thứ 15 là ngày lễ lớn nhất được gọi là Pchum Ben, phải đúng vào ngày rằm theo Phật lịch. Năm nay, lễ Kan Ben bắt đầu từ ngày 17-9 và kết thúc vào ngày 1-10 dương lịch.

Nghi lễ này mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng Phật giáo. Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, mỗi năm, cứ vào dịp Kan Ben, những vong linh chịu đói khát, khổ nhục ở địa ngục được phép trở về với người thân và tìm đến những ngôi chùa với hy vọng được hưởng thụ các thức ăn, vật phẩm do người thân trong gia đình, dòng tộc dâng lên chư tăng để cầu nguyện chuyển tới cho họ. Vì thế, trong thời gian 15 ngày Kan Ben, mỗi người dân Campuchia thường ít nhất một lần mang cơm và đồ lễ đến cầu nguyện ở chùa.

Tại chùa Langkar ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh, ngay từ ngày đầu tiên của mùa lễ năm nay, rất đông người dân trong trang phục đẹp mang đồ ăn như cơm, trái cây, bánh và các loại nước ngọt, dâng lên chư tăng, cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên và cầu may mắn trong cuộc sống đời thường. Tiếng tụng kinh, cầu nguyện của các nhà sư vang vọng suốt ngày đêm.

Tới chùa từ sáng sớm, chị Om Duone trong trang phục truyền thống, cho chúng tôi biết: “Hằng năm, vào mùa Kan Ben, gia đình chúng tôi đến chùa với mong muốn báo hiếu ông, bà, cha mẹ và tổ tiên đã qua đời. Tôi thấy rất vui, hy vọng những thức ăn mà chúng tôi cúng dường hôm nay sẽ giúp cho tổ tiên của tôi được hưởng thụ như mong muốn”.

Đến gần trưa, người dân đến chùa càng thêm đông. Tham gia hướng dẫn bà con Phật tử và điều hành các nghi thức lễ tại chùa Langkar, cụ ông Prum Men phấn khởi bày tỏ: Lễ hội Pchum Ben mang tính nhân văn và giáo dục đối với người dân Campuchia (nơi Phật giáo là quốc giáo, hơn 90% dân số theo đạo Phật), thể hiện truyền thống đạo lý “chim có tổ, người có tông”.

Lễ Kan Ben được người dân Campuchia thực hiện và duy trì cho đến nay, tùy cách tổ chức ở từng nơi, có nơi thì mời chư tăng đến nhà để gia đình dâng cơm, có nơi thì tổ chức bằng nghi thức đặt bát cúng dường cho chư tăng, đắp núi cát, nhưng ngày cuối cùng của mùa Kan Ben, người dân trong vùng thường cùng tụ họp tổ chức lễ ở chùa.

Theo nhà nghiên cứu về lễ hội Campuchia Sung Siv, lễ Kan Ben có ba ý nghĩa: cầu nguyện cho những người đã quá cố; đem đến cho những người làm lễ được hưởng niềm vui và quả phúc; tạo mối đoàn kết trong cộng đồng xã hội. Vì thế, các cấp chính quyền ở Campuchia luôn phân công, bố trí các lực lượng chức năng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tổ chức lễ được an toàn.

(Theo Nhân Dân)



Có phản hồi đến “Mùa Lễ Báo Hiếu Kan Ben Trên Đất Nước Campuchia”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com