Lần thứ sáu tôi trở lại đất Phật Boddhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), gặp lại thầy Huyền Diệu. Đây là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề.

Mấy ngày này Việt Nam Phật Quốc Tự có nhiều đoàn đến, cả ta lẫn Tây từ Đức, Pháp, Úc và cả Việt Nam. Sáng sớm và chiều tà, dăm chục người lên sân thượng ngồi ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn.

Tiết trời se se lạnh, thầy Huyền Diệu chủ tọa cho mọi người đàm đạo và kể những kỷ niệm đời mình. Những câu chuyện mang tính nhân quả mà họ chứng nghiệm đã được thầy ghi lại trong cuốn sách mới xuất bản Khi mặt trời lên và vẫn đang ghi tiếp.

Chùa ta ngày trước chỉ có một ngôi nổi lên giữa cánh đồng, bây giờ bị những tòa nhà cao vây bọc xung quanh, chắc rồi sẽ còn thêm nhiều tòa nhà xây lên bao vây tiếp.

Đang là mấy ngày Tết Diwali, cái tết lớn nhất của người Ấn, gắn với sử thi Ramayana về nàng Sita và chàng Rama. Mấy tòa nhà xung quanh mở ca khúc tiếng Hindi rộn rã tưng bừng, chĩa sang cả chùa ta mà tưng bừng, như loa phường.

Trong số đồ đệ của thầy Huyền Diệu đến chùa mấy ngày này có chị Kitagawa (người Mỹ gốc Nhật), làm trong một ủy ban ở Liên Hiệp Quốc. Chị đã quy y xin làm đệ tử của thầy và giúp thầy một số việc.

Ở Nepal, khi có phật sự, thầy là chủ tịch Ủy ban Phật giáo quốc tế xứ Lumbini (Lâm Tì Ni) muốn tiếp xúc với thủ tướng Nepal và các vị bộ trưởng, chị đều thu xếp được. Nhờ vậy thầy đã thực hiện được nhiều chủ trương quản lý xứ Phật cũng như giúp tiến trình hòa giải ở Nepal.

Mấy ngày này Kitagawa nhỏ nhẹ hiền lành, thầy bảo kể chuyện với các phật tử thì chị đứng lên kể. Chị sinh ra ở Mỹ, chỉ biết đôi câu tiếng Nhật, chị kể chuyện bằng tiếng Anh.

Một buổi chiều ngắm mặt trời lặn trên sân thượng và đang nghe nhau giãi bày, bỗng nhiên một vị quấn cà sa vàng trong đoàn từ Đức sang đứng dậy, ra giữa tín hữu, chắp tay hướng về một người đàn bà vừa khóc vừa nói: Có chùa đây, có thầy đây, tôi xin lạy bà một lạy, bà tha lỗi cho tôi.

Thầy cười an lạc, nói ngay: Thôi được rồi, mọi chuyện từ nay cho qua hết, nghe. Tôi ngơ ngác quay sang hỏi thầy.

Vài hôm rồi người đàn ông cao lớn quấn y vàng này ngồi cạnh tôi, nghĩ anh là một vị sư gốc Việt, tôi không để ý nhiều. Thầy giải thích họ là cặp vợ chồng, mấy chục năm ở trong một nhà mà không ai nói với ai.

Hôm nay đến đất Phật, họ tuyên bố xóa bỏ sân hận. Người chồng khóc, người vợ dúi đầu vào vai bà bạn khóc. Cả mấy chục người đều rưng rưng.

2. Nghe nói đất ở Boddhgaya bây giờ đắt như ở New York. Hai chục năm qua, thấy có thêm nhiều chùa mọc lên: chùa Bhutan, chùa Lào, chùa Campuchia, chùa Bangladesh… Một số ngôi chùa cũ vẫn còn giữ được không khí bình yên là chùa Nhật, chùa Thái, chùa Tây Tạng...

Tất nhiên cả chùa Việt Nam với cánh rừng nhỏ trong ấy nữa, bình yên, thanh sạch, không bị ô nhiễm.

Xứ Phật đang bị ô nhiễm, cả về môi trường, cả không khí, đất đai, nguồn nước, âm thanh. Tôi đến thăm lại chùa Myanmar. Từ xa đến gần không thấy dáng nét kiến trúc chùa Myanmar như mình vẫn nhớ. Mấy ngôi nhà cao tầng xây lên trong chùa làm nhà trọ, sân chùa đầy mấy sạp hàng bán đồ lưu niệm.

Hỏi vài vị sư trẻ mới được một vị chỉ cho chính điện nép ở góc sân. Khó nhận ra vì cửa vào mới được làm nhôm kính, cứ như văn phòng một công ty du lịch. Nhà sư mở cửa cho tôi vào chính điện, còn lại mỗi tượng Phật, chính điện sơ sài trang trí hoa lá bình bát, không còn ấn tượng xưa.

Thầy Huyền Diệu có lý, khi Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ chưa xây xong hết các hạng mục thầy đã sang xin Chính phủ Nepal đất và Việt Nam là nước đầu tiên có chùa ở Lumbini, nơi Phật ra đời. Các nước Phật giáo cũng theo đến và bây giờ đã có hơn hai chục ngôi chùa các nước ở Lumbini.

Đã có bài học ô nhiễm và hỗn tạp ở xứ Boddhgaya, nên sang Nepal thầy Huyền Diệu đề nghị không cho tổ chức chợ búa hàng quán trong khoảng cách hai cây số quanh quần thể chùa. Lumbini vì vậy hiện vẫn giữ được sự trong lành và bình yên.

Xứ Phật buồn hơn. Ngồi lên một chiếc xe xích lô, đi từ chùa Việt ra chùa Đại Giác Mahaboddhi 2,5km chỉ có 20 rupee, tương đương 7.000 đồng tiền Việt. Vật giá đắt đỏ nhưng sức lao động quá rẻ, tiền xích lô, xe lam ở thủ đô cũng rẻ như thế. Mình trả tiền xích lô cứ phải đưa thêm mà vẫn thấy xót xa.

Hôm đến sân bay Gaya, xe lam quát 600 rupee về chùa Việt, quãng đường 12km thực ra chỉ 120 rupee. Tôi khoác ba lô lẳng lặng ra khỏi sân bay, đi bộ. Đường ra khỏi sân bay vắng ngắt. Tôi đi được một lúc, bất chợt một chiếc xe lam lèn chặt người từ phía sau vượt lên rồi dừng lại. Một thanh niên ngồi cạnh người lái xe bảo tôi lên xe cùng về thị trấn.

Người tốt, thấy một người đi bộ trên đường vắng thì dừng lại cho đi cùng. Xe vốn đã chật, một vị sư Thái Lan và ba phật tử từ Thái Lan sang. Tôi hỏi anh bạn Ấn Độ vừa bảo lái xe dừng cho tôi lên: Anh cũng là lái xe à? Anh ta cười: Không, tôi là sinh viên.

Anh là người của xứ Bồ Đề Đạo Tràng này, anh được chùa Thái nuôi dưỡng, cho ở trong chùa, gửi lên thủ phủ Bihar học đại học. Hôm nay được nghỉ học, anh về chùa thăm các thầy và làm công quả.

3. Ở trong chùa Việt Nam, tôi xuống bếp lấy một phích nước nóng, thấy một thanh niên nhỏ người, giống như người Myanmar. Anh ta nói được tiếng Việt, xưng tên là Minh Thuận, người bang Assam, một bang ở đông bắc Ấn, gần Myanmar. Thấy tôi thú vị vì anh nói tiếng Việt giọng Nam, anh ta khiêm tốn: Dạ, chút chút thôi, con ở với thầy sáu năm rồi.

Vài ngày sau, hỏi ra mới biết Minh Thuận hiện đang làm luận văn thạc sĩ. Thế mà mấy hôm nay tôi tưởng anh là người giúp việc trong chùa. Suốt ngày thấy bận bịu ngoài vườn, trong bếp cùng nấu nướng với mọi người trong ấy. Chùa đang đông khách. Chắc khách khứa đều tưởng Minh Thuận là người giúp việc.

Chùa các nước đều có làm phúc đức với người địa phương, như lời thầy Huyền Diệu là trả ơn xứ mà Đức Phật chọn làm nơi thành đạo. Hơn bốn chục năm trước, thầy Huyền Diệu là vị sư trẻ đến xứ này làm công, được sư trụ trì chùa Myanmar cho ở một căn phòng nhỏ trong chùa, thầy Huyền Diệu vẫn nhớ ân đức ấy.

Hơn hai chục năm trước, tôi thấy trong chùa Việt Nam, thầy Huyền Diệu nuôi hai vị sư Myanmar, cả hai thầy đều đang làm tiến sĩ ở Đại học tổng hợp Magadha trong vùng. Một vị bây giờ là đại đức chùa Myanmar ở đây, một vị nghe nói là đại đức cao trọng ở Myanmar.

Xứ Phật lần này trở lại có cả buồn vui. Ai chưa đến vẫn mong đến, ngôi chùa cao hơn 50m có cây bồ đề giác ngộ vẫn đấy, vẫn có sức lôi cuốn lạ thường. Và chùa Việt Nam vẫn đấy, vào đến chính điện, bảo tháp và khu rừng trong ấy là như trở về đất Việt.

Năm 1990, tôi đến xứ Boddhgaya lần đầu, chưa biết có chùa Việt Nam. Một năm sau quay lại, tình cờ được một người địa phương chỉ cho ngôi chùa Việt, một tòa chơ vơ giữa cánh đồng. Lần mò đến nơi, gặp thầy Huyền Diệu, ban đầu tưởng người Nhật, hỏi han đôi câu phải dùng tiếng Anh.

Chuyến ấy quay về, tôi viết bài cho báo Giác Ngộ và báo Văn Nghệ kể về chùa. Bây giờ thầy Huyền Diệu nói vui với các đoàn phật tử rằng tôi là người phát hiện chùa này, rồi vì thế các đoàn trong nước tìm sang, chứ lúc ấy chùa chưa xây xong, thầy không muốn để nhiều người biết.

Năm 1994, tôi đến chùa chia tay thầy để trở về Việt Nam. Thầy bảo về nước làm việc cống hiến ít năm rồi sang giúp chùa công việc đối ngoại, nhiều việc phải đi nước ngoài thầy đi không xuể.

Tôi thẳng thắn nói ngay tôi yêu phần triết học Phật giáo như yêu triết học của nhiều tôn giáo khác, nhưng tự lượng sức thấy mình không thực hành được, không theo thầy được. Thầy cũng thẳng thắn không cần phải theo thầy, chỉ giúp thầy làm đối ngoại, chỉ cần viết cho xong cuốn sách về Phật, về Ấn Độ.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)



Có phản hồi đến “Tri Ân Nơi Đất Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com