Ở Việt Nam, duy nhất chỉ một nhà sư được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế là thượng tọa Thích Huệ Đăng (thế danh Nguyễn Văn Sáu) ở chùa Thanh Quang, Đà Lạt (Lâm Đồng)
Chùa Thanh Quang nằm kề hồ Tuyền Lâm. Nơi đây cũng chính là Cty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang nổi tiếng.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng ở Lâm Đồng là người vốn rất nổi tiếng trong việc trồng hoa lan cao cấp và thầy càng nổi tiếng hơn khi năm 2012 được cấp bằng sáng chế độc quyền với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”.
Nhớ lần đầu gặp thầy Huệ Đăng (cách nay khoảng mười năm), tôi được vị sư tuổi 65 này đưa cho hai tấm danh thiếp; tấm thứ nhất ghi: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giảng sư Thích Huệ Đăng - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, giảng viên cao đẳng chuyên khoa Phật học...”, tấm thứ hai: “Cơ sở sản xuất hoa lan Đà Lạt Thanh Quang; chuyên cung cấp địa lan, phong lan, hồng môn...”.
Trồng lan để làm đẹp Đà Lạt
Thầy Huệ Đăng đi tu từ khá sớm, đến nay đã có hơn 50 năm tu hành. Trước, thầy tu trong một ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1985, thầy Huệ Đăng lên Đà Lạt mở tịnh thất và trồng hoa lan.
Ở Đà Lạt khoảng mười năm về trước thật khó tìm ra một vườn hoa lan bảng A lên đến vài chục ngàn chậu như vườn hoa của cơ sở sản xuất hoa lan Thanh Quang của thầy Huệ Đăng.
Những năm 80, vào các dịp tết, khi thị trường hoa lan còn hẹp, thầy Huệ Đăng cùng với các đệ tử đã từng chở cả xe tải hoa lan xuống TP.HCM để triển lãm và bán lấy tiền.
Trước câu hỏi khá thẳng thắn của tôi liên quan đến chuyện “tham - sân - si”, vị sư trả lời: “Con người chúng ta có toàn quyền lựa chọn cho mình con đường đau khổ hay hạnh phúc, vì Vạn pháp là do tâm sanh. Chính bản thân ta quyết định vận mệnh của mình chứ không phải một ai khác.
Có nghĩa là tự ta lựa chọn con đường bản năng với tham - sân - si, hoặc là vươn lên để tự tại. Và, đạo không thể tách khỏi đời”.
Thầy Huệ Đăng nói tiếp: “Hành đạo mà chẳng giúp gì được cho đời thì vô nghĩa. Hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi vì đạo Phật của con người là từ chân tâm của con người phát ra.
Nếu không có con người thì làm sao có đạo Phật, vì đạo Phật là đạo của người, muốn hiện thực được đạo thì phải lấy ở nơi người tự chứng...”.
Mấy chục năm qua, với “lý lẽ” ấy, vị sư già này đã ngày ngày làm vườn, chăm lan, đêm về gõ mõ tụng kinh và viết sách. Thầy bảo rằng do vốn không “trường” như những người kinh doanh lan khác ở Đà Lạt nên cách làm của thầy là lấy ngắn nuôi dài: Trồng hồng môn (thu hoạch nhanh) để nuôi hoa lan, lấy hoa lan để viết sách... Với lại, theo cách nghĩ của thượng tọa Thích Huệ Đăng là “trồng hoa lan để góp phần tôn vinh cái đẹp của Đà Lạt”.
Thầy nói thêm: “Tình đời nóng lạnh để trừng tâm. Gió sương bên đường để hiểu tâm. Điều quan trọng là làm ra đồng tiền có đúng tâm và sử dụng đồng tiền đó có mất tâm hay không!”. Đến lúc này, vườn lan Thanh Quang của thượng tọa Thích Huệ Đăng có đến 100.000 chậu (một con số mơ ước của giới kinh doanh hoa lan Đà Lạt), mà hầu hết chỉ toàn lan bảng A, trong đó có nhiều giống nhập về từ Úc, Hà Lan...
Hơn thế, cách nay khoảng chục năm, thượng tọa Thích Huệ Đăng còn tiến hành một nghiên cứu tuy không lớn về quy mô nhưng về ý nghĩa của công trình này lại rất lớn, rất thiết thực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường: Thay thế giá thể trồng lan từ cây dớn (lấy từ rừng) bằng giá thể vỏ cà phê - một thứ phế thải trong sản xuất nông nghiệp thường gây ô nhiễm môi trường. Và thầy đã thành công!
Nghiên cứu sâm Ngọc Linh
Ngày nay, đến Cty Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang do thượng tọa Thích Huệ Đăng làm giám đốc, không ai mà không bất ngờ khi ngay trong ngôi chùa này (cũng là cơ sở trồng hoa, trồng sâm) lại có một cơ sở nghiên cứu nuôi cấy mô thực vật hiện đại với đội ngũ nhân viên là những nhà khoa học khá đông đến như vậy!
Từ cơ sở nuôi cấy mô dưới sự chỉ huy của thượng tọa - giám đốc Thích Huệ Đăng, đến nay đã có hàng trăm ngàn cây sâm giống từ nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm được chuyển đi khắp nơi để trồng. Điều thú vị là từ phòng nuôi cấy mô của thầy Huệ Đăng, đã có cả chục ngàn cây sâm giống chở ngược về Kon Tum - quê hương của cây sâm Ngọc Linh để trồng.
Có thể nói, sự thành công của thượng tọa Thích Huệ Đăng trong việc di thực được giống sâm Ngọc Linh từ núi Ngọc Linh (Kon Tum) về Đà Lạt là việc làm có một ý nghĩa rất đặc biệt. Hành trình đi tìm cây sâm Ngọc Linh của nhà sư Thích Huệ Đăng được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2008.
Chuyến đi lần ấy của thầy Huệ Đăng cùng các đệ tử dẫu nếm trải nhiều gian nan nhưng vị sư già cảm thấy rất vui khi nhìn thấy cây con đầu tiên trên đỉnh Ngọc Linh có độ cao trên 2.500m và phát tâm nguyện: Đưa bằng được cây sâm Ngọc Linh về Đà Lạt và đưa vào phòng thí nghiệm để nhân giống nhằm tạo ra nguồn dược liệu dồi dào phục vụ mọi người.
Kết quả chuyến đi đầu tiên với số lượng 10 cây giống được mang về vẫn chưa đủ để phục vụ cho việc nghiên cứu, do vậy ngay vào năm sau - 2009, thầy Huệ Đăng cùng đệ tử tiếp tục hành trình sang liên sơn Ngọc Linh thuộc vùng Quảng Nam để di thực tiếp 100 cây giống.
Bắt đầu từ đây, cùng với việc trồng lan quy mô lớn, thượng tọa Thích Huệ Đăng còn bắt tay vào việc nghiên cứu nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp vô tính hoàn toàn sạch bệnh.
Phòng thí nghiệm của Cty Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang được tiếp tục đầu tư mở rộng. Và ba năm sau đó, sự thành công đã đến với thầy và các cộng sự.
Thầy cho biết: “Tôi đã sang tận Hàn Quốc - xứ sở của sâm để nghiên cứu, học hỏi cách nhân giống loại cây này, và cuối cùng tôi đã chọn phương pháp nhân giống vô tính”.
Đến nay, đã có hàng trăm ngàn cây giống của thứ “thần dược” này được “sinh ra” từ phòng thí nghiệm của thầy Huệ Đăng, đồng thời cũng đã có năm, bảy chục ngàn cây giống được đưa đi các nơi để trồng.
Thầy Huệ Đăng nói: “Tôi muốn ngày càng có nhiều người “sở hữu” những dược phẩm được bào chế từ sâm Ngọc Linh. Và điều đó chỉ có được khi cây sâm Ngọc Linh trở nên phổ biến chứ không phải là thứ “thần dược” như hiện tại”.
Cho đến lúc này, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã lưu vào trang vàng của mình một cái tên duy nhất của một vị sư đầu tiên trở thành nhà khoa học được cấp bằng sáng chế từ một công trình nghiên cứu có ý nghĩa rất đặc biệt cho cộng đồng xã hội: Thượng tọa Thích Huệ Đăng, thế danh Nguyễn Văn Sáu!
Quả thật ở Đà Lạt, không phải bất kỳ ai làm nông nghiệp công nghệ sạch cũng đều hướng đến mục tiêu duy nhất là phát triển kinh tế. Trong những người làm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ vì kinh tế mà còn vì những lẽ khác, vì sự phát triển chung cho Đà Lạt thì những kỹ sư Nghiêm Văn Minh, luật sư Nguyễn Quốc Minh và thượng tọa Thích Huệ Đăng mà chúng tôi đề cập là những điển hình!
(Theo Nông Nghiệp)