Chúng ta biết thời Lý - Trần, nhất là thời Trần, tinh thần “tam giáo đồng nguyên” là biểu hiện đặc sắc của nền văn hóa Đại Việt. Đó là sự hội tụ, “chung sống hòa bình” giữa nền văn hóa bản địa của dân tộc với Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.

Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích cội nguồn của hiện tượng văn hóa này. “Tam giáo đồng nguyên” không chỉ có riêng ở Việt Nam, nó còn diễn ra nhiều nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…, nhưng ở Việt Nam có nhiều nét độc đáo. Việt Nam có cách hiểu khác và cách vận dụng khác về tam giáo.

Vua Trần Thái Tông viết trong Khóa hư lục: “Vị minh nhân vọng phân Tam giáo/Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm” (Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo/Kẻ hiểu rồi cùng ngộ một chữ tâm - bản dịch của Lê Mạnh Thát). Chính đời sống phóng khoáng của người Việt đã tạo ra tinh thần “không phân biệt” đó, và tinh thần này dung chấp không chỉ sự khác biệt của tam giáo mà còn dung chấp mọi sự khác biệt về tư tưởng.

Đối với Đạo giáo, cách sống hòa hợp với thiên nhiên của người Việt có lẽ gần với phong cách của Trang Tử hơn, còn chủ trương “vô vi” của Lão - Trang thì phù hợp với ý nguyện của các bậc minh quân, điển hình như Trần Thái Tông là ông vua, theo nhận xét của sử gia Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án, “mến chuộng cảnh núi rừng, coi sinh tử như nhau, tuy ý gần trống vắng, nhưng chí lại nhằm chỗ rộng xa, cho nên bỏ ngôi báu như cởi chiếc giày rách”. Nhưng người Việt cũng chấp nhận luôn những biến thể của Đạo giáo là các yếu tố thần tiên, thể hiện trong các câu chuyện ghi trong Lĩnh Nam chích quái và các truyền thuyết dân gian.

Đối với Nho giáo, các triều đại Lý - Trần đã tiếp thu những yếu tố hợp lý của học thuyết Khổng - Mạnh, chủ yếu để phục vụ cho việc thiết lập và củng cố thiết chế chính trị của triều đình, nhưng không phổ cập trong dân chúng.

Đối với Phật giáo, từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê, các vị thiền sư đã tham gia tích cực vào công cuộc giữ nước và kiến quốc. Đến thời Lý, sư Vạn Hạnh là người hỗ trợ đắc lực cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Từ đây Phật giáo giữ vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị và xã hội. Nhà Lý “vua sáng tôi hiền”, có công lao to lớn đối với đất nước, công lao đó có sự đóng góp của các nhà sư, nhưng nhà Lý vẫn không coi Phật giáo là “quốc đạo”. Nho giáo, Đạo giáo vẫn có vị trí nhất định trong đời sống chính trị.

Dù không coi là “quốc đạo”, song việc đề cao thái quá tầng lớp tăng lữ xuất gia, kéo theo đó là việc bỏ quá nhiều tiền của công sức xây dựng chùa chiền, khiến cho dân chúng thời Lý “quá nửa làm sư sãi”. Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư ? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng ?”. Dựa vào sự trọng thị của Nhà nước, giới sư sãi ngày càng càng thoái hóa biến chất, đến nỗi vào thời Lý Cao Tông, nhà vua đã phải “xuống chiếu sa thải các tăng đồ, theo lời tâu của Đàm Dĩ Mông”, theo ĐVSKTT. Đàm Dĩ Mông tâu như thế nào không thấy ĐVSKTT ghi lại, nhưng lời tâu này còn ghi rõ trong Đại Việt sử lược (ĐVSL): “Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa”. Cũng theo ĐVSL, vua Cao Tông đã nghe theo lời tâu ấy, chỉ để vài chục người “còn biết đến danh giá” ở lại làm tăng, còn bao nhiêu bắt phải hoàn tục hết. Thực tế lịch sử này cho thấy khi Nhà nước xử sự thiên lệch đối với một tôn giáo xã hội trở nên hỗn loạn như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà vào cuối thế kỳ 18, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp nước Mỹ đã cấm Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản tự do tín ngưỡng.

So với thời Lý, Phật giáo thời Trần có khác biệt. Đó là việc “thế tục hóa” Phật giáo, thể hiện ở tư tưởng “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông. Phật giáo thời Trần không câu nệ tăng hay tục, xuất gia hay tại gia, xử thế hay xuất thế. Có thể nói Phật giáo thời Trần hội tụ với tư tưởng Lão - Trang và cuộc sống hồn nhiên của người dân, không còn là “giáo” nữa mà trở về với cuộc sống bình thường của con người, “đói thì ăn, mệt thì ngủ”.

Người Việt chúng ta gọi Trần Nhân Tông là Phật Hoàng. Đây là trường hợp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Phật giáo thế giới. Trên thế giới cũng không có bất cứ ông Phật hay người xuất gia nào lại đi mở mang bờ cõi cho đất nước như Trần Nhân Tông. ĐVSKTT chép: "(Tháng 6 năm 1306) gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Nguyên trước Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) vân du đến Chiêm Thành đã trót hứa rồi. Văn nhân trong triều ngoài nội phần lớn mượn việc vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô, làm lời thơ quốc ngữ mà chê cười". Cũng theo ĐVSKTT: "(1307) đổi 2 châu Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu, sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến ổn định dân chúng. Trước đó chúa Chiêm Thành là Chế Mân đem đất ấy làm vật dẫn cưới". Châu Ô, châu Lý ngày nay là dải đất từ nam sông Hiếu đến bắc sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam, dài khoảng 200 cây số.

Cuộc hôn nhân lịch sử này không chỉ làm cho đất nước dài thêm 200 cây số mà còn tạo một vị trí chiến lược, làm tiền đề cho người Việt chúng ta tiến về phương Nam. Nếu không có cuộc hôn nhân này thì nước Việt Nam ta bây giờ hình thù như thế nào, rất khó nói.

Thế mà Ngô Sĩ Liên, đại diện cho đám trí thức nho sĩ sau này, đã lớn tiếng chỉ trích: "Xưa Hán Cao Hoàng vì Hung Nô nhiều lần làm khổ biên giới, đem con gái nhà dân làm công chúa để gả cho thiền vu. Kết hôn với người không phải giống, tiên nho đã từng chê, song có ý muốn việc binh đao được chấm dứt và dân được yên. Điều đó còn có thể nói được... Còn Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa gì ? Nếu nói nhân đi chơi, trót hứa, sợ thất tín, thì sao không đổi mệnh được ư ? Vua giữ ngôi trời, còn Thượng Hoàng thì đã xuất gia, vua đổi mệnh có khó gì, mà lại đem gả cho người ta không phải giống, cho đúng lời hứa trước, rồi lại dùng mưu gian đánh cướp lại về sau, thế thì tín ở đâu ?".

Nhà cầm quyền Trung Quốc từng coi dân ta là mọi rợ, đám nho sĩ trí thức của ta lại học đòi khinh miệt các dân tộc nhỏ hơn. Còn Trần Nhân Tông thì khác, ông và con gái ông đã hành động vì quốc gia dân tộc và không phân biệt chủng tộc. Đây là cuộc hôn nhân chính trị nhưng là một cuộc hôn nhân chân thật. Nhưng khi người ta định thiêu sống công chúa Huyền Trân thì phải cứu chứ, sao gọi là dùng “mưu gian đánh cướp lại” ?

Cũng cần biết, theo giới luật của Phật giáo, người xuất gia không được phép làm môi giới hôn nhân. Trần Nhân Tông lúc đó đã là người xuất gia, nhưng ông đã không câu nệ vào tiểu tiết đó. Dân ta coi Trần Nhân Tông đắc đạo thành Phật, nhưng công đức lớn nhất của ông không phải là hành thiền bằng việc tụng kinh gõ mõ trên núi cao Yên Tử, mà ông đã hành thiền bằng 2 lần chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên-Mông và bằng việc mở rộng bờ cõi một cách hòa bình cho đất nước. Nếu như ông cứ khư khư theo những giáo điều của Nho giáo với tư cách là một vị vua, và nếu như ông khư khư giữ giới luật của đạo Phật với tư cách là một Phật tử, thì chắc chắn chúng ta đã không có một nước Việt vẹn toàn và rộng mở như ngày nay.

(Theo Thanh Niên)



Có phản hồi đến “Tam Giáo Đồng Nguyên - Lòng Khoan Dung Của Phật Giáo Thời Lý Trần”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com