Ngài Huệ Năng sanh giờ Tý ngày mồng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất (638) tại Tân Châu, xứ Lãnh Nam. Khi Ngài mới sanh, có hai nhà sư đến nhà đặt tên cho Ngài là Huệ Năng. Thân phụ Ngài hỏi vì sao đặt là Huệ Năng? Nhà sư đáp: "Huệ nghĩa là đem Pháp làm ơn bố thí cho chúng sanh, Năng là nghĩa làm nỗi được việc Phật". Như vậy họ tên Ngài là Lư Huệ Năng. Thân phụ Ngài là Lư Hành Thao, nguyên quán ở đất Phạm Dương làm quan bị giáng chức, lưu ra xứ Lãnh Nam làm thường dân, mẹ Ngài họ Lý. Cha mất sớm, mẹ già, thân côi cút dời qua xứ Nam Hải, cảnh đắng cay, nghèo thiếu phải bán củi ở chợ để nuôi mẹ.
Năm 24 tuổi ( 661) một hôm đem giao củi xong, nghe người ta tụng kinh Kim Cang, Ngài khai ngộ, hỏi người tụng kinh tu ở đâu, người ấy cho biết đã tu học với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tại chùa Ðông Thiền, huyện Hoàng Mai, xứ Kỳ Châu. Có một người khách cho 10 lạng bạc, bảo dùng tiền ấy xếp đặt việc ăn ở cho mẹ già, rồi tới huyện Hoàng Mai tham lễ Ngũ Tổ.
Sau khi an bề ăn ở của mẹ già, Ngài Huệ Năng đi không quá ba mươi ngày, đến nơi ra mắt Ngũ Tổ. Ngũ Tổ hỏi: " Người từ đâu lại, muốn cầu chi ?". Ngài Huệ Năng đáp :" Ðệ tử là dân thường xứ Lãnh Nam, từ xa lại đây lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, không cầu chi khác ! "
Ngũ Tổ nói: " Người Lãnh Nam là giống muông mọi làm sao làm Phật được?". Huệ Năng đáp:" Người ta tuy có Bắc, Nam chớ Phật tánh vốn không Nam Bắc, thân muôn mọi với thân Hòa Thượng chẳng đồng, chớ Phật tánh có chi là khác biệt ?"
Ngũ Tổ còn muốn nói nữa nhưng thấy môn đồ vây quanh, bèn sai đi làm phận sự. Ngài Huệ Năng thưa thêm: " Kẻ đệ tử nầy trong tâm thường sanh trí tuệ, chẳng rời khỏi tự tánh, tức là phước điền rồi, chưa hay Hòa Thượng dạy làm việc chi ? ". Ngũ Tổ nói: " Chà quân mang mọi nầy căn tánh nhậm lẹ, thôi đừng nói nữa, hãy đi xuống tào ngựa đi ."
Huệ Năng lui xuống nhà sau, có người sai Huệ Năng bửa củi, giã gạo trải qua tám tháng có hơn, một ngày kia Ngũ Tổ xảy thấy Huệ Năng, ngài bảo rằng: " Ta thấy ý kiến nhà ngươi có thể dùng, nhưng sợ e kẻ khác làm hại cho nên chẳng nói với ngươi, ngươi biết chăng ?" Ngài Huệ Năng đáp: "Ðệ tử cũng biết ý Thầy cho nên chẳng dám đi ra phía trước đặng cho người ta chẳng hay biết."
Một ngày kia Tổ Kêu các môn đồ lại và dạy rằng: " Người trong đời sanh tử là việc lớn, các ngươi cứ lo làm việc phước mà chẳng cầu ra khỏi sanh tử. Cái tánh của mình nếu còn mê cái phước làm sao cứu đặng ra khỏi luân hồi. Các ngươi hãy lui ra, tự xét cái trí huệ, lấy tánh Bát Nhả nơi tâm mình, mỗi người làm một bài kệ, đem lại trình ta coi. Nếu ai ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao Áo và Pháp cho đặng làm tổ thứ sáu. Ði mau đi, cần phải nóng như lửa, chẳng đặng chậm trễ. Nếu còn phải suy nghĩ thì chẳng dùng được. Người nào thấy đặng Tánh, coi trong lời lẽ sẽ thấy ngay. Người như vậy như bậc tướng tài quơ đao xông ra trận, thấy thì biết liền."
Mọi người lui ra, bàn tán và thấy chỉ có Thần Tú đang làm giáo thọ là đáng bực được truyền y bát kế thừa Tổ, cho nên mọi người ngầm ý để cho Thần Tú làm kệ. Thần Tú lại nghĩ mình làm kệ với dụng tâm được truyền y bát, kiếm ngôi Tổ thì là xấu mà chẳng làm thì phụ ý thầy.
Phía trước giảng đường của Ngũ Tổ, có ba gian mái hiên, ngài định nhờ quan Cung Phụng Lư Trân vẻ biến tướng kinh Lăng Già và chơn dung năm vị tổ từ Ðạt Ma sơ tổ đến Ngũ Tổ đặng lưu truyền. Còn Thần Tú làm xong bài kệ mấy lần muốn trình Thầy mà còn ngại, sau bốn ngày với 13 lần muốn trình kệ chẳng đặng, Thần Tú bèn có ý viết bài kệ vào vách của mái hiên, nếu Ngũ Tổ thấy, cho là được thì Thần Tú nhận của mình, còn nếu Tổ chê thì Thần Tú sẽ vào núi sâu mai danh ẩn tích.
Vào canh ba đêm kia, Thần Tú viết bài kệ vô vách phía Nam, trình ý kiến từ trong tâm mình:
Thân thị bồ đề
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai
Nghĩa:
Thân là cây Bồ Ðề
Tâm như cái gương tỏ
Thường khi lo phủi chùi
Ðừng để đóng bụi lọ.
Trời sáng Ngũ Tổ mời quan Cung Phụng họ Lư tới vách tường phía Nam để vẽ, xảy thấy bài kệ, Tổ nói với quan Cung Phụng: " Quan Cung Phụng chẳng cần vẽ nữa. Làm nhọc Ngài từ xa lại đây nhưng kinh có dạy rằng :" Hể cái gì có hình tướng, đều là hư vọng" Chỉ lưu bài kệ nầy cho người ta tụng trì, y theo bài kệ nầy mà tu, khỏi đọa nẻo ác, y theo bài kệ nầy mà tu, có lợi ích lớn."
Ngũ Tổ liền sai đồ đệ đốt hương, lể kính rồi tụng bài kệ ấy, tức sẽ thấy Tánh. Các đệ tử tụng kệ, đều khen hay.
Tới canh ba đêm ấy, Tổ kêu Thần Tú vào chánh đường hỏi có phải bài kệ của Thần Tú không? Thần Tú nhận là của mình làm, chẳng phải cầu được làm tổ mà chỉ mong Ngũ Tổ xem xét định giá về trí tuệ của mình.
Tổ dạy rằng, Thần Tú làm bài kệ ấy, thật chưa thấy Tánh, chỉ tới ngoài ngõ chưa vô trong cửa. Theo như chỗ thấy và chỗ hiểu ấy mà cầu đạo vô thượng thì chẳng đặng. Ngài dạy Thần Tú thêm, đạo vô thượng vốn tự bổn tâm, thấy tự bổn tánh chẳng sanh, chẳng diệt, không trệ, tự nhiên như nhiên. Cái tâm như nhiên là chơn thật. Nếu chỗ thấy như vậy là tánh tự nhiên của Ðạo Vô Thượng. Ngũ Tổ bảo Thần Tú hãy lui ra suy nghĩ trong đôi ngày để làm kệ khác trình lại, nếu được nhập môn Tổ sẽ truyền trao y, bát. Thần Tú lễ Tổ lui ra, qua vài ngày vẫn không làm được bài kệ, đi đứng chẳng yên, tinh thần không được vui vẻ.
Lại hai ngày sau, có một chú tiểu đi ngang qua chỗ Huệ Năng giã gạo, xướng tụng bài kệ ấy, Ngài Huệ Năng nghe qua một lần liền biết chưa thấy bổn tánh, tuy chưa được đội ơn thọ lấy giáo pháp, nhưng đã sớm biết đại ý. Bèn hỏi chú tiểu: " Kệ gì chú tụng vậy ?"
Chú tiểu nói: " Cái anh xứ muông mọi chẳng hiểu gì cả. Ðại Sư ngài đã nói: Người trong đời, sanh tử là việc lớn, Ngài muốn giao truyền Y, Pháp các môn đồ làm kệ đem trình, nếu ai ngộ được đại ý, thì Ngài giao áo và Pháp để làm tổ thứ sáu. Thượng Toạ Thần Tú đã viết nơi vách ở phía Nam bài kệ Vô tướng. Ðại Sư khiến mọi người đều tụng, theo kệ mà tu khỏi đọa nẻo ác, có lợi ích lớn." Ngài Huệ Năng nói: " Thượng nhơn ơi ! Tôi cũng muốn tụng bài kệ đó, để kết mối duyên sau. Tôi đã giã gạo hơn tám tháng dư, chưa từng đến phía trước, mong người hãy dẫn đến trước bài kệ, để tôi lễ bái."
Chú tiểu liền làm theo lời yêu cầu. Ðến nơi, Ngài Huệ Năng nói: " Tôi không biết chữ, xin ngài hãy vì tôi đọc cho." Lúc ấy có quan Biệt giá Giang Châu Trương Nhật Dụng liền cao giọng đọc. Ngài Huệ Năng nghe xong liền nói: " Tôi cũng có một bài kệ, cúi mong quan Biệt Giá viết dùm." Biệt Giá nói: " Anh cũng làm kệ, việc thật ít có." Ngài Huệ Năng quay qua quan Biệt Giá nói: " Muốn học đạo vô thượng không nên khinh người mới học. Hạng dưới đôi khi có trí hơn bậc trên cùng. Bậc trên cùng cũng có khi trí kém. Nếu khinh người thì có vô lượng vô biên tội."
Quan Biệt Giá nói: " Anh hãy tụng kệ, tôi viết cho. Nếu anh đắc pháp xin đừng quên độ tôi trước hết nghe !"
Ngài Huệ Năng nói kệ :
Bồ Ðề bổn vô thọ
Minh Kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhứt vật
Hà xứ nhạ trần ai
Nghĩa là:
Vốn không cây Bồ Ðề
Cũng chẳng đài gương tỏ
Vốn không có vật gì.
Chổ nào đóng bụi lọ.
Bài kệ viết xong, môn đồ đều sợ, không ai chẳng khen và nghi hoặc, họ nói: " Kỳ thay, không thể lấy tướng mạo mà định người. Tại sao lại có thể sai khiến vị Bồ tát xác thịt nầy!?" Tổ thấy mọi người kinh ngac, sợ người ta làm hại, bèn lấy dép bôi bài kệ đi và nói: " Cũng chưa thấy Tánh ". Môn đồ nghe theo lời Ngũ Tổ, cho là như thế.
Hôm sau, Tổ lựa lúc không có người, tới chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng vì ốm yếu, phải đeo đá để đứng trên chày giã gạo, Ngài nói: " Người cầu Ðạo vì Pháp mà quên mình đến thế sao?!" Rồi Tổ hỏi: " Gạo giã đã trắng chưa ?" Huệ Năng bạch rằng: " Gạo giã đã trắng lâu rồi, chỉ còn thiếu cái sàng ở đây ". Tổ lấy gậy đánh xuống cối 3 cái, rồi bỏ đi, Huệ Năng hiểu được ý Ngũ Tổ.
Nửa đêm hôm ấy, Ngài Huệ Năng lén vào thất của Ngũ Tổ, Tổ lấy áo cà sa che vây quanh, cho người ngoài chẳng thấy rồi Tổ giảng kinh Kim Cang, đến câu : " Nên không trụ vào đâu mà sanh ra tâm của mình " Huệ Năng nghe qua, đại ngộ được lẽ: Hết thảy muôn pháp đều chẳng rời khỏi tính tự nhiên, bèn bạch với Tổ: " Dè đâu tánh tự nhiên vốn tự thanh tịnh, dè đâu tánh tự nhiên vốn chẳng sanh diệt, dè đâu tánh tự nhiên vốn nó đầy đủ, dè đâu tánh tự nhiên vốn không lay động, dè đâu tánh tự nhiên thường sanh muôn pháp. "
Tổ biết Huệ Năng đã ngộ về bổn tánh nên bảo thêm: " Kẻ nào chẳng biết bổn tâm thì học đạo vô ích. Nếu ai biết bổn tâm tự nhiên, thấy bổn tánh tự nhiên, tức thị kêu là bực trượng phu là Thầy của Trời, người là Phật."
Tổ truyền giáo pháp và Y, Bát mọi người chẳng hay. Tổ dạy rằng: " Nhà ngươi làm tổ đời thứ sáu khéo hộ niệm lấy mình, hãy độ rộng chúng sinh, lưu truyền đạo lý cho đời sau, đừng để cho dứt đứt. "
Rồi Ngũ Tổ đọc một bài kệ:
Hữu tình lai há chủng
Nhơn địa quả hoàn sanh
Vô tình diệc vô chủng
Vô tánh diệc vô sanh.
Nghĩa là:
Có tình lại gieo giống
Nhơn đất quả lần sanh
Không tình cũng không giống
Không tánh cũng không sanh.
Ngũ Tổ lại nói: " Thuở xưa Tổ Ðạt Ma lại đất này người ta chưa tin, cho nên truyền Áo nầy đặng làm thể tin, đời nầy truyền nối qua đời kia. Còn Pháp thì lấy tâm truyền tâm, đều khiến cho ngộ lấy, hiểu lấy. Từ xưa chư Phật chỉ truyền cho nhau cái bổn thể, các Sư trao ngầm cho nhau cái bổn tâm. Chớ Áo là mối tranh, thôi nhà ngươi đừng truyền. Vì nếu truyền Áo nầy thì mạng nguy như sợi tơ treo vậy. Nhà ngươi nên đi mau kẻo e người ta làm hại. "
Huệ Năng hỏi : " nên đi về đâu ? " Tổ dạy: " Gặp Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn."
Huệ Năng lãnh Áo, Bát rồi nhưng chẳng biết đường ra bờ sông, Tổ dạy là để Tổ đưa đi.
Ngũ Tổ đưa thẳng tới trạm Cửu Giang, rồi bảo Huệ Năng lên thuyền, còn Ngài cầm mái chèo. Huệ Năng bạch: " Xin Hòa Thượng ngồi để đệ tử chèo mới phải." Tổ nói: " Lẽ thì ta độ cho nhà ngươi." Ngài Huệ Năng tiếp: " Lúc mê thì thầy độ cho, khi tỉnh thì độ lấy mình. Ðộ tuy là một tiếng, mà chỗ dùng thì chẳng đồng nhau. Huệ Năng nầy sanh tại chốn biên thùy, giọng nói chẳng được đúng, được thầy truyền Pháp, nay đã đắc ngộ rồi, chỉ nên do tánh mình mà độ lấy mình thôi ".
Tổ nói: " Phải vậy, phải vậy... Phật pháp từ đây do nhà ngươi thi hành cho lớn ra, nhà ngươi đi rồi ba năm, ta sẽ qua đời. Nay nhà ngươi đi cho may mắn, rán sức đi về phương Nam, chẳng nên vội nói sớm, pháp Phật khó khởi ".
Huệ Năng được Tổ truyền Y, Bát vào năm Tân Dậu ( 661 ), từ biệt Tổ đi về phía Nam, trong hai tháng tới núi Ðại Sưu. Phía sau có vài trăm người rượt tới để đoạt Áo và Bát. Trong bọn có Trần Huệ Minh, vốn là võ quan tứ phẩm đi tu nên tánh thô tục. Huệ Minh là người đứng đầu trong bọn người tìm kiếm Ngài Huệ Năng, khi Huệ Minh theo kịp, Huệ Năng để Y, Bát xuống hòn đá mà nói rằng: " Áo nầy chỉ để làm dấu tin, há nên tranh giành quá sao ? " Rồi Ngài Huệ Năng ẩn trong bụi cỏ rậm. Huệ Minh rượt tới muốn lượm lấy Y, Bát nhưng không cử động được. Bèn la lên: " Hành giả ôi! Tôi vì Pháp mà lại chớ chẳng phải vì Áo mà lại đâu."
Nghe thấy vậy, Ngài Huệ Năng bèn rời chỗ nấp, ra ngồi xếp bằng tại trên hòn đá. Huệ Minh làm lễ và thưa rằng: " Mong rằng hành giả vì tôi mà thuyết Pháp cho nghe." Ngài Huệ Năng nói: " Nhà ngươi vì Pháp mà lại thì nên dẹp tắt các duyên đi, đừng sanh một lòng nghĩ gì hết; ta sẽ nói rõ cho nhà ngươi nghe ", rồi một lúc sau, chờ cho Huệ Minh lắng tâm thanh tịnh Ngài mới nói: " Chẳng nghĩ điều lành, chẳng nghĩ điều dữ, chính trong lúc ấy mới hiểu rõ diện mục bổn lai của bực Thượng Tọa ".
Huệ Minh nghe rồi đại ngộ, lại hỏi thêm: " Từ trước tới nay ngoài lời nói kín do mật ý phát ra, còn có mật ý nào nữa chăng ? " Huệ Năng trả lời. " Cái tôi đã nói với ông thì không phải là sự bí mật, nếu ông tự phản chiếu thì mật ý chính ở bên ông vậy!" Huệ Minh nói: " Huệ Minh tuy ở Hoàng Mai thật chưa từng xét ra diện mục của mình. Nay nhờ ơn chỉ biểu như người uống nước, lạnh hay ấm tự mình biết lấy. Nay Ngài tức là thầy của Huệ Minh ". Ngài Huệ Năng nói: " Anh được như vậy thì chính là cùng tôi tôn Ngài Hoàng Mai làm thầy, hãy khéo tự hộ trì lấy mình ". Huệ Minh lại hỏi: " Từ nay về sau, Huệ Minh nầy nên đi xứ nào ? " Huệ Năng đáp: " Gặp Viên thì ngừng, gặp Mông thì ở." Huệ Minh làm lễ từ biệt. Rồi Huệ Minh trở lại đám người kia, bảo họ là không thấy dấu, nên họ chuyển sang tìm hướng khác. Sau nầy Huệ Minh đổi tên mình thành Ðạo Minh.
Rồi Ngài Huệ Năng lần đến thôn Tào Hầu, quận Thiều Châu, không có người nào biết mà ẩn náu. Khi ấy có Lưu Chí Lược, nhà nho đãi Sư rất hậu, Chí Lược có người Cô là Ni Sư hiệu là Vô Tận Tạng thường tụng kinh Niết Bàn. Sư nghe qua liền biết nghĩa mầu nhiệm, bèn giải thuyết cho nghe. Ni Sư cầm quyển kinh hỏi chữ. Sư bảo không biết chữ nhưng cứ hỏi nghĩa Sư giải thích cho. Ni Sư nói: " Chữ còn chẳng biết sao hiểu được nghĩa" Sư nói: "Lý mầu nhiệm của chư Phật chẳng quan hệ gì với văn tự ".
Ni Sư ngạc nhiên và báo cho mọi người rõ: "Ðây là người hiểu Ðạo, nên thỉnh cúng dường".
Thuở ấy, trong thôn có Tào Thúc Lương cháu 5 đời của Tào Tháo và dân chúng ở gần đua nhau lại chiêm bái Sư. Ðương thời, ở thôn Tào Khê có một ngôi chùa cũ tên là Bảo Lâm vì nạn binh lửa cuối đời Tùy đã để bỏ, người ta bèn cất lại rước Sư về ở đó. Ngôi chùa nầy nguyên do Ngài Trí Dược khuyên bảo dân Tào Hầu dựng nên và có báo rằng: " Lối một trăm bảy chục năm nữa sẽ có vị Vô Thượng Pháp Bảo đắc đạo ở đây, kể đắc đạo đông như rừng, chùa cất thì đặt hiệu là Bảo Lâm." Chùa cất xong quan Mục Thiều Châu là Hầu Kính Trung soạn tờ biểu dâng lên triều đình, được vua Lương Võ Ðế chuẩn lời ban cho tấm biễn là Bảo Lâm Tự, đó là năm thứ ba triều Thiên Giám ( 504 ).
Ngài Huệ Năng ngụ ở đây hơn chín tháng, lại bị một số người truy lùng, Sư trốn qua ngọn núi phía trước, lại bị bọn chúng đốt núi nhưng may mắn Sư tránh khỏi, nhớ đến lời Ngũ Tổ dạy: Gặp Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn nên Sư đi đến huyện Tứ Hội theo đám thợ săn ở ẩn. Ở với đám thợ săn, Ngài tùy nghi mà nói đạo cho họ nghe, khi nào bọn thợ săn sai giữ lưới, mỗi khi thấy muông thú sa vào, Ngài đều thả hết. Ðến mỗi bửa ăn, chỉ lấy rau ở trong nồi thịt mà ăn. Có kẻ hỏi thì đáp: " Chỉ ăn rau bên thịt ". Trải qua mười lăm năm, đến một ngày kia Ngài suy nghĩ, lúc nầy nên hoằng pháp, không thể ẩn núp nữa.
Bèn đi đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, ngày mồng 8 tháng Giêng Bính Tý ( 675 ), gặp lúc Ấn Tông Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn. Khi ấy gió thổi lá phướng lay động, có hai ông Tăng bàn cải với nhau, kẻ cho " gió động ", người cho " phướng động " chẳng ai chịu thua ai. Ngài Huệ Năng bước tới nói rằng: " Chẳng phải gió động, chẳng phải phướng động, ấy là lòng người động." Mọi người ngạc nhiên.
Ấn Tông mời lên chiếu trên ngồi, cầu hỏi nghĩa lý Phật pháp, thấy Ngài Huệ Năng lời giản dị, lý chánh đáng, không do văn tự. Ấn Tông hỏi: "Ngài chắc không phải người thường. Từ lâu nghe Áo, Pháp của Ngài Hoàng Mai xuống phương Nam, chắc là Ngài phải chăng ?" Ngài Huệ Năng đáp: " Không dám !"
Rồi Ấn Tông làm lễ xin đem Y, Bát cho đại chúng coi. Ấn Tông lại hỏi thêm: " Ngài Hoàng Mai giao phó cho Ngài thì chỉ thị những gì ?" Ngài đáp: " Không chỉ thị gì, chỉ bàn thấy Tánh, chớ không bàn Thiền Ðịnh, Giải Thoát." Ấn Tông hỏi: " Tại sao không bàn thiền định và giải thoát ? " Ngài đáp: " Ðó là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp thì không phải hai ". Ấn Tông lại hỏi: " Thế nào là pháp không hai của Phật pháp ? " Ngài đáp: " Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn, làm sáng tỏ Phật tánh, đó là Phật pháp chẳng có hai. Như Ngài Cao Quí Ðức Vương Bồ Tát bạch Phật rằng: " Những kẻ phạm bốn giới cấm nặng, làm năm tội nghịch và bọn không tin Phật pháp ( Nhứt Xiển Ðề ) có dứt mất thiện căn, Phật tánh hay không ? " Phật đáp: " Thiện căn có hai; một thường; một vô thường. Phật tánh không thường cũng không vô thường, bởi vậy cho nên chẳng dứt đặng. Gọi là không hai: Một là thiện, hai là không thiện mà Phật tánh không thiện cũng không bất thiện nên gọi là không hai. Uẩn cùng với Giới, phàm phu thấy là hai, còn người đã đạt ngộ thì tánh nầy không hai. Tánh không hai tức là Phật tánh."
Ấn Tông nghe xong, hoan hỷ chấp tay mà nói: " Tôi giảng kinh như ngói gạch, Ngài luận nghĩa như vàng ròng." Ngài Huệ Năng bèn mở Pháp môn Ðông Sơn ở gốc cây Bồ Ðề, cây nầy do Ngài Trí Dược đem từ Ấn Ðộ sang trồng tại đây. Vào năm đầu Thiên Giám của vua Lương Võ Ðế ( 502 ), có dựng bia ghi: " Sau đây lối một trăm bảy chục năm sẽ có vị Bồ Tát xác thịt khai diễn thuyết thượng thừa tại dưới cây nầy độ cho vô lượng chúng là vị pháp chủ chơn truyền tâm ấn Phật vậy." Nơi đây Ngài Cầu-Na-Bạch-Ðà-La tam tạng pháp sư cũng có dựng bia vào thời Lưu Dụ ( 420-478 ), có ghi rằng: " Sau nầy sẽ có vị Bồ Tát xác thịt thọ giới ở đây."
Ðến ngày rằm tháng Giêng năm ấy, Ấn Tông họp tứ chúng xuống tóc cho Ngài Huệ Năng và đến ngày mồng tám tháng Hai, nhóm các vị đức hạnh danh tiếng đương thời như Ngài Trí Quang Luật Sư ở Trường An làm Thọ Giới Sư, Ngài Huệ Tịnh Luật Sư ở Tô Châu làm Yết Ma, Ngài Thông �ng ở Kinh Châu làm Giáo Thọ, Ngài Kỳ-Ða-La Luật Sư ở Trung Ấn làm Thuyết Giới. Ngài Mật-Ða Tam Tạng Pháp Sư ở Ấn Ðộ làm chứng minh, để cho Ngài Huệ Năng thọ giới, Ấn Tông từ đây tôn Ngài Huệ Năng tức Lục Tổ làm thầy.
Mùa Xuân năm sau, Ngài từ giả tứ chúng về chùa Bảo Lâm, Ấn Tông Pháp Sư, các tăng ni Phật tử có trên ngàn người đưa Ngài tới Tào Khê. Khi ấy Ngài Thông �ng luật sư ở Kinh Châu cùng vài trăm học giả nương theo Sư. Sư thấy chùa Bảo Lâm chật hẹp nên có đến viếng Trần Á Tiên, người trong vùng để xin cúng dường đất cất thêm trang viện. Trần Á Tiên bằng lòng hiến cúng tất cả đất đai trong ấy kể cả mả mồ tứ đại để xây dựng chùa. Sư đi dạo chơi trong vùng đất ấy, gặp cảnh tốt bèn dừng nghỉ rồi cất thành một chùa nhỏ, tổng cộng được 13 chùa nhỏ trong vùng đất Tào Khê nầy. Lục Tổ về tới chùa Bảo Lâm vì ở trong núi cách trở nên Thứ Sử Thiều Châu Vi Cứ cùng thuộc viên vào núi thỉnh Sư ra chùa Ðại Phạm ở thành Thiều Châu khai duyên thuyết pháp.
Tiểu sử đắc pháp và các bài thuyết pháp chính yếu của Ngài ghi trong Pháp Bảo Ðàn Kinh đều được giảng ở chùa Ðại Phạm nầy.
Rằm tháng Giêng năm 684, Ðường Trung Tông theo lời đề nghị của Huệ An Quốc Sư và Thần Tú Ðại Sư, sai quan Nội Thị Tiết Giảng đến chùa Bảo Lâm thỉnh Lục Tổ vào triều để thuyết pháp cho Thái Hậu và Vua.
Lục Tổ dâng biểu cáo từ vì bệnh, xin trọn đời được ở nơi núi non tu hành. Theo lời thỉnh cầu của Tiết Giảng về những vấn nạn Phật Pháp, Lục Tổ đã giảng dạy về tọa thiền về Phật tánh. Tiết Giảng được ngộ, trở về kinh tâu lên Vua.
Ngày mồng 3 tháng 9 năm ấy, Vua ban chiếu khen thưởng , cúng dường áo cà sa bá nạp và bình bát thủy tinh, truyền cho Thứ Sử Thiều Châu sửa sang chùa, lại truyền cất một ngôi chùa chỗ ở cũ của Lục Tổ, ban tên là chùa Quốc Ân:
Tháng 7 năm Nhâm Tý ( 685 ), Lục Tổ sai môn đồ qua chùa Quốc Ân tại Tân Châu xây tháp và khiến thợ làm mau, để cuối mùa hạ năm sau khánh thành.
Ngày mồng một tháng Bảy năm Quí Sửu ( 713 ), Sư nhóm đồ chúng mà dạy rằng: " Ðến tháng 8 nầy ta muốn lìa khỏi thế gian. Bọn ngươi có điều chi nghi, nên hỏi sớm đi, đặng ta phá nghi cho, khiến cho các ngươi hết mê. Chớ nếu sau ta đi rồi, không có người dạy các ngươi."
Các Sư như Pháp Hải nghe qua đều khóc, duy có Thần Hội là thần tình chẳng động, cũng không khóc. Lục Tổ nói: " Thần Hội tiểu sư ! Ví dầu được những điều lành hay chẳng lành, khen chê chẳng động, vui buồn chẳng sanh, chẳng cho là được gì hết." Còn các ngươi ! Ở trong núi bao nhiêu năm đã tu được những gì ? Vì ai mà ưu tư thương khóc. Nếu lo cho ta không biết chỗ đến ? Chính ta tự biết chỗ mình đến. Nếu ta không biết chỗ đến, đã không báo trước cho các ngươi. Các ngươi thương xót khóc than, thật là chưa biết nơi ta đến. Nếu biết nơi ta đến tất chẳng nên than khóc làm chi. Pháp tánh vốn không sanh, không diệt, không đến, không đi. Tất cả hảy ngồi xuống ta sẽ đọc cho các ngươi một bài kệ gọi là: chơn, giả, động, tịnh. Các ngươi tụng bài kệ nầy. Ðồng ý với ta, theo đó mà tu hành, chẳng sai tông chỉ.
Chư tăng làm lễ, thỉnh Lục Tổ đọc kệ, Ngài đã đọc bài kệ như sau:
Hết thảy không có chơn,
Chẳng đem coi là chơn
Nếu coi là chơn đó
Ấy coi hết chẳng chơn
Nếu tự mình có chơn
Lìa giả, tức tâm chơn
Tâm mình chẳng lìa giả
Không chơn, chốn nào chơn?
Có tình liền biết động
Không tình liền chẳng động
Nếu ta chẳng động hành
Ðồng không tình chẳng động
Nếu tìm thiệt chẳng động
Trên động có chẳng động
Chẳng động là chẳng động
Không tình không Phật chủng
Khéo phân biệt được tướng
Nghĩa đệ nhứt chẳng động
Chỉ làm kiến như vậy
Tức là chơn như dụng
Bảo người học đạo hay
Rán sức nên dụng ý
Ðừng ở cửa Ðại Thừa
Giữ lấy trí sanh tử
Nếu dưới lời ứng nhau
Liền cùng bàn Phật nghĩa
Nếu thiệt chẳng ứng nhau
Chấp tay, khiến hoan hỷ
Tông nầy vốn không tranh
Tranh liền mất đạo ý
Pháp môn chấp nghịch tranh
Tự tánh vào sanh tử.
Lục Tổ kệ xong, tất cả đều làm lễ, thảy đều giữ tâm y theo pháp tu hành không dám tranh cải. Khi biết Lục Tổ chẳng còn trụ thế lâu đời. Sư Pháp Hải đến trước Tổ lễ Ngài để hỏi:
- Sau khi Hòa Thượng nhập diệt, Áo Pháp nên giao cho ai ?
Lục Tổ bảo: " Từ khi ta thuyết pháp ở chùa Ðại Phạm đến giờ, hảy ghi chép lại lưu hành, đề tựa là " Pháp Bảo Ðàn kinh ". Các ngươi hãy gìn giữ truyền trao cho nhau, độ cho quần sanh. Theo y như thuyết nầy, đó là chánh pháp. Nay ta thuyết pháp cho các ngươi nghe chớ không có truyền Áo nầy. Thật là vì tín căn của các ngươi thuần thục quyết định chẳng nghi, nhậm nỗi việc lớn. Theo ý kệ của Tổ Sư Ðạt Ma truyền trao thì Áo không nên truyền nữa."
Ngô bổn lai tư độ
Truyền Pháp cứu mê tình
Nhứt hoa khai ngủ diệp
Kết quả tự nhiên thành
Nghĩa:
Vốn ta lại đất ấy,
Truyền Pháp cứu mê tình
Một hoa trổ năm cánh
Kết quả tự nhiên thành.
Ngày mồng 8 tháng 7 Quí Sửu ( 713 ), Lục Tổ bảo môn đồ rằng: " Ta muốn về Tân Châu, các ngươi sửa soạn thuyền chèo cho mau ". Các môn đồ khẩn thiết xin Tổ lưu lại lâu hơn. Tổ nói: " Chư Phật xuất hiện còn tỏ ra Niết Bàn. Có lúc lại, ắt có lúc đi, cũng là lẻ thường vậy. Hình hài nầy của ta ắt có nơi về. "
Môn đệ hỏi: " Từ đây Sư đi, sớm muộn gì cũng có khi trở về ? " Sư đáp: " Lá rụng về cội. Không hẹn ngày trở về."
Môn đệ lại hỏi: " Chánh pháp truyền trao cho ai ? " Sư đáp: " Kẻ có đạo thì đắc, kẻ vô tâm thì thông."
Môn đồ lại hỏi thêm: " Sau nầy có nạn gì chăng ? " Sư đáp: " Sau khi ta diệt độ năm, sáu năm sẽ có người lại lấy đầu ta, hãy nghe lời sấm ký của ta :
Ðầu thượng dường thân
Khẩu lý tu san
Ngộ Mãn chi nan
Dương Liễu vi quan ".
Nghĩa là :
Trên đầu thờ cha mẹ
Trong miệng cần miếng ăn
Gặp cái nạn thằng Mãn
Lúc Dương, Liễu làm quan
Rồi Lục Tổ rời Tào Khê, đến chùa Quốc Ân ở Tân Châu. Ngày mồng 3 tháng 8 năm Quí Sửu ( 713 ) Lục Tổ thọ trai ở chùa Quốc Ân xong, Ngài bảo các môn đồ rằng: " Các ngươi đều y vị thứ mà ngồi, ta từ biệt các ngươi đây."
Sư Pháp Hải bạch xin Ngài lưu lại một thời pháp, khiến cho người mê sau thấy được Phật tánh. Vì lời thỉnh cầu đó, Lục Tổ thuyết một bài pháp Phật tại tâm chúng sinh và lưu một bài kệ " Tự Tánh Chơn Phật ".
Lục Tổ đọc kệ xong bảo đồ chúng, sau khi Ngài diệt độ, đừng khóc lóc, đừng nhận phúng điếu, đừng mặc đồ tang, ấy không phải là chánh pháp. Rồi Ngài đọc một bài kệ:
Ngột ngột bất tu thiện
Ðằng đằng bất tạo ác
Tịch tịch đoạn kiến văn
Ðảng đảng tâm vô trước
Nghĩa là :
Sững sững chẳng tu hành
Trơ trơ không tạo dữ
Thấy nghe dứt như không
Tâm không chút nghi lự.
Kệ xong, Lục Tổ ngồi ngay ngắn cho tới canh ba, thình lình bảo môn đồ: " Ta đi đây ". Rồi Ngài tịch diệt.
Lục Tổ thọ 76 tuổi. Năm 24 tuổi còn là cư sĩ được trao truyền Y, Bát . Năm 39 tuổi, xuống tóc thọ cụ túc giới. Thuyết pháp lợi ích cho chúng sanh 37 năm, kẻ ngộ đạo cao siêu rất nhiều, kẻ được nối pháp có 43 người, môn đệ anh tuấn có Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Hà Trạch Thần Hội, Vỉnh Gia Huyền Giác, Nam Dương Tuệ Trung, Pháp Hải . Chính Ngài Pháp Hải thường theo Lục Tổ ghi chép thuyền ngữ, ngôn hành rồi soạn thành bộ Tôn Bảo. Sau nầy Linh Thao dựa theo đó và các văn bia của Thượng Thư Vương Duy, Thứ Sử Liễu Tôn Nguyên và Lưu Vũ Tích soạn thành Pháp Bảo Ðàn Kinh.
Môn đồ của Ngài Nam Nhạc sau phân lập thành 2 tông phái Thiền là Lâm Tế và Quy Ngưỡng.
Còn môn đồ của Ngài Thanh Nguyên sau phân lập thành 3 tông phái Thiền là Tào Ðộng, Vân Môn, Pháp Nhẫn. Năm tông nầy ứng với câu kệ: " Nhứt hoa khai ngũ diệp."
Ðến tháng 11 năm ấy, quan lại, môn đồ của Ngài ở ba quận Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu đều muốn giữ nhục thân của Ngài để tôn thờ, nên cuối cùng phải giải quyết, đốt hương khấn nguyện với Ngài " Hễ khói nhang bay về hướng nào, nhục thân sẽ được rước về đó ". Rồi khói nhang bay về hướng Tào Khê.
Ngày 13 tháng 11 năm Quí Sửu ( 713 ). Linh cửu, Y, Bát được rước về Tào Khê.
Ngày 25 tháng 7 năm Giáp Dần ( 714 ), tổ chức lễ nhập tháp cho nhục thân Lục Tổ. Những bảo vật như Y, Bát của Tổ Ðạt Ma truyền lại, Y ma nạp, Bát thủy tinh của Vua Trung Tông ban và tượng Lục Tổ do Sư Phương Biện đấp cùng các đạo cụ, đều giao cho thị giả của Lục Tổ, để tại chùa Bảo Lâm.
Ðêm mồng 3 tháng 8 năm Nhâm Tuất ( 722 ), thình lình nghe trong tháp như có tiếng kéo dây sắt. Chúng tăng giựt mình thức dậy, ngó thấy một người mặc đồ đại tang từ trong tháp chạy ra. Tìm thấy có vết thương tại nơi cổ Lục Tổ. Môn đồ đem chuyện ấy trình lên quan trên. Quan huyện Dương Khản và Thứ Sử Liễu Vô Thiễm nhận được đơn, truy lùng kẻ phạm tội. Sau năm ngày tìm được tên Trương Tịnh Mãn, người huyện Lương thuộc Nhữ Châu, ở chùa Khai Nguyên xứ Hồng Châu, nhận do Thầy Sải Kim Ðại Bi nước Hàn khiến mướn lấy đầu Tổ để đem về xứ Hải Ðông cúng dường.
Quan Thứ Sử họ Liễu nghe lời khai, chưa gia hình, liền đến Tào Khê hỏi Sư Linh Thao: " Vụ án nầy, xử như thế nào ? " Linh Thao đáp: " Nếu lấy luật nước mà bàn, thì nên giết. Nhưng lấy nghĩa từ bi của Phật giáo thì oán thù như nhau, huống hồ gì hắn muốn cúng dường, thì nên tha thứ vậy."
Liễu Vô Thiễm khen: " Mới hay cửa Phật quảng đại !"
Việc nầy ứng với câu sấm ký của Lục Tổ, nhục thân Ngài bị kẻ trộm người Mán cắt lấy đầu, lúc Dương Khản làm quan huyện và Liễu Vô Thiểm làm quan Thứ Sử.
Năm đầu Thượng Nguyên ( 760 ),Vua Túc Tông sai sứ thỉnh Y, Bát của Lục Tổ đem vào nội cung cúng dường. Qua năm đầu Vĩnh Thái ( 765 ), ngày 5 tháng 5 năm, Vua Ðại Tông chiêm bao thấy Lục Tổ xin lại Y, Bát. Ngày mồng 7 tháng ấy, sai sứ là Trấn Quốc Ðại Tướng quân Lưu Sùng Cảnh mang Y, Bát trả về chùa Bảo Lâm và truyền cho Thứ Sử Thiều Châu Dương Giam khiến chùa gìn giữ cẫn thận và Vua đặt là Quốc Bảo.
Vua Ðường Hiến Tông ( 806 - 821 ) ban thụy là Ðại Giám Thiền Sư, đề tên tháp là Nguyên Hòa Linh Chiếu.
Vua Tống Thái Tông ( 976 - 983 ) gia tặng thụy hiệu là Ðại Giám Chơn Không Thiền Sư, chiếu sửa sang lại tháp và đặt tên là Thái Bình Hưng Quốc Chi Tháp.
Năm 1033, Vua Tống Nhơn Tông ( 1023 - 1064 ) rước chơn thân, Y, Bát của Lục Tổ vào đại nội cúng dường lại gia tặng thụy hiệu là Ðại Giám Chơn Không Phổ Giác Thiền Sư.
Vua Tống Thần Tông ( 1068 - 1086 ) gia tặng thụy hiệu là Ðại Giám Chơn Không Phổ Giác Viên Minh Thiền Sư.
Chánh Hạnh