VẤN: Con là một Phật tử biết đến Phật pháp cũng được vài năm, dù chưa thực sự ăn chay trường nhưng con cũng cố gắng sống thiện, giảm việc sát sanh. Con cũng thường lên mạng đọc những bài giảng của các thầy và thảo luận với bạn đạo. Càng nghe chừng nào con càng hoang mang chừng đó vì mỗi thầy giảng một kiểu với đủ thứ pháp môn. Có một số thầy còn tuyên bố chỉ có theo pháp môn của thầy đó mới chính là Pháp Phật, đó là con đường duy nhất đưa đến bờ giác ngộ. Nhiều thầy chống báng rất nhiều pháp môn, cho rằng các pháp môn kia không phải là của Phật Giáo, là suy diễn sau này. Có thầy bảo đã bỏ ra cả đời nghiên cứu kinh điển tìm hiểu viết sách thuyết giảng rằng chỉ có Phật Giáo nguyên thủy theo con đường của thầy ấy mới đúng là do Phật thuyết thôi. Sau đó là đến sự tranh luận giữa rất nhiều Phật tử của từng pháp môn. Con hoang mang không biết đâu là đúng, đâu là sai, cũng như không biết nên theo cái nào. Xin Sư giảng cho con được hiểu.

ĐÁP:

Suốt 49 năm thuyết pháp, hoằng pháp độ sanh, giáo pháp của Đức Phật Bổn sư Thích Ca có vô lương pháp môn tu hành, cô đọng lại còn 84.000 pháp môn và chung quy chỉ còn một pháp duy nhất là pháp giải thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian, ra khỏi đường danh nẻo lợi, tranh đua quyền cao tước trọng, tạo thành một bãi chiến trường giữa con người và con người.

Giáo pháp Phật là vị thuốc A-già-đà phổ trị các bệnh chúng sanh tham, sân, si, hỉ , nộ, ái, ố. Ai có bệnh tham, sân, si, hỉ , nộ, ái, ố là được đặc trị bởi thuốc A-già-đà. Thuốc A-già-đà là những thứ thuốc như niệm Phật, thiền định, luật, mật, các pháp môn tu tĩnh, cũng gọi chung là giáo pháp Phật tùy theo thời điểm, tùy môi trường, tùy căn cơ chúng sanh mà chư vị đệ tử Phật giáo hóa “phổ trị” giúp cho lành bệnh.

Giáo pháp Phật là bức thông điệp giúp chúng sanh trong thế giới Ta bà, không riêng gì con người trên hành tinh địa cầu được mở thông trí tuệ, giải thoát những vô minh u ám, vượt ra khỏi dốt nát ngu si, đói nghèo, tiến thủ đến vinh quang hạnh phúc trong đời sống.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật dạy: “Giáo pháp Phật ra đời khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến...”, trong đời Bạn giác ngộ thì Bạn thấy Phật, tiến tu thành Phật; Bạn biết tầm con đường tu tĩnh, học đạo giải thoát thì Bạn giải thoát. Không ai có thể làm cho Bạn giải thoát được, cũng như không ai làm cho ai thành Phật được, đó mới thật sự là giáo pháp Phật đó Bạn ơi! Chỉ có điều, vì Bạn chưa thâm thấu việc làm thế nào để thành Phật, nên Sư có sự cân nhắc đó thôi! Trường hợp Bạn không muốn thành Phật, không muốn giải thoát, thì Sư cũng chịu, chứ Sư không thể làm cho Bạn thành Phật được! Cho nên người có sứ mệnh giáo hóa tín đồ tu tĩnh thật sự thì không bao giờ có những ý kiến chê bai đạo khác, nếu chê bai đạo khác, tức tự khen mình thì không đúng, người đó không đủ khả năng trình độ giáo hóa chúng sanh.

Hiện nay, nhiều bậc đạo sư diễn dương vi diệu pháp để dìu dắt tín đồ của mình tu hành theo phương pháp của mình giáo hóa, chúng ta không thể phân biệt vàng thau lẫn lộn. Tuy nhiên, nếu bậc Thầy có nhân duyên và khả năng hướng dẫn Bạn học đạo giải thoát, tu học giới định tuệ, tiến thủ đến biết thiền định, niệm Phật, ăn chay và giúp Bạn hành pháp kết quả thì đó đang truyền bá chánh pháp Phật; ai không giáo hóa Bạn như thế thì không phải giáo pháp của Phật.

II .

Sau Phật nhập diệt 150 năm, giáo pháp Phật vì nhân duyên độ đời, giao thoa giữa sự bảo thủ và tiến bộ theo dòng chảy thời gian, giữa sự bảo thủ và tiến bộ của con người, nên giáo pháp của Phật cũng được phân thành nhiều bộ phái; cụ thể có hai Bộ phái rõ ràng:

Một là Thượng tọa bộ dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Da Xá, chủ trương theo ý kiến giữ gìn những kim ngôn ngọc ngữ của Phật đễ lại, gồm: Kinh, Luật, Luận không hề thay đổi nội dung lẫn hình thức, cũng gọi là Nam tông Phật giáo, giáo lý Phật truyền bá đến các quốc gia phía nam của Ấn Độ.

Hai là Đại chúng bộ dưới sự lãnh đạo của Phật Thiên, chủ trương đem giáo pháp của Phật hội nhập theo dòng thế cuộc, lập thành ý tưởng “Đạo Phật hóa cuộc đời”, gần gủi người đời, giúp cho nhân sanh tu hành. Ví như không có truyền thống giáo lý hội nhập theo ý tưởng Đại chúng bộ, thì chúng sanh thời mạt pháp chẳng biết Phật ở đâu mà tìm?

Đó là hai tông phái lớn Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ có mặt trên thế giới hiện nay đế thay mặt Phật giáo hóa chúng sanh.

Tại Việt Nam, có những thời gian im lìm của Đạo Phật, nhất là bắt đầu từ thề kỷ XIX, thời kỳ Đạo Ki Tô truyền giáo sang Việt Nam thì Đạo Phật dường như không còn cơ sở để phát huy chánh pháp, Thầy tu lui về ẩn cư nhà thế tục. Thì vào năm 1940, Đức Giáo tổ Minh Đăng Quang, một bậc đại sự sáng lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, thuộc giáo phái trung thừa, tức là không đại thừa, không tiểu thừa, dung hòa giữa hai nền giáo lý Phật từ xa xưa vốn đã rạn nứt và ý tưởng hành đạo có khác nhau nhưng cũng thờ chung một Đức Phật Bổn sư Thích Ca, tiêu chí giải thoát đúng chánh pháp.

Kể từ khi Đạo Phật Khất sĩ xuất hiện cho đến nay, tại Việt Nam có 3 tông phái: một là Bắc tông, hai là Nam tông, ba là Khất sĩ.

Ngoài ra, vào giữa thế kỷ thứ XI, năm 1057, thời vua Lý Thánh Tông, ở nước Đại Việt còn có xuất hiện những tông phái lớn như Tịnh Độ tông, được Tăng Ni, Phật tử tôn thờ Phật A Di Đà và tu hành tại chùa Phật Tích (chùa Vạn Phúc), núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Vào thế kỷ thứ XIV, Thiền Tông thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thống nhất được các môn phong pháp phái về một mối Thiền. Đến thế kỷ thứ XVIII có Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, một vị Thiền sư truyền bá giáo lý Thiền Tịnh song tu tại Bình Định, sau đó truyền vào miền nam giáo hóa tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Người xưa, chư vị Tổ sư còn tìm cách sáng tác những ý tưởng cao đẹp để giáo hóa nhơn sanh; kiến tạo những pháp môn tu, tông nầy phái nọ, làm sao cho phù hợp với chúng sanh thời đó. Trong giới thiền lâm gọi là “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, chẳng xa rời giáo pháp Phật chút nào; mà còn làm lợi lạc cho muôn vạn sanh linh. Người thời nay, do ngã mạn cống cao, tu hành không bao nhiêu, chỉ có vài ba bằng “cấp cao” rồi vội vàng chê khen pháp Phật để lấy tiếng với bá gia.

Đến với đạo Phật mà mang tâm ý bỏ thấp tìm cao, lấy giáo lý Đức Phật để thỏa mãn óc hiếu kỳ, thỏa thích trí phân biệt hầu để trang sức kiến thức cho mình, như thế đạo đức bản thân mình tuy đến với đạo Phật đã lâu ngày mà thật ra tâm tánh họ không hơn gì kẻ phàm tục. Những hạng người trên đây thật sự chẳng phải là chân chánh hành đạo Phật. Người thật sự tu học theo đạo Phật thì phải khởi đi từ căn bản giới pháp, y giới pháp Phật mà hành trì, xoay lại quán chiếu tự tâm để thanh tịnh hóa đời sống, không ngừng tinh tấn để cho ngày một trở nên hiền lương thánh thiện. Người tu học Phật có căn bản nền tảng vững chắc, mới đích thật chân chánh là người tu học Phật. Ngược lại, bản thân chẳng những không tiến bộ mà ánh sáng an lành sẽ không bao giờ hiển lộ trong tâm hồn.

Người mới đến với đạo Phật chớ vội hỏi lý kinh Đại thừa thì tránh được ngã mạn, ngoại trừ các bậc thượng căn thượng trí. Trong thiền sử ghi rằng: Xưa có người đến hỏi vị thiền sư danh tiếng: “Bậc đại tu hành đã ngộ lý chân không?”. Thiền sư đáp: “Bậc tu hành đạt lý chân không thì chẳng còn lạc vào vòng nhân quả nữa”. Chỉ vì câu trả lời nầy mà vị đại thiền sư kia phải bị đọa làm năm trăm kiếp chồn, sau gặp ngày Bách Trượng mới được giải thoát. Điều căn bản là tin sâu nhân quả, luân hồi nghiệp báo, để từ đó phát tâm tu bồi phước huệ.

III .

Người giảng Phật pháp chống báng Phật pháp, người ấy không còn được gọi là người của Phật pháp nữa. Người giảng kinh là người có trí tuệ, sứ giả đức Như Lai, ngồi tòa Như Lai mà không giống đức Như Lai thì ai vào đây để mở cánh cửa cho chúng sanh bước vào nẻo Phật thừa.

Thật là nguy hiểm trong thời mạt pháp, người làm cho pháp giáo nhà Phật bị mạt, chứ không phải giáo pháp nhà Phật bị mạt đốn. Pháp Phật trong thời buổi hiện đại còn phải được triết lý sâu sắc hơn, sử dụng những lời lẽ phù hợp với trình độ dân trí văn minh tiến bộ, khiến cho họ tiếp thu mau lẹ, nhất quán tu hành một kiếp đắc thành Phật quả. Không để có thời gian rỗi rảnh để nghiên cứu, chê bai giáo pháp Phật. Xin nói về người giảng giáo pháp Phật hay chê bai giáo pháp Phật, đấy là một bệnh lớn trong các căn bệnh trầm kha của người đương thời. Người chê pháp Phật không phải là pháp khí Nhà Phật, không có trí tuệ tuyệt vời, không bảo vệ, giữ gìn và xây dựng lâu đài Phật Pháp muôn màu muôn vẽ.

Tóm lại, giáo pháp Phật là nền giáo lý chính chân, chính đẳng, chính giác, là vị thuốc đa năng cứu bệnh muôn loài, là hải đăng soi sáng khắp bầu trời đen tối, là vua của muôn thú, muôn loài; là hoa viên giữa những loài hoa thơm cỏ lạ, là màu sắc muôn màu muôn vẻ tô thắm cho giáo lý vi diệu pháp môn, khiến cho chúng sanh giác ngộ tin vào cửa Phật. Đừng chê bai pháp Phật (trừ ngọai đạo tà kiến), không nên làm cho mọi người nghi ngờ, đấy là cứu giúp cho chúng sanh được an lạc, muôn đời sống trong ánh hào quang của Phật.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tại Sao Có Sự Tranh Luận, Chống Báng Giữa Các Pháp Môn Phật Giáo?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com