Ấn Quang từ Tây qua Đông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Trong số đó, lắm kẻ bình nhật tự vỗ ngực là bậc thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh độ như uế vật, chỉ sợ nó làm bẩn lây đến mình. Lúc lâm chung, đa số chân loạn tay cuống, kêu cha gào mẹ. Trong số ấy, có những người trì giới niệm Phật già giặn, chắc thật, dù tín nguyện chưa đến mức cùng cực, tướng lành chẳng hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung.

Vì sao như vậy? Là vì tâm thủy trong lặng, do phân biệt nên xao động, đục ngầu, sống thức trào dâng. Do Phật hiệu nên tâm thủy ngưng lặng. Bởi thế, kẻ thượng trí chẳng bằng kẻ hạ ngu, biến quá khéo thành vụng về lớn vậy!

Phật nói hết thảy pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật đều phải cậy vào công sức của chính mình để đoạn hoặc chứng chân mới thoát khỏi sinh tử. Nếu còn chút mảy may hoặc nghiệp, sẽ quyết định khó thoát khỏi sinh tử. Vì thế, từ đời này sang đời khác, lần lượt tu trì, nếu ai có đầy đủ sức lực sẽ tiến thẳng lên Bất thoái, liền được liễu thoát.

Đa phần là từ giác chợt mê, thoạt tiến liền lùi, trải qua bao kiếp nhiều như bụi trần chẳng thể xuất ly. Sở dĩ, Ngài và tôi hôm nay vẫn còn là phàm phu, toàn là vì chẳng biết đến pháp môn Tịnh độ độ khắp ba căn, chí cực viên đốn của đức Như Lai.

Người chẳng hiểu Tịnh độ, đọc đến kinh Lăng Nghiêm sẽ cho kinh này là nhân tố chính để đả phá Tịnh độ. Người hiểu Tịnh độ đọc đến, liền biết kinh này khéo hướng dẫn hoằng dương Tịnh độ.

Vì sao nói thế? Vì Tự lực ngộ đạo thì khó, Tịnh độ vãng sinh là dễ. Nhân quả mười Pháp giới mỗi mỗi phân minh. Nếu chẳng cậy vào Phật lực, dù phá được một hai ấm, vẫn bị ma dựa phát cuồng, thành chủng tử địa ngục. Vả nữa, trong hai mươi bốn công phu Viên thông, người đời nay có ai là kẻ tu tập được?
Chỉ có mỗi phép niệm Phật như con nhớ mẹ, hễ ai hữu tâm đều có thể phụng hành được! Cốt sao tịnh niệm tiếp nối, sẽ tự chứng được Tam-ma-địa. Kẻ biết phân biệt tốt xấu đọc đến, lẽ nào chỉ ưng chịu chủ trương Tự lực, chẳng cậy vào Phật lực hay sao? Kẻ chẳng biết hay dở mới nghĩ như vậy, bởi họ chỉ mong làm bậc thông gia, không có lòng liễu sinh thoát tử!

Tu hành dụng công vốn là để liễu sinh thoát tử. Nếu dụng công nhưng chẳng thể liễu sinh tử là do chẳng chịu y vào pháp có thể liễu được sinh tử mà hành. Khác nào gánh gai bỏ vàng, tự chuốc lấy lỗi hay sao? Dù tham Thiền đại triệt đại ngộ như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Chân Như Triết, Đoạn Nham Nghĩa còn chưa liễu nổi sinh tử, phải thọ thân đời sau đến nỗi mê lầm. So ra, ta còn thua xa họ, họ còn chẳng thể liễu sinh tử nổi, huống hồ là bọn ta ư?

Pháp môn Tịnh độ là pháp môn phổ độ chúng sinh, viên đốn, thẳng tắt, rộng lớn, giản dị nhất của đức Như Lai. Vì sao nói thế? Do hết thảy các pháp môn đều phải đoạn hai hoặc: Kiến và Tư mới hòng liễu sinh tử. Nhưng đoạn Kiến hoặc còn khó như cắt đứt dòng chảy rộng bốn mươi dặm, huống hồ là Tư hoặc? Đoạn Kiến hoặc là chứng Sơ quả. Nếu ước theo Viên giáo thì là Sơ tín. Đoạn sạch Tư hoặc liền chứng Tứ quả, trong Viên giáo là địa vị Thất tín. Sơ quả, Sơ tín còn có sinh tử, Tứ quả, Thất tín mới hết sinh tử.

Nhưng Thiên Thai Trí Giả đại sư chỉ thị hiện chứng được địa vị Ngũ phẩm, tuy sở ngộ đã bằng với chư Phật, đã hàng phục trọn vẹn Ngũ trụ phiền não, nhưng vẫn chưa từng đoạn Kiến hoặc. Thế nhưng, bổn địa[21] của Đại sư thật chẳng thể suy lường được. Lúc mạng chung, Ngài chỉ nói là chứng Ngũ phẩm, vì lo xa hậu thế chẳng dốc sức đoạn hoặc chứng chân, chỉ lấy minh tâm kiến tánh làm rốt ráo.

Minh tâm kiến tánh là đại triệt đại ngộ. Nếu là bậc tối thượng Thượng căn, hễ ngộ liền chứng, thì liễu được sinh tử. Nếu không, dù có biết trước được vị lai như sư Viên Trạch vẫn chẳng tránh khỏi phải thọ sinh lần nữa. Đến như Ngũ Tổ Giới lại sinh làm Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại làm thân Lỗ Công. Đấy hãy còn là tạm được. Ngài Hải Ấn Tín thành con gái của quan Phòng Ngự họ Châu, đã đáng buồn lòng. Nhưng ông Tăng ở núi Nhạn Đãng

trở thành Tần Cối thì thật là đáng thương xót quá. Tự lực đoạn hoặc chứng chân để liễu sinh thoát tử thật khó khăn thay!

Các giáo lý tu chứng thông thường trong cả một đời đức Như Lai đã nói tuy có nhiều pháp khác nhau, nhưng không có một pháp nào khiến cho kẻ còn đầy dẫy hoặc nghiệp có thể liễu sinh thoát tử cả! Chỉ mình pháp Tịnh độ chỉ cần lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, dùng tâm chí thành trì danh hiệu Phật, cầu sinh Tây Phương. Chẳng luận hoặc nghiệp dày hay mỏng, công phu cạn hay sâu, khi lâm chung đều cậy vào Phật lực, đới nghiệp vãng sinh. Đã vãng sinh liền siêu phàm nhập Thánh, liễu sinh thoát tử. Từ đấy, lần lượt tấn tu, liền chứng được Vô sinh, thậm chí viên mãn Phật quả! Đây chính là pháp môn đặc biệt thương xót chúng sinh căn cơ hèn kém, muốn cho họ mau thoát khỏi luân hồi của đức Như Lai.

Những người nghiên cứu về Giáo dựa trên giáo lý thông thường để luận đoán sự chứng đắc, chẳng tin có việc đới nghiệp vãng sinh, khoe mình là hạng người ở trong sinh tử để độ chúng sinh, chẳng muốn mau thoát khỏi sinh tử. Chẳng biết chén, bình chưa nung, gặp mưa liền rã; phiền hoặc chưa đoạn, chuyển sinh liền mê. Tự lợi còn khó, huống là lợi người! Bọn họ đều là hạng chẳng lượng sức mình, là hạng phàm phu sát đất, có chút huệ tánh bèn vội bắt chước phong cách của bậc Pháp thân Đại sĩ, đến nỗi lầm lỡ một phen, lỡ lầm vĩnh viễn!

Kẻ tham Thiền thì chuyên chú tham cứu, mong minh tâm kiến tánh, chẳng biết căn cơ mình khá hèn kém, chẳng thể minh tâm kiến tánh nhiều. Dù đã được minh tâm kiến tánh, nhưng nếu hoặc nghiêïp chưa đoạn, vẫn luân hồi sinh tử y như cũ, chẳng thể xuất ly. Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Hải Ấn Tín, Chân Như Triết v.v… là những chứng cứ xác thực.

Ôi! Sinh tử lớn thế, sao lại chuyên cậy vào Tự lực, chẳng cậy vào Phật lực? Ý chừng Tự lực hơn hẳn Phật lực ư? Phàm người sống trong đời, việc lớn như sáng lập sự nghiệp lưu truyền nhiều đời, việc nhỏ như một manh áo, một bữa ăn, không gì là chẳng phải nhờ vào sức của nhiều người để hoàn thành việc mình. Đến như việc lớn liễu sinh tử, dù sẵn có Phật lực vẫn chẳng chịu nương nhờ, cứ muốn tỏ ra phong cách phi thường, chỉ e lại rớt vào thói thường của kẻ phàm ngu. Chí của họ đáng bảo là lớn, nhưng tiếc là chẳng biết khả năng của họ có đáng gọi là lớn hay chăng?

Muốn liễu sinh tử thì phải thật chứng. Nếu phiền hoặc vẫn còn, ắt phải thâït nỗ lực mới có thể tranh cạnh với nghiệp, trải qua những duyên dồi mài thì trong tâm thường giác chiếu, thầm hợp với Thánh trí. Phàm tình nhân ngã thị phi không do đâu khởi được. Nếu chẳng tăng thêm giác chiếu, phàm tình vẫn lừng lẫy như cũ, thì công hạnh càng cao, tình kiến càng nặng, từ ngộ vào mê là chuyện khó tránh khỏi, như người ngủ chẳng tỉnh, càng ngủ càng mê mệt thêm.

Cổ nhân bảo: “Đại sự dĩ minh như táng khảo tỷ” (đại sự đã hiểu như chôn cha mẹ). Chính là phiền hoặc chưa đoạn, chỉ e lại mê. Phải biết rằng người đã đoạn hoặc chẳng có phàm tình. Đã không có phàm tình, lấy đâu sinh tử? Người đại ngộ dù ngộ bằng với Phật, nhưng chưa đoạn trừ hoặc thì phải niệm niệm giác chiếu, mới hòng tránh khỏi tác dụng của phàm tình.

Pháp môn này toàn cậy vào Phật lực. Ví như người thọt một ngày chỉ đi được mấy dặm; nếu ngồi trên luân báu của Chuyển Luân Thánh Vương liền trong khoảnh khắc đến khắp bốn đại châu. Đấy là sức của Luân Vương, chẳng phải do sức mình. Người đời tu hành cố nhiên giống vậy. Dù là kẻ Ngũ nghịch Thập ác tội lỗi cực nặng, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu có thể chí tâm niệm Phật, liền được Phật tiếp dẫn. Ấy là vì Phật xem chúng sinh khác nào con một. Đứa nào thiện thuận, dĩ nhiên từ ái dưỡng dục; đứa nào ác nghịch, càng thêm xót thương. Nếu con hồi tâm hướng về mẹ, ắt mẹ sẽ rủ lòng từ tiếp nhận.

Cậy Tự lực tu hành, đoạn hoặc chứng chân, thật chẳng dễ dàng! Đoạn Kiến hoặc như cắt ngang dòng nước rộng bốn mươi dặm, huống hồ là Tư hoặc! Kiến hoặc đoạn được liền chứng Sơ quả, dự vào dòng Thánh, vẫn còn phải bảy lần sinh lên trời, bảy lần sinh xuống nhân gian mới đoạn sạch được Tư hoặc để chứng Tứ quả.

Tuy nói là mười bốn lần sinh tử, nhưng trên trời tuổi thọ dài lâu, cố nhiên chẳng thể dùng năm tháng để luận. Thánh nhân Sơ quả muốn liễu sinh tử còn khó khăn như thế, huống hồ là phàm phu đầy dẫy hoặc nghiệp ư? Nếu chứng Tứ quả sẽ vĩnh viễn đoạn được căn bản sinh tử, siêu xuất Lục đạo luân hồi. Nếu phát tâm đại bi, nhập thể độ sinh, nương theo nguyện thị hiện hạ sinh, sẽ chẳng giống như kẻ đầy dẫy hoặc nghiệp bị nghiệp thiện ác lôi kéo thăng trầm trong Lục đạo, tự mình chẳng mảy may làm chủ được! Tự lực liễu sinh tử nếu chẳng phải là hạng túc căn thâm hậu sẽ chẳng thể làm được, chúng sinh đời mạt mong bằng được sao?

Bởi thế, Như Lai đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh độ để hết thảy dù Thánh hay phàm, Thượng Trung Hạ căn cùng được liễu sinh thoát tử ngay trong đời này. Lòng từ bi cứu hộ ấy tột bậc không chi hơn được! Để tu trì pháp này cũng phải nghiêm trì tịnh giới, tận lực tu định, huệ, kiêm thêm sinh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sinh Tây Phương. Lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm lực tinh thuần, ngay trong hiện đời cũng có thể chứng Thánh, lâm chung lên ngay Thượng phẩm, dự vào địa vị Bồ-tát, chứng địa vị Bất thoái.

Nếu như căn cơ hèn kém, chưa làm được như thế, cứ chí thành niệm Phật thì tâm và Phật khế hợp nhau, cảm ứng đạo giao. Lúc lâm chung ắt được Phật rủ lòng từ tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sinh. Thậm chí kẻ Ngũ nghịch, Thập ác, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu tâm thức chẳng mê, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật, người ấy sinh lòng sợ hãi lớn lao, sinh lòng hổ thẹn sám hối, dù niệm mấy tiếng rồi mạng chung, cũng vẫn được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sinh.

Một phen được vãng sinh liền vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, cao dự hải hội, lần lượt tấn tu, ắt chứng Phật quả. Cậy vào Tự lực để liễu sinh tử khó như thế ấy, cậy vào Phật lực để liễu sinh tử dễ như thế đó. Phàm ai có tâm đều có thể niệm Phật, đều có thể vãng sinh. Là trang nam nhi có huyết tánh, nhất định chẳng chịu để Chân như Phật tánh sẵn có trái nghịch tịnh duyên, theo duyên mê nhiễm, luân hồi trong Lục đạo bao kiếp dài lâu không thể thoát khỏi!

Chúng ta luân hồi trong sinh tử, trải kiếp số đã lâu, đã tạo ác nghiệp vô biên vô lượng. Nếu cậy vào sức tu trì của mình, muốn diệt sạch phiền não hoặc nghiệp để liễu sinh tử, còn khó hơn lên trời! Nếu tin được pháp môn Tịnh độ do đức Phật đã giảng, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm danh hiệu A-di-đà Phật, cầu sinh Tây Phương, chẳng luận là nghiệp lực lớn hay nhỏ, đều có thể nhờ vào Phật lực vãng sinh Tây Phương.

Ví như một hạt cát gieo xuống nước liền chìm. Dù đem hòn đá nặng cả mấy ngàn vạn cân đặt lên chiếc đại hỏa luân thuyền sẽ chẳng bị chìm, còn chở được sang chỗ khác để tùy ý sử dụng. Đá ví như nghiệp lực sâu nặng của chúng sinh. Đại hỏa luân thuyền ví như từ lực rộng lớn của Phật Di-đà.

Nếu chẳng niệm Phật, cậy vào sức tu trì của chính mình hòng liễu sinh thoát tử, cần phải đạt đến chỗ nghiệp tận tình không mới làm được. Nếu không, dù cho phiền não hoặc nghiệp chỉ còn chút mảy may chưa đoạn cũng chẳng liễu nổi. Ví như một hạt cát bé tí cũng bị chìm trong nước, quyết chẳng thể tự nó thoát ra ngoài nước được!

Các hạ chỉ nên sinh tín tâm, niệm Phật cầu sinh Tây Phương, chẳng nên khởi lên những ý niệm nào khác. Nếu thật sự làm được như vậy, nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Do công đức chuyên nhất chí thành niệm Phật liền diệt trừ được ác nghiệp đời trước, khác nào mặt trời rạng rỡ đã mọc, sương tuyết liền tiêu. Tuổi thọ đã hết sẽ liền được vãng sinh, vì tâm không có niệm nào khác nên cảm ứng đạo giao với Phật. Vì thế, được Phật tiếp dẫn vãng sinh. Nếu các hạ tin được lời này thì sống cũng được đại lợi ích, mà chết cũng được đại lợi ích!

Tình thế hiện tại chính là tình thế hoạn nạn. Nếu chẳng lấy Phật A-di-đà và Quán Thế Âm Bồ-tát làm chỗ nương cậy để thường niệm, lỡ ra họa hoạn xảy tới, hoặc thình lình gặp phải chuyện bất trắc, kêu gào suông cũng chẳng được! Nếu đã niệm sẵn từ trước sẽ có sự chuyển biến âm thầm. Huống hồ cơn sinh tử xảy tới, ai cũng phải có ngày ấy!

Vì thế, phải thường nghĩ đến lúc lâm chung, tự chẳng dốc sức rong ruổi theo đuổi hết thảy vọng tưởng trái phận và các pháp môn chẳng giúp ích gì cho việc liễu sinh thoát tử, đến nỗi bỏ phế, chẳng tu pháp môn phải quyết định dựa vào để liễu sinh thoát tử này. Mong vợ chồng, cha con ông đều chẳng cho lời Quang là hủ bại, vớ vẩn thì thật là may mắn lắm!

Người niệm Phật có bệnh nên nhất tâm chờ chết. Nếu tuổi đời chưa tận sẽ chóng lành bệnh. Đem toàn thân buông xuống để niệm Phật, tiêu nghiêïp rất hay! Nghiệp tiêu thì bệnh lành. Nếu chẳng buông xuống được, cứ mong được khỏe lại, nếu chẳng được khỏe lại chắc chắn không cách gì được vãng sinh vì chẳng nguyện sinh! Chẳng hiểu rõ đạo lý này, còn mong cậy vào Phật từ lực nữa ư?

Với căn bệnh của mẹ ông, hãy nên khuyên bà khẩn thiết buông xuống, cầu vãng sinh. Nếu tuổi thọ chưa hết mà cầu vãng sinh sẽ hóa ra chóng được lành bệnh. Ấy là vì tâm chí thành nên được Phật từ gia bị. Mong ông hãy nhỏ nhẹ khéo léo khuyên mẹ, đừng bắt chước kẻ si nói những lời si dại nữa!

Chú Thích:

21. Bổn địa: là ứng với Tích Hóa mà nói. Bổn là gốc, là pháp thân; Tích là sự hóa hiện để hóa độ chúng sinh. Bổn địa là nói đến sự chứng ngộ thật sự của Ngài.

Ấn Quang Đại Sư 




Có phản hồi đến “12. Khuyên Chuyên Cậy Vào Phật Lực”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com