Người sống trong thế gian có đủ tám nỗi khổ. Dù sinh trên trời khó tránh Ngũ suy[20]. Chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới không có các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Kinh dạy: “Tam giới vô an, do như hỏa trạch, chúng khổ sung mãn, thậm khả bố úy” (ba cõi không yên giống như nhà lửa, các khổ dẫy đầy rất đáng kinh sợ). Mạng người vô thường, lẹ như ánh chớp. Đại hạn xảy đến, ai nấy chẳng thể chiếu cố cho nhau. Hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng.

Đối với những điều ấy chẳng tỉnh ngộ, tận lực tu Tịnh nghiệp thì cùng sinh trưởng như gỗ, đá vô tình trong vòng trời đất vậy. Là trang nam nhi có huyết tánh, há chịu làm thây đi thịt chạy, chết mục nát với cỏ cây! Đề cao cảnh Thánh nhưng tự ở chốn phàm phu, gặp lời răn nhắc lớn lao mà chẳng phát nhẫn, nghe đạo của Thánh Hiền, Phật, Tổ, vẫn chẳng chịu tin thì là trời phụ người hay người phụ trời đây?

Tâm gặp ác mộng là điềm ác nghiệp đời trước hiển hiện. Dù cảnh có hiện ra là thiện hay ác, nhưng chuyển biến được cảnh chính tại nơi mình! Ác nghiệp hiện nhưng chuyên tâm niệm Phật thì nhân duyên ác thành nhân duyên lành, ác nghiệp đời trước biến thành đạo sư đời này. Tiếc là người đời phần nhiều bị nghiệp trói buộc, chẳng thể chuyển biến, đến nỗi lâm vào cảnh đã té giếng còn bị ném đá, khổ càng thêm khổ!

Thời này là thời nào? Nam Bắc đánh nhau, trong ngoài đối địch. Ba bốn năm gần đây, người chết bốn năm ngàn vạn. Tự thuở có con người đến nay, chưa từng nghe thấy sự thê thảm như vậy. Lại còn gió lốc, nước dâng, địa chấn, ôn dịch nhan nhản các nơi. Lại còn thêm lụt lội, hạn hán, không năm nào chẳng kèm thêm các tai nạn ấy. Giá cả các thứ mắc gấp mấy lần năm trước.

Trong lúc này, may còn được sống, dám đâu chẳng kiệt lực chuyên tu Tịnh nghiệp để cầu vãng sinh Tịnh độ ư? Dám đâu do may mắn còn được cái thân lại buông lung ý chí, chẳng chuyên chú nhất định vào một pháp, lơ mơ dốc sức vào một pháp môn chẳng khế hợp thời cơ ư? Giả sử một hơi thở ra chẳng hít trở vào được, muốn lại được nghe pháp môn thẳng tắt như thế này, chỉ e chẳng có dịp may mắn như thế nữa đâu?
Thân là gốc để chiêu khổ, chán nhàm bèn được cái nền tảng để hưởng vui. 

Do túc nhân sâu dày, hiện tại thiện hảo càng nồng hậu, nên báo nặng từ nhiều kiếp chuyển thành vạ nhẹ trong hiện tại. Càng hoạn nạn đớn đau, càng mạnh mẽ tu trì thì những thống khổ trong cõi Ta-bà sẽ là thầy hướng dẫn mình về Cực Lạc. Hãy nghĩ mình đang đền nợ cũ thì những ý tưởng ảo não, phiền muộn sẽ tự tiêu. Nếu vẫn còn ôm lòng oán trách thì tội chướng tiếp tục khởi. Cam chịu nghịch cảnh xảy đến mới là kẻ biết vui theo mệnh trời. Chán đây, ưa kia mới là người tu Tịnh nghiệp.

Một câu Phật hiệu bao quát hết cả toàn bộ giáo nghĩa Đại tạng không còn sót gì. Người thông Tông, thông Giáo mới có thể làm người chân thật niệm Phật. Nhưng người cái gì cũng không biết, cái gì cũng chẳng làm được, miệng chỉ biết thưa thốt, cũng vẫn có thể làm người chân thật niệm Phật. Hai hạng người này có chân thật hay không, toàn là do mình nỗ lực hay không, có hành theo đúng giáo pháp hay không?
Nếu đối với pháp môn Tịnh độ, kính tin lời Phật quyết định chẳng ngờ, lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, tu hành thật sự nhất định sẽ vãng sinh làm người trong thế giới Cực Lạc. Há nên trong lúc kiếp vận này, toan nhằm thời buổi nguy hiểm, tinh thần hữu hạn, lại thực hiện những pháp vụ chẳng cấp bách hòng được tiếng tăm là bậc đại thông gia để thỏa thể diện, khiến cho một việc chuyên tu của chính mình rốt cục thành hư luống sao?

Một pháp Tịnh độ lấy ba điều tín, hạnh, nguyện làm tông. Chỉ có đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha mới dốc chí hành trì được. Gặp cảnh họa hại mới bèn chân thành, khẩn thiết; gặp lúc nhàn nhã, thong dong bèn lơ là, hoãn đãi, đấy là bệnh chung của phàm phu. Vào lúc này, thời cuộc lẫn tình hình đạo pháp như nằm yên trên đống củi, phía dưới lửa đã bốc cháy, nhưng chưa cháy đến thân. Chớp mắt là toàn thể bừng cháy, khắp cõi hư không chẳng chỗ nào trốn tránh được cả! Sao còn lơ là, xao nhãng qua ngày, chẳng chuyên chí cầu nơi một câu Phật hiệu? Cái tri kiến ấy thiển cận quá đỗi!

Đời trước vun bồi huệ căn này cố nhiên chẳng dễ dàng gì. Nếu đối với pháp này chẳng chuyên tinh, dốc cạn sức để mong được tự chứng, có khác gì chén, bình chưa nung, gặp mưa liền rã. Quang âm ngắn ngủi, mạng người mấy chốc? Một hơi thở ra chẳng trở lại đã qua đời sau. Người chưa chứng đạo từ ngộ vào mê, vạn người có cả mười ngàn; từ ngộ thêm ngộ, ức kẻ chẳng được một hai! Nỡ để vô thượng pháp khí gặp phải cơn mưa tái sinh liền trở thành bụi đất ư?

Chúng ta đã là Phật tử, phải hành Phật hạnh. Dù chẳng phá sạch được vô minh, nhanh chóng khôi phục bổn tánh, tiến thẳng vào Diệu Giác quả hải, chẳng lẽ không thể viên chứng ba tâm (thâm tâm, trực tâm, hồi hướng phát nguyện tâm), dốc lòng tu Tịnh nghiệp để mong đoạn hoặc ngay nơi thân này, gởi tâm thức nơi Liên bang, làm đệ tử Phật Di-đà, làm bạn lành của các Đại sĩ, an trụ tịch diệt, dạo các cõi Phật, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh hay sao?

Nếu chẳng tự gắng sức, chỉ đề cao Thánh cảnh, vẫn cam làm phàm ngu, e rằng cả nửa đời tu trì siêng nhọc phải đành cay đắng vĩnh viễn trầm luân! Mê muội nên châu buộc nơi vạt áo mà đành bỏ phí của báu, lên núi báu trở về tay không. Dùng tánh Chân như mầu nhiệm có đủ vô lượng công đức, trí huệ, thần thông, tướng hảo để hứng chịu oan uổng vô lượng sinh tử luân hồi, phiền não nghiệp quả, huyễn vọng cực khổ. Chẳng phải là mất trí sinh cuồng, ghét thăng thích đọa, sống làm thịt chạy, thây đi, chết mục nát cùng cây cỏ? Tam thế chư Phật gọi là hạng người đáng thương xót. Những vị đồng luân với tôi hãy ráng nỗ lực!

Trong lúc đường đời nguy hiểm này, hãy nên mở toang tấm lòng, tầm mắt, nỗ lực tu trì Tịnh nghiệp. Tất cả cát hung, họa phước đều chẳng lo tới, tùy duyên ứng biến. Dù cho đại họa trút xuống đầu vẫn nên nghĩ: những người cùng mắc phải họa này chẳng biết là mấy ngàn vạn ức người? Trong tình thế chẳng làm gì khác được, vẫn còn có A-di-đà Phật và Quán Thế Âm Bồ-tát để nương cậy được, há còn lo chi? Lấy việc niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để làm chỗ cậy nhờ vô úy. Mở rộng tâm lượng, đừng thấp thỏm thì bệnh tự nhiên lành, thân yên vui.

Chẳng biết nghĩa này, dù chưa gặp phải cảnh tai ách đã tự hãm mình trước vào trong tai ách; dù là Phật, Bồ-tát cũng chẳng thể cứu nổi. Bởi thế, quân tử không hoạn nạn hành xử như đang bị hoạn nạn, cho nên không điều gì xảy đến mà chẳng tự chủ được!

Chú thích:

20. Ngũ suy là năm tướng suy: 1. Hoa trên đầu héo; 2. Y phục nhơ nhớp; 3. Đổ mồ hôi nách; 4. Thân hình hôi thối; 5. Không ưa ngồi trên tòa. Mỗi khi năm tướng ấy hiện là điềm báo trước vị trời ấy khi mạng chung sẽ bị đọa lạc.

Ấn Quang Đại Sư




Có phản hồi đến “6. Khuyên Hành Nhân Nỗ Lực”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com