Sự khổ trong Ta-bà chẳng thể nói hết nổi. Dù trong thời thanh bình, hằng ngày vẫn gặp cảnh khổ não. Vì chúng sinh quá quen với những cảnh khổ ấy đã lâu nên chẳng biết đó thôi! Gần đây, Trung Quốc trải mấy phen binh lửa, đã là khổ chẳng thể nói. Ngoài thế giới, các nước đại chiến đã ba năm, người chết gần cả ngàn vạn, khai mào nạn binh kiếp bậc nhất. Tình hình chiến tranh vẫn còn mạnh mẽ, chẳng biết mức độ khốc liệt sẽ đến đâu, lặng im suy nghĩ, thật đáng kinh sợ vậy.

Nguyên nhân là do nước nọ tận lực muốn chiếm đoạt, tàn diệt nước kia, nhưng cũng do ác nghiệp xưa kia của chúng sinh chiêu cảm ác báo nên mới đến nỗi cực kỳ tàn khốc như thế. Nay nghe lời này, phải nên mạnh mẽ phát khởi đại tâm cầu mau được vãng sinh. Sau đấy sẽ trở vào Ta-bà phổ độ hết thảy.

Kinh dạy: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ-tát sợ chiêu lấy ác quả nên đoạn ác nhân. Ác nhân đoạn rồi, ác quả không sinh từ đâu được. Chúng sinh đua nhau tạo nhân ác, ắt phải lãnh quả ác. Đến lúc lãnh quả ác, chẳng biết tự sám hối nghiệp trước, lại còn tạo thêm ác pháp để chống chọi lại. Thế nên oan oan tương báo trải bao kiếp không ngừng. Chẳng đáng buồn sao? Chẳng đáng sợ sao? Biết vâïy rồi, chẳng lẽ nào lại chẳng cầu sinh Tây Phương!

Cõi trời đang lúc Kiếp trược, cướp bóc, giết hại lẫn nhau. Chẳng có lá bùa hộ thân, sẽ khó tránh phải họa hại được mãi! Lá bùa hộ thân vừa nói đó cũng chỉ là chí thành lễ niệm A-di-đà Phật mà thôi! Quán Âm Đại sĩ thệ nguyện rộng sâu, nghe tiếng cứu khổ, có cảm ắt ứng. Ngoài việc sáng chiều lễ Phật ra, hãy nên lễ niệm thêm Đại Sĩ sẽ ngầm được gia hộ, tự có thể chuyển họa thành phước, biến tai nạn thành điều tốt lành mà mình chẳng biết.

Thiên hạ loạn lạc, kẻ thất phu phải có trách nhiệm. Người người ai nấy dốc tấm lòng thành, ai nấy tận lực hiếu đễ, ai nấy làm điều từ thiện: giúp đỡ kẻ cô quả, cứu kẻ hoạn nạn, thương xót kẻ nghèo, kiêng giết, phóng sinh, ăn chay, niệm Phật. Người có thiện cảm, trời ắt ứng phước, tự nhiên mưa thuận, gió hòa, dân yên, vật mạnh, quyết chẳng đến nỗi trời thường giáng các tai nạn: lụt, hạn, ôn dịch, châu chấu, gió lốc, động đất… Thời tiết điều hòa, được mùa, nhân dân lạc nghiệp.

Lại thêm từ hòa, nhân nhượng tập quen thành thói. Dù có một hai kẻ ngu độn cũng sẽ biến thành hiền lành. Nếu thương xót kẻ quân tử trên xà nhà[30], hắn sẽ dứt tuyệt vĩnh viễn thói trộm cắp; chu cấp cho đứa rình rập nhà kín, từ đấy về sau nó sẽ trở thành người lành. Cổ nhân dùng nhân từ để cai trị, chân thành yêu dân, nên còn cảm hóa được cả dị loại. Các điềm lành như: hổ chẳng vào nơi trấn nhậm, cá sấu bỏ đi nơi khác… chép trong sử sách, nào phải chỉ có một chuyện! Nếu ai nấy thật sự có thể dùng lòng từ thiện cảm động nhau, quyết chẳng đến nỗi thường có các tai họa: thổ phỉ, đao binh, giầy xéo, cướp bóc!

Nên biết Phật pháp lấy nhân quả báo ứng làm đạo. Nay kẻ trên không giữ đạo, kẻ dưới chẳng tuân phép tắc, tàn hại lẫn nhau, lấy giết chóc làm vui, chỉ cốt sao thỏa thích ý mình, chẳng đoái quốc gia còn mất, dân tình thống khổ. Đấy đều là do chẳng biết nhân quả ứng mà nên nỗi. Tôi thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để Thánh nhân thế gian và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sinh”. Trong lúc này, chẳng đề xướng sự lý nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi mà muốn thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, dù Phật Tổ, Thánh Hiền cùng ra đời cũng chẳng biết làm sao được!

Thế đạo suy sụp, lòng người bạc bẽo là do Nho gia chẳng biết đạo là ở chỗ cung kính thực hành, cứ một bề đuổi theo cải ngọn. Phàm đối với những nghĩa lý như khắc kỷ, giữ lễ, ngăn lòng tà, giữ lòng thành, họ chẳng cần biết đến, cứ lo thuộc lòng từ chương hòng làm cái vốn để tấn thủ trong đời, khiến cho cái đạo khen ngợi, giáo hóa, dưỡng dục của Thánh nhân trở thành ngón nghề để thâu đoạt danh lợi. Đấy thật là báng nhục Thánh Hiền, trái nghịch thiên địa đến cùng cực!

Do vậy, người đọc sách tâm chẳng hiểu nghĩa sách, thân chẳng hành theo đạo lý dạy trong sách. Người làm văn cứ phô diễn đạo lý hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ chẳng sót mảy may, nhưng xét đến ý nghĩ, việc làm, tuyệt chẳng có chút mảy may nào liên quan đến những điều ấy cả. Khác nào con hát diễn tuồng, khổ sướng, vui buồn, cố làm giống như thật, chứ thật sự ra, những tâm trạng ấy chẳng mảy may liên quan gì đến chính mình cả! Thói tệ ấy đã nẩy, dần dà biến thành quá mức.

Người có thiên tư quen thói cuồng vọng, thẹn phải theo vết Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng, bèn muốn tiến lên, rốt cuộc phế bỏ kinh điển Thánh Hiền, sùng thượng Âu Hóa. Một người đề xướng, trăm kẻ hùa theo, trở thành phong trào đến nỗi những kẻ tiểu nhân hèn kém tầm thường muốn thỏa ý niệm, mặc sức phóng túng không kiêng kỵ, bèn vội vã đề xướng dẹp bỏ cương thường đạo lý gây trở ngại cho họ, muốn gấp rút thực hành chủ trương tệ hại gây hại lớn lao cho quần chúng, khiến dân không có pháp gì để an, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Ví như đi đêm bỏ đuốc, vượt biển bỏ thuyền, lại mong chẳng bị té ngã, chìm đắm, há có được chăng?

Gần đây, thế đạo nhân tâm suy sụp, chìm đắm đến cùng cực. Thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Người biết lo cho đời, biết các nghiệp quả ấy đều do sát hại khởi lên. Nếu đã biết vật còn chẳng nên giết, quyết chẳng lẽ nào giết người. Do vậy, ai nấy ôm lòng từ thiện, nâng đỡ lẫn nhau, tự thay đổi được phong tục, chiêu cảm được thiên hòa vậy.

Phải biết rằng phóng sinh chính là để ngăn ngừa giết chóc thì phải bắt đầu bằng ăn chay. Nếu như ai nấy đều kiêng giết, ai nấy đều ăn chay thì nhà nhà tu tập từ thiện, người người tuân hành đề cao lễ nghĩa, phong tục thuần mỹ, khí hậu điều hòa, mùa màng sung túc, có đâu đến nỗi kiếp đao binh khởi, kẻ này người kia tàn hại lẫn nhau! Đấy chính là nhiệm vụ căn bản trọng yếu, thanh tịnh đúng đắn để vãn hồi thiên tai, nhân họa. Phàm những ai muốn cửa nhà yên vui, thân tâm khang ninh, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, xin hãy cầu nơi việc phóng sinh kiêng giết, ăn chay niệm Phật thì cầu gì lại chẳng được!

Gần đây, thiên tai nhân họa liên tiếp xảy ra quá đỗi, số người tử vong quá nhiều càng thảm. Há nào phải đạo trời bất nhân đâu! Thật ra là do ác nghiệp trong bao kiếp và trong đời này chiêu cảm đó thôi. Tuyệt đối chẳng có chuyện không nhân lại được quả, cũng tuyệt đối chẳng có chuyện tạo thiện nghiệp lại bị quả ác! Chỉ vì tri kiến phàm phu chẳng thể biết rõ nhân duyên túc thế, nên tựa hồ có trường hợp lẽ ra chẳng đáng được nhưng lại được. Nếu có thể xem trọn nhiều kiếp, nhiều đời, sẽ thấy mỗi một quả báo thiện hay ác ta phải nhận đều như tiếng vọng đi theo âm thanh, như bóng theo hình, trọn chẳng sai khác!

Nay thế đạo nhân tâm suy sụp, khuyết hãm đã đến cực điểm. Nếu chẳng dùng nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi và “hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật” để dạy dỗ, quyết khó lòng đạt được hiệu quả! Do một niệm tâm tánh của chúng ta bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, hễ gặp tịnh duyên bèn chứng Tam thừa và Phật pháp giới; gặp duyên mê nhiễm sẽ thành nhân thiên và ác thú Pháp giới. Dù mười Pháp giới thăng trầm, khổ vui khác xa nhau như trời với đất, nhưng tâm tánh vốn sẵn có ấy tại phàm chẳng giảm, tại tánh chẳng tăng.

Nếu hiểu kỹ nghĩa này, dù có táng thân mất mạng, quyết chẳng chịu bỏ tịnh duyên đã ngộ để theo đuổi nhiễm duyên đến nỗi luân hồi mãi mãi, chẳng thể thoát nổi! Vì thế, biết rằng các pháp nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi v.v… chính là đại đạo trị cả gốc lẫn ngọn, là nguyên do của cả phàm lẫn Thánh, là phương tiện lớn lao để Thánh nhân thế gian, xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sinh. Trong lúc này, nếu bỏ đi pháp này, dù Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Châu, Khổng cùng ra đời, cũng chẳng làm gì được!

Ba cõi chẳng yên hệt như nhà lửa, các khổ đầy dẫy thật đáng kinh sợ! Chúng sinh ngu si dù chịu khổ lớn chẳng cầu xuất ly. Dù sẵn có Phật tánh, nhưng vì mê muội, trái nghịch, lại khởi hoặc tạo nghiệp đến nỗi trải kiếp số như trần sa không cách nào giải thoát. Chẳng đáng buồn ư? Huống nay, thế đạo, lòng người nguy hãm, chìm đắm đến cùng cực, sát kiếp thê thảm từ xưa chưa từng nghe.

Lại thêm trào lưu tân học, bác không nhân quả, chê những lời nghị luận đạo đức của Thánh Hiền là hủ bại, vu vơ, mặc tình đề xướng những ý kiến mình ức đoán. Kẻ quáng dẫn lũ mù, lôi nhau vào lửa, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Lũ dân ngây ngô thật đáng thương xót. Bởi thế, những người có tâm lo cho đời bèn mạnh mẽ phát đại chí muốn cứu giúp dân. Những nghiệp quả ấy đều do chỉ biết tự tư, tự lợi, chẳng biết nhân quả ba đời, thiện ác báo ứng, tưởng là người chết đi, thần thức liền diệt, chẳng có linh hồn tùy theo nhân duyên tội phước thọ sinh trong trời người hay đọa vào Tam đồ ác đạo!

Nếu thiện hay ác cũng đều bị diệt mất như nhau, lẽ nào chẳng tùy ý làm bất cứ chuyện gì cốt sao thân tâm khoái lạc ư? Do vậy, đối với những việc nghịch thiên trái lý, tổn người lợi mình, cùng với giết hại sinh mạng cốt sao thỏa thích miệng bụng, bèn đua nhau tưng bừng làm, chẳng e dè chi!

Nếu như biết đến nhân quả ba đời sẽ liền sợ phải thọ báo, chẳng dám móng khởi chút ý niệm, huống hồ là thực hành những việc ấy? Vì vậy, biết rằng, sự lý nhân quả ba đời, sinh tử luân hồi do đức Phật ta giảng chính là huệ nhật trong đêm dài vô minh, niệm Phật cầu sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là thuyền từ trong biển khổ sinh tử. Muốn vãn hồi kiếp vận, bỏ qua pháp này, không còn cách chi!

Ấn Quang Đại Sư

Chú Thích:

30. Nguyên văn: “Lương thượng chi quân tử” (kẻ quân tử ở trên xà nhà), là thành ngữ chỉ kẻ trộm.



Có phản hồi đến “17. Giải Thích Về Nguyên Do Của Kiếp Vận”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com