Mục Lục
Trộm nghĩ pháp môn tu trì có hai thứ khác nhau. Nếu cậy vào sức mình để tu giới, định, huệ hòng đoạn hoặc chứng chân, liễu sinh thoát tử thì gọi là những pháp môn thông thường. Nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật, mong nhờ vào Phật lực vãng sinh Tây Phương thì gọi là pháp môn đặc biệt.
Pháp môn thông thường toàn cậy vào Tự lực, pháp môn đặc biệt gồm cả Tự lực và Phật lực. Dù có công tu định huệ, đoạn hoặc sâu, nhưng không có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu vãng sinh thì vẫn thuộc về Tự lực. Nay dùng ví dụ để chỉ rõ. Đường lối tu thông thường giống như vẽ tranh sơn thủy, phải vẽ từng nét bút từ từ thành hình. Còn pháp môn đặc biệt như chụp cảnh sơn thủy, dù núi non, cây cỏ um tùm cách mấy, chụp một cái là đủ hết cả.
Đường lối tu thông thường lại như ra đi bằng đường bộ, người mạnh nhất mỗi ngày đi chẳng quá một trăm mười dặm. Pháp môn đặc biệt như ngồi trên luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương, một ngày bay đi khắp bốn đại bộ châu. Chúng ta đã chẳng có khả năng thành Phật ngay lập tức, lại chẳng thực sự chứng “đoạn Kiến hoặc, tùy ý chẳng tạo nghiệp”; nếu chẳng chuyên tu Tịnh nghiệp để nhờ vào Phật lực đới nghiệp vãng sinh, chỉ e đến tận đời vị lai vẫn ở trong Tam đồ, Lục đạo, thọ sinh, thọ tử, không cách nào xuất ly, chẳng đáng buồn ư? Nguyện những đồng nhân của tôi gấp sinh chánh tín.
Một pháp niệm Phật ước có bốn loại, nghĩa là: Trì danh, Quán tượng, Quán tưởng và Thật tướng. Chỉ mỗi mình pháp Trì danh thâu nhiếp căn cơ rất rộng, hạ thủ dễ dàng nhất, chẳng đến nỗi bị ma sự!
Nếu muốn tu Quán, phải đọc kỹ Quán Kinh, hiểu sâu xa “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” và “tâm tịnh Phật hiện, cảnh chẳng phải đến từ bên ngoài”, chỉ do tâm hiện, đừng sinh chấp trước. Đã không chấp trước thì cảnh càng thêm thâm diệu, tâm càng thêm tinh nhất. Làm được như vậy thì Quán tưởng được lợi ích chẳng nhỏ.
Nếu cảnh quán chẳng thuần thục, chẳng hiểu rõ Lý, dùng tâm gấp rút vọng động muốn cảnh hiện gấp thì toàn thể đều là vọng, chẳng tương ứng với cả Phật lẫn tâm, đọa vào ma thai. Nhân đó, vọng động muốn thấy cảnh thì tâm càng thêm vọng động, ắt đến nỗi phát động oan gia trong nhiều đời hiện ra những cảnh giới. Cái nhân ban đầu đã chẳng chân, làm sao biết được cảnh ấy là do ma nghiệp hiện? Liền sinh đại hoan hỷ, tình thức chẳng tự yên nên ma sẽ dựa thân, mất trí thành cuồng. Dù cho Phật sống hiện thân cứu độ, cũng chẳng làm gì được! Nên tự lượng căn tánh, chớ toan tính chuyện cao xa để đến nỗi mong được lợi hóa ra thành tổn hại!
Hòa thượng Thiện Đạo dạy: “Mạt pháp chúng sinh thần thức chao đảo, tâm thô cảnh tế, quán khó thành tựu. Cho nên, đức Đại Thánh thương xót riêng khuyên nên trì danh vì xưng danh dễ, trì danh liên tục liền được vãng sinh”. Đúng là Ngài sợ có kẻ chẳng khéo dụng tâm đến nỗi lạc vào cảnh ma, hãy tự xét kỹ! Hơn nữa, trì danh chí thành khẩn thiết cũng là một diệu pháp để tiêu trừ ma cảnh vọng động. Hãy nên dốc kiệt tâm lực thực hành mới nên!
Chớ nói: duyên tưởng một đức Phật công đức chẳng lớn bằng duyên tưởng nhiều đức Phật. Phải biết rằng A-di-đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, công đức của tất cả mười phương Pháp giới chư Phật, mình đức Phật A-di-đà đã hoàn toàn trọn đủ. Như các hạt châu nơi lưới của Thiên Đế, ngàn hạt châu in bóng trong một hạt châu, một hạt châu chiếu khắp ngàn hạt châu. Nêu một gồm thâu toàn bộ, chẳng thiếu, chẳng dư!
Nếu là bậc Đại sĩ tu lâu, duyên cảnh rộng lớn chẳng ngại gì! Cảnh càng rộng, tâm càng chuyên nhất. Nếu là kẻ sơ tâm mạt học, nếu duyên cảnh rộng tâm thức sẽ phân tán, nhưng chướng sâu huệ cạn, rất có thể khởi các ma sự. Cho nên, đức Phật Thế Tôn ta và lịch đại chư Tổ đều dạy nhất tâm chuyên niệm A-di-đà Phật là vì lẽ ấy. Đợi đến khi niệm Phật chứng được Tam-muội thì trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa thảy đều đầy đủ. Cổ nhân bảo:
“Dĩ mộc đại hải giả,
Tất dụng bách xuyên thủy,
Thân đáo Hàm Nguyên điện,
Bất tu vấn Trường An?”.
“Đã tắm trong biển cả,
Ắt dùng nước trăm sông.
Thân đến điện Hàm Nguyên,
Hỏi Trường An chi nữa?”.
Có thể nói là rất khéo hình dung vậy!
Chớ có nói một pháp Trì danh là thiển cận, rồi bỏ pháp này, tu các pháp Quán tượng, Quán tưởng, Thật tướng! Trong bốn pháp niệm Phật, chỉ có mỗi Trì danh là khế cơ bậc nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật tướng sẽ hiển lộ toàn thể, diệu cảnh Tây Phương triệt để phô bày trọn vẹn, tức là trì danh mà chứng được Thật tướng, chẳng quán tưởng mà thấy cùng tột cảnh Tây Phương.
Một pháp Trì danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Nay những người dạy lý quán pháp đều chẳng hiểu rõ. Nếu tu Quán tưởng, Thật tướng lỡ bị ma dựa, há có phải là biến khéo thành vụng, cầu thăng hóa đọa. Hãy nên tu hạnh dễ hành, sẽ tự cảm được diệu quả!
Như Lai thuyết pháp vốn là để thích ứng căn cơ. Vì thế mới có việc vì Thật bày Quyền, hiển Quyền khai Thật, năm thời giáo hóa. Lại vì cậy vào Tự lực để liễu thoát thì khó, cậy Phật lực để liễu thoát thì dễ. Lại vì chúng sinh đời mạt pháp căn cơ hèn kém nên Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh độ để ba căn Thượng, Trung, Hạ đều hưởng lợi ích, cùng chứng Bất thoái.
Đời có kẻ ham cao chuộng trội, chẳng xét thời cơ, cứ đem những pháp phần đông chẳng khế ngộ nổi để dạy người tu tập. Ý họ tuy rất lành, nhưng ước về giáo pháp thì chẳng thích hợp với căn cơ, cho nên dụng sức rất nhiều mà kẻ được lợi ích lại ít!
Trước khi chưa đắc nhất tâm, trọn chẳng thể móng khởi ý niệm thấy Phật. Đạt được nhất tâm thì tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền thấy ngay, chẳng thấy cũng không ngại gì. Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm rối bời, ý niệm muốn được thấy Phật kết chặt trong dạ, trở thành đại bệnh cho việc tu hành. Lâu ngày, kẻ oán gia trong nhiều đời thừa dịp tình tưởng vọng động, dối hiện thân Phật để đòi oán cũ. Tự mình tâm không chánh kiến, toàn thể thuộc về khí phận ma, vừa thấy liền sinh hoan hỷ. Do đó, ma nhập tim gan, bị ma dựa phát cuồng. Dù có Phật sống cũng chẳng làm gì được!
Chỉ nên gắng đạt nhất tâm, quản chi thấy Phật hay không? Nhất tâm rồi sẽ tự biết rõ. Nếu chẳng thấy Phật thì do công phu vượt tiến liền thấy, lại càng thêm một dạ chuyên tu, trọn chẳng mắc lỗi hiểu lầm, chỉ được lợi ích vượt trội.
Trong đời, kẻ chẳng hiểu lý mới tu trì chút ít đã mong mỏi quá phận mình. Ví như mài gương, nếu bụi dơ đã hết, chắc chắn quang minh sẽ hiện ra chiếu trời, soi đất. Nếu chẳng tận lực mài, cứ mong gương tỏa sáng, do toàn thể là nhơ bẩn nên nếu có phát quang thì ánh sáng ấy cũng là ánh sáng ma quái, chứ nào phải ánh sáng của gương!
Quang tôi chỉ sợ ông chẳng khéo dụng tâm, lỡ ra bị mất lợi lành, khiến tín tâm người khác bị lui sụt, nên mới viết thư bày tỏ. Tổ Vĩnh Minh nói: “Chỉ được thấy Di-đà, lo chi không khai ngộ”. Nay tôi bắt chước Ngài nói: “Chỉ mong đạt nhất tâm, lo gì thấy, chẳng thấy!”. Biết vậy rồi thì hãy nên dốc sức để tâm hợp với đạo của Phật vậy!
Đóng cửa phương tiện, cự tuyệt sự vụ chẳng cấp bách, thật là hữu ích.
Khi bế quan dụng công, nên lấy “chuyên tinh bất nhị” làm chánh. Nếu tâm được chuyên nhất sẽ tự được cảm thông chẳng thể nghĩ bàn. Lúc chưa được nhất tâm, tâm chớ vọng động cầu cảm thông. Sau khi nhất tâm, nhất định có cảm thông. Cảm thông thì tâm càng tinh nhất. Có thể nói là như gương sáng đặt trên đài, hình đến liền hiện bóng, hình tự lăng xăng, can gì đến ta? Tâm chưa chuyên nhất, đừng cầu cảm thông; bởi cái tâm cầu cảm thông đó chính là một chướng ngại lớn bậc nhất cho việc tu đạo, huống hồ do vọng động mong cầu thái quá, rất có thể các ma sự khởi, phá hoại tịnh tâm!
Việc cắt máu chép kinh có thể hoãn lại đó, trước hết nên lấy nhất tâm niệm Phật làm trọng. E rằng vì máu hao tinh thần suy nhược, lại hóa thành chướng ngại. Thân có an thì đạo mới vượng. Còn thuộc địa vị phàm phu đừng bắt chước khổ hạnh của bậc Pháp thân Đại sĩ. Chỉ cần được nhất tâm thì pháp nào cũng trọn vẹn hết!
Đối với pháp Quán tưởng, nếu chẳng minh bạch về mặt Lý, quán cảnh chưa thành thục thì chẳng được có tâm vọng động mong chóng đạt. Người có chí trấn định chẳng dời tu pháp này thì tổn nhiều, ích ít. Còn Thật tướng niệm Phật chính là diệu hạnh thuộc về đường lối chung trong hết thảy pháp môn thuộc toàn bộ giáo pháp của đức Phật. Như Chỉ Quán bên Thiên Thai tông, tham cứu hướng thượng của nhà Thiền v.v… đều thuộc đường lối này cả. Những pháp nói đó đều là niệm đức Phật tự tánh thiên chân…
Niệm đức Phật Thật tướng như vậy nói có vẻ dễ, nhưng tu chứng khó nhất. Chẳng phải bậc Đại sĩ tái lai, có ai chứng được ngay trong đời này? Do khó khăn ấy, lẽ đương nhiên cách Trì danh niệm Phật đáng nên khen ngợi, khuyên tu. Hiểu điều này rồi mà còn muốn cậy vào Tự lực để đoạn hoặc chứng chân, khôi phục tâm tánh vốn sẵn có, chẳng chịu sinh lòng tin, phát nguyện, chấp trì danh hiệu cầu sinh Tây Phương, quyết chẳng có lẽ ấy!
Do Thật tướng hiện hữu trong hết thảy pháp, một pháp Trì danh chính là một đại pháp môn vừa là Sự vừa là Lý, vừa cạn, vừa sâu, vừa là tu, vừa là tánh, là phàm tâm nhưng lại là Phật tâm. Với Trì danh mà hiểu được thể của nó chính là Thật tướng thì đạt lợi ích sâu rộng. Bỏ Trì danh để chuyên tu Thật tướng thì vạn người tu cũng khó được một hai kẻ thật chứng! Cứ xem quả báo của những vị Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công, Trần Trung Tú, Vương Thập Bằng v.v… sẽ thấy được lẽ trên. Với một việc liễu sinh thoát tử há cứ dùng chí to, lời lẽ to lớn mà thành tựu được nổi sao?
Niềm vui niệm Phật chỉ người chân thật niệm Phật mới biết được nổi. Nhưng phải chí thành khẩn thiết, nhiếp tâm mà niệm, chẳng được chấp vào tướng ngoại cảnh. Nếu không cõi lòng chẳng thông, quán đạo chẳng thuần thục, ma cảnh hiện tiền cũng chẳng biết rõ thì nguy lắm! Phải nhớ kỹ, nhớ kỹ! Nay những người thật sự hoằng dương Tịnh độ khó được mấy ai! Đem ý niệm tham học với khắp các bậc tri thức đổi thành nhất tâm niệm Phật thì lợi ích to lớn. Nếu không chỉ thành ra uổng công nhọc nhằn bôn ba mà thôi!
Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm chính là niệm đến lúc tương ứng, dù thường niệm Phật, nhưng trọn không có tướng khởi tâm động niệm (lúc chưa tương ứng chẳng khởi tâm động niệm thì chẳng niệm). Tuy chẳng khởi tâm động niệm, nhưng thường luôn xưng niệm hoặc ức niệm một câu Phật hiệu, nên nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Đừng hiểu vô niệm là không niệm. Vô niệm nghĩa là không có tướng khởi tâm động niệm để niệm, nhưng niệm niệm chẳng gián đoạn. Cảnh giới này chẳng dễ đạt được, chớ có hiểu lầm!
Một pháp Quán tưởng tuy hay, nhưng phải hiểu rõ tượng Phật mình thấy đó thuộc về duy tâm sở hiện. Nếu tưởng đó là cảnh ngoài tâm, rất có thể bị ma dựa phát cuồng. Chẳng thể không biết! Duy tâm sở hiện là cảnh tượng ấy tuy rành rẽ phân minh, nhưng thật chẳng có vật gì. Nếu tưởng là ngoại cảnh, cho là đành rành thật có thì liền thành ma cảnh. Khi tu quán nhắm mắt, mở mắt cốt sao thích hợp là được.
Người khác dạy người chú trọng vào chỗ huyền diệu. Quang tôi dạy người đa phần chỉ dẫn những điều họ có thể tận sức làm được. Nếu chẳng thể tận sức mình dù có luận tới tột nguồn, tận đáy của mỗi một pháp trong Thiền hay Giáo cũng chỉ thành “Tam thế chư Phật oan” mà thôi, huống gì chưa phải là chuyện tột nguồn, tận đáy?
Không tín nguyện niệm Phật, so với tham Thiền, khán thoại đầu tuy công đức lớn hơn, nhưng mình chưa đoạn được hoặc, sẽ chẳng thể liễu thoát bằng Tự lực! Thêm nữa, không có tín nguyện chẳng thể được Phật tiếp dẫn liễu thoát, vẫn là pháp môn thông thường cậy vào Tự lực để chứng đạo, thật chẳng thể dễ dàng. Chớ bảo “tín nguyện cầu sinh” là hèn kém! Hoa Nghiêm hải hội cùng lấy mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sinh là chỗ quy kết cuối cùng cho kinh Hoa Nghiêm. Huống hồ những pháp ngữ, những lời dạy của các Bồ-tát, Tổ sư trong Tịnh độ đều chỉ dạy tín nguyện cầu sinh!
Tuy có mười sáu phép quán, nhưng hành giả nên bắt đầu từ phép quán dễ, hoặc là quán tướng bạch hào của Như Lai, hoặc phép quán thứ mười ba là tạp tưởng quán. Còn như quán về chín phẩm chẳng qua là để hành nhân biết được tiền nhân, hậu quả của việc vãng sinh mà thôi, chỉ cần hiểu rõ là được; bất tất phải đặt riêng làm phép quán.
Chẳng thể chẳng biết lý của quán. Về mặt sự của tu quán thì phải hành từ từ. Nếu như chẳng hiểu rõ mặt lý, quán cảnh chẳng phân minh, dùng tâm tháo động phô thù để tu có thể tạo thành ma sự. Tức là khi quán cảnh hiện tiền, nếu tâm chợt vọng sinh ý niệm vui mừng, sẽ do vui thành chướng, có thể bị thoái thất tâm ban đầu.
Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tâm chẳng cho là cảnh Thánh, gọi là cảnh giới lành. Nếu cho là Thánh giải liền vướng quần tà”. Chỉ mỗi cách nhất tâm trì danh là hạnh ngàn phần ổn thỏa, vạn bề thích đáng, đợi đến khi tâm quy nhất, tịnh cảnh sẽ tự hiện tiền.
Phải biết lý “Pháp thân vào trong tâm tưởng” (nói trong Quán Kinh) rất sâu. Tâm là Phật, tâm làm Phật sự vốn bình thường. Bình thường phi thường, rất sâu chẳng sâu. Phải viên ngộ mới gọi là “đạt nhân” (người thấu hiểu). Còn phép quán thứ mười ba là riêng vì chúng sinh căn cơ kém cỏi mở cửa phương tiện, dạy họ quán thân Phật trượng sáu hoặc tám thước.
Trong phép quán thứ mười sáu, lại dạy những kẻ ác nghiệp nặng nề xưng danh hiệu. Do xưng danh liền được vãng sinh. Do đấy biết rằng, tướng có lớn nhỏ, Phật vốn là một. Chẳng thể quán tưởng, chỉ cần xưng danh liền được lợi ích. Suy nghĩ kỹ điều này sẽ biết một pháp Trì danh thật là bậc nhất. Hành nhân đời mạt muốn được quyết định vãng sinh ngay trong đời này có nên bỏ phí của báu một hạnh Trì danh này chăng?
Người đời này hơn quá nửa chuộng thể diện, xây lầu gác trên không. Có được một phần hay nửa phần, bèn nói là có đến trăm ngàn vạn phần. Như trong sách Ngữ Lục của vị cư sĩ nọ, những cảnh giới ông ta thuật đều là chuyện do ngòi bút vẽ vời, chứ chẳng phải cảnh do tâm tạo. Cố nhiên ông chẳng nói dối, nhưng tôi thật sự e rằng không chừng ông vướng phải tập khí này, họa ấy chẳng nhỏ.
Phật xếp vọng ngữ vào năm giới căn bản, chính là để phòng tệ này. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy là thuộc về tội vọng ngữ. Nếu xây lầu gác trên không, bịa đặt cảnh giới thù thắng là phạm đại vọng ngữ giới. Nếu chưa đắc bảo là đắc, chưa chứng bảo là chứng, tội đó nặng hơn giết, trộm, dâm trăm ngàn vạn ức lần. Người ấy nếu chẳng tận lực sám hối, khi một hơi thở ra không trở vào nữa sẽ đọa ngay vào địa ngục A-tỳ vì hoại loạn Phật pháp, khiến chúng sinh lầm ngờ vậy.
Ông phải rất thận trọng, cảnh mình thấy chỉ một phân chẳng được nói một phân mốt, cũng chẳng thể nói là chín ly chín. Nói quá thì mắc tội, nói giảm cũng không được. Vì sao vậy? Bởi tri thức chưa đắc tha tâm đạo nhãn, chỉ có thể dựa vào lời đã nói để phán đoán mà thôi. Thuật cùng tri thức cảnh giới ấy để nhờ họ chứng minh là tà hay chánh, là đúng hay sai thì không sao. Nếu chẳng vì chứng minh, chỉ muốn khoe khoang cũng có lỗi? Nếu nói với hết thảy mọi người, cũng có lỗi. Ngoại trừ việc cầu tri thức chứng minh, đều chẳng được nói ra. Hễ nói ra, sau này sẽ vĩnh viễn chẳng đạt được cảnh giới thù thắng ấy nữa. Đây chính là ải thứ nhất cho người tu hành, trong Thiên Thai tông đã nhiều lần nói đến.
Sở dĩ những người tu hành gần đây, nhiều kẻ bị ma dựa đều là do tâm vọng động, gấp rút mong được cảnh giới thù thắng. Nhưng nếu cả một đời tâm cứ hoan hỷ, tham trước v.v… sẽ vẫn bị tổn, chớ chẳng được ích, huống hồ cảnh ấy chưa đích xác là cảnh thù thắng ư?
Nếu người ấy có hàm dưỡng, tâm chẳng vọng động, gấp rút, không tâm tham đắm, thấy các cảnh giới cũng như chẳng thấy, chẳng sinh tâm hoan hỷ, đắm trước, cũng lại chẳng sinh tâm hoảng hốt, kinh nghi thì đừng nói là cảnh thù thắng hiện bèn được lợi, dù cảnh ma hiện cũng vẫn hưởng lợi ích! Vì sao vậy? Vì chẳng bị ma chuyển, nên có thể thẳng tiến. Tôi chẳng thường nói lời này với người khác, vì ông có những sự ấy nên chẳng thể không nói.
Tượng Đại sĩ ông được thấy lúc mới lễ Phật là không đích xác. Nếu đích thực là tượng Ngài thì sẽ chẳng vì ông nghĩ tượng đó chẳng khớp với Quán Kinh mà ẩn. Nhưng vì điều đó tín tâm của ông càng khẩn thiết thì cũng là một nhân duyên tốt, nhưng chẳng nên mong thường thấy tượng. Chỉ nên chí thành lễ bái mà thôi, mong ông đừng nghĩ gì khác. Lúc ngủ thấy ánh sáng trước mắt và khi lễ Phật thấy tượng Phật đứng trên hư không tuy là thiện cảnh, nhưng đừng tham đắm. Từ đây về sau đừng lấy đó làm điều mong mỏi, các tướng ấy sẽ chẳng hiện nữa.
Xem căn tánh của ông có lẽ đời trước từng tu tập Thiền định nên mới nhiều lần thấy những tướng ấy. Đời Minh, ông Ngu Thuần Hy ở tại núi Thiên Mục, bế quan tĩnh tu trên đỉnh núi cao. Lâu ngày bèn có tiên tri, dự đoán được trời sẽ âm u hay quang đãng, họa phước của người. Ông ta quy y với Liên Trì đại sư. Đại sư nghe chuyện, gởi thư cực lực quở trách, bảo ông ta lọt vào lưới rập của ma. Sau ông không biết nữa.
Phải biết rằng: người học đạo phải biết điều gì là quan trọng; nếu không, được lợi ích nhỏ nhặt, bị tổn hại lớn lao. Đừng kể đến những cảnh giới ấy, dù có thật sự đắc Ngũ thông cũng còn phải không đếm xỉa gì tới, mới hòng chứng được Lậu tận thông. Nếu một phen tham đắm sẽ khó thể tiến lên, thậm chí còn thoái đọa, chẳng thể chẳng biết!
Người tu Tịnh nghiệp chẳng đặt nặng các thứ cảnh giới nên không cảnh giới nào phát sinh. Nếu trong tâm cứ chuyên muốn thấy cảnh giới thì cảnh giới rất nhiều. Nếu chẳng khéo dụng tâm, có thể bị tổn hại, chẳng thể chẳng biết.
Đàm Bích Vân cứ mong gấp chứng. Chẳng phải riêng mình ông ta mắc phải căn bệnh này, hết thảy người học Phật đa số đều phạm phải căn bệnh này. Đã có bệnh ấy, chẳng những chiêu cảm ma sự, mà còn chưa chứng nói là đã chứng. Phải biết rằng: tâm vốn là Phật, do phiền não chưa trừ, phải oan uổng làm chúng sinh. Chỉ khi tiêu diệt được phiền não thì Phật tánh sẵn có sẽ tự nhiên hiển hiện.
Giống như mài gương chỉ mong sạch chất dơ, chẳng mong phát quang. Như thầy thuốc chữa mắt, hễ màng mộng mất đi, mắt sẽ tự sáng lại. Còn lúc chất dơ chưa sạch, màng mộng chưa khử, dù có muốn phóng đại quang minh, há có thể được chăng? Nếu phát quang, đấy chính là yêu ma biến hiện, chứ chẳng phải là quang minh chân chánh của gương hay mắt. Đối với những người sơ phát tâm, hãy nên đem ý này bảo cho họ biết.
Người niệm Phật hãy nên tâm niệm được vãng sinh ngay trong đời này. Nếu chưa đến lúc Báo thân đã mãn, chỉ nên tùy duyên. Nếu muốn định thời hạn, mong được vãng sinh (tức là mong được vãng sinh vào một thời điểm nhất định nào đó), nếu như công phu đã thành thục, lẽ cố nhiên chẳng trở ngại gì. Bằng không, một cái tâm mong cầu ấy sẽ trở thành ma căn. Nếu như vọng niệm ấy kết thành một khối chẳng gỡ bỏ được thì nguy hiểm chẳng thể nói nổi. Dốc hết lòng thành đến hết Báo thân này chính là điều chúng ta nên tuân hành. Chứ còn chấm dứt tuổi thọ để cầu chứng minh là điều bị Giới kinh (Luật tạng) quở trách nặng nề.
Cuối kinh Phạm Võng có bài kệ:
“Kế ngã trước tưởng giả,
Bất năng sinh thị pháp,
Diệt thọ thủ chứng giả,
Diệt phi hạ chủng xứ”.
Tạm dịch:
“Chấp ngã, dính mắc tưởng,
Chẳng sinh nổi pháp này.
Diệt thân cầu được chứng,
Chẳng phải điều nên làm”.
Chỉ nên dốc trọn thành kính, cầu mau được vãng sinh. Chẳng nên định kỳ hạn mong nhất định được vãng sinh. Người học đạo tâm chẳng được thiên chấp. Thiên chấp thì rất có thể đến nỗi mất trí thành điên, chẳng những vô ích, còn có hại nữa. Nếu Tịnh nghiệp thuần thục, vãng sinh ngay ngày hôm nay là tốt. Nếu chưa thuần thục lại muốn được vãng sinh ngay thì khác nào kéo mạ cho mau lớn.
Thật ngại một phen ma sự khởi, chẳng những tự mình chẳng thể vãng sinh, mà còn khiến kẻ vô tri lui giảm tín tâm, cho là: “Niệm Phật chỉ tổn hại, không ích lợi gì, cứ coi gương tầy đình của ông X thì cái hại ấy chẳng cạn cợt vậy!”. Xin hãy đem cái tâm “quyết định lập kỳ hạn” ấy đổi thành cái tâm “chỉ nguyện mau được vãng sinh”. Dù chẳng mau được vãng sinh cũng chẳng phàn nàn, chỉ càng chí thành, chí kính, chỉ mong báo tận liền được vãng sinh là được. Không gấp rút, vọng động, khăng khăng bám chắc đến nỗi chiêu cảm ma sự!
Ấn Quang Đại Sư