Vậy là đã gần hai tuần từ ngày thầy "hoa khai kiến Phật" về cõi Tịnh Độ Tây Phương để lại trong lòng chúng con, những Phật tử trong và ngoài nước cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam biết bao nhiêu niềm thương cảm, kính trọng dâng trào. Ân đức sâu dày của thầy gieo trồng hóa độ Phật pháp cho biết bao nhiêu hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia không từ ngữ nào có thể mô tả được. Nghĩ về những công hạnh thầy đã làm được phản chiếu đầy cảm động oai linh qua lễ tang của thầy vừa rồi luôn làm con xúc cảm nghẹn ngào không cầm được lòng mình.
Con không phải là đệ tử của thầy, chưa một lần có duyên được gặp thầy trên hữu hình và lại là một phật tử kém duyên kém phước với tam bảo ở hải ngoại. Con cũng chưa đọc nhiều bài viết hay nhiều băng thầy giảng vì không nhiều giữa rừng các pháp luận của đủ thứ tông phái dù con làm việc ngày ngày trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo. Điều đặc biệt là dù không đọc được nhiều bài giảng của thầy nhưng bài nào cũng làm con rất thấm, đồng cảm cũng như rút ra được nhiều bài học trên con đường tu hành. Lời thầy giảng rất đơn sơ, bình thường, không câu chữ to lớn, vĩ đại, không kinh thiên vạn quyển, quá đổi gần gũi thân thương nhưng làm con thấm đến tâm khảm.
Con biết đến tên thầy có lẽ nhiều nhất là từ những bộ kinh con có phước được đọc dù không hiểu gì và sau đó mới biết thầy là một nhà dịch giả kinh đại thừa nổi tiếng nhất của Việt Nam, một vị đại lão hòa thượng đáng kính, một bậc tòng lâm thạch trụ đứng đầu giáo hội và giữ rất nhiều trọng trách vĩ đại lãnh đạo Phật giáo của đất nước trải qua biết bao thăng trầm đổi thay của lịch sử. Vậy mà nhìn thầy rất bình thường, giản dị, đơn sơ, rất kiệm lời, an nhiên tự tại như cả thế gian xung quanh chẳng gì có thể làm vướng tâm thầy. Quả thật, thân giáo của thầy dạy cho con rất nhiều bài học về nhập thế, độ đời, "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến."
Mặc dù có rất nhiều bậc thầy khác dịch những bộ kinh tương tự nhưng chẳng biết tại sao con chỉ thích đọc các quyển kinh do thầy dịch. Việc con đọc kinh phần vì tò mò xem kinh Phật là thế nào chứ chưa hề hiểu nghĩa lý thâm sâu, nhất là với các bộ kinh lớn. Con tự tìm xem kinh nào thầy dịch rồi đọc hết quyển này đến quyển khác trên mạng chứ bản thân con chưa hề có một bộ kinh riêng nào trong nhà ngoài bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa em gái thỉnh từ Việt Nam sang cũng do thầy dịch. Chẳng biết duyên gì con lại rất thích kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhất là phẩm Phổ Môn và Hóa Thành Dụ. Sau này con biết thầy đã dịch bộ kinh ấy khi thầy 28 tuổi làm con rất ngạc nhiên vì ở tuổi ấy, con chỉ vừa chân ướt chân ráo vào cửa Phật.
Cũng như nhiều Phật tử tu tập theo pháp môn Tịnh Độ khác, con cũng mong mình đủ duyên được một lần gặp gỡ thầy. Tuy nhiên, điều ước ấy quá xa xôi khi con ở hải ngoại và thầy đã lớn tuổi, cần ẩn tu tịnh dưỡng thì việc được gặp thầy là điều không thể. Dù vậy, năm 2012 khi con về Việt Nam lần thứ hai, ngày cuối cùng trước khi trở lại Mỹ sau khi từ biệt thầy tổ ở Quan Âm Tu Viện, con đã cố gắng viếng chùa Vạn Đức của thầy trước khi lên máy bay. Quả thật, con khá ấn tượng khi đến chùa không phải vì chùa được trao kỷ lục quốc gia có ngôi chánh điện cao nhất nhưng cảm nhận được sự ấm áp, bình dị. Mọi thứ xung quanh rất gọn gàng, nhất là khu nhà vệ sinh ngăn nắp, sạch sẽ. Có lẽ mọi người sẽ cười con vào chùa lo viếng Phật, so sánh chánh điện, công trình xung quanh mới là thưởng ngoạn vẻ đẹp nhưng con ấn tượng ở khu nhà trù này vì khác xa với tất cả các chùa con đã viếng thăm. Ở những nơi khác, chùa có thể rất lớn, rất đẹp nhưng khu vực vệ sinh lại rất khủng khiếp. Đặc biệt, ở chùa Vạn Đức khá sạch, quản lý khu vực này giống một số chùa ở Hàn Quốc con viếng thăm mới thấy đó là sự chu đáo của các vị thầy tổ ở đây đến từng chi tiết nhỏ nhất nhưng rất cần thiết.
Vào chánh điện trên tầng hai, con cảm thấy mát lạnh như được bao phủ xung quanh bởi các vị Phật đang phóng quang hóa độ, phía trên là cây Bồ Đề cùng hình ảnh dòng sông Ni Liên Thuyền nơi Đức Phật ngồi thiền định và chứng đạo xưa kia. Kế bên, con nghe tiếng niệm Phật trầm hùng của đại chúng bất giác làm con niệm theo. Vì không có thời gian nhiều nên con chỉ vào chánh điện lạy Phật, lạy thầy từ xa gởi theo ngũ hương đến vấn an thầy rồi trở về, không đi xung quanh ngắm cảnh được. Một chút duyên giản đơn ít ra cũng được gần bên thầy, gặp được thầy trong tâm nơi chùa Vạn Đức qua câu niệm Phật hồng danh.
Năm ngoái, con phát tâm lạy Bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nhưng chỉ được bốn tháng phải dừng vì bị hành dù con không lạy được nhiều, chỉ khoảng hơn 100 lạy mỗi ngày. Sau cả năm trời niệm Phật, lạy Phật, chẳng biết duyên gì con lại muốn trở lại lạy bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bộ kinh con rất thích dưới sự đồng thuận của thầy tổ. Con muốn thử cảm giác được nhập thất lạy kinh là như thế nào trong những ngày nghỉ làm ở nhà lo cho má con. Lần này, con lạy rất nhiều, có ngày đến 1,500 lạy nhưng không cảm giác gì làm con rất mừng. Tuy nhiên, khi lạy đến 2/3 quyển kinh thì con nhận được hung tin thầy viên tịch.
Kể từ hôm đó, ngày nào con cũng theo dõi tin tức về tang lễ của thầy, tìm đọc tất cả những bài giảng băng giảng của thầy, đọc lại tiểu sử của thầy rồi chia sẻ, đăng trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo đến cho bạn đọc cùng đồng cảm với con thêm sự kính trọng đến một bậc chân tu cả cuộc đời vì đạo pháp chúng sanh vừa xả báo thân về miền Cực Lạc. Nhìn những đoạn video về cuộc đời bình dị của thầy làm con xúc động vô cùng. Thầy đó, gần 100 tuổi nhưng ngày ngày vẫn tự làm mọi việc, tự sống một mình, tự dò dẫm lên chánh điện niệm Phật tụng kinh không một phút giây xao lãng. Đối chiếu lại với bản thân, con thấy quá xấu hổ vì cố gắng một thời niệm Phật tinh chuyên một ngày đều đặn cũng không được, bỏ quá nhiều thời gian cho ngũ dục còn đạo pháp tu một chút lại luôn cho là nhiều.
Con đã từng xem khá nhiều tang lễ của các bậc tôn túc vĩ đại cả trong và ngoài nước nhưng tang lễ của thầy làm con xúc động thật sự. Có lẽ không phải chỉ có riêng con mà hàng triệu Phật tử khác cũng đồng cảm như vậy. Đó không phải là một tang lễ thông thường của nhà Phật mà đó là một hành trình trải qua một bộ kinh chư Phật gia trì và thầy đăng tòa thuyết pháp. Ân đức của thầy quá lớn và vĩ đại, tỏa khắp muôn phương nên tăng ni Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới đều đồng quy tụ về. Nhìn những hình ảnh đầy tình người, tình đạo vị ấm áp ấy làm con thấm và hiểu hơn lời Phật dạy, hiểu hơn một chút về phẩm Phổ Môn với hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm "nước cam lồ rưới khắp trần gian" và hiểu thế nào là hương người đức hạnh bay khắp muôn phương của những bậc chân tu trong kinh Pháp Cú:
"Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay."
Con từng đọc khá nhiều câu chuyện Đức Phật giáo hóa chúng sinh, chuyện Phật chỉ dùng ánh mắt từ bi có thể làm cho con voi hung hãn Đề Bà Đạt Đa xua ra hại người phải quy hàng phủ phục, về chuyện Phật hóa độ cho bao nhiêu kẻ ác tâm hung tàn, kể cả người muốn giết hại Phật rồi thọ ký chứng đắc. Dù con vẫn nhớ vẫn in trong tâm các câu chuyện ấy nhưng con chưa có sự tín tâm nhiều, đôi khi còn nghĩ có thể người ta nói quá lên nhưng qua tang lễ của thầy con mới hiểu đó đều là sự thật và còn hơn thế nữa. Thầy không giảng nhiều, nói nhiều nhưng sự từ bi, hạnh nguyện tu hành với thân giáo nhiều hơn khẩu giáo của thầy không khác nào vô lượng quang của chư Phật hóa độ chúng con khỏi bóng mê tâm tối. Nhìn hàng rừng người bất chấp thời gian ngày đêm đến viếng thầy con thấm hơn phẩm "Như Lai Thọ Lượng" rằng thầy đã đến nơi này giáo hóa trong vô lượng kiếp, gieo trồng biết bao nhiêu chủng tử căn lành, phước đức cao cả ấy vô biên làm con rùng mình kính ngưỡng những lời Đức Phật thuyết giảng trong kinh là sự thật.
Ngoài những điều quá đổi bình thường làm rung cảm trái tim của mọi phật tử thì tang lễ của thầy một lần nữa cho chúng con thấy được rất nhiều sự linh thiêng, nhiệm màu thấm đẫm tình người giúp chúng con thêm tin sâu vào pháp môn Niệm Phật. Nhìn thầy đã an nhiên xả bỏ báo thân trong bình yên, gương sắc hồng hào như đang yên nghỉ giữa tiếng niệm Phật của đại chúng không khác gì một thế giới Tây Phương trước mặt lúc nào cũng nghe diệu pháp âm. Nhiệm màu hơn, ngày thầy được nhập vào bảo tháp Phù Thi, hào quang và hoa sen đã tỏa rạng trên bầu trời đúng như 48 lời đại nguyện của Phật A Di Đà và thánh chúng đến phóng quang tiếp dẫn thầy về Tây Phương. Thế mới thấy, Phật pháp là vô cùng vi diệu và bất khả tư nghì .
Con đã xem đi xem lại nhiều lần các hình ảnh, video tang lễ của thầy nhưng không lúc nào con không xúc động vì đã dạy cho con biết bao nhiêu bài học tu hành và thấm hơn lời dạy giản dị của thầy nhưng không bao giờ thừa, cố gắng ăn chay, giữ giới luật, nghĩ thiện làm thiện thì đến đâu thì đến, cố gắng bền chí và phải bền chí mới được. Chỉ có đơn giản vậy thôi mà để hành trì được vậy cần biết bao nhiêu công phu tu hành. Ngày thầy còn tại thế con chưa có duyên được đãnh lễ thầy và ngày thầy ra đi con cũng kém duyên không bằng hàng vạn Phật tử khác đến đưa tiễn một bậc chân tu về với Phật. Tuy nhiên, trong hư không, con xin được gặp thầy qua các bộ kinh thầy đã dịch, nhất là bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa con đang phát tâm quỳ lạy mỗi ngày và cũng nguyện được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc diện kiến thầy ở đó.
Ngày xưa, thầy đã thoát ly lưới trần tu hành trong biết bao muôn vàn khổ nhọc rèn nên một bậc chân tu. Con nghe thầy giảng nhân ngày vía Phật Đản Sanh, thầy không biết làm gì dâng cúng Phật nên cố gắng tụng thuộc bộ kinh Kim Cang chỉ trong vài ngày. Các bộ kinh khác thầy cũng thuộc hết trong một thời gian ngắn. Con không biết làm thế nào thầy có khả năng như vậy vì đến một đoạn kinh ngắn con tụng quanh năm vẫn vấp sai rất nhiều. Con không có khả năng làm được bất cứ điều gì vĩ đại, tu hành lại kém nhưng con xin cố gắng lạy trọn bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa cúng dường đến thầy. Xin tri ân thầy đã để lại trong chúng con một niềm tôn kính, ngưỡng mộ với một bậc chân tu rất hiếm gặp trong cuộc đời này. Ngưỡng mong giác linh của thầy sớm được cao đăng Phật Quốc thượng phẩm thượng sanh và thầy sẽ sớm quay lại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng con thoát ly lưới trần trong ngôi nhà Tam Giới đầy giông bão.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Ngọc Hằng