ĐỊNH DANH - TƯ CÁCH
I- TÊN VÀ CÁCH DỊCH :
Bồ Tát Quán Thế Âm có tên thường gọi là Quan Âm hay Quan Thế Âm. Tên này được xuất phát từ nguyên ngữ tiếng Phạn (Ấn cổ) là Avalôkitévara. Từ đây người Trung Hoa dịch âm Hán mà ta đọc là : Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. (Cựu dịch, tức từ trước Ngài Huyền Trang đời Đường dịch Quán Thế Âm. Tân dịch, tức thời Ngài Huyền Trang dịch là Quán Tự Tại).
Vậy Bồ Tát Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại hoặc Quan Thế Âm, Quan Âm cũng chỉ là một người. (Một Bồ Tát có đủ Trí và Hạnh, thì từ Quán Thế Âm nghiêng về Hạnh hơn, còn từ Quán Tự Tại thì nghiêng về Trí hơn).
Dân gian Việt Nam ta hay gọi là Quan Âm.
II- NGHĨA :
Bồ Tát Quán Thế Âm có nghĩa :
a/ Bồ Tát : Đây là tiếng rút gọn của cụm từ Bồ Đề Tát Đỏa, mà nguyên ngữ Phạn là Bodhisattva.
Bodhisattva được dịch ý theo văn Hán là : Đại giác hữu tình, hay : Hữu tình giác, giác hữu tình.
Riêng chữ Bồ Đề (Bodhi) có nghĩa là Giác, và chữ Tát Đoả (Sattva) có nghĩa là Dũng mãnh.
Với những nghĩa dịch này thì Bồ Tát (Bồ Đề Tát Đoả) có nghĩa là :
1/ Một con người (hay một chúng sanh động vật (hữu tình) có giác ngộ (Hữu tình giác)
2/ Con người Giác này lại làm cho kẻ khác được giác ngộ nữa (Giác hữu tình).
Như vậy một vị Bồ Tát phải có đủ hai việc :
- Một là Tự giác (chính mình giác)
- Hai là Giác tha (Làm (dạy) cho kẻ khác cũng được giác như mình)
(Giác : Biết ra, hay ra, rõ ra được sự thật ở nơi chính mình cả xấu lẫn tốt, ở thân xác lẫn tâm hồn cùng sự thật ở ngay cuộc sống vật lý đời thường)
- Tự giác tức là có Trí, có sự sáng suốt tỏ rõ về chính mình cả hai mặt sinh lý và tâm lý (Thân xác và Tâm hồn, Hiện tượng và Bản thể) cùng hiện tượng vật lý đời thường.
Tự giác = Trí (Trí huệ như thật)
- Giác tha tức là Hạnh. Từ Trí huệ thấy đúng như sự thật, sự thật như thế nào thấy đúng như thế ấy, rồi đem nói cho người biết, chỉ cho người hay, làm rõ cho người hiểu ra về sự thật ở nơi chính mình và cuộc sống, để người không còn lầm lẫn mù tối nữa, mà được sáng suốt để thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau.
GIÁC THA = HẠNH
III- TƯ CÁCH MỘT VỊ BỒ TÁT
a/ Mê : Một vị Bồ Tát, trước đó cũng là một con người phàm tục (chúng sanh hữu tình) đầy mê lầm đầy khổ đau, cũng đủ hết các thứ khổ như người đời như một chúng sanh bình thường (cũng đủ hết những điều ác việc ác, đủ tội lỗi : Giết hại, cướp trộm, dối gian, dâm, say v.v...)
Vị này trước đó cũng bị khổ bởi : sanh, già, bệnh, chết, thương, ghét, cầu muốn. Khổ cả thân xác lẫn tâm hồn.
Và vị này cũng có đủ những nguyên nhân gây nên khổ đau này. Đó là đủ 10 thứ : Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến.
Vị này vì thế cũng đã trôi lăn trong chốn 6 Nẽo Luân hồi. Buồn vui lẫn lộn, sướng khổ theo thế gian đủ đầy và đã khổ đau nhừ tử, quằn quại trên vỉa hè Lục đạo : Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Qủi, Địa ngục.
Đó là bởi vì lầm mê, si ám. Lầm về chính mình, mê trong cuộc sống.
Sự thật về mình về cuộc sống như thế nào cũng đều không hay biết. Chỉ riêng biết, hiểu về cái giả, cái huyễn ảo thôi mà cho là thật là sự thật.
Không hiểu biết gì cả về "Chân lý", về lẽ thật ở mình Người và cuộc sống.
- Mình là ai, là thiệt là giả là còn là mất không hề biết.
- Người đời, Thiên hạ, sự thật có ra như thế nào, diễn biến ra sao, có không, giả thiệt cũng không rành, không rõ, sống như người mù sinh hoạt trong bóng đêm. Sống bằng một tình trạng "Vô minh" đen tối hoàn toàn từ mình đến cuộc sống. Một vị "Bồ Tát" trước đó là một chúng sanh như vậy.
b/ Giác :
Nhưng rồi, sau đó thì vị này rõ ra được tất cả những điều lầm mê để có cuộc sống như trên. Vị này hay ra, rõ ra, biết ra được sự thật trên về mình, về cuộc sống, không còn lầm mê nữa, và vị ấy đã được gọi là Giác, hay Ngộ ra. Vị này rõ ràng lẽ chân thật, thấu đạt sự thật, gọi là Giác Ngộ Chân lý, quả là một chúng sanh hữu tình (động vật) được rõ ra sự thật to lớn quan trọng nhất để được thoát khổ đau nên được gọi là : "Đại giác hữu tình" là rất phải. Và đó là chúng sanh phàm phu được giác ngộ, gọi đó là Bồ Tát (Bodhisattva). Người này thực sự sáng suốt gọi là có Trí Huệ qua bờ mê đến bến giác.
Người này như vậy là có Trí.
Người này giữa sông mê biển khổ giữa cuộc đoạn trường biết bao điều ràng buộc, bao ngục tù mà vượt ra được, được thoát gông xiềng do mình người, cuộc sống tạo ra, đây quả là một con người phi thường mạnh mẽ vô cùng, nên được gọi là Dũng mảnh (Tát đoả - Sattva)
Như vậy, Bồ Tát là một con người đầy : TRÍ - DŨNG.
Rồi từ sự Giác Ngộ này mà thông cảm được nổi khổ chúng sanh cũng như mình trước kia, mà tìm cách gọi là khởi phương tiện để cứu độ người thoát khổ để được như mình. Đây là việc "Cứu Khổ Ban Vui", được gọi là Từ bi. Độ chúng sanh cũng là một việc khó, rất khó nên càng phải có cả đức dũng.
Vậy : Bồ Tát là một con người có đủ :
TRÍ - DŨNG - TỪ BI
Bồ Tát = Bi + Trí + Dũng
B- BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM :
Bồ Tát Quán Thế Âm, một vị Bồ Tát có năng lực siêu xuất (Ma Ha Tát), Ngài có đủ TRÍ và HẠNH.
I- TRÍ BỒ TÁT :
Khi nói đến Trí Bồ Tát hãy nói đến Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (Ma Ha Prajnã paramita suta) hay nói gọn là Kinh Tâm (Tâm Kinh).
Trong bài Kinh này nói đến một vị Bồ Tát có tên là Quán Tự Tại, khi Ngài thấm nhuần pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi thấy Tánh thực 5 uẩn đều là KHÔNG, Ngài liền qua tất cả khổ nạn. (Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách)
Bồ Tát Quán Tự Tại là Quán Thế Âm ấy vậy, hay là Bồ Tát Quan Âm mà người Việt ta quen gọi.
Ở bài Kinh này nói Bồ Tát Quan Âm do tu pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa đến trình độ cao thâm, Ngài ngộ ra Tánh thực của 5 uẩn thảy đều là KHÔNG, là RỖNG nên 5 uẩn tiêu vong tan rã, biến mất đi mà qua tất cả nạn khổ. Đó là Ngài ngộ TÂM (CHƠN TÂM).
Bát Nhã Ba La Mật Đa, hay Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, là tiêng Phạn (Sancrit) người Trung Hoa dịch ra văn Hán là :
ĐẠI TRÍ HUỆ ĐÁO BỈ NGẠN.
Hay ĐẠI TRÍ HUỆ CỨU CÁNH.
Tiếng Việt có nghĩa : TRÍ HUỆ LỚN ĐẾN BỜ KIA
Hay : TRÍ HUỆ LỚN RỐT RÁO
Tức là thứ TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT lìa khổ được an vui - Một tâm an nhiên hông ngũ uẩn.
Bồ Tát Quan Âm, khi có cái nhìn suốt thông không còn bị cái tấm thân 5 uẩn ngăn che nữa, tức là có cái nhìn Tự tại là Quán Tự Tại.
Tấm thân 5 uẩn, tức là cái Thân có bởi do 5 món họp lại (uẩn = họp, nhóm). 5 uẩn : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đây là 5 món ngăn che (Ấm) làm cho cái nhìn của con người bị giới hạn và thấy không đúng sự thật. Thấy sai thấy lầm rồi chấp vào mà thành hụt hẫng, nắm vuột nắm hụt nên có khổ đau.
Nắm vuột về cái Thân (Sắc ; Thọ)
Nắm vuột về cái Tâm (Tưởng ; Hành ; Thức)
Vì thực ra Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức 5 món này có cái nào là thật có đâu.
Sắc là tấm thân mấy chục kí lô này do bởi Đất, Nước, Gió, Lửa (Tứ đại) mà nên, đâu có thật.
Thọ là cảm giác mà nên, đâu có thật.
Tưởng là ý niệm là tư tưởng suy nghĩ cũng chẳng thiệt.
Hành là sự chuyển vận lan man trong đầu, trong lòng cũng chẳng thiệt.
Thức là sự phân biệt theo Hành để có ra tốt, xấu, phải, quấy ... nên cũng là không thiệt.
Từ 5 thứ không thiệt này mà bám vào thì tức nắm vào cái giả, cái không thiệt thì làm sao được, thế nên có sự mất mát, vuột đi nên đưa tới hụt hẫng khổ đau và gọi là : Ngũ ấm xí thạnh khổ. Là thứ khổ bị đốt cháy bởi 5 món này. Nó khổ cả xác lẫn hồn. Đó là đời sống một chúng sanh bình thường.
Nhưng với Bồ Tát Quan Âm, Ngài không thế. Ngài có ra Trí huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài nhìn một cách suốt soi về chúng, không lầm một món, nên cả 5 món không còn ngăn che, gây trở ngại gì cả. Bằng cái nhìn đó mà hoá tán tất cả các duyên dù trong dù ngoài (Trong thân ý hay ngoài thân ý), như ánh sáng soi bóng tối. Soi đến đâu bóng tối tan liền đến đó.
Sáng soi như vậy là Quán Tự Tại.
Người được như vậy là Bồ Tát đó. Và Bồ Tát ấy được gọi là Bồ Tát Quán Tự Tại. Vị Bồ Tát như đây là người qua hết tất cả nạn khổ trên đời, từ thân ý đến cảnh sắc. Bồ Tát này được tự tại giải thoát, gọi là qua đến bờ bên kia. Bồ Tát này sống bằng năng lực giác trọn vẹn, Trí huệ sáng soi không ngằn mé. Là Đại Bồ Tát Quan Âm đó. Là đạt được Niết Bàn rốt ráo đó (Nhưng đương sự vẫn là "vô sở đắc", "vô sở trụ" nha !)
Thế nên để trở thành một Bồ Tát Quan Âm thì nhứt định phải có Trí huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa vậy. Đây là điều thứ nhứt phải có ở một Bồ Tát lớn (Ma Ha Tát).
TRÍ BỒ TÁT = TRÍ HUỆ MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Thứ Trí này nhứt định phải có ở một Đại Bồ Tát. Và có Trí này mới được gọi là Bồ Tát.
TRÍ này chính là KHÔNG, hay TÂM KHÔNG, là TRÍ KHÔNG theo trong kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa vậy. (Trí này giải thoát khỏi Ngũ uẩn, chứ không phải thứ Trí bị Ngũ uẩn ràng buộc, không phải thứ trí do Thức biến, do suy nghĩ mà có mà nên, không phải là thứ Trí do học hỏi do suy tư ! Đây là thứ Trí mà trong đó vốn "hông một vật" - hông người, hông ma, hông Phật, hông vật, hông ... và hông ...) chẳng Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả - Chẳng Ngã, Ngã sở ... bằn bặt. Như đây là thứ Trí như thật dù thân tan, trời sập Trí này vẫn không bao giờ tan hoại mất đi. Không thay đổi mà vẫn thường hằng. Hãy trì niệm "Tâm kinh" để rõ Trí này.
II- HẠNH BỒ TÁT :
Bồ Tát từ chúng sanh phàm phu mà ra, nên rõ biết niềm đau nỗi khổ của một chúng sanh. Vì thế Bồ Tát thông cảm, rất thông cảm nỗi khổ của chúng sanh mà thương tưởng phát lòng cứu độ chúng sanh. Không phải ai mời gọi mà tự Bồ Tát phát nguyện độ chúng sanh. Khi Bồ Tát giác ngộ rồi, rõ ràng TÂM mình trùm khắp chúng sanh, nên chúng sanh khổ, thì cũng như chính mình khổ. Giống như chúng sanh là một phần trên thân thể của mình, nên một bộ phận nào đau thì là chính mình đau vậy. Vì thế mà phải tự trừ, tự cứu chỗ đau ấy.
Trí Bồ Tát, Tâm Bồ Tát đã trùm khắp chúng sanh, như dòng máu mẹ hiền lan toả trong dòng máu con, nên con đau thì mẹ nhói, nên liền phải cứu giúp con. Đó không phải là trách nhiệm mà là bổn phận, một bổn phận thiêng liêng, rất thiêng liêng. Bồ Tát cũng như thế.
Bồ Tát khi đã có Trí huệ thì lòng bằn bặt, không lay động, không vọng tưởng, không nghĩ ngợi lung tung, lăng xăng nữa, nhưng vẫn có sự cảm nhận, cảm thông rất sâu sắc rất trầm lắng đến chúng sanh mà gây lợi ích, giúp chúng sanh vơi khổ bớt sầu cho đến hết thương đau. Đây được gọi là lòng Từ bi.
Từ bi vì vậy là một thứ tình thương vô nhiễm, một thứ tình thương trong lắng, một thứ tình thương "không tình cảm". Một thứ tình thương "Lặng trong bất động". Vì "Lặng trong bất động" nên khi thể hiện đến chúng sanh thì không điều kiện, không đòi hỏi gì ở một chúng sanh. Một thứ tình mang thuần chất "Vô ngã vị tha". Một thứ tình không chủ thể và đối tượng, không Ngã, không Nhân, không Chúng sanh, không Thọ giả, không Tứ tướng, không Nhị biên, chẳng Ta - Người. Đây là thứ tình Không Ngã và Ngã Sở, không kẻ cho và không người được cho.
Việc này giống như bà mẹ mang thai, mẹ ăn nên con được no vậy thôi.
Người mẹ chỉ cần ăn cho thật ngon, thật nhiều, thì con sẽ tự được lợi ích.
Bồ Tát chỉ vì lo sống bằng Trí huệ của mình mà chúng sanh liền đó được lợi ích.
Cụ thể, như Bồ Tát vì sống tốt cho mình mà phát sinh Trí huệ và trong Trí huệ thì không Tham, Sân, Si nên khi sống với người bên cạnh thì người không bị Tham, Sân, Si của Bồ Tát làm khổ nữa, mà trái lại còn được hưởng sự an lành bởi đời sống không Tham, Sân, Si ở Bồ Tát.
Một sự an lành của chúng sanh vì vậy giống như người đang ở trong một vùng không khí đầy dưỡng khí Oxy vậy, hoàn toàn có lợi mà có khi không hay biết.
Sức sống Từ bi của Bồ Tát có thể được hiểu như vậy. Một sức sống lan toả đầy dưỡng khí mà vẫn không Mình - Người, không kẻ ban ơn và không người thọ ơn. Là một thứ "Vô Duyên Từ" có thể nôm na là thứ lòng Từ không duyên không cớ. Từ thì Từ vậy thôi. Vì đó là một sức sống Trí huệ lan toả.
Khi sống bằng sức sống Trí huệ thực sự thì đời sống này là đời sống bình đẳng tuyệt đối.
Từ sức sống Bình đẳng này mà sống với người thì đây được gọi là Từ bi.
Vì thế nên Từ bi là sức sống bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng từ tâm linh mình đến người đến cuộc sống nên khi cư xử đối xử với người vẫn một mực bình đẳng. Vì đã từ cội nguồn Bình đẳng mà ra, nên với ai với chúng sanh nào cũng được hưởng sự bình đẳng như nhau. Vì vậy nên Bồ Tát không phân biệt Thân - Sơ, Oán - Thân đều bình đẳng. Kẻ hung người hiền đều được bình đẳng trong lòng Từ của Bồ Tát. Như mẹ hiền và các con vậy. Con tốt con xấu đều là con và phải được chia đều cơm áo v.v...
Từ sức sống Trí huệ mà sống vào đời, với người thì gọi đó là Từ bi.
Thế nên nguồn mạch của Từ bi đó chính là Trí huệ. Vì vậy, gọi là Hạnh, kỳ thực đó chính là Trí. Một sức sống Trí Huệ được thể hiện thì gọi là Hạnh vậy thôi. Thế nên TRÍ và HẠNH không hai không khác. TRÍ tức HẠNH, HẠNH tức TRÍ.
Như nước và sóng, sóng và nước vậy.
Trí là nước, Bi là sóng. Nước trong, sóng trong. Nước ngọt, sóng ngọt, tính chất hoàn toàn không khác.
Sóng lớn sóng nhỏ, đây là việc tuỳ duyên. Vì thuyền con mà có sóng nhỏ, vì thuyền lớn mà có sóng to, để khiến cho con thuyền nhồi sóng được vui hơn.
Việc dậy sóng này được gọi là Bồ Tát khởi Phương tiện, vì vậy dù là Phương tiện vẫn không mất tính chất. Sóng lớn, sóng nhỏ gì cũng không mất tính chất trong mát của nước.
Bồ Tát khởi Phương tiện để giáo hoá cứu độ chúng sanh cũng như thế.
Dù có khởi Phương tiện, soạn bài dạy cho chúng sanh cũng không ngoài tính chất Trí huệ, không ngoài tính chất "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa". Có thế mới thật lợi ích cho chúng sanh, mới thật sự an ổn cho chúng sanh và lợi ích như vậy cho người mà Bồ Tát vẫn không bị thiệt hại, không bị tổn thương, không bị mất mát.
Và phương tiện như vậy vẫn không ngoài sức sống Trí huệ, nên càng lợi ích cho chúng sanh thì Bồ Tát lại càng có thêm công đức, dù Bồ Tát không bao giờ nghĩ tính gì về việc công đức cả. Cho nên vừa tu mình vừa lợi ích cho chúng sanh vừa tăng trưởng công đức. Từ đó để đưa đến : Tự độ, độ tha viên mãn. Mà "Tự", "Tha" viên mãn thì đó là Phật.
Gọi là : "Tự giác", "Giác tha", "Giác hạnh viên mãn" đầy đủ 3 việc như vậy gọi là thành Phật.
Và Bồ Tát sống như vậy là thực hành cả 3 việc. Ba việc này mà hợp nhất thì thật là tuyệt diệu. Và ba việc này cũng được nhìn qua 3 mặt : TRÍ HUỆ - TỪ BI - PHƯƠNG TIỆN.
TRÍ - BI - PHƯƠNG TIỆN mà hợp nhất thì việc Bồ Tát mới tròn, mới thực sự lợi ích cho chúng sanh.
Nêu chỉ có Trí huệ, mà thiếu sức sống Từ bi thì cũng không lợi được cho mình và chúng sanh.
Nếu có Từ bi mà thiếu phương tiện thì chúng sanh sẽ không được lợi, và công đức của Bồ Tát cũng không thêm được.
Do đó phải đủ cả ba cho sức sống của một Bồ Tát thực thụ, hay gọi là Đại Bồ Tát (Bồ Tát Ma Ha Tát)
1/ TRÍ HUỆ
2/ TỪ BI
3/ PHƯƠNG TIỆN.
Đầy đủ như vầy gọi là TAM HỢP. Được vậy mới đúng là Phật sự của Bồ Tát. Và như vậy thật sự mới viên thành và Quả vị mới thành tựu.
Nhưng Bồ Tát là người không vì công đức không vì Quả vị. Vì Bồ Tát là người chỉ biết sống thuần bằng Trí huệ tánh KHÔNG. Nên lòng lúc nào cũng rỗng rang không trống. Sống mà như không sống, làm mà như không làm, Tu mà như không tu, xây dựng cõi Phật mà như không xây dựng.
Bồ Tát vì vậy là người lòng như hư không, mà chẳng có lượng là hư không.
Đời sống một Bồ Tát vì vậy mà như nước chảy mây bay, tiêu dao tự tại, vì là "Quán Tự Tại" mà !
Vì Quán Tự Tại nên Quán Thế âm rõ biết hết mọi nỗi niềm, tiếng kêu cứu của chúng sanh, nên Bồ Tát Quan Âm độ chúng sanh không bao giờ biết mõi biết chán.
Thế nên Bồ Tát ngoài Trí, Bi còn có đức Dũng nữa. TRÍ - BI - DŨNG cả ba tạo nên phương tiện độ sanh cách thiết thực và hữu hiệu nhất.
* Lưu ý : Tuy nhiên hãy cẩn thận về PHƯƠNG TIỆN. Nhớ là Phương tiện có cơ sở là Trí Huệ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứ không phải từ sự khôn ngoan của Trí óc, của học thức, của sự nặn óc moi tim. "Phương tiện" vì vậy không phải là sản phẩm của vọng tưởng, vọng thức, ý thức.
Nếu lầm chỗ này thì nguy tai, chẳng những không ích lợi cho người mà còn gây hại cho người nữa. Hại cả mình lẫn người, thì không còn đúng là Bồ "Tát" nữa, mà chỉ là "Tác" hại thôi !
III- NĂNG LỰC CẢM ỨNG :
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm phổ môn. Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật rằng :
"Thế Tôn ! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhơn duyên gì mà tên là Quán Thế Âm ?"
Phật bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát :
"Thiện nam tử ! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát".
Như vậy "Quán Thế Âm" có nghĩa là vị Bồ Tát này xem xét tiếng tăm kêu cứu của người đời khi đang khốn khổ, Ngài liền cứu giúp để hết khốn khổ được giải thoát.
Trong Kinh lại nêu lên nhiều dẫn chứng cụ thể như người khốn trong lửa cháy, trong nước cuốn trôi lạc nơi nước quỉ La sát, sắp bị nguy hại v.v... mà biết xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế âm thì liền được cứu thoát.
Cho đến nếu người có nhiều tham dục, sân giận ngu si v.v... mà biết xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng được xa lìa Tham, Sân, Si.
Nói chung khi có cầu muốn điều chi, việc gì mà xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đều được như ý muốn.
Con người, chúng sanh trong cuộc sống này có rất nhiều điều sợ hãi, Bồ Tát Quán Thế Âm lại là vị Bồ Tát luôn ban sự vô uý, giúp cho người hết sợ hãi. Ngài được gọi là vị "Thí vô uý". Điều sợ lớn nhứt của con người là sợ sanh tử (sợ sống chết). Bồ Tát có khả năng giúp người hết sợ điều to lớn nhứt này.
Bồ Tát Quán Thế Âm chính Ngài đã hết sợ hãi, nên giúp người qua tất cả sợ hãi được.
Theo kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa thì nói rằng :
"Dĩ vô sở đắc
Cố Bồ Đề Tát Đoả
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa
Cố Tâm vô quái ngại
Vô quái ngại cố vô hữu khủng bố
Viễn ly điên đảo mộng tưởng
Cứu cánh Niết Bàn".
Dịch : " Do hổng có chỗ được
Nên bậc Bồ Đề Tát Đoả
Nương vào Bát Nhã Ba La Mật Đa
Lòng hông có quái ngại
Do hông có quái ngại
Nên hông sợ hãi
Xa rời mộng tưởng điên đảo
Đến được Niết Bàn rốt ráo".
Bồ Tát đã "Hông sợ hãi" nên trừ tất cả sự sợ hãi cho người được.
Sở dĩ có được điều này là do Bồ Tát sống bằng Trí huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa, mà hông có gì để được (vô sở đắc). Hông có "được" nên hông lo sợ "mất" và hông có gì để nghĩ ngợi lung tung lăng xăng (xa rời mộng tưởng điên đảo) mà được "Niết Bàn rốt ráo".
"Niết Bàn rốt ráo" (Cứu cánh Niết Bàn) là thứ cõi Niết Bàn cao tột, đó chính là CÕI PHẬT. Bồ Tát đã sống trong CÕI PHẬT, thì năng lực mình là năng lực Phật, thế nên uy lực vô cùng. Do đó Bồ Tát có khả năng vô bờ mà độ thoát chúng sanh vô lượng, vô số là vậy.
- Và theo trong kinh ĐAỊ PHẬT ĐẢNH (THỦ LĂNG NGHIÊM) thì Bồ Tát Quán Thế Âm khi đang lúc tu tập, dụng công Ngài đã tu pháp : PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH mà chứng được viên thông. Đức Phật xác định công phu đây là đệ nhứt trong cõi ta bà này.
Ngài bằng pháp tu : Phản Văn Văn Tự Tánh.
Tức bằng : Xoay cái nghe, nghe Tự tánh.
"Xoay cái nghe (mà) nghe TỰ TÁNH", tức sống thẳng bằng TÁNH NGHE. Là sống thẳng bằng TÁNH. Đó chính là cái TÁNH chơn thật thường hằng ở nơi chính mình. Mà kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật gọi là KHÔNG. Là TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm) và là Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. (A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm)
Đó chính là TÂM BỒ ĐỀ.
TÁNH = KHÔNG = TÂM BÁT NHÃ = TÂM BỒ ĐỀ
Mà TÂM BỒ ĐỀ = PHẬT
Nên TÁNH = PHẬT (Tánh tức Phật vậy)
Cái cõi TÂM này hông niềm đau nỗi khổ, mà ở pháp Tứ Đế được trình bày ở bước thứ ba là Diệt đế. Đó chính là cõi Niết Bàn, cõi Tịch diệt, không Khổ đế, và không Tập đế, sạch bóng khổ và nguyên nhân gây khổ. Đó là Tự tánh, hay Tự tánh Niết Bàn, là Vô vi, Vô sanh, là Thường trụ bất biến, là Vô lượng an lạc, Vô thượng an ổn ... Tâm này vì thế không Tứ xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp). "Tứ xứ" triệt tiêu và chỉ còn là "Tứ đức" Niết Bàn : Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Đây là chỗ nhiệm mầu của Pháp Tứ Đế và được gọi là "DIỆU" - TỨ DIỆU ĐẾ.
Cái TÂM này ở Kinh Đại Phật Đảnh gọi là CHƠN TÂM, gọi là VÔ THỈ BỒ ĐỀ NIẾT BÀN.
Ở Kinh Pháp Hoa thì gọi là PHẬT TRI KIẾN (TRI KIẾN PHẬT).
Đó là cái TÂM mà người hành ĐẠO BỒ TÁT, ĐẠO PHẬT phải khế hội, phải nhận ra, phải hay ra, phải ngộ ra, phải GIÁC.
Mà theo Thiền sư nước Nhật thì gọi là Satori.
Bồ Tát Quán Thế Âm hay Đức Quan Âm đã ngộ ra điều này và đã sống bằng đây. Nếu nói theo Kinh Pháp Hoa thì :
Bồ Tát Quán Thế Âm đã giác ngộ PHẬT TRI KIẾN và Bồ Tát đã đáp lại yêu cầu ra đời của Phật : Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến.
Ngài thực sự "NGỘ" PHẬT TRI KIẾN
Và "NHẬP" PHẬT TRI KIẾN.
Bồ Tát đã NGỘ và NHẬP được PHẬT TRI KIẾN, sống trọn vẹn bằng sức sống Phật, thấy biết Phật được giải thoát. Bồ tát không còn sống bằng cái thấy biết theo lối chúng sanh nữa, nên Bồ Tát có khả năng Quán Thế Âm (xem xét tiếng đời) và xem xét một cách tự tại không gì ngăn trở đó là Quán Tự Tại. Và do đó mà Bồ Tát có năng lực vô biên, cảm ứng vô cùng, lợi ích vô tận cho chúng sanh.
Năng lực, cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm được dẫn xuất từ một nguồn mạch như vậy. Đây là điều mà người con Phật đi theo Đạo Bồ Tát, Đạo Phật phải nên ghi nhận và Học, Tu theo, để độ mình và độ người cùng qua được bến mê đến bờ giác, hết khổ.
C- AVALOKITÉVARA:
Bồ Tát Quán Thế Âm, Quán Tự Tại, Quan Âm cũng chỉ là : Bodhisattva Avalokitévara. Bằng nguyên ngữ Phạn này mà cảm nhận về một Bồ Tát đúng như nghĩa. Một Bồ Tát đầy đủ TRÍ HUỆ và TỪ BI.
Nếu nói rõ hơn là một Bồ Tát đầy đủ
TRÍ HUỆ - TỪ BI - DŨNG MÃNH
Một Bồ Tát đầy đủ năng lực, đầy đủ phương tiện để độ mình và độ chúng sanh. Độ không biết mệt mỏi, độ đến tận bờ mé vị lai.
Một vị Bồ Tát rất đáng được tôn kính, rất xứng được nương tựa.
Bồ Tát là một tấm gương lớn sáng trong cho người con Phật noi theo học hỏi và tu tập.
Bồ Tát là hình ảnh của Giác ngộ giải thoát ở một con người hành đạo.
Nguyện cho người con Phật lần lượt rồi ai cũng sẽ học được Nhân Tu của Bồ Tát và Hạnh Tu của Ngài tức đều có được trí tuệ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, để độ mình người mỗi ngày được tốt hơn, để niềm đau và nỗi khổ ở mình người được vơi lần cho đến thực sự hết khổ đau để biến cuộc sống đời thường này thành cõi an vui thực sự, người người cảm thông nhau một cách chân tình trọn vẹn tình người, tình chúng sanh.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm
Theo Sách " Bồ Tát Quan Âm Giác Thiên"
Ngày 19-12 Ất Dậu năm 2005 - PL 2548
HT. Thích Phước Tú