Mục Lục

Mở Ðề

Ăn Chay Là Một Phương Pháp Tu Hành Của Người Phật Tử

Vấn đề ăn uống là một vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nếu sống mà không cần ăn, thì tất cả chúng sanh đều thành Thánh cả rồi. Ðức Phật Thích Ca, khi còn là một vị Thái Tử, đã nói một câu đầy ý nghĩa: "Sự sống sống bằng sự chết". Hãy nghĩ lại mà xem: từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ, để được sống, mỗi chúng ta đã làm chết bao nhiêu sinh vật rồi? Chúng ta ăn, chúng ta uống, chúng ta thở, chúng ta nằm, chúng ta đứng, chúng ta đi, mỗi mỗi động tác như thế, đều đã gây bao tang tóc cho những sinh vật ở chung quanh chúng ta! Ðó là chưa kể những kẻ hung ác, giết để được thích thú, được tiền tài, danh vọng...Nếu sự sống mà không làm *ai chết ai cả, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu ! Sự ước ao này có thể thực hiện được một phần lớn, nếu chúng ta áp dụng phương pháp ăn chay mà Phật đã chế ra.

Như thế, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ. Ăn chay chính là một phương pháp tu hành rất quan trọng, mà người Phật tử thực hành được nhiều chừng nào thì được nhiều kết quả tốt đẹp chừng ấy.

Chánh Ðề

Ðịnh Nghĩa

Ăn chay, hay ăn lạt, nghĩa là ăn những loài thảo mộc: hoa quả, rau cải, không ăn những món ăn thuộc loài động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò, ốc những vật hữu tình, biết tham sống sợ chết như người.

Lý Do Ăn Chay

1. Vì lòng từ bi và bình đẳng

Khi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài A Nan hỏi Phật rằng:

-Bạch Phật , tại sao trước kia, Phật cho các Ðệ tử ăn ngũ tịnh nhục (Ngũ tịnh nhục là năm thứ thịt thanh tịnh: a) Thịt ăn mà không thấy người giết. b) Thitc ăn mà mình không nghe tiếng con vật bị giết kêu. c) Thịt ăn mà mình không nghi người ta giết cho mình. d) Thịt con thú tự chết. đ) Thịt con thú khác ăn còn dư), mà nay Ngài lại cấm tuyệt ăn thịt cá?

Phật trả lời Ngài A Nan: Vì trình độ các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi ta còn nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng ngũ tịnh nhục. Ðến nay trình độ các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Ðại Thừa, nên ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Còn ăn thứ ấy, thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi bình đẳng, không thể nào tu hành thành Phật được.

Lời Phật dạy đã rõ ràng: Ăn chay là cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng.

Thật thế, Phật tử là người đã theo đạo từ bi, thì không lý nào lại không thực hành đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ, lời nói, cho đến cách ăn uống.

Nếu chúng ta vì muốn ăn cho khoái khẩu, sướng bụng, mà nhẫn tâm nhìn cảnh chặt đầu, lột da những con vật hiền lành vô tội, nhẫn tâm bịt tai giả điếc trước những kêu la thảm thiết của những con vật đang giẫy giụa trêm tấm thớt, trên bàn thịt, thì sao được gọi là Phật tử.

Nếu không có một lòng thương xót trước những cảnh giết chóc như thế, thì hạt giống từ bi mỗi ngày mỗi héo khô, cằn cỗi, và công phu tu hành, tụng kinh niệm Phật của chúng ta trở thành vô ích.

Ðạo Phật là đạo Từ Bi mà cũng là đạo Bình Ðẳng. Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau". Vậy thì người Phật tử dưới tầm con mắt của mình, không nên thấy *Người và vật khác nhau, mà chỉ đồng một tri giác bình đẳng, ẩn trong thân hình sai biệt. Nói rằng: "Vật dưỡng nhơn" là một quan niệm rất sai lầm, do sự ích kỷ và ngạo mạn của người sinh ra. Quan niệm ấy dung túng cho người ta thẳng tay giết hại sanh vật, và tạo ra một tình trạng bất bình đẳng, thì không bao giờ cõi đời có thể yên ổn, hòa bình được.

2. Vì muốn tránh quả báu luân hồi

Phật dạy: "Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, cứ tạo nhân tội ác, sát hại ăn thịt lẫn nhau, nên bị ác quả, là sanh tử luân hồi mãi trong sáu đường". Kinh Lăng Nghiêm nói: "H giết một mạng thì hãy trả lại một mạng; tâm giết hại chẳng dứt trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được." Vậy muốn tránh oan báo luân hồi, tránh các điều tội lỗi thuộc về giới sát. Phật tử phải ăn chay. Nếu ăn mặn hoài thì không thể nào hết nợ thân mạng và nợ xương thịt, máu huyết được.

3. Vì hợp vê sinh

Không phải mới từ nay mà từ ngàn xưa, một triết gia, ông Senèque, đã nói rằng: "Mỗi bữa ăn, người ta dùng thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sát ngấm ngầm mà không hay biết, do đó con người bị mạng yểu, chết sớm". Thật thế, ngày nay những nhà y khoa bác sĩ trứ danh như ông Soteyko, Varia Kiplami có nói: "Trong các thứ thịt, có nhiều chất độc rất nguy hiểm cho sức khỏe con người". Bằng chứng cụ thể là rau cải để lâu ngày thì héo khô, hoặc ung bấy mà ít hôi; còn thịt cá để lâu ngày thì sình, ương, hôi tanh không ai chịu nổi, và khi ăn vào, ta thấy trong người rất nặng nề, mệt nhọc ,khó tiêu. Hơn nữa, các loài thú vật, thường mắc bệnh này hay bệnh khác như: bệnh lao, bệnh thương hàn, bệnh sán, sên v.v...,nếu chúng ta ăn vào, sẽ vướng bệnh, rất nguy hiểm.

Ðể tránh những bệnh tật, và tăng sức khỏe, chúng ta nên ăn nhiều rau cải. Các nhà khoa học, cũng như các nhà y học Ðông, Tây đều công nhận đồ ăn chay là nhẹ nhàng, thanh khiết, d tiêu hóa và có nhiều sinh tố rất bổ. Bởi thế, ở nước Nhật có hội "Tổ Thực Chủ Nghĩa", ở Pháp, Ðức, Anh, Mỹ đều có "Thảo Mộc Thực Hội".

Có nhiều người có thành kiến sai lầm rằng: ăn thịt cá, mới có đủ sức mạnh. Thật ra, người ăn thịt không có sức mạnh và sức chịu nhọc dẻo dai bằng người ăn chay trường. Chính Giáo sư Irwin Fischer ở Ðại học đường Yale, sau nhiều cuộc thí nghiệm, đã long trọng tuyên bố rằng:

Ăn thịt hay ăn những vật có nhiều chất đạm, sẽ làm cho con người không đủ sức chịu nhọc, không khác nào như người uống rượu.

Bà White, một bác học gia cũng đã tuyên bố rằng:

Các thứ hột, các thứ trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi chúng ta. Các thức ăn ấy nấu nướng một cách giản dị, thì rất hợp vệ sinh và rất bổ. Nó làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh biết bao nhiêu bệnh tật.

I. Cách Thức Ăn Chay

1. Chương trình ăn chay

Mặc dù sự ăn chay đối với người Phật tử là một điều cần thiết, một phương pháp tu hành nhưng muốn được lợi ích thiết thực, cần phải có phương pháp, và áp dụng một cách tuần tự theo căn cơ và sở nguyện của mình. Trước tiên, không phải người Phật tử nào cũng có thể bỏ hẳn ngay tập quán ăn mặn của mình để ăn chay. Vì thế, trong đạo có chia làm hai loại: ăn chay kỳ và ăn chay trường.

a) Ăn chay kỳ. Ăn chay kỳ là ăn có kỳ hạn nhất định trong mỗi tháng hay mỗi năm:

Nhị trai: Ăn 2 ngày chay trong mỗi tháng vào ngày mồng một và rằm âm lịch.

Tứ trai: Ăn 4 ngày chay trong tháng: mồng một, mồng tám, rằm và hăm ba.

Lục trai: Ăn sáu ngày chay trong tháng là: mồng một, mồng tám, mồng bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi (nếu tháng thiếu thì 27, 28, 29).

Nhất nguyệt trai: Là ăn một tháng chay vào tháng giêng hay tháng bảy.

Tam nguyệt trai: Là ăn ba tháng chay: Tháng giêng, tháng bảy và tháng chín (hay tháng mười); hoặc ăn liên tiếp trong ba tháng.

Nếu tập ăn chay kỳ trong một thời gian mà không gặp một phản ứng nào về thân, tâm và nhận thấy có lợi ích, thì nên lần đến ăn chay trường.

b) Ăn chay trường. Ăn chay trường hay trường trai là ăn toàn chay luôn trong môic ngày, không gián đoạn cho đến hết đời.

Nếu mỗi ngày, phát tâm không ăn sau 12 giờ trưa, thì gọi là ngọ trai.

2. Phương pháp thực hành

a) Chọn lựa thay đổi thức ăn. Ðể ăn cho được lâu dài và không ngán, chúng ta nên chọn những món ăn có nhiều sinh tố, bổ dưỡng như: cà chua, rau muống, đậu nành, nấm rơm, cải bắp, khoai tây, nếp lức v.v...và những món ăn cũng phải thay đổi luôn

Vậy trong một bữa ăn, cần phải ăn những món gì để bữa ăn có đầu đủ chất bổ và ngon miệng? Dưới đây là vài bữa ăn kiểu mẫu:

Trái cây cùng ăn với cơm hay bắp, bột mì và rau, cải, đậu phụng rang.

Sữa tươi cùng ăn với trái cây ngọt và cơm, bắp hay bột mì.

Các món ăn chính nói trên là cần thiết, nhưng cũng cần thêm gia vị như hột cải cay, tiêu ớt, giấm v.v...để giúp bộ máy tiêu hóa làm việc d dàng. Nhưng nếu dùng gia vị quá nhièu thành ra có hại, như làm cho bộ máy tiêu hóa nóng, sing bệnh hay làm kích thích cơ thể.

b) Cách nấu. Thức ăn là cần thiết nhưng cách nấu cũng quan trọng; chúng ta đừng có quan niệm sai lầm là đã ăn chay thì nấu thế nào cũng được cả, không cần thiết là phải quan tâm đến. Nếu thức ăn bổ mà không biết cách nấu, thì cũng làm cho nó hết bổ, và có khi làm hại bộ máy tiêu hpá nữa. Dưới đây là vài điều nên nhớ trong khi nấu ăn:

Không nên chiên xào nhiều quá, vì sinh tố B và C sẽ bị dầu sôi tiêu diệt và các món có nhiều dầu làm cho bao tử mệt.

Nên ăn đồ nướng, nhất là nướng không có thoa dầu.

Khi nấu hay luộc phải nên đậy nắp để sinh tố khỏi bị mất và nên đổ ít nước để chất bổ khỏi loãng. Và nước luộc ấy rất tốt, không nên đổ đi, vì nó chứa rất nhiêu chất bổ và sinh tố.

c) Giảm thịt cac dần dần trong những ngày ăn mặn. Ðối với những người ăn chay kỳ thì khi ăn mặn, nên mua những vật người ta làm sẵn, hoặc làm giảm bớt số lượng thịt cá, ăn nhiều rau cải, sữa, tạm dùng trứng gà, trứng vịt không tượng con.

Khi đã tinh tấn về mặt tinh thần, không nên ăn trứng gà, trứng vịt, vì trứng cũng là một sanh vật sắp nảy nở.

3. Những điều cần tránh

a) Không nên kiêu mạn. Người có phúc duyên ăn chay được d dàng, không nên sanh lòng kiêu mạn, tự cho mình là hơn người, và khinh người ăn mặn. làm như thế đã sanh ác cảm với người mà lại còn làm tổn âm đức của mình nữa.

b) không nên háo danh. Có người mới bước vô đường đạo, đã ăn trường trai ngay, cốt để người khác khen ngợi. Ăn chay như thế là do lòng háo danh mà ra; hạnh động này không có lợi cho sự tu hành mà lại còn có hại: khi không còn ai khen ngợi nữa, thì không thấy hứng thú để tiếp tục ăn chay nữa.

c) Không nên ép xác. Có người tưởng lầm rằng: ăn chay là để hành hạ thân xác, nên cố ăn một cách cực khổ, như chỉ ăn ròng rã tương rau, muối sả...từ năm này sang năm khác. Ăn như thế thì sẽ hao mòn thân xác và chết yểu trước khi thành đạo.

d) Không nên giả mặn. Có nhiều bà nội trợ muốn trổ tài khéo léo của mình bằng cách nấu chay mà giả mặn, rồi đặt tên món ăn mặn, hay làm ra những hình thức giống như đồ mặn. Thí dụ như: củ hủ cao, củ hủ dừa kho mà gọi là cá tra kho; bắp chuối luộc trộn giấm và rau răm, lại đặt tên thịt gà xé phay; bí đao xắt mỏng cặp gắp nướng ăn với bánh hỏi mà lại đặt tên là thịt bò lụi v.v....

Như thế, là đã vô tình xúi giục người ăn chay nghĩ đến món mặn, miệng ăn rau dưa, mà lòng tưởng nhớ đến thịt cá, làm trò cười cho thế gian.

đ) Không được quên ngày chay. Không nên khinh thường quên những ngày chay mà mình đã phát nguyện, dù gặp trường hợp bất thường như đi lỡ đường, làm việc quá buổi, lúc đói quá mà không có sẵn thức ăn chay.

e) Không nên dùng ngũ vị tân. Ngũ vị tân là: hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ không nên dùng, vì các thứ này đã hôi, lại có nhiều chất kích thích lòng dục vọng.

IV.Lợi Ích Của Sự Ăn Chay

1. Phương diện cá nhân

Những lới ích của sự ăn chay đối với cá nhân rất lớn lao. Người ăn chay không những thâu hoạch được những lợi ích trong hiện tiền mà cả trong đời sống tương lai nữa.

a) Trong hiện tại, người ăn chay được hưởng lợi ích sau đây:

Tiết kiệm được tài chánh, vì đồ ăn chay rẻ hơn đồ ăn mặn.

Tiết kiệm được ngày giờ và công lao nấu nướng, vì mướp, dưa, bầu bí, khoai...cắt rửa mau và ít tốn nước; và kho kho, luộc, nấu nướng lại mau chín, ít hao củi.

Thân thể được mạnh khỏe; tinh thần được nhẹ nhàng, trong sạch; trí tuệ được minh mẫn dể tu thiền quán.

b) Trong đời sau, không chịu quả báu giết hại, nên không phải trả nợ máu thịt, khỏi phải thường mạng. Nếu trở lại làm người, thì được trường thọ.

2. Phương diện xá hội, nhân loại, chúng sanh

Ăên chay không những có lợi ích cho cá nhân, mà còn cho xã hội, nhân loại, chúng sanh nữa. Nếu ai ai cũng ăn chay thì thế giới Ta Bà này làm gì có tiếng rên siết vì chết oan của oài vật và tiéng than thở, đau đớn của người vì nạn tương tàn, tương sát.

Một nhà Bác học có nói: "Muốn thế giới hòa bình, bắt đầu trong bữa ăn con người phải không có một chút máu hay một miếng thịt cá nào cả".

Câu nói đầy đạo đức này cũng đồng một ý nghĩa với câu nói của Cổ nhân:

"Nhất thế chúng sanh vô sat nghiệp,

Hà sầu thế giới động đao binh".

(Nếu tất cả chúng sanh không sát hại lanã nhau, thì sợ gì thế giới có giặc giã).

Người ăn chay là một chiến sĩ của Hòa bình. Thật vậy người ăn chay, với một tâm từ bi vô lượng, coi muôn loài là mình, mình là muôn loài, không giết hai sanh vật để thỏa mãn dục vọng, không bao giờ nỡ tâm tàn sát đồng loại để đạt mục đích lợi danh.

Nếu trong xã hội, ai ai cũng ăn chay, thì đâu có những chuyện gây gỗ, đánh đập nhau, như chúng ta thường thấy hằng ngày.

Nếu trong một nước, ai ai cũng ăn chay thì không có chuyện mạnh hiếp yếu, khôn lán dại, chém giết lẫn nhau để thỏa lòng dục vọng.

Nếu trong thế giới, ai ai cũng ăn chay, thì thế giới này là Cực lạc thế giới.

Kết Luận

Mọi Người Dù Phật Tử Hay Không Ðều Nên Ăn Chay

Như chúng ta đã thấy ở các đoạn trên, xét về phương diện khoa học hay Phật học, về phương diện cá nhân hay đoàn thể, về hiện tại hay tương lai, sự ăn chay đều có rất nhiều lợi ích.

Vì vậy, những người không phải là Phật tử , nếu muốn thân thể được mạnh khỏe, tinh thần được khinh an, trí tuệ được minh mẫn để học tập; nếu muốn tiết kiệm được tài chánh, công lao, thời giờ, nếu muốn gia đình được hòa thuận yên vui, thì hãy mau mau làm quen với những thức ăn chay.

Còn những ai đã àl Phật tử , đã nguyện theo bước chân của đức Từ phụ, thì phải thực hành phép ăn chay, để lòng Từ bi được mở rộng, tinh thần bình đẳng được lan xa, trí tuệ được tỏ ngộ, đạo quả được chóng viên thành.

Vẫn biết, nói d mà làm khó; nhưng một người tiến bộ và có thiện chí, khi đã thấy rõ những điều lợi ích, thì dù khó bao nhiêu cũng quyết thực hành cho được. Sự thực hành ấy không phải làm ngay trong một lần, mà phải tuần tự tiến bước.

Nếu chúng ta biết áp dụng phép ăn chay đúng như những cách thức đã nói ở trên, thì thiết tưởng không có gì là khó lắm. Ðiều quan trọng nhâùt là chúng ta thật có thiện chí hay không mà thôi.

HT Thích Thiện Hoa



Có phản hồi đến “Bài 9: Ăn Chay”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com