Tết Nguyên Đán. Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sáng ban mai. Tết Nguyên Đán là dịp lễ cung đón một ngày đầu năm mới, ước mơ mới, bắt đầu mới và tốt thì suốt năm sẽ mới và tốt đẹp.
Giao thừa là giao điểm giữa cũ và mới rất quan trọng, bắt đầu buổi ban mai của ngày hay của suốt năm. Nên theo văn hóa Phật Giáo, người con Phật hay đi chùa cầu nguyện vào giây phút đầu tiên Giao thừa này và khi chúng ta gặp ai cũng tay bắt mặt mừng chúc nhau những mỹ ngữ tốt lành và lìxì tặng tài lộc lẫn nhau.
Để chuẩn bị cho cái mới, năm mới hoàn hảo, trước tết ai cũng lo sơn phết nhà cửa, đánh bóng lại chân đèn lư hương, trần thiết lại bàn thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ Phật sao cho trang nghiêm để chuẩn bị đón xuân mới. Mỗi nhà đều cố gắng mua sắm các loại thực phẩm tết như ngũ quả trái cây, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, bánh mức, hạt dưa, hoa quả, hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, hồng bao lìxì, quần áo mới… Trẻ con người lớn trên gương mặt cũng hớn hở tươi vui đầy xuân. Có thể nói đây là một trong những ngày lễ vui nhất trong năm, nên tại các chùa và hội đoàn có tổ chức múa lân với trống kèn và văn nghệ để vui chơi giải trí.
Trong giới Phật giáo, chúng ta gọi Tết Nguyên Đán là Mùa Xuân Di Lặc. Vì ngày khánh đản/giáng sanh hay vía của đức Phật Di Lặc đúng vào ngày mùng một Tết. Nên ở chùa vào ngày mồng một tết thường tụng kinh Di Lặc Hạ Sanh thành Phật cúng vía ngài.
Đức Phật Di Lặc là hóa thân của vị Giáo chủ tương lai của thế giới Ta bà, người kế thừa sự nghiệp độ sanh do Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật di chúc và thọ ký. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: ngày mồng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ Tát, và sau này ngài sẽ là người giáo hóa ở Hội Long Hoa. Trong thời gian đợi chờ đến hội Long Hoa, theo hạnh nguyện bồ tát, Đức Di Lặc đã phân thân, hóa thân ở nhiều quốc độ khác nhau để giáo hóa chúng sinh.
Một trong những hóa thân của Ngài mà chúng ta thường nghe nhất đó là Bố Đại Hòa Thượng . Đó là một vị hòa thượng ở đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa, Trung Hoa. Ngài thường mang cái đãy bằng vải đi khất thực, ai cho gì cũng bỏ hết vào đãy nên dân làng gọi ngài là vị Bố Đại Hòa Thượng (vị Hòa thượng mang túi vãi lớn). Hạnh nguyện của ngài là đi thuyết pháp và giúp người nghèo. Ai xin gì ngài cũng bố thí, ngài tụ hạnh xả (xả ngã, xả pháp). Đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ ba, ngài nhóm chúng lại tại chùa Nhạc Lâm, ngài ngồi ngay thẳng nói bài kệ:
Di Lặc thật Di Lặc
Thường hiện trong cõi đời,
Mà người đời chẳng ai tin biết".
Nói xong bài kệ, ngài an nhiên thị tịch.
Dựa theo hóa thân Trung Quốc này, nên Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Việt Nam thường tạc tượng ngài với thân tướng thịnh vượng, tròn đầy, với miệng cười đầy hỷ lạc. Ngài rất tự tại, với sáu đứa bé tinh nghịch, đứa móc tai, đứa sờ mũi, đứa kéo miệng, đứa thọc lét.
"Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò".
Danh hiệu Di Lặc là chữ phiên âm từ tiếng Phạn (Sankrist) là Maitreya có nghĩa là Từ Thị (Thị: họ; Từ: từ bi), tiếng Anh gọi là Future Buddha ( Đức Phật tương lai) hay là Laughing Buddha (Đức Phật hoan hỷ). Vì ngài tu tập hạnh từ bi hỉ xả. Từ bi là thương người và hỷ xả cho những gì mà người khác làm sai quấy đối với mình. Sáu đứa bé (lục tặc) trên thân của Đức Phật Di Lặc là chỉ cho sáu căn (mắt,tai, mũi, lưỡi, thân và ý) của chúng ta. Khi chúng ta tiếp xúc với mọi người, với âm nhạc, với hương thơm, với lời khen tiếng chê, với thành công, thất bại, được lợi thua lỗ, để rồi sanh ra những phiền não, vui buồn, sầu bi khổ, ưu não. Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với cảnh bên ngoài, nếu chúng ta yếu đuối, không làm chủ được chính ta, chúng sẽ tác động và làm chủ lấy chúng ta, khiến chúng ta bị xoay vần, lo nghĩ, bất an, thất vọng, khổ đau và sợ hãi. Tuy nhiên, đối với người đã phát nguyện tu tập hạnh từ bi hỉ xả của Đức Phật Di Lặc và thâm nhập bản tánh thường lạc ngã tịnh của mình thì vị ấy làm chủ được mình, có khả năng duy trì niềm chân lạc của tự tâm, không bị cảnh ngoài chi phối, và được tự tại trong cuộc thế biến thiên đau khổ này.
Sở dĩ các chùa thỉnh Đức Phật Di Lặc giáng lâm vào ngày Mồng một Tết là theo phong tục Á Đông cổ truyền. Người xông đất đầu tiên có sự ảnh hưởng đến sự làm ăn hay hên xui may rủi của toàn gia đình trong cả năm. Tu hành chính là sự nghiệp làm ăn của chúng ta. Ta cần noi gương Đức Di Lặc để chuẩn bị những gì cho lúc xông đất? Nét mặt tươi cười là tướng mạo của tinh thần từ bi hỷ xà. Căn bản bồ đề hay sanh tử không ngoài tâm ta. Chúng ta suốt đời sáu căn điên đảo phan duyên sáu trần, bởi các vọng tưởng ngấm ngầm rối loạn. Hớn hở đam mê chạy theo thuận cảnh. Bực bội giận ghét vì nghịch cảnh. Thuận và nghịch khiến dòng tâm niệm theo ba độc tham sân si cùng tận tạo thành biển khổ trầm luân. Tham, sân, si là ba hung thần, sáu căn là lục tặc. Kinh Lăng Nghiêm gọi sáu căn là mai mối cho giặc tham sân si, khiến ta quên hẳn chân tâm bản tánh. Đây là hoa giác tỉnh của đức Di Lặc. Tay trái ngài đặt trên túi là để pháp ngã chấp, ngã mạn và ngã si. Dùng trí tuệ chiếu soi sáu căn là vọng thân. Dùng trí tuệ chiếu soi sáu trần là vọng cảnh. Dùng trí tuệ chiếu soi sáu thức là vọng tâm.
Điều hòa sáu căn, ba nghiệp hòa hợp vô tranh, niệm niệm lìa trần, tâm tâm xuất thế. Lục tặc từ từ chuyển thành sáu thần thông. Một khi ý thức đã chuyển thành diệu quang sát trí, pháp nhãn diệu minh thì năm thức trước trở thành Thành sở tác trí, thông minh tháo vác. Đức Phật Di Lặc được xem là tổ khai sáng ra tông Duy Thức vì ngài thành công trong pháp tu của ngài.
Thế nên, ngày mồng một Tết chúng ta đến chùa lễ Phật và hái lộc xuân đầu năm. Ngoài việc, cầu nguyện cho gia đạo được bình yên, khoẻ mạnh, con cái thành đạt nên người mà còn chính để tu học và trưởng dưỡng hạnh Di Lặc mang niềm vui và hỉ xả đến cho mọi người, chuyển hóa những vọng tâm tham sân si thành trí tuệ thức tỉnh. Nếu mỗi người tự tu được hạnh hoan hỉ và thức tỉnh thì thế giới này thật an vui hạnh phúc. Mỗi người sẽ là mỗi đóa hoa tươi trang nghiêm cõi nhân gian tịnh độ này. Mỗi người nguyện làm đẹp cuộc đời bằng cách:
Mỗi ngày miệng mĩm cười
Hai mươi bốn giờ tinh khôi.
(Sư Ông Nhất Hạnh)
Thích Nữ Giới Hương