Với vai trò là thành viên Hội đồng Bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác đã tham gia hưởng ứng tích cực trong các phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… thể hiện tấm lòng và trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển tổ chức nhân đạo của đất nước. Trị giá hoạt động nhân đạo, từ thiện trong 10 năm (2003-2013) do Ni trưởng đóng góp, vận động và tổ chức thực hiện hơn 17 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Cưng, đạo hiệu Thích nữ Huệ Giác, Viện chủ Quan Âm Tu viện, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 42, là Trưởng tử của Đức Tôn Sư Hoà Thượng thượng Thiện Hạ Phước, hiệu Nhựt Ý thuộc dòng Lâm Tế thứ 41, với biệt hiệu là Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, người khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ni trưởng sinh năm 1937, tại Thái Hoà, Tân Ba, Tân Uyên, Bình Dương. Vốn sinh trong một gia đình trung lưu gia giáo, tham gia hoạt động cách mạng, thuở thiếu thời cô bé Cưng là một học sinh thông minh, mẫn tiệp nhạy cảm, là nữ sinh trường Gia Long (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh).

Hồi nhỏ cô có khả năng xuất khẩu thành thơ, thuyết pháp làm cho thầy cô và các bạn trong trường lấy làm ngạc nhiên. Một thời gian cô đã trốn gia đình xuất gia theo con đường học đạo với Đức Tôn Sư Hoà thượng Thượng Hạ Phước là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, Bí danh làHùng Sơn. Lúc bấy giờ là cán bộ quản lý văn thư phòng tham mưu Ban Quân báo Nam Bộ. Do hoàn cảnh hoạt động nên Ngài lên núi lập cóc tu hành và nuôi trẻ cô nhi nhằm tránh tai mắt của địch. Trong quá trình học đạo và hoằng pháp Ni trưởng đã cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phấm, thuốc men, che dấu bộ đội giải phóng quân tại Tổ Đình Linh Sơn thuộc tiền chiến Khu Châu Pha Hắc Dịch (Bà Rịa). Ni trưởng cũng đã tổ chức nuôi người già không nơi nương tựa. 

Khi xuất gia Ni trưởng phát nguyện tu hành với 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Xả thân vào cuộc sống, làm mọi việc để giúp đại chúng Tăng, Ni và đại chúng an tâm tu hành, đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó, thấm thía cảnh cơ hàn của đất nước có chiến tranh, đồng thời Ni trưởng cũng đã đến nhiều vùng miền của đất nước nên thấu hiểu và xót xa nỗi cơ cực của người nghèo, quanh năm suốt tháng lo bữa ăn, lo tiền học cho con, tiền viện phí khi người thân phải nhập viện. Cảnh bà con nơi rốn lũ, nỗi đau của những gia đình có người thân là người khuyết tật hay nạn nhân da cam.

Theo Ni trưởng “bài học giáo dục lòng nhân ái thiết thực nhất đối với Tăng, Ni, Phật tử là được trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ những con người thua thiệt, kém may mắn trong xã hội, giúp đỡ người nghèo khó, người hoạn nạn và cũng là cách hướng các Phật tử luôn thương yêu giúp đỡ đồng bào khi gặp hoạn nạn, giáo dục họ nhân cách sống “mình vì mọi người”, học tập truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”...,Ni trưởng đã tổ chức cứu trợ, thăm và tặng quà, giúp đỡ những gia đình nghèo, bệnh nhân tâm thần, bệnh phong, người khuyết tật, người khiếm thị, các Trung tâm người già và trẻ em cô nhi…tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và một loạt các hoạt động từ thiện khác như: Tổ chức thăm và tặng quà cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Bình Phước, Bù Đăng, Đắc Lăk, Gia Lai, Kon Tum…; Ủng hộ kinh phí, vật chất cho các chương trình hoạt động lớn của tỉnh Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai, Bình Dương như Chương trình Tết vì người nghèo, làm nhà tình thương, cấp học bổng, máy vi tính, xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, cấp xe lăn, xe lắc cho các cháu khuyết tật, ủng hộ kinh phí cho các cháu được mổ tim, ủng hộ chương trình mổ mắt đục thủy tinh thể cho người mù nghèo, làm cầu, làm đường giao thông nông thôn…; Chăm sóc người già, người tàn tật tại Quan Âm Tu Viện; Ủng hộ kinh phí xây nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, Nhà tình thương cho người nghèo trong và ngoài tỉnh, cho Hội Thanh niên xung phong tỉnh Đồng Nai. Tổng số 134 nhà; Thành lập Phòng thuốc nam tại Quan Âm Tu Viện, Chùa Long Phước Thọ ( Long Thành); Bửu Hoa Ni Viện( Long Thành), trung bình mỗi năm khám và phát thuốc miễn phí cho 12.500 lượt người; Tổ chức cứu trợ các tỉnh bị thiên tai như : Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá…Ủng hộ nạn nhân bị thiên tai sóng thần các nước Đông Nam Á, Đông Bắc á, Tây Á do các tổ chức Đoàn thể vận động, tham gia Ban vận động cứu trợ nhân dân Cămpuchia, CuBa; Tổ chức, chăm sóc và nuôi dưỡng 36 cụ già cô đơn không nơi nương tựa và 66 trẻ cô nhi, khuyết tật.

Kinh phí cho các hoạt động từ thiện- xã hội được trích từ nguồn lao động sản xuất thu nhập từ trồng rừng và nguồn vận động đóng góp của các Tăng, Ni, Phật tử, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… Ni trưởng đã tổ chức cho các Tăng, Ni lao động, sản xuất, làm ruộng, trồng rừng… tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập chân chính bằng sức lực của quý Tăng, Ni để nuôi sống bản thân, có nguồn kinh phí tu học, xây dựng và đóng góp làm từ thiện nhân đạo. Đồng thời giáo dục cho các Tăng,Ni học tập và tu tập theo đúng đạo pháp, thực hiện tốt theo các quy định của pháp luật. Từ năm 1984 đến nay Ni trưởng đang quản lý 750 hecta rừng phòng hộ và tự trồng tự hưởng.

Suốt 10 năm qua (2003 -2013), Ni trưởng đã có nhiều nỗ lực, vận động nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay góp sức để được sưởi ấm những tấm lòng, để được sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn và kém may mắn. Đó cũng là niềm tin, sự gửi gắm của những Phật tử, các nhà hảo tâm đã đóng góp ủng hộ cho Thầy để làm những việc đầy ý nghĩa và nhân văn đó. 

Ni trưởng nói: “Thầy có tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, với tấm lòng Bồ Tát từ bi, vô ngã, vị tha, với trách nhiệm là của người đứng đầu Quan Âm Tu Viện nên Thầy thường xuyên chỉ dạy cho chư Tăng, Ni, quý phật tử có tấm lòng bao dung, độ lượng, nên lấy việc thánh thiện phước báu làm hạnh nghiệp Phật đạo. Bản thân Thầy luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt chức trách, bổn phận của người tu sỹ. Kết quả đó chưa lớn, nhưng Thầy đã nỗ lực và làm mọi việc có thể làm được để giúp đỡ cho ngườikém may mắn trong xã hội. Góp phần nhỏ bé của mình trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời từ trong sâu thẳm của lòng mình Thầy mong ước thực hiện tốt tâm nguyện của người tu hành làm tốt đạo, đẹp đời, góp phần xây dựng Đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.

Ni trưởng Huệ Giác đã nhận được phần thưởng cao quý của Nhà Nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Năm 2013, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Ni trưởng Huệ Giác.

Việc làm của Ni trưởng thể hiện tấm lòng từ bi, lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp luôn nỗ lực để làm “tốt đạo, đẹp đời” để lại trong lòng mọi người sự trân trọng và khả tính, xã hội cần tôn vinh.

(Theo Hội Chữ Thập Đỏ)



Có phản hồi đến “Tấm Lòng Từ Bi, Nhân Ái Của Ni Trưởng Quan Âm Tu Viện Đồng Nai”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com