Myanmar có 3 mùa rõ rệt. Mùa hè từ tháng 1 đến tháng 5. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa mát từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Gọi là mùa mát nhưng nhiệt độ cũng dao động từ 23 đến 33 độ. Còn mùa hè thì nhiệt độ trên 40 độ. Mùa mưa là mùa dài nhất. Mưa liên tục, mưa xối xả, mưa như bão như giông, mưa như thác đổ. Sau mỗi mùa mưa, đường sá, chùa chiền đều phải tu bổ lại. Đi du lịch đến Myanmar thì nên chọn mùa mát. Myanmar vừa bỏ thủ tục visa cho những ai nhập cảnh dưới 14 ngày. Trên 14 ngày vẫn phải làm visa. Lệ phí cho một lần làm visa là 20USD.
Myanmar là đất Phật. Hầu hết theo đạo Phật (chiếm 90%). Cũng có đạo Thiên chúa, đạo Hồi… nhưng không đáng kể. Trên thế giới, có lẽ không nước nào Phật pháp lại nghiêm cẩn như Myanmar. Mọi hành động giao tiếp, cử chỉ, đối nhân xử thế, đi đứng, quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, nhất nhất đều theo kinh Phật, theo răn dạy của nhà Phật. Mọi vui buồn, sướng khổ của con người, đều theo cái tâm của nhà Phật. Bởi vậy người Việt Nam sang Myanmar du lịch sẽ gặp hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.
1. Sướng như… chó
Ô tô đưa chúng tôi từ sân bay Yangon đến nhà riêng Đại sứ ở trung tâm thành phố. Trên đường đi, trong vành đai 30km cấm xe đạp, xe máy nên ô tô phóng như bay. Trời tối chúng tôi không kịp quan sát, nhưng khi rẽ vào đường San Yae Twin để đến khu biệt thự đại sứ ở thì xe liên tục phải… tránh chó! Chó nhiều vô kể, chúng nhởn nhơ đi lại, thân thiện với người. Tôi hỏi anh Taicho lái xe cho Đại sứ: “Ai nuôi chó mà nhiều thế?”. Anh lái xe rất hiền lành nhưng cũng hóm: “Không ai nuôi mà ai cũng nuôi”. “Hả? Lại còn thế nữa?”. “Là chó tự do đi lại, cư trú, ai cũng chiều, cũng cho ăn, nên nó sống thân thiện với người”. Tôi hỏi anh Taicho: “Thế ở đây không ăn thịt chó?”. “Chết thật, không có chuyện đó đâu. Người nhà Phật không ăn thịt chó”. Tôi nghĩ bụng: “Thế thì chó… sướng thật!”.
Hôm sau ra phố, nhìn đâu cũng thấy chim. Sao chim lắm đến vậy? Nào là cò, quạ, chim sẻ, cuốc, bồ câu, sáo đá, chim khuyên, chào mào… Tôi ngồi trên ô tô đi trong thành phố, giơ máy ảnh qua cửa kính, cũng chụp được gần trăm con. Chúng đậu trên cây, trên hè phố, trên nóc nhà, trên dây điện như những nốt nhạc. Chúng xuống sân, xuống phố, gần gũi với người. Ở Yangon còn có một vườn chim. Gọi là vườn nhưng cũng khá rộng. Ở đấy cơ man nào là chim, có đàn đến dăm trăm con.
Chúng đậu cả vào vai người. Vào vườn chim, nơi mà cây cối um tùm, hồ nước, chim kêu, cá quẫy, như lạc vào chốn thần tiên, bao nhiêu lo toan tất bật đời thường, tưởng như tan biến hết. Chim ở đây được bảo vệ, người ta cho ăn, không ai bắt. Đạo Phật khuyên người ta không bắt chim trời, bắt chim trời phải tội. Họ khác chúng ta, chúng ta hay tận diệt chim trời!
Tết năm ngoái, chị Nga, cán bộ Đại sứ quán, mang lễ ra sân cúng giao thừa. Chị chạy vào nhà chốc lát, đến khi quay ra thì con gà cúng đã biến mất. Trộm? Chị ở đây đã hơn một năm chưa thấy ai nói đến trộm. Đang bần thần suy nghĩ, thì thấy trên cây có tiếng động, chị nhìn lên, hóa ra con gà cúng đã được sóc mang lên để… thưởng thức giao thừa. Bữa giao thừa còn có cả quạ, chim khuyên, chim chích… Thì ra chim ở đây còn sướng hơn chó!
2. Đi mua… cá chết
Chúng tôi đi chợ Ấn Độ ở Yangon. Từ xa xưa, người Ấn Độ hay buôn bán ở chợ này, nên gọi là chợ Ấn Độ, nhưng bây giờ đã khác, chợ của người Myanmar, nhưng cái tên chợ không bỏ được. Nó giống như chợ Hàng Bè, chợ ở bờ sông, chuyên bán bè nứa từ dưới sông mang lên. Bây giờ làm gì có sông, có bè nứa, nhưng nó vẫn mang cái tên chợ Hàng Bè. Điều lạ ở chợ này là tất cả… đều chết! Cá tôm, gà vịt, ngan ngỗng… đều được làm chết (có thể họ nhờ những người không thuộc đạo Phật làm giúp việc này).
Những con vật này nếu để sống thì không ai mua! Phật pháp răn dạy người đời không sát sinh, và họ nhất nhất làm theo lời răn dạy của nhà Phật. Lúc đầu thấy lạ, nhưng sau ít bữa ở Myanmar chúng tôi cũng quen, thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chợ để… mua cá chết! Điều lạ nữa là cá càng to thì càng rẻ tiền. Những con cá quá to, họ không dám ăn, vì sợ nó sắp thành tinh. Chúng tôi thì ngược lại, cứ chọn mua cá to, vừa ngon lại vừa rẻ tiền.
Sống chân thật, tu nhân tích đức là đặc trưng của người nhà Phật. Khi mới sang, chúng tôi chưa quen, khi đi chợ cứ lo họ cân thiếu, ăn bớt, nhưng sau mới biết họ cân đủ, cân đúng, cân xong còn thêm cho một chút, gọi là ban lộc để lấy phúc. Có lần, tôi mua một tập ảnh phong cảnh ngồi xem, xem xong tôi cho lại họ để bán lấy tiền, nhưng họ từ chối không nhận, theo quan điểm của nhà Phật, đã nhận tiền là phải giao hàng đầy đủ.
3. Đàn ông…không chạy
Chúng tôi thường nói vui với nhau, đại ý là, ở nhà lúc nào cũng như lên cơn co giật. Ra đường là nhảy vào vòng xoáy bon chen, đêm về như con thú bị thương, giá mà thỉnh thoảng đến Myanmar ít ngày để mà sống chậm. Ở Myanmar, đối với người theo đạo Phật, họ sống thư thái, khoan thai, không bon chen, không giành giật. Ở nông thôn, họ rất nghèo, nhưng họ thanh thản, vui lòng với cái mình có, chứ không đau khổ với cái người khác có mà mình không có.
Hơn nửa tháng ở Myanmar, tôi chưa thấy người đàn ông nào… chạy! Phần lớn họ đều mặc váy, đi dép xỏ quai. Mặc váy, đi dép xỏ quai thì có… giời mà chạy! Kể cả những người cắt tỉa cành cây, lái xe tải, xe ôm… cũng đều mặc váy. Xe ôm ở đây, muốn ôm cũng không được. Nó là một loại xe đạp, bên phải có thùng xe, để người ngồi.
Hình ảnh những người đàn ông mặc váy, miệng bỏm bẻm nhai trầu, đi đứng khoan thai, thì ở đâu cũng gặp, nó kéo lùi thời gian, làm loãng cái ồn ào náo nhiệt ở chốn đô thành. Vào giờ tan tầm, trên đường phố, thường bắt gặp những người đàn ông mặc váy, đứng giữa đường, đúng vào vạch sơn trắng khá lâu, để chờ sang đường.
4. Ngồi chơi xơi nước
Chị Nga vào chợ Bogyke để mua một số đồ dùng cần thiết. Tôi cũng đi theo để thăm thú ngó nghiêng. Chợ Bogyke bán từ thực phẩm đến vải vóc, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ.
Trong khi chờ chị Nga chọn hàng, tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế nhựa, ở một cửa hàng khác, có bóng mát cây cối. Cửa hàng ở đây hay để vài chiếc ghế ra phía trước, để ai qua lại nếu mỏi chân thì ngồi nghỉ. Đang ngồi nhìn trời nhìn đất, thì thấy một người đàn ông, bước ra chỗ tôi ngồi, cúi xuống lễ phép: “Ông uống nước cho đỡ khát”. Tôi giật mình ngại ngùng, vì trong túi không có tiền kiat (tiền Myanmar). Dường như hiểu tâm trạng tôi, người đàn ông xua tay. Ý là ông ta mời uống nước, không phải trả tiền. Tôi thấy lạ, mình không mua hàng của họ, chỉ là ngồi nhờ ở cửa, lại còn được mời chai nước lạnh để uống cho đỡ khát. Chị Nga bảo tôi: “Nhiều cửa hàng ở đây họ đều làm như thế”.
Tôi nhớ có lần cùng bà xã đến phố Hàng Đào mua quần áo. Tôi chỉ dựng chiếc xe ở ngoài đường đứng chờ, chứ không dám đứng chờ ở vỉa hè trước cửa nhà họ, thế mà bị họ xua đuổi. Người bán hàng ở Yangon giỏi hơn mình là ở chỗ ấy. Mình không mua hàng, họ vẫn cho ngồi nhờ, lại còn mời nước. Đấy cũng là một hình thức kinh doanh để thu lợi. Kinh doanh lâu dài, thu lợi lâu dài, vừa lịch sự vừa tao nhã, lại vừa nhìn xa trông rộng.
5. Vào chùa thương quá nắm tay nhau
Myanmar là đất Phật, chỗ nào cũng thấy chùa. Nếu ở Myanmar một tháng trở lại, thì chỉ đi thăm chùa cũng không đủ. Chùa ở Myanmar thật lớn, thật đẹp, thật hoành tráng. Nhưng đến chùa ta như được về nơi thanh tịnh nhất, tĩnh tâm nhất. Chùa ở Myanmar không có mâm cao cỗ đầy.
Không có lợn lửng, ngỗng quay, gà luộc ngậm bông hoa hồng, không có thuốc lá ngoại, tiền âm phủ… như ta thường thấy. Không có cảnh chen lấn xô đẩy, đông đúc đến mức, phải thuê cò đặt lễ và khấn vái hộ. Lễ vật ở đây không có, có chăng chỉ là một cành hoa (và chỉ một thôi) để đặt lễ. Không thắp hương nghi ngút. Họ không bán lễ vật ở chùa, họ chỉ bán bỏng, bán gạo rang, bánh đa nướng ở vườn chùa, để người ta mua cho chim, cho cá ăn.
Chim trời, cá nước ở vườn chùa thì nhiều vô kể. Chúng tôi đến chùa Shwedagon ở Yangon. Khi ra vườn chùa thả bỏng cho cá ăn, cá cuồn cuộn nổi lên, nhiều như cá ở ao cá Bác Hồ, bên nhà sàn Bác ở, mà không ai bắt.
Người ta đến chùa để sống chậm, để tĩnh tâm, để nhận về để ban phúc đức, vì thế họ rất hay làm phúc. Một hôm vì cảnh đẹp, tôi cứ mải mê chụp ảnh chùa, đến khi quay lại thì không thấy bà xã đâu, tôi hoảng hốt kiếm tìm, chùa lại quá rộng. Khi nhìn ra phía cổng thì thấy một người đàn ông đang dẫn bà xã đi.
Tôi cảnh giác theo dõi, sợ người ta bắt cóc. Nhưng khi đến gần, thì thấy anh ta cầm tay bà xã, như là nâng đỡ, như là dìu đi, khi đến chỗ khó đi hay xuống bậc thềm, anh ta còn dừng lại đỡ cho khỏi ngã. Thì ra anh ta thấy bà xã tôi mắt kém, nên dẫn ra chỗ bóng mát để chờ tôi. Tôi cứ đi theo sau chụp ảnh. Một bức ảnh để làm kỷ niệm: Vào chùa thương quá nắm tay nhau.
(Theo Lao Động)