Ai đã từng xem bộ phim kinh điển Đường sơn đại địa chấn hẳn còn nhớ hình ảnh người mẹ gào khóc trong tuyệt vọng vì không cứu được cả 2 đứa con dưới đống đổ nát của trận động đất lịch sử, để rồi suốt 32 năm sau đó bà sống trong sự dằn vặt và tự dày vò bản thân mình.

Vào tháng 3/2011, nước Nhật cũng trải qua một trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, người ta đã nói rất nhiều về ý chí Nhật, lòng kiên cường và sức mạnh của đất nước Mặt trời mọc, còn tôi, lại ám ảnh với hình ảnh người mẹ cong người cố che cho đứa con khi ngôi nhà sập xuống.

Câu chuyện cảm động được truyền đi rằng, khi đội cứu hộ đến, họ tìm thấy một cậu bé 3 tháng tuổi say ngủ trong chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Nhiều người nói tình tiết cuối mang màu sắc huyền thoại. Dù câu chuyện đúng, hay là sản phẩm của trí tưởng tượng, tôi cũng tin rằng, tình mẫu tử ấy là có thật, và hành động hy sinh thân mình che cho cậu con trai bé bỏng, cũng là thật.

Gần gũi hơn, có ai không rớt nước mắt khi chứng kiến người cha của cậu thủ khoa Đại học Y, gầy gò và mang gương mặt khắc khổ ngày ngày sống lầm lũi trong chiếc ống cống, người mẹ thức trắng đêm vặt lông vịt thuê kiếm từng đồng khó nhọc, để con được bước chân vào giảng đường nuôi tiếp những ước mơ, với tình yêu thương vô bờ bến.

Tất cả họ, không nói chung ngôn ngữ, không cùng biên giới, văn hóa hay quốc tịch, nhưng đều gặp nhau ở tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng và cao quý hơn tất thảy mọi thứ trên đời.

Tôi đã bắt gặp hình ảnh cha mẹ mình trong những câu chuyện cảm động ấy.

Còn nhớ câu trả lời cho câu hỏi ‘Nếu ai hỏi đất nước em hình gì? Em sẽ trả lời ra sao?’ khiến tôi đau đáu: ‘Đất nước em là dải đất hình chữ S nép mình bên bờ biển Đông, đất nước em là hình người mẹ già đội nón lưng còng che nắng che mưa cho suốt cả chiều dài lịch sử…’ Hình ảnh người mẹ ấy, với tình yêu thương lớn lao không gì so sánh được, đã được nâng lên thành biểu tượng của một dân tộc luôn mơ về cánh chim câu hoàn bình và ước vọng lòng nhân ái.

Tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu về, có người con nào không nhớ tới những người cha, người mẹ, công ơn hoài thai ấp ủ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày, công ơn dưỡng dục bằng những chắt chiu yêu thương và hy sinh thầm lặng suốt cả cuộc đời.

Cha một đời oằn vai gánh nặng
Mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân

Tôi lớn lên cho thế giới quanh mình nhỏ lại, khi mái đầu tôi xanh những ước mơ của một thời tuổi trẻ và đôi chân đủ sức chạy theo bao hoài bão, ấy là khi mái đầu mẹ cha đã ngả bạc, là khi đôi chân mẹ cha bắt đầu chậm lại vì những năm tháng nhọc nhằn nuôi con nên người.

Khi tôi vội vã phương xa với những dự định dang dở, những mộng ước chưa thành, ấy là khi mẹ cha lặng lẽ dõi đôi mắt theo mỗi bước đường tôi đi.

Khi tôi lê đôi chân mỏi mệt trở về, vòng tay mẹ cha rộng dài, vỗ về tôi trước những thất bại đầu đời, cho tôi thêm sức mạnh đi tiếp đoạn đường giông gió.

Tôi đã lớn lên trong những yêu thương ấy, cho đến một buổi sáng đầy nắng, tôi đau đớn nhìn người đàn ông thương yêu nhất trong cuộc đời vĩnh viễn ra đi trên chính đôi tay của mình, sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật và niềm lạc quan chưa bao giờ tắt.

Mùa báo hiếu này, tôi trở về với mẹ, khẽ chạm tay vào những ký ức của ngày còn cha, thấy nhớ thương đong đầy trong mắt. Những tháng năm xưa vẫn nằm lại trong tim, như mới ngày hôm qua.

Lén nhìn qua khe cửa, thấy mẹ thui thủi một mình gom lá đốt trong vườn chiều, mùi khói bay lên tôi thấy trong gió cay cả mùi nước mắt. Tôi khóc, khi nhìn bóng mẹ nghiêng nghiêng đi về phía xế chiều sau một cuộc đời lam lũ, có giọt nước mắt nào chảy ngược về phía ấy không?

Vu Lan, gửi lời tri ân thành kính với những yêu thương chưa một lần dám nói với mẹ, với những ký ức của ngày còn cha…

(Theo VTC)



Có phản hồi đến “Vu Lan Báo Hiếu: ‘Mẹ Một Đời Đôi Dép Lạc Bàn Chân’”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com