Thiền phái Diệt Hỷ do thiền sư Ti Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ sáng lập vào năm 580, truyền đến cuối đời Trần, trải qua 19 đời rồi ẩn tích. Tuy nhiên, đến giờ, tài năng và đức hạnh của những bậc thiền sư trong dòng phái này vẫn còn được hậu thế lưu truyền.

Điểm kỳ lạ, các đệ tử chân truyền của thiền phái này không chỉ am tường về triết lý nhà Phật mà còn tinh tường về thuật phong thuỷ, đoán biết được tương lai, tinh thông y thuật, thậm chí nhiều tư liệu cho thấy, những cao tăng của thiền phái này là những bậc cao thủ võ lâm đạt đến độ xuất quỷ nhập thần.

Hiện nay, nhiều môn phái võ của Việt Nam và Trung Quốc xem Đạt ma tổ sư (một thiền sư người Ấn Độ) là sư tổ của nền võ học, người có công truyền bá võ cổ truyền Ấn Độ sang Trung Quốc và sau đó, các cao thủ Trung Quốc truyền sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong lịch sử Phật giáo, ở nước ta cũng xuất hiện nhiều bậc thiền sư nổi danh đến từ Ấn Độ và con đường hành đạo của họ cùng thời với Đạt ma tổ sư khiến nhiều giả thiết đặt ra, võ Việt cũng có một tổ sư riêng của mình?

Bất ngờ với bài pháp U linh thương
Cuộc đời của các thiền sư luôn chứa đựng nhiều bí mật. Thông thường, họ xuất thế đi tu và tìm đến chốn thâm sơn cùng cốc sống ẩn dật tu luyện. Vì thế, cuộc đời của các thiền sư luôn tàng ảnh, không phô trương, người bình thường ít khi biết hết tài năng của họ.

Khác với nhiều thiền phái từng tồn tại trong lịch sử nước ta, các thiền sư của thiền phái Diệt Hỷ có khuynh hướng nhập thế, giúp đời. Họ tham gia đóng góp cho dân tộc với tư cách của những vị quân sư, "lo liệu" nhiều vấn đề quốc gia đại sự. Vì vậy, tên tuổi của họ được hậu thế lưu truyền nhiều đời, đến giờ sử sách và dân gian vẫn nhắc tới tên tuổi của các bậc thiền sư này.

Một điều lạ, quá trình tìm hiểu về thiền phái Diệt Hỷ là vốn kiến thức võ học uyên thâm, thậm chí, họ còn là những bậc cao thủ võ lâm, nội công thâm hậu. Nhắc đến tài năng võ học của các thiền sư thuộc thiền phái này, điều đầu tiên chúng tôi muốn truyền tải đến chính là một võ tướng, một minh quân từ nhỏ lớn lên trong chùa và được đích thân đệ tử đời thứ 12 của thiền phái Diệt Hỷ nuôi dưỡng dạy dỗ.

Vị minh quân đó chính là Lý Công Uẩn, một võ tướng bách chiến bách thắng, từng cầm quân trấn áp nhiều thế lực phản loạn dưới thời Tiền Lê, thậm chí khi đã làm vua ông vẫn đích thân ra trận.

Tài năng võ thuật của vua Lý Công Uẩn càng được khẳng định, khi một quyền pháp U linh thương do Lý Công Uẩn sáng tạo sau ngàn năm ẩn dật, đã bất ngờ xuất hiện trở lại tại đại hội võ thuật cổ truyền Bình Định vào năm 2010 do võ sư Trần Duy Linh biểu diễn, gây bất ngờ cho giới võ thuật Việt Nam.

Theo võ sư Trần Duy Linh - người trực tiếp biểu diễn bài quyền này, "bài võ ngàn năm này của vị vua đầu tiên nhà Lý, người khởi sự dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vào năm 1010, sáng tạo ra.

Bài võ được Tổ Hư Minh (sáng lập hệ phái Long Hổ Không Hồng vào thời Hậu Lê) biên soạn trong cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch: Sao lục binh thư võ thuật của các vị tướng qua nhiều đời vua khác nhau) và hiện chỉ được truyền qua trí nhớ của các đời đệ tử môn phái này, nhưng hiện nay truyền nhân đời thứ 13 của Long Hổ Hồng Không vẫn chưa được tiết lộ"- thông tin này được công bố rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Định.

Ai truyền võ học cho vua Lý Công Uẩn?

Được biết, vua Lý Công Uẩn, 7 tuổi được Lý Khánh Văn gửi nhờ sư Vạn Hạnh - một người có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nổi danh về đạo hạnh dạy dỗ, kèm cặp.

Sống từ nhỏ trong chùa với sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn lớn lên trở thành một võ tướng bách chiến bách thắng. Hiện nay, chính sử vẫn không có tư liệu nào chỉ đích xác người truyền dạy võ học cho vua Lý Công Uẩn. Chỉ biết rằng, người thầy duy nhất của Lý Công Uẩn là thiền sư Vạn Hạnh.

Chùa Dâu (chùa Pháp Vân) nơi thiền sư Ti ni đa lưu chi đến truyền thiền tông vào Việt Nam
Chùa Dâu (chùa Pháp Vân) nơi thiền sư Ti ni đa lưu chi đến truyền thiền tông vào Việt Nam


Trò giỏi, ắt có thầy giỏi, điều này khiến chúng tôi cho rằng, bản thân sư Vạnh Hạnh cũng là một người có kiến thức võ học uyên thâm. Trong cuốn Thiền Uyển tập Anh - cuốn sách cổ xưa nhất, viết về các vị thiền sư nổi danh trong lịch sử Việt Nam, viết vào thời Trần có nhắc đến việc, năm 980 tướng Hầu Nhân Bảo kéo quân Tống sang đánh nước ta, vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) cho người đến mời sư Vạn Hạnh vào hỏi kế sách dùng binh thì được sư đáp "Việc này không phải lo, chỉ cần 3 đến 7 ngày giặc phải lui".

Đến khi vua Lê Đại Hành muốn cất binh đánh Chiêm Thành khi mọi việc đang lưỡng lự thì sư Vạn Hạnh khuyên "Nên cất quân đánh nhanh kẻo mất cơ hội". Sử liệu không nhiều nhưng đủ chứng minh sự am hiểu về binh pháp và cách dùng binh hơn người của sư Vạn Hạnh.

Tìm hiểu về thiền sư Vạn Hạnh, chúng tôi biết được, vị thiền sư này là truyền nhân đời thứ 12 của thiền phái Diệt Hỷ, một thiền phái cổ xưa nhất của người Việt do đích thân một thiền sư người Ấn Độ có tên là Ti Ni Đa Lưu Chi truyền vào nước ta vào năm 580. Đây là một thiền phái với nhiều bài võ bí truyền, các đệ tử thuộc thiền phái này nhiều người có tài năng ảo diệu, đến nay sử sách vẫn còn lưu truyền.

Bí mật từ vị tổ sư của thiền phái Diệt Hỷ

Liệu thiền sư Vạn Hạnh có phải là một võ sư bậc thầy hay không, hiện là một ẩn số. Tuy nhiên, giả thiết về thiền phái này có kiến thức căn bản về võ công là điều có cơ sở.

Sở dĩ, giả thuyết này được đưa ra, bởi Ấn Độ được biết đến là quê hương của võ học, nhiều thiền sư từ Ấn Độ sang truyền đạo ở Trung Quốc và Việt Nam lại là những bậc thầy về võ học mà Đạt ma Tổ sư là một ví dụ điển hình.

Cuộc đời của thiền sư Ti Ni Đa Lưu Chi được ghi chép trong sách Thiền Uyển tập Anh có viết, thiền sư Ti Ni Đa Lưu Chi người nước Nam Thiên Trúc, dòng Bà la môn. Nhỏ đã xuất chí xuất tục, đi khắp Tây Trúc, cầu tâm ấn Phật nhân duyên đạo chưa gặp đành cầm gậy sang Đông Nam. Đến Trung Quốc rồi sau đó thiền sư này xuống Việt Nam truyền đạo tại chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu - Bắc Ninh hiện nay).

Cuộc đời bôn tẩu vì Phật pháp của thiền sư này có nhiều điểm tương đồng với Đạt ma tổ sư, sư tổ của Thiền Tông Trung Quốc - người được xem là ông tổ khai sinh ra môn phái Thiếu Lâm - có tuổi đời gần sát Đạt ma tổ sư (470 - 548), Ti Ni Đa Lưu Chi (? - 594). Cả hai đều thuộc phái thiền tông, cùng xuất dương bằng đường biển, xuống thuyền xuất dương đến Trung Quốc để truyền đạo pháp. Thiền sư Ti Ni Đa Lưu Chi còn được biết đến chính là người dịch cuốn Kinh tổng tri và cuốn Kinh tượng đầu báo nghiệp sai biệt từ chữ Phạm ra chữ Hán, đóng góp rất lớn đối với Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam.

Đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định thiền sư Ti Ni Đa Lưu Chi ngoài truyền Phật pháp đã truyền võ học cổ truyền của Ấn Độ vào nước ta. Tuy nhiên, với các đệ tử chân truyền về sau của dòng phái Ti Ni Đa Lưu Chi có nhiều người sở hữu tuyệt kỹ võ công thì giả định vị thiền sư này đưa võ học vào nước ta là có cơ sở khoa học.


Có phản hồi đến “Khả Năng Kỳ Lạ Những Thiền Sư Cổ Nhất Việt Nam - Bí Ẩn Thiền Sư Ti Ni Đa Lưu Chi”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com