Từ quan hệ vợ chồng hơn 40 năm bỗng chốc trở thành sư phụ đệ tử; từ cuộc sống giàu sang, nhà lầu xe hơi bỗng chốc bán sạch; từ nguồn lợi nhuận buôn bán văn phòng phẩm mỗi ngày 7-10 triệu đồng bỗng nhiên từ bỏ tất cả, không màng danh giá tiền tài. Chồng đưa vợ ra tòa án xin ly hôn để vợ được rũ bỏ vướng bận trần tục, toại nguyện mong ước xuất gia. Rồi chồng tình nguyện quỳ dưới chân vợ, nguyện làm đệ tử ngày ngày quét chùa, giữ cổng ngay ngôi nhà họ từng một thời đầu ấp tay gối.

Sư cô Thích Nữ Liên Tuyết.
Sư cô Thích Nữ Liên Tuyết.

Những giấc chiêm bao kỳ lạ

Tiếng tụng kinh đều đều âm vang trong ngôi tịnh xá nhỏ không khỏi làm tôi tò mò. Tịnh xá Ngọc Tuyết nằm khiêm tốn trong con hẻm trên đường Nguyễn Khoái (phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Dù nằm tận trong hẻm, nhưng không người dân nào không tỏ tường về câu chuyện của sư cô Thích Nữ Liên Tuyết và cư sĩ Thiện Từ. Đây là câu chuyện có thật về đôi vợ chồng tình nguyện đưa nhau ra tòa ly hôn, giải thoát để vợ đi tu.

Sư cô Thích Nữ Liên Tuyết (tên thật Đoàn Thị Ngọc Sương, 67 tuổi) ngồi thiền phía trong, người đàn ông tiếp tôi là cư sĩ Thiện Từ (Phan Thanh Sĩ, 68 tuổi). Ông vận chiếc áo nâu cũ kỹ, bình dị, lưng hơi cúi phía trước, tôi dễ dàng nhận ra sự lam lũ trong con người ông. 15 năm rũ áo phàm tục, ông không còn là một doanh nhân kinh doanh ngoài thương trường, ngày ngày lái xe hơi bóng loáng đi giao dịch. Ông cặm cụi, âm thầm giữa chốn thiền môn thanh tịch.

Cuộc sống, công việc làm ăn trong quá khứ của ông và người vợ luôn là niềm mơ ước của biết bao người. Ông bà kinh doanh văn phòng phẩm và cho thuê xe du lịch, với lợi nhuận mỗi ngày giao động từ 7 - 10 triệu đồng. Cái thời của những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vợ chồng ông Sĩ đã sở hữu xe hơi, nhà lầu. Họ có văn phòng kinh doanh ngay tại Trung tâm quận 1, Tp Hồ Chí Minh, công việc bán buôn không ngừng phát triển. Thế nhưng đùng một cái, bà Sương muốn từ bỏ tất cả để xuất gia. Ông Sĩ và các con quá bất ngờ, khuyên thế nào bà cũng không lay chuyển ý định. Bà tâm sự với chồng con rằng, mỗi đêm bà thường mơ thấy những giấc mơ vô cùng kỳ lạ.

Rồi nhiều lúc, tay chân bà cứng đơ, run lên chạm vào thứ gì cũng vỡ bể. Bà tới bác sĩ, trình bày bệnh tình, sau khi thăm khám, đo điện tâm đồ không phát hiện dấu hiệu của bệnh, bà trở về nhà và lại gặp những giấc mơ kỳ lạ. Từ đó, bà ăn chay trường và thường xuyên đi chùa. Trong thâm tâm, bà Sương tin vào vận số của mình, vào điềm báo trong chiêm bao. Ngôi nhà khang trang của gia đình, bà cũng cho dỡ bỏ hết để xây dựng thành một tịnh xá thờ Phật. Xe hơi bà cũng bán để lấy tiền trang trải việc xây dựng tịnh xá.

Sư Liên Tuyết thời còn làm bà chủ.
Sư Liên Tuyết thời còn làm bà chủ.

Nhiều người thấy bà đùng một cái từ bỏ công việc làm ăn đang hái ra tiền, từ bỏ cuộc sống giàu sang, sáng có xe hơi đưa, chiều có xe hơi rước đều không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều lời bán tán, dị nghị về vợ chồng bà Sương, ông Sĩ. Giới làm ăn đồn rằng, vợ chồng bà làm ăn thua lỗ, vỡ nợ nên trốn đi tu. Anh em họ hàng hoài nghi về sự rạn nứt hạnh phúc, rồi vợ chồng ghen tuông trai gái gì đó… Mặc kệ, bà Sương vẫn quyết tâm đi tu. Bà Sương thọ giới tại Tịnh xá Ngọc Phương (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) và lấy pháp danh Thích Nữ Liên Tuyết. Mặc dù trước đó đã từng ăn chay trường nhưng khi bước chân vào cửa chùa, bà Sương gặp vô cùng khó khăn.

Từ chuyện sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ và nguyên tắc tu hành trong chùa. Người nhà vào thăm, thấy bà nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp, lam lũ làm việc mà không cầm nổi nước mắt. Một tháng bà được phép về nhà thăm chồng con một lần nhưng bà quyết tâm ở lại, mặc dù đứa con gái út của bà mới đang học lớp ba. Bà cố dặn lòng, không được sao nhãng việc tu hành, cố gắng xóa nhòa tình cảm vướng bận gia đình. Ngày bà trở về, khoác trên mình chiếc áo thiền môn, ngôi nhà của bà chật cứng người dân hiếu kỳ. Nữ doanh nhân Đoàn Thị Ngọc Sương chính thức rũ bỏ nghiệp trần, trở thành người xuất gia.

Dứt nghĩa phu thê trở thành đệ tử của vợ

Tôi hơi ngạc nhiên bởi cách xưng hô của ông Sĩ, tức cư sĩ Thiện Từ với sư Thích Nữ Liên Tuyết. Ông luôn trân trọng gọi vợ cũ của mình là "ông" xưng con. Cư sĩ Thiện Từ giải thích: "Bà ấy giờ đã là người xuất gia, chủ trì tịnh xá, là bậc chân tu đáng tôn kính nên phải gọi là "ông"”.

Khi biết ý định của vợ và không thể khuyên nhủ được thì ông Sĩ đành phải chấp nhận. Ông tự làm đơn ly hôn rồi gửi lên tòa án, lý do ông viết trong đơn khiến tòa án giật mình: "Ly hôn để cho vợ đi tu". Thấy tâm nguyện của ông Sĩ là chân thành nên tòa đã giải quyết ly hôn cho hai vợ chồng rất nhanh chóng. Ông Sĩ tự nguyện chuyển hết gia tài gồm nhà cửa, đất đai cho bà Sương và đứa con gái út. Bản thân ông trở về bằng hai bàn tay trắng, sống nương vào cửa tịnh xá, ngày ngày quét dọn, lau chùi như một lao công chốn cửa chùa thật sự.

Năm đó, ông Sĩ, bà Sương mới chỉ bước qua tuổi 40. Đối với người đàn ông như ông Sĩ, việc đùng một cái dứt bỏ cuộc sống tình cảm vợ chồng là điều không phải dễ dàng. Ông Sĩ chia sẻ: "Thời gian đầu, tôi không sao ngủ được. Nửa đêm thức giấc thấy xung quanh mình trống trải, lạnh lẽo, cảm giác cô đơn xâm chiếm cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi vùng dậy, cứ đi đi lại lại xung quanh nhà".

Cư sĩ Thiện Từ
Cư sĩ Thiện Từ

Ông bà hơn 40 năm sống cùng nhau dưới một mái nhà, cùng ăn, cùng ngủ và họ được bà con hàng xóm nhận xét là "gia đình hạnh phúc". Ông Sĩ cũng thừa nhận, trước khi vợ đi tu thì trong gia đình không hề xảy ra xích mích gì, vợ chồng con cái sống hòa thuận, vui vẻ. Mặc dù ly hôn nhưng ông Sĩ vẫn sống chung trong nhà bây giờ đã là tịnh xá, ông chưa thể xuất gia được vì còn vướng bận chuyện con cái và công việc. Đứa con gái năm đó mới học lớp ba, ông ngày ngày phải đưa đón chăm sóc con để bà Sương yên tâm tu hành.

Ông trở thành cư sĩ, phật tử ruột của tịnh xá và là đệ tử chính thức của sư cô Thích Nữ Liên Tuyết (tức vợ cũ của ông). 15 năm ly hôn vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng tuyệt nhiên không hề có vương vấn chuyện tình xưa nghĩa cũ. Trong thâm tâm, bà là sư còn ông là đệ tử. Ông đi đâu, làm gì cũng cúi lạy bà: "Thưa ông, con ra ngoài, thưa ông, có người gặp…". Cách xưng hô lúc đầu khiến ông ngượng chín mặt nhưng riết rồi quen, bà đã cạo đầu mặc áo thiền môn, trở thành nữ tu chính hiệu. Cư sĩ Thiện Từ cho biết, bây giờ ông đã ăn chay trường và không còn cảm giác nhục dục của người đàn ông nữa. Tuy nhiên, vì đứa con út còn dang dở việc học nên ông chưa thể xuất gia.

Tôi quay sang hỏi sư cô Liên Tuyết về mối lương duyên chồng vợ với cư sĩ Thiện Từ. Sư Tuyết cười hiền bảo: "Đã chấm hết 15 năm rồi, ông ấy giờ là đệ tử của tôi. Tôi đi đâu ông ấy chở, cần gì ông ấy giúp. Trong đời sống tu hành, tôi rất nghiêm khắc và thường rất cứng cỏi với ông ấy. Tôi sợ mình mềm mại, nhỏ nhẹ khiến ông ấy xao lòng mà người khác nhìn vào lại hiểu lầm". Ngày ly hôn, sư Tuyết có khuyên nhủ ông Thiện Từ có thể đi tìm cuộc sống mới, kiếm người phụ nữ khác, bà sẵn sàng nhường phần gia tài cho ông bởi ông vẫn còn trẻ, không đi tu được thì sống như vậy là sự thiệt thòi lớn. Nhưng Thiện Từ đã từ chối, ông tình nguyện ở lại tịnh xá, ngày ăn chay đêm niệm Phật.

Khi mới về thành lập tịnh xá, sư Liên Tuyết đã phải chịu không ít điều tiếng, xỉa xói của người đời. Việc hai vợ chồng ly hôn còn sống chung một nhà lại càng dấy lên làn sóng dị nghị, dè bửu. Bà Dương Thị Xuyến, pháp danh Ngọc Pháp, 76 tuổi, một phật tử lâu năm tại Tịnh xá Ngọc Tuyết cho biết: "Nhà tôi ở ngay đây, tôi biết vợ chồng cư sĩ Thiện Từ từ khi chưa xuất gia. Cuộc sống gia đình họ rất êm đềm, hạnh phúc. Hai vợ chồng hay đi chùa nhưng tôi không nghĩ là bà ấy sẽ xuất gia. Phải mất vài năm thường xuyên lui tới Tịnh xá Ngọc Tuyết, tôi mới cảm nhận được tâm huyết tu hành của sư Tuyết. Đó là một con người kỳ lạ, dám rũ bỏ cuộc sống sung túc, đủ đầy để theo nghiệp tu hành. Tôi khẳng định đây là trường hợp có thật chứ không hề có tính vụ lợi, khuếch trương".

Hiện Tịnh xá Ngọc Tuyết chỉ mở cửa vào buổi tối cho các phật tử gần xa tới tụng kinh, niệm phật. Cư sĩ Thiện Từ cho biết, đa phần phật tử đến tịnh xá đều là dân lao động nghèo khổ, ban ngày họ phải làm việc, chỉ buổi tối mới rảnh rang để đi chùa. Nhiều dân anh chị, giang hồ tứ chiếng ở khu vực quận 4 và một số nơi trong thành phố đã được sư cô Thích Nữ Liên Tuyết cảm hóa, họ xem tấm gương tu hành của sư cô là một động lực để hướng thiện và "gác kiếm giang hồ"

(Theo CAND)



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Ly Kỳ Về Đường Tu Của Một Sư Cô”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com