Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang tỉnh Kiên Giang là một điển hình về ngôi trường tình thương của nhà Phật mà các Phật tử nơi đây đang tâm huyết thực hiện.

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, trụ trì chùa Phật Quang - Kiên Giang mong muốn lan tỏa tinh thần từ bi, hỷ xả đến với cộng đồng bằng những đóng góp thiết thực ở phương diện giáo dục. Và dự án đó chính là Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang.

Vị tiến sĩ Phật học ấp ủ hoài bão giáo dục trẻ em cơ nhỡ

Cuối năm 2001, thầy Thích Minh Nhẫn thành lập Trường tình thương Phật Quang và được các phật tử năm xưa hoan hỷ ủng hộ tịnh tài tịnh vật. Chỉ trong vòng 9 tháng xây dựng, cơ sở giáo dục từ thiện đã hoàn thành bước đầu trên một khu đất rộng 3ha tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Với kiến thức về sư phạm, ông nhận định: “Hoạt động giáo dục có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến trí tuệ và hành vi xã hội của trẻ em trong những năm đầu cuộc đời, do vậy, tác động bằng phương pháp sư phạm đúng đắn đối với lứa tuổi này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện. Cơ sở từ thiện của chúng tôi muốn tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để giáo dục các em đúng hướng, nhằm mở ra cơ hội cho các em trở thành người có ích sau này”.

Trên tinh thần đó, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn thành lập Ban Bảo trợ để vận động các nhà hảo tâm quyên góp, đồng thời thầy còn xin chủ trương của chính quyền cấp tỉnh về việc thành lập cơ sở và đưa giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lâm 3 vào giảng dạy. Từ năm 2002 đến nay, đã có trên 500 mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tham gia vào Ban Bảo trợ. Kinh phí phục vụ việc nuôi dạy trẻ từ 50 triệu đồng/tháng tăng dần lên 100 triệu đồng/tháng.

Mái nhà của tình thương

Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang là ngôi trường nội trú nhận nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam. Nó khác biệt với những hình thức hoạt động từ thiện xã hội mà các nhà tu hành Phật giáo thường thực hiện.

Sau 15 năm thành lập, trường đã nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trên 1000 trẻ em từ mẫu giáo đến cấp 3, trong đó, có nhiều em đang theo học cao đẳng và đại học.

Đối tượng được nhà trường xem xét tiếp nhận vào bậc học mầm non tương đối rộng so với các cấp học khác, bao gồm con em trong những gia đình lao động nghèo nhưng biết chí thú làm ăn, mục tiêu là giúp cho cha mẹ trẻ tận dụng thời gian lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động của Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang đem lại giá trị về an sinh xã hội rất to lớn.

15 năm qua, thầy Thích Minh Nhẫn đã cùng các thầy, cô giáo và cán bộ giám thị tổ chức đều đặn hàng tuần những giờ sinh hoạt với tinh thần “trải rộng tấm lòng”, nhằm giúp cho các em có thể trò chuyện cởi mở và giao tiếp cùng nhau.

Nhà trường còn lồng ghép những nội dung liên quan đến kỹ năng sống, kỹ năng tự lập, kỹ năng phản biện… vào trong chủ điểm sinh hoạt. Mục đích là khiến cho trẻ cảm nhận được không khí đầm ấm của một gia đình lớn, dần dần xóa bỏ những mặc cảm, tự ti về xuất thân.

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, thế danh là Từ Thành Đạt, vừa vinh dự đón nhận Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng. Ông sinh năm 1972 tại TP Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 13 tuổi ông xuất gia. Mười năm sau, khi hoàn thành xong bậc cử nhân của ĐH Sư phạm TPHCM, ông tiếp tục sang tu nghiệp ngành Trung Văn, triết học phương Đông tại Trung Quốc. Tốt nghiệp thạc sĩ triết học năm 2001 tại đây, ông lại qua Philippines làm nghiên cứu sinh chuyên ngành “Quản trị chiến lược” và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường ĐH Ifugao (Philippines). 

(Theo vietnammoi)



Có phản hồi đến “Ngôi Trường Tình Thương Phật Giáo Cho Trẻ Em Nghèo Ở Kiên Giang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com