VẤN: Con rất thích niệm Phật và thường chia thời khóa mỗi ngày niệm Phật vào buổi tối vì cuộc sống mưu sinh quá bận rộn. Tuy nhiên, mỗi khi con ngồi niệm Phật chừng 10 phút thì con cảm thấy buồn ngủ, tâm rất loạn động, người nóng lên không an. Bạn con bảo đó là do bị trạo cử, hôn trầm. Vậy trạo cử là gì, hôn trầm là gì? Làm cách nào để con không bị trạo cử và hôn trầm khi niệm Phật?

ĐÁP: Niệm Phật, phải phát nguyện, kết khóa tinh chuyên, khuôn thước thời dụng biểu cho các việc: việc nhà, bản thân, việc cơ quan, việc xã hội…

* Phát nguyện: Phật tử thấm nhuần giáo lý Tịnh độ, cần phát nguyện niệm Phật, phát nguyện tinh chuyên cho đến khi thành Phật vẫn còn niệm; phát nguyện niệm Phật phải kiên quyết, dù cho có một vị Phật ở phương khác đến, khuyên không niệm Phật mới thành Phật, thì Phật tử vẫn đáp: “…con đã lỡ phát nguyện niệm Phật A Di Đà, nên không thể theo Phật về chỗ không niệm Phật A Di Đà được…”.

* Kết khóa: mỗi năm có 4 quý, quý 01 và quý 4 nhiều công việc, gia duyên bận buộc, khó kết khóa.

Ở quý 02 và 03 tuy cùng trong năm, nhưng công việc ít hơn, Phật tử nên kết khóa vào thời điểm nầy, có khi kết khóa niệm 01 tuần lễ, kết khóa niệm 21 ngày, kết khóa niệm 49 ngày, kết khóa niệm 100 ngày…

Khi kết khóa cần mời bạn bè đến dự khai khóa niệm, để có sự trợ giúp suốt khóa tu.

Nghi thức đơn giản: Trang nghiêm áo tràng – Dâng hương cúng nước – Lễ bái – tụng bài khen Phật – Đọc bài A Di Đà Phật thân kim sắc… Tướng hảo quang minh vô đẳng luân… Bạch hào… Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại từ Đại bi tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật – liên tiếp niệm Phật thời gian ít nhất 15 phút, nhiều nhất 20 phút, tiếp niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát, Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát, Nam mô Thanh tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát – Tiếp niệm Hồi hướng – Tự Quy Y. Mỗi ngày 4 thời hay 6 thời tu trong quá trình kết khóa.

Trường hợp khóa tu hằng đêm ở tại gia: Nghi thức như trên, nhưng mỗi đêm chỉ một thời tu là đủ; không nên làm quá thời gian quy định, vì niệm lâu giờ sẽ bị ma tê chân, ma hôn trầm (tâm trí không sáng suốt tự tin), ma trạo cử (xao xuyến nghĩ suy), ma ngủ gục, ma muỗi xâm nhập; hoặc lâu ngày không tiêu hóa, trở thành sẽ quá tải, sanh các bệnh sợ sệt, lười biếng, giải đãi, bỏ cuộc…

Với quy cách niệm Phật như trên, không bao giờ có ma trạo cử, hôn trầm xâm nhập. Trường hợp, trong khi niệm Phật bị ma trạo cử, hôn trầm nói chung các ma xâm nhập, Phật tử quỳ lên lạy Phật, nghỉ ngơi…

HT Thích Giác Quang

 



Có 2 phản hồi đến “Trạo Cử Là Gì? Hôn Trầm Là Gì? Làm Sao Tránh Được Trạo Cử Và Hôn Trầm Khi Niệm Phật?”

  1. Master Xuân đã nói

    Cảm ơn câu trả lời thật hay của bạn. _()_

  2. V Dung đã nói

    Khi hành thiền, hành giả có thể rơi vào các trạng thái: trạo cử, hôn trầm, vô ký, dục triền cái, sân triền cái, nghi triền cái và ảo giác vọng tưởng. Các trạng thái này lôi kéo hành giả thất niệm và đưa hành giả vào thế giới xa rời thực tại. Trạo cử là trạng thái phóng tâm, tâm đi, chạy, rượt theo đối tượng này đến đối tượng khác và biến thành đối tượng đó nhưng không hề có ý thức. Hành giả không biết rõ đối tượng phát khởi thế nào, diễn tiến ra sao và biến đi trong trường hợp nào. Khi phóng tâm, hành giả biết mình phóng tâm và niệm phóng tâm cho đến khi trạo cử biến mất và biết tình trạng phóng tâm đã hết. Sau đó quay trở lại việc theo dõi hơi thở và sự phồng xệp của bụng. Quan sát chặt chẽ hơi thở có thể khiến trạo cử không phát khởi nhưng với người mới thực tập hay thực tập chưa đúng, trạo cử thường phát khởi. Việc này không cần gì phải lo lắng. Tâm rong rủi tới lui thì biết nó đang rong ruổi tới lui. Ý thức này giúp hành giả biết “à mình đang rong rủi, phải trở về với thân mau”. Quay về với hơi thở nơi thân, lập tức các trạo cử biến mất. Điều quan trọng là hành giả không trốn chạy trạo cử và khó chịu vì sao việc phóng tâm cứ xuất hiện hoài. Trạo cử có mặt để giúp cho thân tâm an lạc. Niệm trạo cử cho nó biến mất đi để quay về với an lạc, nhưng an lạc không có nghĩa là vắng mặt trạo cử mà nó mang yếu tố trạo cử khi chính chúng được nhận biết. Vì vậy, không có chuyện đi vào trạo cử và đi ra trạo cử. Người tỉnh thức ở trong trạo cử biết mình đang trong trạo cử. Người mê muội không biết được điều này. Cho nên trong tình trạng trạo cử vẫn có an lạc như thường. Hôn trầm thụy miên là trạng thái mệt mỏi, giãi đãi, uể oải, chán chường, làm biếng, muốn cho xong, buồn ngủ, ngáp qua lại… Nguyên nhân do không có hứng thú trong việc thiền định, kể cả thiền công việc, có thể gọi là lờn thiền, hoặc làm việc quá sức thiếu chánh niệm đến giờ hành thiền chung với chúng lại buồn ngủ, hoặc các trạo cử không có ý thức cứ thu hút hành giả và mê mẫn với chúng. Sự mất kiểm soát xảy ra vì việc phóng tâm không được biết tới. Hành giả chơi vơi không biết bám víu vào đâu và làm nô lệ cho hôn trầm. Hôn trầm làm chủ và biến hành giả thành cái máy ngồi thiền chạy lẹt đẹt vì sắp hết xăng cho đến khi tắt dần. Kinh Thắp Lại Ánh Sáng Nội Tâm nêu rõ các phương pháp đối trị với hôn trầm mà đức Phật dạy cho thầy Mục Kiền Liên trước khi thầy đạt giải thoát như là: biết sự phóng tâm, suy nghĩ về giáo lý, lên tiếng đọc tụng kinh, xoa bóp tay chân cho máu huyết lưu thông, rửa mặt bằng nước mát và quan sát không gian, thay đổi tư thế thiền, đi kinh hành, hoặc nghỉ ngơi có chánh niệm. Tuy nhiên hành giả có thể tự chế tác thêm các phương pháp nhắc nhở mình vượt thắng hôn trầm như chúng thỉnh chuông trong khoảng thời gian nào đó, đọc các bài kệ hành thiền, đếm hơi thở, sử dụng các âm thanh tự động có tính chất nhắc nhở… Giống như ý thức trạo cử, ý thức về hôn trầm chứng tỏ hành giả đang tỉnh giác, còn hôn trầm làm cho ngủ luôn hay mệt mỏi và bỏ cuộc giữa chừng, như vậy đâu còn tỉnh giác nữa. Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp dạy người tỉnh giác dù giữa chốn bận rộn, biết mình đang bận rộn nhưng không kẹt vào sự bận rộn đó. Trạo cử hay hôn trầm cũng vậy, nó là biểu hiện cho sự bận rộn của thân tâm, ý thức về nó đồng nghĩa với việc làm cho nó lắng dịu, chuyển hoá, tan biến và tiếp xúc với thực tại. Biết hôn trầm đang diễn ra là biết thực tại, không biết nó đang diễn ra là không chăm sóc được thực tại. Vô ký là trạng thái không hôn trầm, không trạo cử mà là trạng thái lơ tơ mơ, không biết rõ, không biết phải như thế nào hay ảo tưởng về tỉnh thức. Thực sự hành giả đang làm lơ với các hiện tượng xảy ra với thân và tâm, vẫn theo dõi hơi thở đấy nhưng thực sự lại không tỉnh giác vì hành giả đang trốn chạy, sử dụng hơi thở để khoả lấp cũng như cố tình che chắn các đối tượng. Tâm rơi vào trạng thái si mê thực sự, không biết mình đang ở đâu và ngồi như một cái máy. Nhiều người lầm tưởng đây là trạng thái tĩnh lặng của tâm nên khi xả thiền tỏ ra mừng rỡ vô lý. Hành giả có thể lúng túng không biết giải quyết thế nào trong trường hợp này. Thực ra chẳng có gì phải lúng túng. Nếu niệm liên tục hành giả thấy tâm si mê là có thực và niệm cho đến khi ý thức chúng tan biến và trở về sân ga hơi thở. Có người si mê thiền, muốn chứng minh thiền giỏi và thiền lâu. Cái gì si mê đều không đi đến thành tựu và chỉ tôn vinh bản ngã của mình. Cho dù trạo cử, hôn trầm hay vô ký, hành giả đều biết và niệm chúng với ý thức tỉnh giác, hành giả sẽ nhanh chóng có định và dĩ nhiên biết được mình đang có định. Nhưng thiền để tìm kiếm định là không tưởng bởi vì lợi dụng thiền để tìm kiếm càng không thể có định và tính chất của tìm kiếm chính là không định. Dục triền cái là sự phóng tâm về năm dục: sắc, thanh, hương, vị và xúc. Hành giả đưa tâm đến các đối tượng hoặc mong chờ các đối tượng phát khởi để diệt. Chúng có thể là hình dáng đẹp, âm thanh vui nhộn, mùi hương thơm, thèm khát thức ăn ngon và sự xúc chạm dễ chịu. Chúng cũng có thể là hình dáng xấu xí, âm thanh chói tai, mùi hương nghẹt thở, nhớ đến thức ăn không ngon và sự xúc chạm khó chịu. Dính mắc vào năm dục dù tốt hay không tốt đều đưa hành giả rơi vào cõi dục. Chỉ cần niệm và biết chúng như thế, không phân biệt đẹp hay xấu, ngon hay dở, chói tai hay dễ chịu. Thiền không có chỗ cho sự phân biệt và quán chiếu tính không đáng tham cầu hay không đáng vướng mắc của chúng. Biết nhưng không buông lơi và không bị mắc kẹt. Quán vô thường, vô ngã và Niết Bàn để thấy chúng sinh rồi sẽ diệt, chúng không phải là ta và ý thức về chúng lại giúp ta an tịnh. Dục khởi lên như một sự thử thách và hù doạ, nhìn chúng một cách đơn thuần không làm hành giả xao động hay thờ ơ. Hành giả nhìn thấy tính chất tầm thường của chúng và không cần đến chúng nữa. Chúng là những giả tạo, tâm vẽ ra và nếu buông bỏ, tâm không bị chúng kềm kẹp và trói chặt. Đến đây hành giả có hạnh phúc và an vui vì thắng được con ma dục. Những cái tên ma vương trong kinh nói hiện lên đùa giỡn với đức Phật khi Người hành thiền dưới cội bồ đề là các con ma dục kia. Thắng được chúng sẽ trở nên tự do chưa từng thấy. Tự do khi buông bỏ mọi con ma dục đó. Bạn đang khỏe mạnh và không bị bệnh, điều này không có nghĩa căn bệnh đó không có, nó vẫn trực chờ tấn công bạn. Nhưng cách bạn sống và làm việc an toàn khiến cho vi trùng không thể tấn công bạn. Bạn sống giữa bệnh nhưng không bị bệnh tật vì bạn biết rõ bệnh tật và cái gì làm cho bạn bệnh tật. Dục cũng vậy, bạn sống giữa thế giới dục nhưng bạn không nhiễm cái dục đó, bởi vì bạn biết rõ về dục và thực tập để sống chung với dục trong hoà bình, không đem dục tạo nên các yếu tố chiến tranh cho thân tâm. Sân triền cái là tâm lý vội vã, nóng giận, nôn nóng, mong chờ, sốt ruột và ghét bỏ. Hành giả có cảm giác bất an và cảm thấy không yên. Niệm điều làm cho mình sân vì cái sân phải có đối tượng. Thực tập rải tâm từ, đọc kinh và các bài kệ giúp làm giảm cái sân, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân của cái sân. Thực tập tha thứ cho thân tâm nhẹ nhàng để có thể tiếp tục ngồi thiền. Đi thiền hành cho lắng dịu cảm giác và đi ra khỏi nơi mà mình cho là nguyên nhân gây giận. Niệm sân để biết mình đang sân cho đến khi cái sân trôi qua. Nhiều người không làm chủ được mình vì không biết rõ ràng về cái sân, cho nên nhiều khi ăn nói và hành động làm tan vỡ hết, tất cả công phu thực tập từ trước đến giờ đổ sông đổ biển. Quán niệm hậu quả của sân để tránh các hiện tượng kế tiếp có thể xảy ra. Ra vườn, vào thiền phòng, thỉnh một tiếng chuông nhắc nhở bản thân thực tập yêu thương và hạnh nhẫn nhục. Người tỉnh thức khi sân biết mình sân và không để sân ra oai và nhấn chìm. Sân là một thứ tâm lý tiêu cực, nếu biết nó là gì thì có thể là yếu tố tích cực giúp vững chãi con đường tiến tu. Nghi triền cái là sự thực tập sai lầm hay ngộ nhận về thiền. Nếu cho rằng thiền là con đường duy nhất dẫn đến Niết Bàn và Niết Bàn là mục tiêu tối thượng của thiền thì thật sai lầm. Thiền chỉ để thiền, giúp hành giả tiếp xúc với thực tại cùng tột và hỗ trợ cho việc làm sạch tâm. Tu tâm mới là cứu cánh thật sự. Mọi nghi hoặc về thiền phải được niệm và chuyển hóa. Nếu không có niềm tin thì đừng có thiền, nếu không sẽ vô ích rồi đâm ra thù hằn và phỉ báng thiền. Các ảo giác vọng tưởng là các cảm giác hay tâm lý do tâm vẽ nên, nhiều lúc làm hành giả sợ không muốn ngồi thiền nữa. Đâu có gì phải sợ. Chỉ cần niệm chúng, niệm cái ảo giác hay nỗi sợ, chúng sẽ từ từ biến mất. Tâm tán loạn ban đầu sẽ được đền đáp bằng tâm êm dịu sau đó. Hành giả sẽ thích thú với thiền và siêng năng tinh tấn hơn nữa. Chỉ cần tinh tấn như vậy, hành giả sẽ tự nhiên đi các con đường tiếp theo của thiền, đâu cần phải ngồi suy nghĩ không biết hiện tại đang ở tầng nào bậc nào của thiền. Làm vậy chi mất thì giờ, cứ thư giãn và hạnh phúc với thiền, như vậy là được rồi. Hơi thở vào ra phải nắm cho kỹ, bởi nó là dây neo đưa hành giả về với thực tại. Dù hạnh phúc hay đau khổ, hơi thở vẫn phải biết rõ, khi đó hành giả không bị trượt dài ở nơi đâu cả.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com