1/. VẤN:

Theo luật nhân quả, đời này anh A làm hại anh B. Đời thứ hai, anh B sẽ tìm đến anh A đòi nợ. Vậy là 1 = 1. Như vậy anh B có mang tội hay không ? Rồi đời thú ba anh A có “thanh toán’’ lại anh B nữa không ?

ĐÁP:

Nhân Quả là gì? Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả, nguyên nhân gây thế nào, kết quả ra thế ấy. Người xưa đã bảo: “Muốn làm việc gì, trước phải bình tĩnh nghĩ đến kết quả về sau của nó”. Nếu mỗi Phật tử biết lấy câu này làm điều tâm niệm, tất sẽ tránh được nhiều lỗi lầm thất bại trên đường đạo cũng như đường đời. Một vị thiền sư cũng khuyên dạy: “Xem hết kinh Di Ðà. Tụng xong chú Ðại Bi. Trồng dưa thì được dưa. Trồng đậu lại được đậu. Kinh chú vẫn quý lành. Kết oán làm sao cứu? Soi lại lòng bản lai. Người tạo người phải chịu. Mình làm mình thọ quả”.

Quả báo có: Hiện báo, Sanh báo, Hậu báo, Định báo, Bất định báo, Cộng báo, Biệt báo, Cận tử báo, Thục vị thục báo, Chuyển báo, Thế gian báo, Xuất thế gian báo. Ơû đây xin nói 3 quả báo cơ bản, mà chúng ta thường lãnh chịu:

1. Hiện báo: Có nghĩa hiện thế gây nhân thì hiện đời chịu quả.

2. Sanh báo: Sanh báo là gây nhân kiếp này, đời kế sau mới chịu quả báo.

3. Hậu báo: Ðây là nói sự gây nhân trong đời này, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp sau mới thọ quả báo.

Trong kinh Nhân Quả Nghiệp Báo có bài kệ: “Giả sử trăm ngàn kiếp. Nghiệp đã tạo không mất. Khi nhân duyên gặp nhau, lại tự chịu quả báo”.

Kinh Nhân Quả Nghiệp Báo, Kinh Địa Tạng thuộc về luân lý đạo đức học, Phật tử chúng ta thấy gần như là một bộ luật chuẩn mực nhất trong đời sống hằng ngày. Hành trình từ nhân đến quả, chỉ có Đức Phật, các đệ tử Thánh Tăng, những nhà học Phật có đẳng cấp mới thấy xuyên suốt quá trình nhân quả của chúng sanh và giúp chúng sanh tránh xa các điều ác, làm các việc lành để thoát khỏi luân hồi quả báo và góp phần làm trong sạch hóa môi trường sống chung trong xã hội loài người.

Tại Việt Nam xưa nay, không luận trong hay ngoài Đạo Phật, lúc nào mọi người cũng cổ xúy luân lý “làm lành gặp lành, làm ác gặp ác”, hay ứng dụng lời Phật dạy: “không làm các điều ác, siêng làm các việc lành, từ bi cứu vớt người khổ”. Vậy mà cũng không đủ lực để ngừa hoặc ngăn chận người phạm pháp.

Theo các bạn hỏi, thì gọi là luân hồi nhân quả:

Anh A làm hại anh B, thì anh A phải bị hại và ngược lại. Anh A giết anh B, thì tòa án xử tử hình anh A và ngược lại, làm ác gặp ác đó là nhân quả tất yếu. Nghiệp nhân “sát” thì nghiệp quả cũng bị “sát”, không sai sót, nên người xưa có câu :”thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”.

A và B trả vay như thế trở thành nghiệp lực, tức là sức mạnh của nhân quả, luôn trôi lăn trong sáu nẽo sanh tử luân hồi không lúc nào ngừng nghỉ, Phật tử chúng ta thường nghiên cứu trong kinh Địa Tạng gọi là “luân hồi quả báo”.

Muốn chấm dứt luân hồi quả báo như A và B trên, thì không khởi tâm tạo nghiệp và hành động ác.

2/. VẤN:

Tại sao, khi vào chùa, ta phải lạy tổ trước rồi mới lạy Phật ? Có những chùa muốn vào bàn thờ Tổ phải đi vào chánh điện trước rồi mới vòng ra sau để lạy Tổ, khi đi qua bàn Phật mà không lạy trước , mình cảm thấy có điều gì đó thất lễ. Vậy mình phải xử trí như thế nào khi đến các chùa này ?

ĐÁP:

Một ngôi chùa Phật giáo theo Bắc tông phổ biến có 4 khu vực: Chính điện, Tiền đường, Nhà hành lang, Nhà tổ và nhà trai (làm nơi thuyết pháp gọi là Giảng đường, làm nơi thọ thực của chư Tăng thì gọi là Trai đường)

Ở chính điện

1. Tượng Tam Thế là ba pho tượng ngồi ngang nhau ở nơi cao nhất trên bàn thờ, đại diện cho chủ Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại thế, vị lai thế.

Ở nhà Bái đường

Thông thường nhà Bái đường được xây dựng trước cửa Chính điện (còn gọi là tiền đường).

Nhà Hành lang:

Trong các ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, nhà hành lang được xây rất linh hoạt: có thể là hai dãy nhà riêng để đi lại chạy song song ở hai bên nhà Chính diện, mà theo đó, đi vào nhà tăng (hậu đường).

Nhà Tăng:

Nếu thờ Tổ gọi là Nhà Tổ, dùng trai tăng gọi là Nhà Trai. Nhà Tăng thường được xây dựng sau chính điện nên còn gọi là hậu đường.

Việt Nam hiện có 15.000 ngôi chùa, gồm: đại già lam, trung già lam, tiểu già lam…

Chùa lớn như ở thiền viện Thường Chiếu, Quan Âm Tu Viện, thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai), Trúc Lâm thiền viện (Lâm Đồng), mỗi chùa có trên 200 Sư Thầy, Sư Cô cư trú tu học, còn tiểu già lam thì chỉ có 01 Thầy hay Cô ở trông coi hương khói cho Phật.

Chùa xưa từ 100 năm trở lên đến trên 1.000 năm thường là ở ngoài miền Trung, miền Bắc Việt Nam; đa phần không có lối đi vào Chính điện trước, thường là đi hai bên cổng Đông lan (nam), Tây lan (nữ), hoặc đi vào lối bên hông hữu hoặc tả ở phía hậu đường, nên khi Phật tử vào chùa trước gặp khám thờ Tổ sư, sau mới gặp ngôi Tam Bảo thờ Phật.

Chùa ngày nay, ở thành thị, do nhiều hoàn cảnh thường xây tạm giữa khu phố, khóm phường để hành đạo, lâu ngày trở thành nơi an trú muôn đời… điều kiện môi trường đất đai hẹp, không đủ để xây theo quy cách thiền lâm quy chế. Người Phật tử vào chùa có khi gặp thờ Phật và Tổ sư ngang nhau, hoặc lối đi bắt buộc phải gặp nơi thờ Phật trước, rồi mới gặp khám thờ Tổ sư sau.

Nhìn chung khi tạo chùa để cho Tăng Ni tu hành, quý Thầy thường làm theo phương tiện nhất thời cho Tăng Ni cư trú tu học, nên khi xây dựng, vị chủ đầu tư ít quan trọng đến quy cách thiền lâm quy chế. Cho đến hôm nay nghĩ đến để cải cách thì đã muộn lắm rồi. Cũng chính vì thế nên mới có câu hỏi của quý Phật tử.

Ở Việt Nam, dù chùa được xây dựng theo quy cách xưa hay nay, nhưng do sự giáo hóa của Thầy Cô nên việc lễ Phật và Tổ sư trở thành khuôn thước của Phật tử, vào chùa thì: “tiên bái Trụ trì, hậu bái Thích ca”. Ý nói khi vào chùa trước nhất gặp chủ chùa (Trụ trì), xá chào Trụ trì, sau đó được Trụ trì hướng dẫn lễ Tổ sư, Lễ Phật là vậy.

Trường hợp của các bạn gặp Phật hay Tổ sư trước thì cứ cung kính vái xá, rồi sau đó làm theo hướng dẫn của Thầy Cô – không thất lễ!

3/. VẤN:

Việc cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng mã, theo đạo Phật là điều không nên làm. Nhưng có một số chùa hiện nay vẫn làm theo tập tục này. Qúi Thầy giải thích việc làm này nhằm để “Tùy thuận chúng sanh’’, và cứ tiếp diễn năm này qua năm khác. Vậy việc làm này có đúng chánh pháp hay không ?

ĐÁP:

Đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ thời nhà Hán (Trung Quốc). Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng.

Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Chuyện đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và trở thành tập tục. Tập tục này được du nhập vào Việt Nam theo những người Trung Hoa.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng: “Việc đốt vàng mã là do ảnh hưởng của người Trung Hoa. Tích kể rằng: Vào đời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thạo đã về quê mở xưởng. Giấy làm ra xấu và khó viết chữ nên bị ế không bán được. Tuệ Nương bèn giả chết để thực hiện phương kế bán giấy. Ngày thứ 3, trước khi đi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy ra đốt bên cạnh quan tài vợ. Sau khi Thái Mạc đốt giấy xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: “Dương gian tiền năng hành tứ hải. Âm gian chỉ tại tố mãi mại. Bất thị trượng phu bả chỉ thiêu. Thùy khẳng phóng ngã hồi gia lai”.

Nghĩa là: “Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy thì ai lại cho tôi quay về dương gian”. Nói rồi lại mang thêm 2 bó giấy nữa để đốt. Những người chứng kiến đều tin là đốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai nấy đều về nhà lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt. “Tin lành” đồn xa, người các nơi tranh nhau đến nhà Thái Mạc mua giấy. Không đến 2 ngày, bao nhiêu giấy ế của hai vợ chồng Tuệ Nương đã hết sạch”.

Với tích truyện này, Ts Nguyễn Mạnh Cường hy vọng bạn đọc sẽ có suy nghĩ đúng đắn về việc đốt vàng mã. Trước khi đốt vàng mã, mỗi người cần suy nghĩ thật kỹ xem tác dụng thực của việc “hoá vàng” đến đâu. Đã là tập tục thì khó bỏ, chỉ trừ có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội.

Cúng sao hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Tập tục này có nguồn gốc từ Lão giáo. Sao hạn được tính căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu.

Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt và trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Người Việt tin rằng, mỗi năm có một vì sao cai quản, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương.

Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo, nhưng ngày nay, tập tục này được xem như tục tập lỗi thời đối với nhà truyền giáo Phật giáo. Đoán sao, đoán hạn và cúng giải sao hạn ngày nay còn diễn ra ở các chùa là sai.

Trong kinh Di giáo chương I, Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu, sau khi Tôi nhập-diệt, các vị nên tôn-trọng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, như tối gặp sáng, như người nghèo được của báu. Các vị nên biết giới ấy là bậc Đại-Sư của các vị và không khác gì Tôi còn ở đời vậy.

Người giữ giới thanh-tịnh, không được làm những việc như: buôn bán, đổi chác, tạo dựng ruộng nhà, nuôi dưỡng người dân, tôi tớ, súc sinh. Hết thảy sự trồng trọt, các của cải châu báu, đều nên tránh xa, như tránh hầm lửa. Không được chặt phát cây cỏ, đào sới đất đai, điều-hòa thuốc thang, xem tướng tốt xấu, quan sát tinh-tú, suy-đoán đủ thiếu, lịch-số kế-toán, đều không nên làm.

Là Phật tử, chúng ta phải thấy những gì lỗi thời lạc hậu, những gì là văn hóa, là nét đẹp của văn hóa dân gian hay văn hóa đạo Phật, chúng ta phải nói không với các hủ tục trên.



Có 2 phản hồi đến “Hòa Thượng Thích Giác Quang Giải Nghi Về Luật Nhân Quả, Đốt Vàng Mã Và Cúng Sao Giải Hạn”

  1. Dạ thưa bạn, giáo pháp nhà Phật chỉ tin sâu nhân quả tội phước, không tin vào ngày giờ tốt xấu, tuổi tác, xung khắc, mê tín dị đoan. Nếu bạn làm thiện sẽ được thiện còn làm ác sẽ nhận quả báo ác. Bạn đọc các bài viết sau để rõ hơn nhé. Xin cảm ơn bạn rất nhiều. A DI Đà Phật! http://linhsonphatgiao.com/25/2/2014/cac-bai-khan-nguyen-hang-ngay.html http://linhsonphatgiao.com/28/2/2013/phat-tu-den-chua-nen-thuc-hanh-nhung-nghi-le-ung-xu-nhu-the-nao-cho-dung.html http://linhsonphatgiao.com/10/6/2013/cach-thuc-trang-thiet-ban-phat-le-phat.html

  2. Minh Hưng đã nói

    Thưa thầy, Con thường đi chùa vào các ngày rằm để cầu xin phật nhưng con không biết nên đi giờ nào linh nghiệm, nên lạy phật nào trước, và cách cầu xin phật như thế nào ( con toàn nói tên tuổi , địa chỉ để cầu xin nhưng không được hoàn chỉnh ) . Mong thầy hướng dẫn ĐIỀU CHỈNH giúp con.Cảm ơn thầy rất nhiều . A DI ĐÀ PHẬT

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com