Vấn: Con là một Phật tử mới bước chân vào cửa Phật. Buổi tối con hay niệm Phật và tụng kinh Phổ Môn hoặc không thì trì chú đại bi. Thật sự con cũng rất cố gắng để được nhất tâm nhưng tâm con lúc nào cũng loạn động không ngừng nghĩ, đủ thứ sân si phiền não nổi lên. Nhiều khi con chán ghét tâm mình nên đứng dậy thiền hành rồi ngồi xuống trở lại nhưng cũng chẳng được bao lâu thì loạn động nổi lên. Xin Sư chỉ cho con cách nào để tâm bớt loạn động khi con niệm Phật hay niệm chú ạ?
ĐÁP: Tu hành là việc trăm năm nghìn năm, mỗi ngày cần phải trau giồi nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, bằng cách giãm thiểu những sự liên quan vật chất lẫn tinh thần những thứ không cần thiết trong đời sống hiện thực.
Do sự tiến hóa của khoa học và con người, nên cuộc sống hiện tại luôn là phức tạp, phức tạp đến độ chúng ta không kiểm soát, hạn chế được, làm cho sự sống con người bị chi phối bởi lực đẩy của thời gian và không gian, ngày càng yếu đi tâm lực thể lực, giảm tuổi thọ hơn bao giờ hết, ví dụ như: vật dụng hằng ngày, tivi, phim ảnh, máy giặt, bàn ủi, vật dụng điện tử, nước uống, lương thực, thực phẩm, khói thuốc, nhà máy, xe, tàu, máy nổ, các nhu yếu phẩm xa xí… những thứ ấy không bao giờ không có bên ta, có nó thì ta thấy mạnh mẽ, sung túc; không có nó thì ta thấy yếu, thấy nghèo 60% cuộc sống. Nhìn chung những phương tiện mà khoa học phục vụ cho đời sống, là con dao hai lưỡi: một mặt nó phục vụ, một mặt nó làm cho ta bị đẩy lùi vào dĩ vãng một cách không thương tiếc, tức là thọ yểu, dẫn đến chết non. Đấy là một tổn hại lớn với muôn loài trong đó có loài người trên hành tinh trái đất.
Những sự hổ tương bằng tinh thần hay vật chất làm cho chúng ta sung mãn, nhưng chúng ta không đủ sức chứa “sự sung mãn” đó nên căng thẳng, bức ngặt, sân si cáo ghét… nếu có vui cũng là vui trong căng thẳng, nhìn cuộc đời trong muôn lối nghĩ suy: hơn thua, phải quấy, tốt xấu, loạn động dấy sanh, chúng ta không còn kiểm soát được những hành vi và không ngăn chận những dục vọng phiền não nổi lên, nhận khách làm chủ, lấy chủ làm khách, loạn động điên cuồng, hằng niệm, hằng giờ các mối phiền não luôn chồng chất lên nhau cao vút tợ núi tu di.
Theo kinh nghiệm tu hành của Sư, những lúc xảy ra động loạn như thế, tụng kinh, niệm Phật, trì chú lại càng thêm căng thẳng, cần phải đình chỉ các đối tác trừ khử nhau, diệt nhau, sẽ làm giảm thiểu động loạn, dẫn đến chấm dứt động loạn.
Phật tử phát nguyện tu hành, tức là muốn “trở lại” với vị trí chân nguyên, tự thuở ban đầu không có phiền não đối tác.
“Trở lại” là tìm về “chân như thực tướng, thực tướng của các pháp”.
Khi thực tập tu hành cần quán chiếu: “các pháp vốn không tự tánh” những loạn động, cáo ghét, sân si, căng thẳng, ái dục tự nó không có, do chiêu cảm đủ duyên thì đến, không chiêu cảm đủ duyên thì không xuất hiện, quán chiếu như thế lâu dần, thuần thục, tâm thể nhẹ nhàng, các chi mạt vô minh phiền não (loạn động) hiện tiền lần lượt không phát sanh, đấy là hành trình tu tập: “trở về với chân như thực tướng”.
Quá trình tu tập cần có sự trợ duyên của bậc thiện tri thức, tự tin và các trợ đạo pháp, như: lánh xa các việc ác, thực hiện các việc thiện, giảm thiểu những vật chất đang sử dụng, giúp cho thân tâm được rỗi rãnh, đấy cũng là dụng công thiền hành, thiền quán, niệm Phật, niệm chú… cho đến khi không còn loạn động thì Phật tử muốn phát nguyện tụng kinh chú, thiền hành bao nhiêu cũng được.
HT Thích Giác Quang