Câu 1:
VẤN: Con là một người mới vừa bước chân vào cửa đạo và con cũng chưa quy y tam bảo. Từ nhỏ con chẳng biết do duyên gì mà mỗi khi có chuyện, con nghe lời bà thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và thấy lòng thanh thản. Càng lớn con càng có cơ duyên và thích được đến chùa cũng như học hỏi về Phật pháp. Tuy nhiên, giữa muôn trùng mệnh mông sách vở, kinh điển, con ôm vào đọc quá nhiều và con cảm thấy loạn động. Con không có thầy tổ chỉ dạy tu hành và cũng không biết là sẽ nên tu tập như thế nào? Con thích tụng kinh sám hối và thế là mỗi buổi tối mang kinh ra tụng. Vậy con nên bắt đầu từ đâu, tu hành như thế nào, làm gì vì giờ đây con rất hoang mang sợ mình đi lạc lối.
ĐÁP: Chưa quy y Tam Bảo mà nghe hay biết niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ tát tức là căn lành lớn sâu rộng. Căn lành lớn là do nhiều duyên kết tập trong sự tu hành, tuy thân còn ở thế gian, nhưng duyên Phật Pháp lúc nào cũng gần gũi, mọi việc đến với Phật tử đều là Phật Pháp. Căn lành sâu, là vừa nghe giáo pháp Phật là khởi tâm tín niệm tôn kính, phát tâm tu tập, không nghi ngờ và không lui sụt bồ đề tâm.
Có duyên với tu Thiền thì tu Thiền, có duyên với Tịnh độ thì tu Tịnh độ, không có gì phải hoang mang. Tam tạng kinh điển là phương tiện thuyết giáo độ đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không có Kinh Luật Luận thì chúng ta không có phương hướng tu tập. Tuy nhiên khi phát tâm tu hành cần phải chọn một pháp môn thuận lợi nhất, tâm bất an thì tu Thiền, thân bất an thì tu Tịnh độ. Tâm bất an thì quán chiếu các pháp giai không, thân bất an thì quán niệm Phật cho thanh tịnh, đàng nào thì cũng là thuốc đặc chủng “a dà đà” phổ trị bệnh chúng sanh, không cao không thấp, không dỡ không hay, không phải không quấy… Phật tử nên tu tập như thế nầy cho đúng:
* NGHIÊN CỨU KINH SÁCH:
Nghiên tầm kinh điển thì cứ nghiên tầm, đến khi hạ thủ công phu thì nên chọn pháp tu cho phù hợp, trường hợp của Phật tử do căn lành lớn và sâu với pháp niệm Phật, mỗi đêm nên phát tâm niệm Phật hay trì kinh bái sám.
* NIỆM PHẬT:
Mỗi đêm vào lúc 20 giờ hay 22 giờ đều có thời niệm Phật, mỗi thời niệm 20 phút. Liên hữu mặc áo tràng chỉnh tề, dâng hương, cúng nước cho Tam Bảo, khi vào chánh điện điểm 6 tiếng chuông (nếu có), xá Phật 3 xá, quay ra phía sau xá hộ pháp long thiên 3 xá, quay trở lại quỳ lạy Phật 3 lạy (nhớ quay lưng theo chiều kim đồng hồ), tiếp niệm bài:
Cúi đầu đảnh lễ Phật phương Tây
Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh nầy
Con nay phát nguyện về lạc quốc
Xin Phật thương con độ vãng sanh
Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật (bắt đầu ngồi niệm Phật…)
Phật tử có thể ngồi bán già hay kiết già cũng được, thẳng lưng, hai bàn tay hiệp chưởng trước ngực, hai ngón tay cái chéo vào nhau (biểu tượng của tín tâm không lui sụt), đôi mắt ngó ngay chóp mủi (tức là mở 1/3). Không nên khép kín đôi mắt, vì khép kín thì hay ngủ gật, không nên mở to, vì mở to ý sẽ tán loạn…
Lần tràng niệm Phật 20 phút – quỳ lên tiếp tục niệm Nam mô Quan Thế Âm… – Nam mô Đại Thế Chí… – Nam mô Địa Tạng vương… – Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng… (mỗi câu 3 lần, niệm theo kinh Nhựt Dụng hằng ngày của Phật tử).
Tụng bài hồi hướng – Tam Quy y (lạy 3 lạy rồi lui ra nghỉ ngơi)
Về sám hối thì mỗi nữa tháng mới có tụng kinh sám hối, có thể tụng kinh Sám hối hồng danh Phật, mỗi Đức Phật lạy 1 lạy – đọc bài sám hối ở đầu kinh Pháp Hoa – hay đọc 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, mỗi nguyện lạy 1 lạy là đủ rồi.
Có người hỏi: con niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát được không?
Xin trả lời: Niệm danh hiệu Quan Thế Âm, hay các danh hiệu Bồ Tát khác cũng được, nhưng phải chí tâm chánh niệm là được rồi.
Hành giả tu niệm Phật, chí tâm chánh niệm thì thiên ma cũng không quấy phá được, huống gì người phàm phu châm biếm…
* TRÌ KINH BÁI SÁM:
Đã là liên hữu thì khi phát tâm tụng kinh Đại Thừa, như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Niết Bàn, kinh Ma Ha Bát Nhã… cần phải khai khóa lễ cho nghiêm túc, nhưng khai kinh vào những thời điểm mùa tuyết rơi, mùa mưa thì mới tụng kinh liên tục cho đến khi huờn kinh, hồi hướng công đức được; không nên khai khóa lễ vào các mùa giao dịch, sinh hoạt xã hội rộ lên đồng đều, vì lúc bấy giờ các gia đình Phật tử phải giao lưu làm việc với xã hội, không tụng kinh điều hòa được.
* LẠY PHẬT:
Phật tử không có phương tiện thời gian tụng kinh, niệm Phật thì lạy Phật, mỗi đêm nên phát tâm đọc 12 danh hiệu Phật A Di Đà (trong kinh Nhựt Dụng, sau phẩm kinh A Di Đà của Phật tử), mỗi câu lạy 1 lạy, bao nhiêu đấy thôi cũng là cách tu tập đúng.
Đối với người đi làm việc, làm công nhân, thì mỗi buổi sáng trước khi lên xe đi làm việc, đến trước bàn Phật niệm mười câu danh hiệu Phật (mỗi hơi không biết bao nhiêu niệm, nhưng cũng gọi là 1 câu danh hiệu Phật).
Câu 2:
VẤN: Gần đây xem trên mạng con có nghe mọi người nói về pháp luân công. Vậy con muốn hỏi pháp luân công là gì? Đó có phải là một pháp của nhà Phật không? Pháp luân công giống và khác với pháp Phật ở chỗ nào ạ?
ĐÁP: Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, hay gọi là Đại Pháp) là môn tu luyện (khí công) cả tâm lẫn thân chiều theo đặc tính của vũ trụ.
Pháp Luân Đại Pháp có một lịch sử rất xa xưa, được đơn truyền qua các thời đại khác nhau, mỗi một thế hệ có một người thầy truyền cho một nguời đệ tử duy nhất. Sau đó người đệ tử này lại truyền cho người đệ tử thế hệ tiếp theo, cứ như vậy cho đến thời kỳ hôm nay.
Năm 1992, ông Lý Hồng Chí bắt đầu truyền Pháp Luân Đại Pháp ra công chúng trong thành phố Trường Xuân, Trung Quốc và sau đó ông tiếp tục giảng Pháp ở khắp nơi trong nước. Những người mà tham dự các buổi thuyết giảng đó truyền lại cho bạn bè và gia đình. Kết quả là số lượng các học viên tăng rất nhanh, chỉ bằng cách truyền miệng như vậy. Tới năm 1998, theo thống kê có trên 70 triệu người ở Trung Quốc theo tập môn này.
Phương pháp luyện pháp luân công được cho là có ảnh hưởng đến Đạo Phật và Đạo Lão do biểu tượng của hình ảnh chữ Vạn và Thái cực… đây là một học thuyết không phải của Nhà Phật (ngoại đạo); không nên bận tâm chỉ vì lý do có chữ Vạn của Nhà Phật.
Phật tử đừng vì sự tín tâm chữ Vạn của Nhà Phật nằm trong ký hiệu của Pháp Luân công mà bỏ đi chơn lý của Nhà Phật. Tu Phật thì tu Phật, tu pháp luân công thì tu pháp luân công, không nên nay tu pháp nầy, mai tu pháp khác trở thành “loạn pháp”, thầy thuốc gọi là “đa sư hư bệnh”.
HT Thích Giác Quang