Vấn: – Chúng con nghe chư giảng sư pháp môn niệm Phật Tịnh độ giảng: “cõi tịnh độ không có nhị thừa, căn thiếu và nữ căn? Nhị thừa tu pháp tứ đế, lánh xa cõi thế, tìm chốn an lạc; căn thiếu thì không đủ yếu tố học đạo giải thoát, khó tu chứng đạo; nữ căn thì chướng sâu tội nặng…”. Như vậy thì không có lối thoát cho những chúng sanh trên hay sao?

Đáp: – “Nhị thừa” thì tịch diệt, tu tự lợi, chán bỏ cõi khổ tìm chổ an lạc riêng mình, không phát bồ đề tâm để độ sanh, tức là không đạt cứu cánh rốt ráo.

“Thiếu căn” chúng sanh thiếu căn lành, không phải là pháp khí của Phật pháp, không có trí tuệ để tìm cầu giải thoát, khinh mạn đại thừa, chướng sâu tội nặng, chê bai giáo pháp Đức Phật, không đủ yếu tố căn thân để gánh vác đạo đức.

“Nữ căn” theo xưa trong giáo pháp Đức Phật dùng ngôn từ “nữ căn” để chỉ cho chủng tánh chúng sanh không có tướng trượng phu, nhiều tính dục ái, ý tứ Phật nói chúng sanh nhiều dục ái. Theo quan niệm của Thượng tọa bộ thì người nữ nhiều ái dục, chướng sâu tội nặng khó tìm cầu học đạo giải thoát. Theo Đại chúng bộ thì nói chúng sanh nhiều ái dục, không riêng gì người nữ. Công đức tu thành Phật, học đạo giải thoát, cầu vãng sanh Tịnh độ, thành Phật thì không phân biệt tướng nam, tướng nữ, tướng trẻ, tướng già, đủ căn hay thiếu căn. Tất cả chúng sanh trong thế giới Ta Bà đều có thể tu đạt hiệu quả vãng sanh Tịnh Độ, thành Phật, chỉ có sự giác ngộ mới thành Phật và nói lên chơn lý đại thừa rốt ráo của Đạo Phật. Trong sách “Những lời dạy của Đức Tôn sư: “…tánh Tỳ kheo không phân biệt tướng nam, tướng nữ, tướng trẻ, tướng già…”

Vã lại, trong Vãng Sanh Tịnh Độ luận của Thiên Thân Bồ Tát dạy: “…chúng sanh đã sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương không có tướng người nữ, căn thiếu và nhị thừa”. Có người không hiểu nghĩa này, giải sai nói nhị thừa, căn thiếu, các người nữ không được vãng sanh Tây Phương, nghĩ suy như thế, chẳng lẽ giáo pháp Đức Phật hữu biên hay sao? quan niệm nầy sai lầm!

Vãng sanh Tịnh độ luận nói: “Người tu Phật nhất là phát tâm đại thừa cầu sanh đến thế giới Cực Lạc Tây Phương là người có tâm tốt, tâm tốt là tâm có đủ 32 tướng của bậc Bồ Tát cầu đạo nên không có tướng người nữ, căn thiếu và nhị thừa không đủ phước báu; chứ không phải nói người nữ, căn thiếu và nhị thừa ở cõi này hoặc ở phương khác không được vãng sanh về Cực Lạc! Ðã sanh về Cực Lạc tuy có phàm phu, nhị thừa, căn thiếu khác nhau, nhưng tất cả đều tiến vào Ðại thừa rốt ráo thành Phật. Vì thế, thế giới Cực Lạc đều do vơ lậu thiện căn Ðại thừa mà thành tựu, vì đây là cảnh giới thiện căn của Ðại Thừa, nên không thể có thể tánh người nữ, căn thiếu và nhị thừa, mà danh xưng người nữ, căn thiếu, nhị thừa cũng không có, chỉ có danh xưng của Bồ Tát, thượng thiện nhơn mà thôi…”

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, quyển IV, phẩm Đề Bà Đạt Đa, trang 327, 328 – bản dịch của HT Thích Trí Tịnh. Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi vừa đi thuyết giảng từ cung rồng Ta kiệt la về và có đến trước đại chúng nói: “Tôi du thuyết ở biển thường tuyên nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho chúng sanh trong cõi ấy nghe và có nhiều người nghe rồi đắc đạo không thể kể xiết. Ngài Bồ tát Trí Tích hỏi Văn Thù Sư Lợi: “Kinh nầy rất sâu vi diệu là quý báu trong các kinh, trong đời rất ít có, vậy khi Ngài thuyết giảng có chúng sanh nào nghe rồi siêng năng tinh tấn tu hành, đọc tụng kinh nầy mau thành Phật chăng? Xin Ngài giới thiệu người tiêu biểu?

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Có con gái của vua rồng Ta kiệt la mới tám tuổi mà căn tánh lanh lẹ, có trí tuệ, khéo biết các căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, đặng pháp tổng trì, các tạng pháp kín rất sâu của các Phật nói đều có thể thọ trì, sâu vào thiền định, rõ thấu các pháp. Trong khoãng sát na phát tâm Bồ đề đặng bực bất thối chuyển, biện tài vô ngại, thương nhớ chúng sanh như con đỏ, công đức đầy đủ, lòng nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi nhơn đức khiêm nhường, ý chí hòa nhã, nàng ấy có thể đến Bồ đề. Trí Tích Bồ tát nói rằng: “Tôi thấy Đức Thích Ca Như Lai ở trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo Bồ đề chưa từng có lúc thôi dứt; tôi xem trong cõi tam thiên đại thiên thế giới nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hột cải mà không phải là chổ của Bồ tát bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới đặng thành đạo Bồ đề. Chúng tôi chẳng tin Long nữ đó ở trong khoãng giây lát chứng thành bậc chánh giác”.

Nói luận chưa xong, lúc đó con gái của Long vương thị hiện thần thông, bỗng hiện ra nơi trước, gieo năm vóc kính lễ Phật rồi đứng một bên nói: “…sự đắc đạo của người nữ chúng con chỉ có Phật mới biết đặng, hiện nay mọi người đều tôn kính con, con có khả năng nói pháp đại thừa, độ tất cả chúng sanh được giải thoát…”

Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất nói với Long nữ rằng: “Người nói không bao lâu chứng đặng đạo vô thượng, việc đó khó tin. Vì sao? Vì thân nữ nhơ uế chẳng phải là pháp khí, thế nào có thể đặng thành đạo vô thượng chánh giác? Đạo Phật sâu rộng phải trải qua vô lượng kiếp cần khổ chứa nhóm công hạnh, tu đủ các độ, vậy sau mới thành được. Lại thân gái có năm điều chướng: một chẳng đặng làm Phạm thiên vương, hai chẳng đặng làm Đế thích, ba chẳng đặng làm Ma vương, bốn chẳng đặng làm Chuyển luân thánh vương, năm chẳng đặng làm Phật. thế nào thân gái đặng mau thành Phật?”

Lúc đó, Long nữ có một hột châu báu, giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên đem dâng lên Đức Phật. Phật liền nhận lấy. Long nữ nói với Trí Tích Bồ tát cùng tôn giả Xá Lợi Phất: “Tôi cúng dường châu báu, đức Thế tôn nạp thọ, việc đó có mau chăng?” – Rất mau! – Long nữ nói: “Lấy sức thần của các ngài xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó…”

Qua bài kinh, cho chúng ta thấy việc tu thành Phật, đắc đạo theo giáo nghĩa Đại chúng bộ không còn phân biệt các tướng nữa.
Long nữ là đại diện cho các tầng lớp chúng sanh tu Phật, cũng là đại diện cho “phái nữ” tu hành; việc Long nữ thành Phật mau trong một niệm giác ngộ, một hành động dâng ngọc ngà châu báu, một phong cách gieo năm vóc đảnh lễ đức Thế tôn… tất cả đều là hạnh lành mà mọi người đều có thể làm được. Tuy nhiên cần có sự giác ngộ như Long nữ; chúng ta sanh trong thế giới Ta Bà không nên tự ti mặc cảm “tự nghĩ là khó thành Phật” rồi không tu hoặc tu cầm chừng cho có lệ; ngược lại cần có sự quyết chí thì sở cầu như ý nguyện. Hoặc chúng sanh “xem nhẹ” Phật pháp, cho Phật pháp là một môn triết học như các môn học khác, ví như người không biết sử dụng “ngọc quý”, cho “ngọc quý” là “đá cuội” rồi không tin tưởng hoặc mất niềm tin.

Tính đặc biệt của giáo pháp đức Phật là: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đồng thể tánh không phân biệt các tướng, tất cả chúng sanh đều có thể tu thành Phật như đức Phật Thích Ca, nếu chúng sanh đó có ý thức tiến hóa giác ngộ…”. Tất cả chúng sanh tu hành đều đặng giải thoát, nếu chúng sanh ấy cầu học đạo giải thoát.

Theo Tịnh độ tông: “Cõi Tây phương Cực lạc không có nhị thừa, thiếu căn, nữ căn…” cũng chính là bổn nguyện trong 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Ðà và chư Phật trong mười phương an lập Tịnh độ; cũng là pháp giáo rốt ráo trong quá trình Đức Giáo chủ Phật Thích Ca Mâu Ni hoằng hóa chúng sanh trong thế giới Ta Bà.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nhị Thừa, Căn Thiếu Và Nữ Căn Có Cầu Sanh Tịnh Độ Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com