VẤN: Con đang sống trong một gia đình có lẽ là oan gia duyên nợ từ nhiều kiếp. Một nửa gia đình tin hiểu thực hành lời Phật dạy, cố gắng ăn chay làm lành, còn một nửa ra sức chống phá, bài xích Phật giáo, cho rằng những người đi tu chỉ là muốn sướng thân. Ba con viện dẫn chuyện ở một vài chùa các vị tăng ni phạm giới, đến nhà Phật tử không đúng oai nghi, đòi hỏi điều kiện này kia mỗi khi cúng đám mà không thuyết giảng gì. Con ăn chay thấy gia đình sát sanh ăn mặn mà đau lòng bất lực đứng nhìn. Em con bảo mình không giết nó ăn thì cũng có người giết, nó là con vật biết gì. Với lại em con bảo nó chỉ có một kiếp, giết một con hay một trăm con cũng vậy, nó chỉ biết kiếp này không quan tâm kiếp sau. Nó bảo giết một con vật nhỏ hay một con vật lớn cũng là một mạng vậy thôi để giết con vật lớn hơn, như cá lớn, gà vịt gì đó hơn là mấy con kiến con cá nhỏ, như thế cũng là làm phước bớt nghiệp. Ba con bảo ba thắc mắc nếu nghe lời mấy thầy lo tu lo niệm phật vậy mai này thế giới sẽ hủy diệt, ai lo sản xuất xây dựng thế giới, chỉ là các thầy muốn sướng thân, muốn được cung phụng mới nói thôi. Con giờ mệt mỏi vì không biết phải làm gì ngoài việc niệm Phật hồi hướng. Xin Sư cho con biết có phải việc giết một con vật nhỏ hay lớn đều là phải đền mạng như nhau hay nhân quả như thế nào? Con nên làm gì để khuyến hóa gia đình biết tin sâu Phật pháp.


ĐÁP:

I .

Trong nhà Phật thường nhận định: “Nhơn hư, Đạo bất hư”, người đi theo Đức Phật là người có chí khí cao thượng, quyết tâm học đạo giải thoát, xả ly thế gian, việc đời gác ngoài tai, có như thế mới rảnh rang phụng Đạo giúp Đời. Việc ai hư ai nên trong chốn thiền lâm lúc nào cũng rõ mồn một, những người ẩn dương nương Phật không tồn tại trong Đạo Phật, người trốn sâu lậu thuế cũng không có trong nhà Phật, người trốn nợ đời cũng không có trong nhà Phật, người khổ vì tình cảm cũng không tu hành trong chốn thiền lâm... người đi tu mà có điều kiện thì tu không bền, chỉ tu một thời gian rồi hoàn tục thôi. Có những Phật tử nhận định chính xác, tuy nhiên là cá nhân của người tu sĩ đó làm bại họai chánh pháp, chứ không phải cả một Đạo đâu Bạn ạ!

Nói về giá trị một người tu sĩ đạo Phật, Quy Sơn cảnh sách có câu: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.

Nghĩa là: Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi.

Trách nhiệm của Phật tử hiện nay, nhìn người phạm giới, quán chiếu như một chiến sĩ ngã gục trên chiến trường “tham sân si”, người sau có bổn phận phải đứng lên hướng vế phía trước để thế vào chổ “trống” đó.

Đức Tôn sư sanh tiền thường dạy: “...đem 01 vị Tỳ kheo đổi 1.000 ông đại phú gia, ta cũng không đổi...”. Một vị tu sĩ là tiêu biểu cho đời, sống thanh bần lạc đạo trên thế gian, chuẩn bị bước vào thềm thang giải thoát, không như nhận định của người thế gian, trong sách Quy Sơn dạy: “Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở, hiểu tịch tư thỗn, khởi khả thiên diên quá thời. Tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai qui cảnh, thường dĩ như thử, vị năng thiểu phần tương ưng”.

Nghĩa là: Giã từ song thân, quả quyết chí khí, khoác mặc pháp y, là ý muốn vượt lên cho ngang đến chỗ nào nữa kia: sớm tối suy nghĩ như vậy thì đâu có thể chơi đùa cho qua mất thì giờ. Trong lòng tự kỳ hẹn cho mình phải làm trụ cột của Phập pháp, làm gương mẫu cho tương lai: thường xuyên tự nguyện như vậy mà chưa hẳn đã phù hợp phần nào với sự xuất gia.

II .

Thế gian xem thường nhà Sư là vì họ chưa hiểu hết ý nghĩa “xuất gia đầu Phật”, nếu các vị hiểu được người xuất gia có giá trị như trên thì không còn phỉ báng nữa.

Sở dĩ có giải phân cách chê bai thầy tu Phật là vì trong thời buổi chiến tranh, ngành Hoằng pháp không được họat động, giúp cho Phật tử thông hiểu giá trị tu hành của nhà Sư. Đồng thời cũng do một ít nhà Sư phạm giới, tu lơ là, chỉ lo làm kinh tế, làm “thầy cúng” đi tụng đám nuôi thân, vợ con đầy đàn, rựơu chè cờ bạc, không mang lại lợi ích trí tuệ cho mọi người, khiến cho nhân thế chê bai nhà Sư.

Sư xin kể một câu chuyện bất kính chửi Thầy, đánh Thầy mắc quả báo về sau, khó cứu rỗi được: “...Năm 1963, Ông Pháp........... (cứ trú chung cư Minh Mạng cũ) làm cảnh sát công lộ, thân người mập mạp mạnh khỏe. Khi quý Thầy xuống đường biểu tình chống nhà cầm quyền Ngô...................... Lúc bấy giờ Ông có nhiệm vụ “dọn dẹp” quý Thầy xuống đường nhưng không ngăn được, Ông được lệnh nổ súng chỉ thiên, dùng dùi cui “đánh” quý Thầy, vừa “văng tục” không thương tiếc. Đến năm 1968, sau chiến tranh Mậu Thân, Ông được chuyển sang làm Ngân Hàng, lúc bấy giờ Ông đến Quan Âm tu viện quy y, có lần tâm sự với Sư Quang là Ông có “làm ác” như trên, Sư Quang hướng dẫn Ông tác pháp lập đàn sám hối hồng danh, sau đó lạy kinh Vạn Phật, lạy Tam Thiên Phật, lạy ngũ bách danh Quán Thế Âm, tụng thần chú Đại bi tại thánh tháp Huyền Diệu Quán Thế Âm, thuộc Quan Âm tu viện.

Trong thời gian tu tại Quan Âm tu viện, ông rất tinh tấn để sám hối tội lỗi chửi Thầy, đánh Thầy... Mùa mưa, Ông rất sợ sấm sét, nhưng luôn dầm mưa ban ngày lạy sám hối, dầm mưa ban đêm để lạy sám hối, nhịn ăn để lạy sám hối cho đến sau ngày hòa bình 30/04/1975 Ông qua đời; những ngày gần qua đời. Khi trút hơi thở cuối cùng, Sư Quang và mọi người đến cầu siêu độ cho Ông...”

III .

Trong Kinh Đại tập, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đời này và đời vị lai phải nên tin sâu Phật, Pháp và chư Tăng. Những chúng sanh đó thường được hưởng quả báo tốt đẹp trong cõi trời và người, sẽ sớm được vào thành vô úy. Những chúng sanh làm các việc như thế, cho đến cúng dường một người xuất gia vì Ta hoặc theo Ta cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa, song không thụ giới, cũng được công đức…, cho đến được vào thành vô úy. Vì nhân duyên ấy, Nếu có chúng sanh nào vì Ta xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa, giữ gìn giới cấm, những người đó đều được ấn chứng niết bàn.

Nếu có người dùng các cách sai trái để quấy rối, mắng chửi, chê bai, hoặc dùng tay, dao, gậy, đánh, trói, chặt, cắt người xuất gia chân chính, hoặc đoạt y, bát của họ, thì đó là kẻ hủy hoại pháp thân và báo thân của chư Phật ba đời, là kẻ chọc vào mắt của tất cả trời, người, muốn phá hoại chính pháp của chư Phật và làm hủy diệt hạt giống Tam bảo, khiến trời và người không còn được hưởng lợi ích, giúp ba đường ác lớn mạnh khắp nơi. Do đó, kẻ ấy sẽ đọa địa ngục”.

Việc khuyên gia đình ăn chay:

Trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật đã để lại không biết bao nhiêu là kinh điển, nhưng không ngoài ba điều, mà hai điều đầu tiên thu nhiếp tất cả về giới luật: không làm các điều ác, làm các việc lành và giữ tâm ý thanh tịnh (chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý).

Phát tâm ăn chay tức không làm điếu ác, không làm ác tức là không sát sanh, ai sát sanh thì quả báo nhãn tiền, tốc báo như vó câu qua khung cửa. Người có duyên gần Phật pháp mà không phát tâm ăn chay tức là làm ác, thích đùa với việc sát sanh, tức là thích làm ác hơn là làm thiện.

Việc tu hành, ăn chay, niệm Phật, tránh sát sanh, cũng phải do duyên nữa các Bạn ạ! Duyên chưa đến, căn khí chưa lộ diện, người không thể ăn chay như ý muốn của Bạn? Ban không nên khổ tâm vấn đề nầy và cũng không gợi ý, khuyến tấn cho ai ăn chay cả!

Giết hại loài vật để ăn, tức có quả báo, không đợi sau khi chết sa đọa địa ngục mới thấy quả báo. Ví dụ như “một người giết hại gà để ăn thịt, ăn thịt gà thì thành gà”, đó là triết lý hiện thực: khi người ăn thịt gà qua khỏi miệng vào bao tử, được bao tử nhồi cho đến khi thành chất sữa, máu ở tim liên tục đem đến nung cho đến khi thành tinh chất, một chất tinh sữa trắng trong vắt, tinh ba ấy nuôi lục phủ ngũ tạng người. Như vậy gà đã thành người, Bạn có thấy không, người ăn thịt gà thì thành gà... đó là tốc báo nhãn tiền.

Sự việc của gia đình Bạn phải được giải quyết bằng chánh niệm, bằng giác ngộ, không giải quyết bằng tình cảm gia đình “nói và nghe”, Bạn cứ để cho các sự việc đâu vào đó, không khổ tâm, thời gian trôi đi rồi mọi việc sẽ qua truôn, các pháp vốn như huyển, sẽ không tồn tại như Bạn thấy nghe hay biết, tất cả đều an bày theo định hướng của Bạn. Tuy nhiên không phải một sớm một chiều mà được, thời gian sẽ trôi theo tâm tốt của Bạn.

Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ. Nếu đem tâm thanh tịnh nói năng hoặc hành động, thì sự vui (muốn thì được) sẽ theo ta như bóng theo hình”. Chúc Bạn toại nguyện.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Tu Sĩ Là Những Người Muốn Sướng Thân, Lánh Đời Để Hưởng Thụ?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com