VIII .

Xá Lợi niềm tin

Tín ngưỡng là niềm tin tôn giáo, nhất là niềm tin trong thế giới những người con Phật, rất xác đáng và nghiêm túc. Một đôi khi do môi trường khắc nghiệt, xa ánh sáng Phật pháp, xa thời Phật nhập diệt, nên sự tín ngưỡng bị lệch lạc, kéo theo sự mê tín, như tin Đức Phật là thần thánh, có quyền năng ban phước giáng họa, chứ không tin Phật là bậc giác ngộ, cầu tu giải thoát những khổ đau phiền não cho chính mình và tìm phương án giải thoát khổ đau cho mọi người. Sự tín ngưỡng bao giờ cũng là con đường đi đến chỗ siêu việt về tâm linh “tin Phật là có Phật”, làm việc gì tin vào “sự thành công thì đẫn đến thành công”. Mặc khác, có sự tín ngưỡng nặng về “hình thức”, lúc nào cũng chú trọng đến “sắc tướng”, không chú trọng đến tâm linh, không tư duy đến cái “không hình tướng”, không có chánh kiến thì không còn bảo đãm tính chân thật trong Phật pháp.

Xem thêm:

Ý Nghĩa Xá Lợi Phật - Lời Nói Đầu - HT Thích Giác Quang

Chương Thứ Nhất - Ý Nghĩa Xá Lợi Phật

Chương Thứ Hai: Xá Lợi Phật

Như một khúc gỗ thô ban đầu, qua tay nghệ nhân điêu khắc trở thành tượng Đức Phật để thờ, chắc chắn lúc bấy giờ mọi người sẽ lạy tượng Phật mà trước kia đó chỉ là khúc gỗ. Đây chính là niềm tin tâm linh cụ thế nhất trong thế giới nhà Phật: lấy giả làm thật, lấy vọng làm chơn. Như vậy thì việc tin Xá Lợi thật hay giả cũng căn cứ vào tâm niệm, niềm tin của chúng ta. Như Phật tử làm rơi viên Xá Lợi vào trong cát, coi như bị mất Xá Lợi, khó mà tìm kiếm Xá Lợi lẫn trong cát, lúc bấy giờ tìm mãi không được, Phật tử liền suy nghĩ: “ta tin hột cát là Xá Lợi”, vừa tâm niệm như thế Phật tử liền “tìm được Xá Lợi”. Trường hợp nếu không có niềm tin thì không tìm được Xá Lợi.

Trong tông Tịnh Độ, ngài Long Thọ Bồ Tát, thế kỷ thứ III sau tây lịch có trứ tác bài kệ, xin trích một đoạn như sau:

“Nếu người trồng căn lành
Nghi thì hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Hoa nở liền thấy Phật”

Trong Duy Thức Học tam thập tụng, Phật dạy: “…Nhứt thiết duy tâm tạo…”, mỗi mỗi sự việc, sự vật gì đó đều do tâm mình suy nghĩ “thật thì nó thật”, suy nghĩ “không thật thí nó không thật”. Cho nên chúng ta tin Xá Lợi thật thì có thật, chúng ta xem đó là giả thì Xá Lợi giả.

Theo tư liệu “Xá Lợi thật của Phật và Xá Lợi niềm tin” của nhà khảo cổ học người Anh tên William Claxton Peppe thì vào năm 1898 đã phát hiện ra Xá Lợi Phật ở Ca tỳ La vệ (Kapilvastu) quê hương Đức Phật. Hiện nay những di cốt Xá Lợi Đức Phật được khai quật tại cố đô Ca tỳ La vệ thuộc dòng họ Sakya đang được tôn trí tại Viện bảo tàng New Delhi – Ấn Độ. Điểm thứ hai tại kinh đô Tỳ Xá Ly (Hoa Thị Thành) thuộc dòng họ Lichivas, sau khi khai quật được tôn trí tại Viện bảo tàng Patna. Điểm thứ ba tại Dharmarajika ở Sarnath, là một thành phố lớn do ông Jagat Singh làm Thị trưởng, ông là người theo đạo Bà la môn, không tin vào việc thờ Xá Lợi Đức Phật nên đã đem Xá Lợi Đức Phật thả xuống sông Hằng theo tập tục người Ấn. Còn lại gạch của tháp Xá Lợi đem xây nhà khu kiều bào mang tên ông (Jagat Singh), ôi thật đau xót! (trích Xá Lợi Phật và Xá Lợi niềm tin – Thư viện Hoa Sen). Việc làm của Thị trưởng Jagat Singh là người theo tín ngưởng của đạo Bà la môn, đã xúc phạm đến sự tín ngưỡng và lòng tự trọng của người Phật giáo, mặc dù vậy nhưng cũng không phá vỡ sự tín ngưỡng về Đức Phật, sự tín ngưỡng đó đã lan rộng khắp năm châu bốn bể cho đến ngày nay, mọi người tìm cách tạo nên sự tín ngưỡng “tôn thờ Xá Lợi bằng niềm tin tâm linh, tin có thì có, tin thật thì thật”.

Như vậy, Xá Lợi Đức Phật sau khi niết bàn được chia cho tám Vương quốc, theo năm tháng thăng trầm của Đạo Phật, nhằm để tránh sự dòm ngó của ngọai đạo, các phần Xá Lợi đã được triều đình Ca-tỳ-la-vệ, các cụ trưởng lão, những người con cháu Đức Phật chôn giấu kỹ lưỡng, sâu trong lòng đất, núi non hùng vĩ. Theo tư liệu của W.C.Peppe kiểm chứng lại thì Xá Lợi Phật vẫn còn nhiều trên quê hương Đức Phật, còn 5 nơi nữa trên một đất nước mênh mông, trong vùng núi rừng thiêng liêng và huyền bí, con người nơi đây thích cảnh sống vô vi, không thiết tìm cầu Xá Lợi Phật. Do vậy, các loại Xá Lợi truyền bá tại Tây Tạng, Bhutan, Sikkim, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia… chỉ là “Xá Lợi niệm tin” vì chưa được giám định ADN, xác định gen di truyền, chưa kiểm dịch C14 để xác định niên đại… Chúng ta chưa biết thật giả ra sao vì không có cơ sở để xác định nhưng dù sao đó cũng là một phần quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo.

IX .

Phật tử qua đời hỏa thiêu có Xá Lợi?

Có một điều mà từ bao năm qua người tu sĩ Phật giáo mãi suy nghĩ đó là việc nhận định về Xá Lợi Cư sĩ. Người Cư sĩ tu niệm Phật khi qua đời hỏa thiêu có Xá Lợi xưa nay là một hiện tượng không hiếm, điều nầy nên tán thán công đức tu hành của những Cư sĩ Phật tử.

Với danh từ Phật học, các Bạn được xưng danh là Cư sĩ Phật tử, cũng là con của Phật, nhưng thuộc vào hàng Cư sĩ, do gia duyên bận buộc nên mức độ tu chứng có chừng mực, vã lại trong quá trình tu hành cũng không ai nghĩ mình có Xá Lợi làm gì, cũng không Cư sĩ Phật tử nào xưng hô mình hỏa thiêu có Xá Lợi, tất cả những gì cao quý, được mọi người tôn vinh, kính trọng… chắc chắn Phật tử sẽ phát nguyện dành cho Đức Phật và Thầy Tổ (cao tăng) của mình. Dù người Phật tử qua đời thiêu hóa có Xá Lợi thật đi nữa thì cũng không thể gọi là thánh tăng hay cao tăng được.

Nếu người Phật tử tu hành chính chắn, có đạo hạnh thì khi thiêu hóa cũng có Xá Lợi như các bậc thánh tăng và nhà Phật vẫn trân quý và tôn thờ Xá Lợi đó theo giới hạnh Cư sĩ, các vị Cư sĩ đó là những người con Phật bảo hộ Phật Pháp, khiến cho chánh pháp tồn tại bền lâu trong đời. Tuy nhiên, đối với Phật tử lúc lâm chung, cần áp dụng những từ ngữ cho đúng, như: Phật tử qua đời, Phật tử quy Tây, Phật tử đi về… thì được; không nên nói Phật tử “thị tịch”, Phật tử “Niết bàn”, Phật tử “viên tịch”… Nhưng cũng có thể dùng từ “Xá Lợi” áp dụng cho Phật tử.

Chúng ta có thể tháo gỡ một phần để cho thấy từ ngữ “Xá Lợi” cũng áp dụng cho Phật tử khi lâm chung. Trên lộ trình tu chứng, căn cứ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa, Đức Phật dạy ông Tu Bồ Đề: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tường tức kiến Như Lai…”, nghĩa là: “Nầy Ông Tu Bồ Đề, trong thế gian tất cả các tướng đều là hư vọng, Ông nhìn thấy các tướng chẳng phải tướng, mới thấy được Phật”. Thật vậy, theo Phật giáo đại thừa thì các tướng nam, tướng nữ, tướng xuất gia, tường tại gia, tướng Phật, tướng chúng sanh… đều là giả tướng, phi tướng, tức là “không có tướng”, cũng là “không tướng”, tướng “không tướng” tức là tướng thanh tịnh. Người tu đắc đạo, đạt lý “không tướng” tức là đạt đến quá trình tu chứng “tự tánh không”, các tướng đều đồng đẳng, không cao thấp. Như vậy người con Phật xuất gia hay tại gia khi xả báo thân, hỏa thiêu có Xá Lợi thì Xá Lợi đó cũng đều là Xá Lợi được tôn thờ.

Nói vậy thôi, chứ chúng ta không nên bàn việc phượng thờ Xá Lợi lên thành cao trào, trên thế gian việc nào mà đã lên đến cao trào thì chắc chắn có lúc cũng phải bị tuột dốc thấp thỏm đến mức tồi tệ. Vì cao trào sẽ đưa đến chổ hình thức phức tạp, Xá Lợi do con người tạo có nhiều hơn Xá Lợi thật, Xá Lợi không còn chân thật, xứng đáng chổ thật tu thật chứng nữa. Vô tình chúng ta đưa Phật Pháp vào vùng trũng “hào hoa hư ngụy”, không còn niềm tin trong lòng người Phật tử chân chánh. Với người tu Phật, hạnh nguyện duy nhứt là cầu đạo giải thoát, cầu giải thoát thì không cần cầu cho có Xá Lợi, cũng không nên mong chờ khi chết hỏa thiêu có Xá Lợi, xem Xá Lợi như người làm công, một phương tiện đỡ nâng, lòe mắt thế gian trong thế giới huyễn ảo.

X .

Công đức thờ cúng Xá Lợi

Phật giáo Việt Nam. nhất là các chùa Nam tông Phật giáo, một ít chùa Bắc tông, các nhà Sư, Phật tử Việt Nam tôn thờ cung nghinh Xá Lợi rất nhiều và rất tôn kính. Tuy nhiên cũng có những người thờ Xá Lợi mà không tròn tâm tròn ý, xao lãng việc Phật, xem Xá Lợi như món quà tinh thần, thì phải mất Xá Lợi thôi. Có những vị vì quá tín ngưỡng, để Xá Lợi trong ống vàng, ống bạc, ống mica… đeo Xá Lợi lên cổ, tin tưởng Xá Lợi sẽ gia hộ cho hết bệnh, tai qua nan khỏi, sanh mệnh an khang, Xá Lợi gia hộ cho khỏi bị sa đọa địa ngục… 

Có người để Xá Lợi trong ví tiền cho có tiền nhiều, để Xá Lợi trong cặp học cho Phật hộ học giỏi… một thời gian sau do quên lãng nên đánh mất Xá Lợi, hoặc Xá Lợi nát vụn theo thời gian. Sự tín ngưỡng nầy có phước hữu lậu, không có công đức, không có trí tuệ, làm tăng trưởng nghiệp chướng thế gian, che án con đường đi đến Phật Pháp. Việc tín ngưỡng Xá Lợi dù là “Xá Lợi thật” hay “Xá Lợi niềm tin” vẫn được sự hộ trì của chư Phật, làm việc Phật sự nào cũng thành tựu tốt đẹp vì những người đó cũng là họ hàng của Phật từ trong vô lượng kiếp. Những gia đình Phật tử phát tâm thờ Xá Lợi, nơi đó phải phượng thờ ngôi Tam Bảo thật trang nghiêm và đơn giản, người thờ phải phát tâm ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật ít nhất một thời vào buổi tối, tư cách tu hành được thầy Bổn sư và đồng đạo tín nhiệm.

Đức Phật là bậc chánh đẳng chánh giác, phước đức vô biên, trí tuệ vô cùng tận… Ngài lúc nào cũng được người thế gian tín ngưỡng tôn sùng, bái lạy, kính thờ đến độ in hình Phật vào bao nhang, dầu gió, thực phẩm… Đôi khi hình Phật bị bỏ rơi đâu đó trên đường, bị người thế gian giẫm đạp, trông thấy thật chạnh lòng. Nếu là người Phật tử có trách nhiệm, chúng ta nên nhặt đem về thiêu hóa trong chậu sạch thì mới có thể yên lòng. Cũng như nơi thờ Xá Lợi Đức Phật là phải thật tinh khiết, tôn trí Xá Lợi trong tháp báu, đặt lên bàn Phật cho trang nghiêm, kỹ lưỡng, kín đáo thì Xá Lợi mới còn tồn tại với Bạn. Không nên đem ra, đưa vào nhiều lần cho mọi người chiêm ngưỡng, làm “phai nhòa” hình ảnh Đức Thế Tôn.

Mỗi năm vào ngày đại lễ Phật đản, có những nơi Thầy Trụ trì đem Xá Lợi ra trước bàn thờ Đức Phật đản sinh để cho Phật tử đi kinh hành chiêm bái. Đến ngày cúng húy kỵ tổ sư khai sơn thì đem tro tàn của Thầy Tổ cho Phật tử tưởng niệm, làm như vậy cũng là đủ rồi. Không nên thờ Xá Lợi lộ thiên, sẽ bị mất vào tay của người xấu, cũng không nên đặt nơi quá kín đáo, Xá Lợi sẽ mất vĩnh viễn, không còn trở lại với bạn.

Ỡ Việt Nam, nhất là ở Tp. Hồ Chí Minh; Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có nhiều gia đình Phật tử tín tâm, tuy là tu hành tại gia nhưng việc tu tập thiền tụng giống như người xuất gia, sống am thất riêng, rất tín tâm trong việc thờ phượng Xá Lợi, hằng ngày tinh chuyên tụng niệm, đảnh lễ Xá Lợi, niệm chú Đại bi và các thần chú linh ứng khác, thời gian từ 7 ngày, 21 ngày, cho đến 100 ngày. Khi nhơn duyên đã đến, được chiêm ngưỡng Xá Lợi phát sanh, có khi nhân đôi, có khi hình như bể nát, hiện tượng nầy gọi là “toái thân Xá Lợi” (tự điển Phật học – Đoàn Trung Còn), cũng gọi là “Xá Lợi niềm tin”, làm cho người thờ Xá Lợi rất bùi ngùi xúc động và hoan hỷ với sự chứng nghiệm tâm linh.

Phật tại thế, thời con ngã trầm luân
Phật nhập diệt, con mới được thân người
Tủi phận thân con nhiều tội chướng
Bùi ngùi chẳng thấy đặng kim thân

Trong các pháp cúng dường, cúng dường Xá Lợi Phật là công đức hơn hết, khi thác sẽ được sanh thiên. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: Đức A Nan bạch Phật: Lúc Phật hiện thời nếu có người cung kinh cúng dường Phật như trên, sau khi Phật nhập Niết Bàn, nếu có người cung kính cúng dường nữa thân Xá Lợi, ai được phước nhiều hơn? – Phật dạy: Vì hai người đều cung kinh cúng dường nên được phước đồng nhau, phước đức nầy vô lương vô biên. Nầy A Nan, nhẫn đến cung kinh cúng dường một phần tư Xá Lợi, một phần tám, một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, một phần hằng hà sa, hoặc chừng bằng hột cải, người nầy được phước cũng đồng như người cung kính cúng dường Đức Như Lai hiện tại.. A Nan nên biết rằng, hoặc Phật hiện tại, hoặc Phật đã nhập Niết Bàn, nếu có người cung kính cúng dường, lễ bái, tán thán… được phước đồng nhau không khác.

Ngoài ra, Xá Lợi Phật được cung nghinh đến đâu thì thường đem lại nền “hòa bình thế giới” đến đó, con người nơi đó được gội nhuần lòng từ bi của Đức Phật. Trong những vùng biên giới giữa Myanmar và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, được giao hảo và hòa bình bởi cuộc lễ rước Xá Lợi Phật giữa hai nhà nước với nhau. Xá Lợi được cung đón bởi sự tín tâm của con người, dù có tín ngưỡng Phật hay không tín ngưỡng họ vẫn hòa mình vào dòng người cùng nhau hân hoan rước Xá Lợi Đức Phật, những gì liên quan đến kim thân và cuộc đời Đức Phật. Như một cuộc rước Xá Lợi tại Myanmar tại đế đô Rangoon vào năm 1959 có cả 10.000 người tham gia cung nghinh (sách Du lịch xứ Phật – tác giả Đoàn Trung Còn)

Vì các lẽ ấy nên hiện nay Phật tử Việt Nam và các dân tộc Á Châu, các quốc gia từ Đông bán cấu đến Tây bán cầu đều tín ngưỡng Xá Lợi, cúng dường Xá Lợi, chiêm ngưỡng Xá Lợi, đảnh lễ Xá Lợi, phượng thờ Xá Lợi.

XI .

Phần kết

Việc thờ Xá Lợi không phải ai muốn thờ cũng thờ được, có vị đang thờ sanh tâm khinh lờn chán nãn thối chuyển, sau không thờ và vĩnh viễn không thờ nữa. Nên chỉ có Thầy Trụ trì một ngôi chùa mới có đủ phương tiện thờ Xá Lợi, hoặc người Phật tử ăn chay trường, niệm Phật, không giao lưu thế tục nữa thì cũng có thể thờ Xá Lợi. Không nên thờ Xá Lợi bừa bãi, xem Xá Lợi như một lá bùa hộ mạng cho mình tai qua nạn khỏi, mà phải xem Xá Lợi như chính là Phật vậy.

Người Phật tử do gia duyên bận buộc, đôi khi ít quan tâm đến bàn thờ Phật, trừ những vị cao niên từ 50 tuổi trở lên. Tuổi trẻ hôm nay không có thời gian phượng thờ, dâng hương, cúng cơm, cúng nước Tam Bảo, thì làm sao còn thời gian để thờ Xá Lợi, cho nên người tu tại tư gia không thờ Xá Lợi vậy thôi. Vã lại, gia đình Phật tử nếu đã thờ Phật rồi, không có phương tiện thờ Xá Lợi thì cũng không sao.

Xin nhắc lại về công đức thờ Xá Lợi, lễ bái, chiêm ngưỡng, cung nghinh, tán thán Xá Lợi… là đều như nhau. Cho nên, không thờ Xá Lợi tại gia thì đãnh lễ Xá Lợi ở chùa cũng được, không có thời gian đảnh lễ Xá Lợi ở chùa thì Bạn cung nghinh Xá Lợi ở bất cứ nơi nào cũng vẫn có phước đức vô lượng.

Xá Lợi công đức muôn ngàn
Phượng thờ cho chính, hơn vàng thế gian
Bàn có bảo cái, tràng phang
Thờ cho tinh khiết, nghiêm trang đức dày
Phật người xưa, ta người nay
Phụng thờ tôn kính, không bày vẽ thêm
Tiếng ai gỏ cửa bên thềm
Chợt như tỉnh giấc, Phật liền hiện thân.

HT THÍCH GIÁC QUANG
Ngày 28/9/2017 (9/8/Đinh Dậu)




Có phản hồi đến “Chương Thứ Ba: Xá Lợi Niềm Tin”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com