Tôi viết bài “ý nghĩa Xá Lợi Phật” qua một nhơn duyên do các Phật tử trong và ngoài nước viết thư xin giảng giải về Xá Lợi Phật, nghi thức cung nghinh, an vị, thờ phượng… nhìn chung là tôn kính Xá Lợi Phật, những gì tồn tại về kim thân của Phật, báo thân Phật. Hội nhập vào cuộc đời, Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân. Pháp thân theo quan niệm của Nam tông Phật giáo thuộc về kinh sách, giới luật Phật; Báo thân thuộc về Xá Lợi kim thân Phật, thân quả báo tu hành đắc đạo, sau khi thiêu hóa còn lại tro tàn, xương hay ngọc Xá Lợi; Ứng hóa thân Phật thuộc về thân ứng hiện độ đời, do có công đức, tu đắc đạo khi thiêu hóa còn tồn lại xương cốt được đem tôn thờ…
Xá Lợi Phật xưa ít khi được phổ biến vì là gia bảo hay quốc bảo nên được giữ gìn rất cẩn trọng. Tuy nhiên, hiện nay qua nhiều cuộc binh biến thay thiên đổi địa của các nhân chủ, thiên chủ nên Xá Lợi Phật gần như đã bị mai một một cách có hệ thống. Ngoài Xá Lợi Phật thật trên đất Ấn Độ, còn lại các quốc gia khác như Srilanka, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia… đều là “Xá Lợi niềm tin”.
Dù chúng ta có nhận định Xá Lợi thật hay Xá Lợi niềm tin cũng là Xá Lợi Phật hay của các vị Cao tăng, cũng đem lại sự tín ngưỡng đầy tâm huyết của những người con Phật. Hiện nay, họ quyết tâm dựng xây một nền văn hóa Phật giáo trong đó tôn thờ Xá Lợi Phật khắp năm châu bốn biển, thờ Xá Lợi Phật khắp nơi… Đó là sự tín ngưỡng Đức Phật vì Đạo pháp của Ngài đã từng được đem đến khắp trong nhân gian để cứu khổ muôn loài.
Tập sách nhỏ nầy có 3 chương, chương thứ nhứt nói về “ý nghĩa Xá Lợi Phật” làm sáng tỏ việc tôn thờ Xá Lợi Phật, có sáng tỏ mới có niềm tin vững chắc; chương thứ hai nói về “Xá Lợi Phật”, tức là nói về Xá Lợi thật; chương thứ ba nói về “Xá Lợi niềm tin”, tức là không có Xá Lợi giả mà chỉ có Xá Lợi niềm tin. Mỗi chương có nhiều tiểu luận để giúp người đọc không nhàm chán, đồng thời biết được những Phật tử Việt Nam có nhiều tín tâm cúng dường Xá Lợi Phật.
Khắp nguyện những người tin Phật, tín ngưỡng Xá Lợi sẽ được thành tựu sự nghiệp Phật pháp, sự nghiệp thế gian, khi thác sanh thiên, an ổn không còn tái sanh trong thế giới khổ đau, hưởng cảnh niết bàn tịch diệt.
Trọng thu năm Bính Thân (2017)
HT Thích Giác Quang
Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN