Thời gian thấm thoắt trôi qua, mới đó mà đã 25 mùa thu sang. Mỗi lần đón Mùa Vu Lan – Báo hiếu là sắp đến ngày Lễ húy kỵ của Hòa thượng Tôn sư Thích Thiện Phước, dòng Lâm Tế thứ 41, hiệu Nhựt Ý, trụ trì Tổ đình Linh Sơn tự, Viện chủ Quan Âm Tu Viện và là Tông trưởng sáng lập Liên tông Tịnh độ Non bồng. Nhớ lại ngày 30 tháng Bảy ÂL (1986), trời mây u ám, khi Hòa thượng Tôn sư từ biệt đồ chúng thu thần thị tịch đã làm cho mọi người con Phật thương tiếc vô vàn…

Xem thêm:

Chùm Ảnh: Ngày Thứ Nhất Lễ Húy Kỵ Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý Lần Thứ 30 Tại Quan Âm Tu Viện Biên Hòa

Chùm Ảnh: Ngày Thứ Hai Lễ Húy Kỵ Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý Lần Thứ 30 Tại Quan Âm Tu Viện Biên Hòa

Chùm Ảnh: Chư Tôn Giáo Phẩm Trung Ương Và Tỉnh Đồng Nai Viếng Đức Tôn Sư Trong Ngày Thứ Ba Đại Lễ Húy Kỵ Lần Thứ 30

Chùm Ảnh: Hoàn Mãn Lễ Húy Kỵ Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý Lần Thứ 30

Linh Sơn tự là ngôi Tổ đình có bề dày lịch sử trên 200 năm, trải qua 7 đời liệt vị Tổ sư kế thừa. HT. Tôn sư Thích Thiện Phước là người kế thừa thứ 7. Tổ đình nằm ở sườn Tây khu núi, khoảng giữa của ngọn núi Dinh (cao 591m) có nhiều hang động, núi Ông Cậu, núi Ông Hựu xa hơn nữa núi Thị Vải, núi Ông Trịnh. Trong khu vực núi có Long Cốc Thượng Tự, ngọn Long Mai có hang Mai, hang Lầu, hang Ông Trọng. Mặt tiền chùa nhìn ra biển Đông Hải, có núi Ông Trần. Phía Nam giáp với suối Tiên bắt nguồn từ hang Tổ chạy dài uốn khúc lượn quanh xuống chân núi, hiện nay nơi đây là thắng cảnh sinh thái của Khu du lịch Bà Rịa Vũng Tàu. Phía Bắc giáp núi Bồng Lai, có con suối khởi nguồn từ vùng núi Long Hương chảy đến chân núi Dinh, ra đến cầu Rạch Ván và Chu Hải. Với non nước hữu tình, chốn tòng lâm thắng cảnh, có nhiều cây loại gỗ quý… thật là:

“Phong quang vui vẻ bốn mùa

Nước reo pháp Phật gió khua nhạc trời”

HT. Tôn sư Thích Thiện Phước là người có căn lành và pháp khí lớn. Năm ngài được 16 tuổi, đã biết cầu đạo tu học khắp đó đây, ngài về Văn Liên Bảy Núi, miền Tây Nam tìm minh sư. Nhưng với tấm lòng yêu nuớc, thương đồng bào, nên vào năm 1945, trước cảnh nước mất nhà tan do thực dân Pháp xâm chiếm, ngài tham gia hoạt động chống Pháp ở mật khu Saigon-Chợ lớn. Đến năm 1954, đình chiến và năm 1955 ngài về núi Dài xin ẩn tu với Đức Sư ông Bửu Đức chùa Bửu Quang. Năm 1956, vâng theo lời dạy của Thầy, ngài về Biên Hòa hoằng truyền Phật pháp và duyên lành đã đến, ngài gặp được Hòa thượng Thích Trí Châu, trụ trì Long Sơn cổ tự, cầu pháp, được Hòa thượng thâu nhận làm đệ tử thuộc phái Lâm Tế gia phổ thứ 41, hiệu Nhựt Ý. Ngài tiếp tục hoằng dương đạo pháp và đồ chúng hội tụ ngày càng đông, chính quyền cũ lo sợ phải ra lệnh trục xuất ngài khỏi tỉnh Biên Hòa. Năm 1957, ngài về ẩn tu tại Tổ đình Linh Sơn, xã Phước Hòa, huyện Long Lễ, tỉnh Phước Tuy, nay là xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu. Ngài Yết Ma Sở, trụ trì Tổ đình đời thứ 6, nhận biết HT. Tôn sư là bậc giới đức vẹn toàn, nên truyền trao trụ trì Tổ đình Linh Sơn cho ngài.

 Lúc bấy giờ Tổ đình vắng bóng người, lại bị hư hoại, HT. Tôn sư tiếp nối trùng hưng, xiển dương chánh pháp, khai sơn Liên tông Tịnh độ Non bồng. Ngài cho xây dựng ngôi Tam bảo bằng cây rừng, mái lợp tole đơn sơ, nhà ăn, nhà ở để Tăng Ni có nơi an trú tu hành. Đồ chúng ngày càng đông, Ngài phải cho khai rẫy từ chân núi ra đến cầu Rạch Ván, hai bên đường đi trên 100 hec-ta để làm kinh tế tự túc cho chùa. Ngài quan tâm đến việc đào tạo Tăng Ni tài, bằng cách mở Phật học đường Tây phương Bồng Đảo, rước Chư tôn đức đệ tử Đức Pháp chủ Khánh Anh, quý Sư hệ phái Khất sĩ về giảng dạy. Với lòng từ man, tiếp Tăng độ chúng, trong giai đoạn này HT. Tôn sư thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ để đón nhận trẻ mồ côi do chiến tranh bị bỏ rơi, người già neo đơn không nơi nương tựa và đùm bọc con em gia đình cách mạng theo về nương náu trốn giặc. Số lượng cô nhi đa lên đến 250 em. Việc lo ăn mặc, thuốc men với số người đông khá vất vả, Tăng Ni vẫn hoan hỷ phục vụ, thực hiện lời Phật dạy:

“Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”.

Và được tiếp sức với những vần thơ khuyến tu của HT. Tôn sư:

“Làm người Phật tử Tây phương

Trên non dưới thế tuyết sương bền lòng 

Dầu cho cực khổ mặn nồng

Chí tâm niệm Phật thoát vòng tử sanh 

Khuyên ai thiện trí khách lành

Hiền nhân quân tử tu hành đừng quên…”

Năm 1962-1965, Tổ đình Linh Sơn là nơi đóng chốt của đường dây Liên khu 5, biệt động Thành đoàn và Tổ đình cung trở thành nơi tiếp tế cho giải phóng quân. Người Mỹ trút bom đạn không thương tiếc làm cho 30 Tăng Ni và các em cô nhi bị thương tích nặng, 16 Tăng Ni và các em cô nhi thiệt mạng do bom đạn. Sự tổn hại đau thương này làm cho HT. Tôn sư đành phải cho Tăng Ni và cô nhi tản cư về nhiều nơi để đảm bảo sự an ổn cho chư Tăng Ni, các cháu cô nhi, người già yếu. Ngày 8/4/1966, Ngài quyết định giao cho Ni trưởng Huệ Giác lập bản vẽ thiết kế, chọn đất xây dựng ngôi Quan Âm Tu Viện. Được ông Phạm Văn Hai và kiến họ Phạm hiến cúng thửa đất 1,6 ha, tại xa Bửu Hòa, tỉnh Biên Hòa. Quan Âm Tu Viện được chính thức khởi công xây dựng và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Nội viện có trên 40 công trình và chia làm nhiều khu vực: Chánh điện Tăng, chánh điện Ni, Quan Âm các, Tổ đường Tăng và Ni, Phòng khách Tăng, Đông viện, Tây viện, Giảng đường, Ni viện Tịnh Tâm, Tịnh Đức, Tịnh Huệ, Nhà trù… để thuận lợi cho việc tu học, sinh hoạt Phật sự và từ thiện xa hội.

Nhân duyên sáng lập Nhứt Nguyên Bửu Tự (1960) do HT. Tôn sư chủ trương xây dựng, với tôn chỉ hoằng dương Chánh pháp, phổ đô quần sanh, xương minh pháp môn Tịnh độ, giúp cho chư Tăng Ni, Phật tử khắp nơi về tham gia niệm Phật. Liên tục hàng năm đều có mở khóa “Niệm Phật một trăm ngày”, hàng vạn lượt chư Tăng, Ni, Phật tử các nơi về tham dự khóa tu (mọi liên hữu tham gia công phu ít nhất là 2 tiếng/ngày). Hàng năm khóa tu khai mở ngày 8/8 ÂL và kết thúc vào ngày vía Phật A Di Đà 17/11 ÂL…

Đến năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, lúc này số em cô nhi đa lên đến trên 300 em, HT. Tôn sư phải về trụ ở chùa Long Phước Thọ, ấp 5, xã Long Phước, huỵện Long Thành và cùng Tăng Ni chúng khẩn hoang khai ray trồng lúa, bắp, khoai mì tạo kinh tế tự túc cho chùa. Hưởng ứng chủ trương trồng cây gây rừng của Nhà nước, vào năm 1984, HT. Tôn sư chỉ đạo Ni trưởng Huệ Giác hướng dẫn Tăng Ni trồng cây gây rừng được trên 80 hec-ta tại Long Thành và Bà Rịa. Mở phòng thuốc bố thí cho bà con lao động nghèo ở địa phương và khu kinh tế mới Bàu Cạn… Công đức của HT. Tôn sư rất sâu dày không sao kể hết được. Để cảm niệm Ân sư, Ni trưởng Huệ Giác, Viện chủ QÂTV, Tông trưởng Liên tông, cảm tác:

Ai đi qua rừng tràm Long Phước Thọ Rừng cây dâng hương hoa, ôi thơm tho Sao khỏi bâng khuâng nhớ nhung ngậm ngùi Bóng hình bà mẹ dáng gầy năm xưa

Có những hoàng hôn – đây, màu cỏ cháy Đồng trơ hoang vắng đất khô gầy cằnTình thương đất ấm Mẹ về khai hoang Cây xanh xanh theo luống cày ngang hàng Ôi! Trái tim vàng, tình thâm chan chứa… Mặc dù lao động rất khổ nhọc trong việc khai hoang, nhưng khi Bộ Quốc phòng muốn trưng dụng đất 46 hec-ta vườn, ruộng, ray để thiết lập bai bắn cho trường Thiết Giáp I, HT. Tôn sư hoan hỷ giao đất mà không đòi hỏi điều kiện hay nhận bất cứ khoản tiền bồi thường nào, chỉ yêu cầu một điều: “Bao giờ trường bắn không còn sử dụng làm bai bắn nưa thì xin hoàn trả đất lại cho tập thể Tổ đình để canh tác sản xuất, làm kinh tế cho chùa”.

HT. Tôn sư nay đã đi xa, nhưng lời dạy vàng ngọc của ngài vẫn còn âm vang mãi trong tâm khảm của môn đồ pháp quyến. Từ tiếp nhận ban đầu ngôi Tổ đình đổ nát, nhờ hồng ân Tam bảo và với đức độ cao dày, HT. Tôn sư tái thiết trùng tu ngôi Tổ đình từ năm 1958. Tổ đình Linh Sơn ngày nay trú xứ khai sơn môn phái Liên tông Tịnh độ Non Bồng được phát triển trên 150 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, am tự. Chư tôn đức có 6 vị Hòa thượng, 17 vị Thượng tọa, 1 vị Ni trưởng, 29 vị Ni sư , đào tạo gần 1.000 Tăng Ni và trên một triệu Phật tử. Việc tu tập Tăng Ni luôn là tấm gương sáng, hàng năm vào mùa An cư kiết hạ cấm túc cho 170 vị có giới phẩm.

 Hàng cư sĩ tham gia tu học đều đặn, thọ Bát quan trai cách tuần ở QÂTV đến nay được 22 năm. Khóa tu “Bá nhựt trì danh Niệm Phật” duy trì liên tục 47 khóa. Hiện có12 vị tôn đức Tăng Ni tham gia công tác của Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự THPG Đồng Nai. Trong công tác giáo dục hiện có 01 vị là Hiệu phó Giám luật Trường TCPH tỉnh, 02 vị Tăng Ni là Phó Chủ nhiệm Lớp Cao Đẳng Phật Học chuyên khoa tỉnh Đồng Nai, 03 vị giảng dạy tại Trường TCPH tỉnh Đồng Nai và 1 vị giảng dạy tại Học viện PGVN TP.HCM, 03 vị học vị Tiến sĩ. Trong công tác hoằng pháp có 5 vị là giảng sư TW và Tỉnh hội được thỉnh giảng ở các tỉnh miền Bắc, miền Nam va Đồng Nai. Liên tông tham gia công tác từ thiện như xây tặng nhà tình thương, tặng quà các ngày lễ lớn cho người mù và lao động nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai lu lụt ở các tỉnh Quảng Ngai, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… Noi theo hạnh lành của HT.Tôn sư, hàng hậu học mong được đem tình thương và ánh từ quang của Đức Phật xoa dịu những đau thương, mất mát của đồng bào ruột thịt, góp phần cùng với Giáo hội đem lại sự bình an mọi người.

Hàng năm, Lễ húy kỵ Hòa thượng Tôn sư được tổ chức trang trọng trong 3 ngày 29, 30/7 và mùng 01/8 ÂL tại Quan Âm Tu Viện. Toàn thể Tăng, Ni và Phật tử trong Tông phong về dự đông như trẩy hội, trên hai vạn lượt Phật tử vân tập về chùa để tỏ lòng tôn kính, tôn sư trọng đạo và tưởng nhớ đến ân đức to lớn của bậc chân tu, đạo đức cao trọng. Nghi le húy kỵ được tổ chức theo truyền thống Phật giáo như: Le tưởng niệm Tôn sư, cúng tiên thường, cúng tiến sư, cúng trai tăng, v.v… Ngoài ra, Đội văn nghệ của Quan Âm Tu Viện biểu diễn các nhạc phẩm ca ngợi công hạnh tu hành của Hòa thượng Tôn sư do Ni trưởng Huệ Giác sáng tác và các đội, nhóm văn nghệ, nhà hát tuồng cổ Hồ quảng Khánh Hỷ Xuân, Hồng Lạc Xuân thực hiện. Các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ một cách tự nhiên đẫlàm cho Lễ húy kỵ Hòa thượng Tôn sư trở thành lễ hội văn hóa tôn sư trọng đạo tại Đồng Nai.

Pháp Tuệ – Minh Hiếu

(Tăng Bình Trọng)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 159 Vu Lan




Có phản hồi đến “Cảm Niệm Ân Đức Tôn Sư - HT Thượng Thiện Hạ Phước”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com