Nói đến Xá Lợi Phật, trong giới Phật giáo có người hiểu cặn kẽ, có người hiểu sơ sài hoặc chưa hiểu ý nghĩa Xá Lợi là gì, thường thì chỉ có tín đồ Phật giáo mới tìm hiểu và tôn thờ Xá Lợi Phật. Trước đây, hiểu Xá Lợi Phật chỉ có tín đồ Nam tông là những người thường xuyên được quý Sư hướng dẫn cung nghinh, an vị, phượng thờ Xá Lợi như thờ Đức Phật sanh tiền. Phật giáo Nam tông rất tôn quý Xá Lợi Phật, chùa Nam tông tuy ít, nhưng trên ngôi Tam Bảo lúc nào cũng có tôn trí tháp Xá Lợi Phật được thờ rất trang nghiêm.
Xem thêm:
Ý Nghĩa Xá Lợi Phật - Lời Nói Đầu - HT Thích Giác Quang
Kể từ khi ngài Bùi Nguơn Hứa xây chùa Bửu Quang vào năm 1938, vị Trụ trì đầu tiên là ngài Hộ Tông, cũng là năm Phật giáo Nam tông được truyền thừa vào Việt Nam. Những ngôi chùa Nam tông Việt Nam thuộc di tích quy mô như chùa Kỳ Viên, chùa Kỳ Quang đệ nhứt, Kỳ Quang đệ nhị, Kỳ Quang đệ tam, Thiền Lâm Tự (Thích Ca Phật Đài), chùa Pháp Bảo, chùa Pháp Quang (Tp.Hồ Chí Minh), chùa Bửu Đức, Thiền viện Phước Sơn, chùa Quảng Nghiêm (Đồng Nai) có tôn thờ những phần Xá Lợi Phật được thỉnh từ các vương quốc Phật giáo Nam tông
Kể từ năm 1950, Phật giáo Bắc tông bắt đầu thịnh hành, các cấp Giáo hội được thành lập như: Phật giáo Tăng già Nam Việt, Phật giáo Tăng già Trung Việt, Phật giáo Tăng già BắcViệt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ, Hội Phật giáo Tịnh Độ tông Việt Nam, Giáo hội Thiền tông Việt nam, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, Thiền Tịnh Đạo Tràng…Tại trụ sở của các Giáo hội đều có thờ Xá Lợi Phật. Ngày nay sở dĩ việc tôn thờ Xá Lợi Phật trở nên phổ biến là do các bậc thiền gia chân chánh tu hành sau khi viên tịch đem trà tỳ có nhiều Xá Lợi và được các môn đệ thâu lấy đem nhập tháp tôn thờ.
Các chùa Bắc tông hiện nay là nơi tôn thờ nhiều Xá Lợi, cung nghinh Xá Lợi Phật nhiều nhất. Tuy tôn thờ nhưng chỉ một số tín đồ hiểu biết về ý nghĩa Xá Lợi Phật, thờ Xá Lợi Phật, một số gia duyên bận buộc ít quan tâm, một số chưa thông hiểu việc cung nghinh, an vị, tôn thờ Xá Lợi Phật như thế nào…
I .Nguyên nhân nói ý nghĩa Xá Lợi Phật
Nhân việc Quan Âm tu viện nhận nhiều sự tín tâm của các gia đình Phật tử Nam tông Phật giáo cúng dường Xá Lợi Phật và chư vị Cao tăng; theo yêu cầu học Phật pháp của các Phật tử, chúng tôi xin nói về ý nghĩa của Xá Lợi Phật, tại sao gọi là Xá Lợi Phật, tôn thờ Xá Lợi Phật như thế nào cho đúng, tín ngưỡng Xá Lợi Phật sao cho có phước huệ để học đạo giải thoát.
Ngày 20 tháng 6 năm Đinh Dậu, Phật tử Ngọc Hằng (vị nữ Bác sĩ có truyền thống tín tâm, hộ trì Phật pháp và xiển dương giáo lý nhà Phật, giáo lý Tịnh độ Non bồng trên trang web Linhsonphatgiao.com tại Hoa Kỳ) đã góp nhặt những nghi vấn của Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước về việc tín ngưỡng Xá Lợi Phật, tôn thờ Xá Lợi Phật, Phật tử tu hành qua đời đem thiêu hóa còn tồn lại tro tàng có được gọi là Xá Lợi không? Nội dung câu hỏi Phật Pháp như sau:
Con đọc kinh sách cho biết Xá Lợi là rất quý, vô cùng thiêng liêng và mầu nhiệm, Xá Lợi Đức Phật có năng lực bất khả tư nghì, đi đến đâu là mang lại điều an lạc, thịnh vượng đến đó. Nhưng hiện nay con thấy đâu đâu cũng có Xá Lợi, cứ xoay qua xoay lại là nghe tin một người nào đó đã được vãng sanh, thiêu tro cốt lại có Xá Lợi, hay là tu hành bệnh tật thế nào rồi thiêu hóa cũng có Xá Lợi nhiều màu rất đẹp. Con cũng được tặng Xá Lợi và thờ ở nhà. Con đang phân vân liệu có phải năng lực của Xá Lợi là vô cùng lớn như kinh sách nói không? Làm thế nào để biết đâu là Xá Lợi thật, đâu là Xá Lợi giả? Nếu thờ Xá Lợi trong nhà hay giữ Xá Lợi mà làm mất thì có bị mang tội hay không? Xá Lợi phải để trong tháp hay nên trang trí sắp đặt thờ ở đâu là đúng nhất? Vì sao Xá Lợi có thể nhân đôi sinh ra nhiều Xá Lợi khác? Ai mới đủ khả năng để thờ và lưu giữ Xá Lợi? Xá Lợi có giúp trừ tà ma không? Con xin cảm ơn Sư.
II .Nguyên nhân Xá Lợi Phật có trong thế gian
Xá Lợi Phật có được trong thế gian là do phước báo của chúng sanh trong cõi Ta Bà phát tín tâm quy y Tam bảo, tu hành đúng theo giáo lý Phật, có chí hướng tầm cầu giải thoát những khổ đau về thân, phiền não về tâm trong cuộc đời. Từ sự tín tâm quy y đó mà Đức Phật Bổn Sư Thích Ca thị hiện trong hoàng cung dòng họ Thích, được đăng quang làm Hoàng Thái Tử tại Vương quốc Ca Tỳ La Vệ, năm 19 tuổi xuất gia tầm đạo, một lòng vì chúng sanh, khiến cho họ thoát khổ. Qua nhơn duyên nầy, Đức Phật Bổn sư chịu khó khổ hoằng đạo suốt 49 năm, đến năm 80 tuổi ngài thị hiện tịch diệt, chư đệ tử đem hỏa thiêu trà tỳ và kim thân Phật còn tồn lại phần tro cốt, thành những viên ngọc quý báu, con người trong thế giới Ta Bà gọi là Xá Lợi Phật, đó là Xá Lợi kim thân Phật, hay ngọc Xá Lợi Phật.
Nói về Xá Lợi pháp thân Phật lại còn quý báu hơn, đó là khi Đức Phật thời còn sanh tiền, vào những thời điểm thích hợp, Đức Phật thuyết pháp hoặc quy định những điều luật quý báu cho con người trong nhân gian. Những bài giảng, lời giảng của Phật được lưu truyền trong nhơn gian giúp cho người cải ác tùng thiện, tu hành giải thoát, những kim ngôn ngọc ngữ đó gọi là “Pháp thân Xá Lợi”.
Cụ thể những lời dạy, do ông tu sĩ cao tuổi Subhadda (Thuần Đà) thưa thỉnh: Bạch Đức Thế Tôn: ngòai giáo pháp của Đức Thế Tôn, còn có Lục sư ngọai đạo rất đông tín đồ và học tự cho họ là bậc cao thượng. Chẳng hay các Lục sư ấy cao thượng đến bậc nào?
Phật đáp: Điều ấy chẳng nên tìm hiểu làm chi. Nếu ngươi muốn biết Đạo của Như Lai ra thế nào, Như Lai sẳn lòng giải thích cho người nghe…
Subhadda vâng lời cung kính lóng nghe Phật thuyết: Nầy Subhadda, đạo là con đường có tám chi, rất quý báu, đưa người đến nơi chấm dứt phiền não. Trong tôn giáo nào không có con đường tám chi ấy, thì chẳng có Sa môn thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thứ tư trong tôn giáo ấy. Nầy Subhadda, nếu có người hành đúng theo giáo pháp của Đức Như Lai thì trong cõi đời nầy vẫn còn có bậc A la hán. Nầy Subhadda, Kinh Luật của Như Lai là phương pháp đem chúng sanh ra khỏi khổ. Vừa 19 tuổi Như Lai đã xuất gia để tìm thiện pháp. Như Lai đã xuất gia được 51 năm rồi. Ngoài đạo của Như Lai, chẳng có vị Sa Môn nào siêu xuất thế gian (trích Kinh Tam Bảo Pali Lịch sử Xá Lợi Phật – Kỳ Viên Tự xuất bản năm 1953 trang 16, 17)
Lời di huấn tối hậu của Phật: “Nầy chư vị Tỳ Khưu, Như Lai xin nhắc các Thầy nên ghi nhớ rằng: các pháp hành có sanh phải có diệt. Các Thầy nên tinh tấn tự tìm sự lợi ích cho mình, nhứt là cố gắng thực hành các pháp cao thượng, chẳng nên dễ duôi…” Mặc dù hơi thở của Ngài đã yếu, nhưng Đức Thế Tôn còm gom những lời giáo huấn trong suốt 45 năm vào một câu là “không nên dễ duôi” để nhắc nhở các môn dệ đừng dãi đãi trên đường tự tu tự độ. (trích Kinh Tam Bảo Pali Lịch sử Xá Lợi Phật – Kỳ Viên Tự xuất bản năm 1953, trang 17) Lời dạy của Phật chính là phần Xá Lợi Phật cao quý nhất đối với chúng sanh trong thế giới Ta Bà.
Sau đây là phẩm học Phật pháp nói về Xá Lợi Phật và ý nghĩa Xá Lợi Phật, việc tôn thờ Xá Lợi Phật, tôi xin phát nguyện thực hiện viết thật kỹ nội dung ý nghĩa Xá Lợi Phật, vừa nói lên tấm lòng tôn kính của mình với những tháp Xá Lợi Phật do Phật tử cúng dường, cũng vừa hồi hướng công đức cho các gia đình đã phát tâm cúng dường Xá Lợi Phật cho Quan Âm tu viện, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác và tôi.
III .Giải nghĩa từ Phật học “Xá Lợi”
“Xá Lợi” tiếng Phạn là Saririkadhâtu, cũng gọi Sirìra, dịch là Xá Lợi hay Xá Lỵ; nghĩa đen là tử thi, di cốt, tro tàn… nghĩa bóng chỉ thân, thân cốt, di thân… của Đức Phật, về sau từ ngữ này còn chỉ những tro tàn, mãnh xương của các vị cao tăng sau khi hỏa thiêu…
Theo Phật Quang đại từ điển, Đài Bắc, Tử Di biên soạn, Phật Quang Sơn xuất bản 1989 thì Xá Lợi có nghĩa là di cốt, dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân. Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốt hay Phật xá lợi. Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại.
Phẩm “Xả Thân” trong kinh Kim Quang Minh quyển 4 (Đại Chánh Tạng 16, trang 354, quyển thượng) ghi: “Xá Lợi là thành quả của sự tu hành giới định tuệ, giữ giới trong sạch, không dễ gì có được, đó là phước điền tối thượng”. Là một công trình tu chứng của chính Đức Phật Bổn sư Thích Ca trong suốt hành trình 49 năm với tinh thần từ bi thương chúng sanh, dùng trí tuệ siêu xuất mà cứu vớt muôn loài, không tiếc thân mạng và thành tựu đại nguyện từ vô lượng kiếp trước cho đến hôm nay.
Như vậy, Xá Lợi là những phần thiêng liêng cao quý còn lại sau khi làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) nhục thân của Đức Phật và các vị thánh tăng, cao tăng tu đắc đạo. Là thành quả của công phu tu hành giữ gìn giới luật và công năng tu tập thiền quán cao thâm của Đức Phật cũng như các bậc cao tăng dày công với Phật pháp. Xá Lợi là những viên có hình thể hơi tròn và cứng, lớn nhỏ khác nhau, viên lớn như hạt đậu, hạt bắp; viên nhỏ như hạt gạo, hạt mè; nhỏ nữa như hạt cải. Xá Lợi có nhiều màu sắc như trắng, đỏ, hồng, xanh, vàng… có loại trong như thủy tinh, có loại trắng ngà như hột gạo, có loại phát ra ánh sáng nhẹ nhàng như pha lê, cũng có loại màu sáng nhuận như san hô… Chúng ta tôn kính và đảnh lễ Xá Lợi chính là tôn kính và đảnh lễ Đức Phật Thích Ca và các bậc thánh tăng vậy.
Các thành phần Xá Lợi
Căn cứ vào kinh “Dục Tượng công đức” (đời nhà Đường, xứ Thiên Trúc, ngày Tam Tạng Bảo Tư Duy dịch Phạn ra Hán, Quảng Minh dịch Hán ra Việt) và sách “Pháp uyển châu lâm”, (do Pháp sư Đạo Thể, tự Huyền Uẩn biên sọan vào đời nhà Đường, TT Thích Nguyên Chơn biên dịch, NXB Phương Đông ấn hành) chúng ta có thể nhận biết Xá Lợi là phần thiêng liêng cao quý của Đức Phật, chư vị Thánh tăng, Cao tăng, Giáo chủ các giáo phái, những bậc làm Thầy Tổ, các bậc thiền gia chân chánh, giữ giới tinh nghiêm, khi niết bàn, thị tịch, viên tịch mới được công nhận là Xá Lợi.
Những thành phần gọi Xá Lợi:
· Tro cốt sau khi trà tỳ Đức Phật
· Răng, tóc, móng, máu của Đức Phật sau khi trà tỳ còn tồn đọng
· Tro cốt của chư vị Thánh tăng, Cao tăng, Thầy Tổ, Tăng chủ các giáo phái.
· Vật dụng của các bậc Cao tăng.
Xá Lợi là tôn quý
Xưa nay người Phật tử chúng ta thường nghe nói đến từ ngữ Phật học “Xá Lợi”, hay “Xá Lợi Phật”, “Xá Lợi Đức Phật” trong các chùa, tịnh xá, nhất là các chùa, tăng xá Phật giáo Nguyên Thủy thuộc Nam tông (Theravada). Nếu là chùa của Phật giáo Bắc tông ở nông thôn đồng nội thì người Phật tử ít nghe qua từ ngữ nầy. Điều nầy cũng đúng thôi, vì Phật giáo Nam tông giữ gìn những gì thuộc di sản văn hóa của Phật giáo xưa, quan điểm của Phật giáo Nam tông “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là Đức Phật thật trong cuộc đời”, Ngài có các lịch trình thị hiện vượt dòng sông Arôma xuất gia, 6 năm tu khổ hạnh chốn rừng già, 49 ngày đêm tu chứng, đắc đạo dưới cội bồ đề, hành đạo theo hạnh nguyện của ba đời chư Phật cho đến khi niết bàn dưới táng cây Sa la, thành Câu Thi Na. Chư đệ tử đem hỏa thiêu còn tồn lại những tro tàn, xương cốt gọi là Xá Lợi hay Xá Lợi Phật và được xây tháp tôn thờ, không đem rãi xuống Sông Hằng như ngoại đạo Bà La Môn giáo hay các giáo phái Ni Kiền Tử ở Ấn Độ.
Xá Lợi là của báu
Theo văn hóa Phật giáo thì Xá Lợi là “Phật bảo”, “Pháp Bảo” của nhà Phật, như một nước có ấn, kiếm của vua là “quốc bảo” của một triều đại vậy, nên phải giữ gìn thật tôn nghiêm mới không bị đánh mất. Như trường hợp của Thượng Tọa Thích Thiện Tâm, Trụ trì chùa Pháp Bảo, Tp.Hồ Chí Minh: Sau ngày hòa bình, Ngài tuyên bố mất Xá Lợi trên chánh điện nhưng tháp thờ Xá Lợi bằng vàng ròng không mất, chứng tỏ Xá Lợi quý hơn vàng, kẻ trộm lấy Xá Lợi chứ không lấy vàng. Chùa Pháp Bảo là chùa Nam Tông, phượng thờ Xá Lợi rất chu đáo kỹ lưỡng mà còn mất, huống gì người tâm trí hờ hững, hằng ngày chỉ chuyên lo việc gia đình xã hội nhiều hơn việc đạo làm sao có phương tiện thờ phượng Xá Lợi.
IV .Xá Lợi cao tăng tại các quốc gia Phật giáo
Phật giáo đến các vương quốc Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào theo Nam Tông; đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, vùng lãnh thổ cận đại Taipei, Tibet, Bhutan, Sikkim thuộc Bắc Tông. Có những vị thánh tăng và các vị đạo sư tu đắc đạo, sau khi viên tịch làm lễ trà tỳ, đệ tử cũng thâu được nhiều Xá Lợi. Tất cả những đồ dùng của Phật và các vị thánh tăng đó như y, bình bát, tích trượng… cũng được gọi là Xá Lợi.
– Tại Việt Nam, ngày 11/6/1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức (1897-1963), Trụ trì chùa Quan Thế Âm (Phú Nhuận, Saigon) và Long Khánh Tự (xã Long Khánh, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang) đã tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Saigon (nay là Tp.Hồ Chí Minh) để bảo vệ Phật giáo bị chánh quyền chế độ cũ đàn áp, không cho Tăng Ni tu hành, bắt bớ tù đày, không cho treo cờ Phật giáo, tổ chức đại lễ Phật đản lộ thiên và cũng để cầu nguyện thế giới được hòa bình, đất nước Việt Nam chấm dứt chiến tranh. Sau khi thiêu hóa, trái tim của Ngài vẫn không cháy. Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, chư Tăng Ni, đồng bào Phật giáo bấy giờ gọi trái tim của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là “trái tim bất diệt”.
– Tại Myanmar, chùa Shwedagon (chùa Vàng) còn thờ tóc và móng tay của Đức Phật, khi Ngài còn tại thế đã cắt cho hai vị đệ tử tại gia đầu tiên.
– Ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) thuộc xứ Tân Cương, nhà dịch thuật lỗi lạc Trung Quốc, thời Dao Tần ngài học kinh A Hàm tại Kashmir, được phong làm Quốc sư cho nhà Dao Tần, về sau dịch tam tạng thánh điển từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Khi viên tịch, các môn đệ đem thiêu hóa còn tồn lại cái lưỡi đỏ như sen hồng. (Tiểu sư Cưu Ma La Thập – Thư viện Hoa Sen)
– Năm Dân Quốc thứ 29, Đại sư Ấn Quang biết mình sắp viên tịch, ngày 24 tháng 10, Ngài triệu tập chư Tăng Ni và Cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi họp mặt suy cử Hòa thượng Diệu Chơn kế nhiệm Trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: “Pháp môn niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn”. Qua ngày mùng 4 tháng 11, Đại sư cảm bịnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: “Phật A Di Đà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây. Đại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây Phương!”. Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chấp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi viên tịch. Lúc ấy, Đại sư 60 hạ lạp, thế thọ 80 tuổi. Rằm tháng hai năm sau, nhằm ngày Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng kỳ Đại sư vãng sanh được một trăm ngày. Hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai mươi ngàn người, sắp đặt lễ trà tỳ, lúc ấy bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Hòa Thượng Chân Đạt cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc. Hôm sau Diệu Chơn Hòa Thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm, thấy xá lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc, gõ vào phát ra âm thanh trong trẻo.
– Chùa Linh Quang, Bà Chiểu, Gia Định, có tháp Xá Lợi Đại sư Huệ Nhựt, thế danh Hồ Cang, tự Hồ Chí Thạnh (1903-1950), Tăng Trưởng Đạo Phật Khất sĩ Đại thừa, Ngài đã bị một số phần tử sát hại, viên tịch vào năm 1950 – thời kỳ chiến tranh Việt Pháp sắp chấm dứt. Khi hỏa thiêu, xương cốt còn nguyên vẹn, được tôn trí thờ phượng tại Pháp Tháp, mỗi năm đến ngày cúng Tổ, Hòa Thượng Trụ trì Thích Phổ Thượng đem Xá Lợi Tổ sư cho mọi người chiêm bái.
Kể từ khi tôi xuống núi năm 1965, có tạm trú ở chùa Linh Quang tu học, đi học tại Phân khoa Đại học Vạn Hạnh – Thánh đường Cơ Đốc Phục Lâm, ngã tư Phú Nhuận – Võ Di Nguy. Đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng Xá Lợi của một bậc cao tăng viên tịch. Sau đó một năm, tôi về cư trú tại Việt Nam Quốc Tự tiếp tục đi học cho đến năm 1968 thì về tại Quan Âm tu viện.
– Năm 1969, tôi có đến thăm bạn đạo từng ở chung cốc tịnh tại núi Bồng Lai là Sư Trị sự Giáo đoàn V – Thượng Tọa Thích Giác Hà, thuộc Giáo hội Tăng già Khất sĩ tại Trung tâm Phú Lâm – Saigon (hiện nay là Hòa Thượng Trưởng Giáo đoàn V) được Thượng Tọa cho chiêm ngưỡng Xá Lợi của Đức Thầy Giác Lý – Trưởng Giáo đoàn V đã viên tịch. Trong cuộc đời tu của tôi, đây là lần thứ hai tôi được chiêm ngưỡng Xá Lợi các bậc cao tăng viên tịch.
– Tại Hà Nội, huyện Thường Tín, xã Nguyễn Trải, thôn Gia Phúc có chùa Đậu, thờ Bà Đậu, tức nữ thần Pháp Vũ, là một trong tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Lôi). Vào thế kỷ XVII, Thiền sư Vũ Khắc Minh và Thiền sư Vũ Khắc Trường là hai chú cháu xuất gia tu hành đắc đạo, để lại toàn thân xá lợi, thân không có chôn cất, đốt không cháy, ngâm trong nước không tan. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 sau trận lụt lớn. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc. Đây là tượng Xá Lợi toàn thân của người Việt Nam tu đắc đạo được bảo quản tôn thờ. (Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường – Bách khoa toàn thư mở)
Theo Phật giáo Trung Quốc ghi chép, có rất nhiều vị Cao tăng tu đắc đạo, khi viên tịch đem hỏa thiêu có Xá Lợi, một số chư vị Tổ sư, các bậc long tượng trong chốn nhà thiền tiêu biểu như Đức Lục Tổ Huệ Năng (638-713), ngài Hám Sơn – Đức Thanh (1546-1623) có toàn thân Xá Lợi. Pháp sư Thích Khoan Năng, trụ trì am Tây Sơn Tiển Trạch, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc viên tịch tối 29/9/1989 (thọ 93 tuổi), sau khi hoả táng được hơn 1.000 viên Xá Lợi màu xanh ngọc, đây là nữ pháp sư đầu tiên sau khi hoả táng có Xá Lợi. Sau đó còn có hai Ni Sư là Thông Hiền, Phó Chủ tịch hội Phật giáo Quảng Tây (hoả táng di hài thu được hơn 11.000 viên xá lợi năm màu) và Ni Sư Hựu Quỳnh, tỉnh Quảng Đông (sau khi hoả táng phát hiện những viên xá lợi to bằng hạt đậu xanh có màu ngọc nhạt, lấp lánh).
– Ngôi chùa Wat Kunaram nằm ở phía Nam của tỉnh Koh Samui nổi tiếng khắp Thái Lan vì đây là nơi gìn giữ xác ướp của vị thiền sư Luang Pho Daeng (hay Loung Por Daeng). Lúc sinh thời, Luang Pho Daeng từng có một cuộc sống trần tục với vợ và những đứa con của mình. Nhưng khi được 50 tuổi, ông đã quyết định dành phần còn lại của đời mình để tu hành. Sau khi thọ Tỳ kheo giới vào năm 1944, Luang Pho Daeng trở thành sư trụ trì của chùa Wat Kunaram, ông nổi tiếng với khả năng thiền định của mình và được rất nhiều đệ tử đi theo. Khi đến tuổi 79, vị thiền sư biết rằng mình sẽ không còn tại thế được bao lâu nữa, ông đã quyết định ngồi thiền định cho đến khi viên tịch vào năm 1973, trong tư thế lưng thẳng, hai chân xếp lại và hai tay vẫn còn bắt ấn (trích Báo mới – Kiến thức net.vn – Văn Hóa, Du Lịch)
– Lạt-ma Dashi-Dorzho Itigelov, Khambo Lama đời thứ 12 là nhân vật thật sự rất nổi tiếng trong lịch sử Nga. Ngài học ở Anninsky Datsan (một Đại học Phật giáo ở Buryatia mà ngày nay chỉ còn là phế tích), đã có bằng y học và bằng triết học về Tính Không. Ngài đã viết một bộ bách khoa về dược lý. Năm 1911, Lạt ma Dashi Dorzho Itigelov được suy cử lên ngôi vị Hambo Lama Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Nga. Trong giai đoạn từ năm 1913 đến năm 1917, ngài tham gia các hoạt động xã hội của Nga hoàng (Tsar), được mời tham dự lễ kỷ niệm 300 năm trị vì của Vương triều Romanov, và đã khai sơn ngôi chùa đầu tiên ở St. Petersburg. Ngày 19/3/1917, Nga hoàng Nikolai Đệ nhị đã tặng ngài giải thưởng St. Stanislav. Trong thời kỳ Đệ nhất Thế chiến, đức Thượng thủ Dashi Dorzho Itigelov đã sáng lập Hội Huynh đệ Buryat (Buryat brothers) và là linh hồn của tổ chức này. Ngài ủng hộ quân đội tiền tài, lương thực, quân phục, và thuốc thang. Ngài cũng xây dựng một loạt bệnh viện để các Lạt-ma bác sĩ cứu chữa các quân nhân bị thương. Do những đóng góp này, Ngài được tặng giải thưởng St. Anna và các giải thưởng khác. Năm 1927, đức Thượng thủ Itigelov được 75 tuổi, Ngài cho biết đang chuẩn bị viên tịch và mời các Lạt ma khởi sự thiền định. Các Lạt ma không muốn thực hiện việc thiền định này vì đức Thượng thủ Itigelov vẫn còn đang khỏe, nhưng đức Thượng thủ Itigelov đã bắt đầu thiền định nên các Lạt ma đã cùng tham gia với Ngài, chẳng bao lâu sau thì Ngài viên tịch. Toàn thân Xá Lợi của Ngài đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn tại tu viện Ivolginsky Datsan. (trích Cao Tăng Phật Giáo Nga, Moscow – Thích Minh Trí tổng hợp theo bumninorn.ru và sacred-destinations)
Xá Lợi toàn thân bên trong pho tượng Phật
Theo kinh Dục Tượng Công Đức thì Xá Lợi co nhiều thành phần, nhưng trong đó không hề nói đến xác ướp, do thời điểm Phật thuyết pháp nầy chưa có việc ướp xác. Ta có thể nhận định, xác ướp được thực hiện vào các thế kỷ sau công nguyên, như xác ướp của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ KhắcTrường của Phật giáo Việt Nam là những xác ướp duy nhứt, do các vị tu chứng đạo, xác thân còn tồn tại sau khi thị tịch, sau đó được các nhà khoa học tiếp tục ướp xác, giữ gìn cho tồn tại lâu bền.
Người Phật tử Âu Châu và giới truyền thông khoa học tin rằng theo một số truyền thống Phật giáo, các cơ quan nội tạng của bất cứ thiền sư nào cũng có thể tồn tại một cách tương đối, đôi khi có sự phân hủy nhưng ngoại hình vẫn nguyên vẹn so với sự phân hủy cơ thể của những người bình thường, vì các bậc Thánh tăng là những bậc tu hành chứng đạo, vượt qua tầm kiểm chứng của khoa học, các vị đã đạt được một cảnh giới cao hơn mức bình thường. Các xác ướp này không còn là xác ướp bình thường mà là sức mạnh của năng lượng do các vị thiền sư đạt đến quá trình tu chứng rồi tồn tại theo thời gian.
Xác ướp mà Sư giới thiệu hiện đang ở Luxembourg. Vào cuối năm 2014, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã chụp Computerized Tomography (CT) và nội soi bức tượng Phật bao bọc xác ướp Thiền sư LiuQuan (một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phát triển Phật giáo Trung Quốc trước công nguyên), kết quả cho thấy tượng có niên đại vào thế kỷ thứ XII. Tượng đã được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên tại Budapest – Hungary đến tháng 5/2015, sau đó được chuyển đến một bảo tàng tại Luxembourg làm tư liệu quý báu cho muôn đời. Đây là xác ướp có niên đại 1.000 năm của một vị cao tăng, chúng ta có thể nhận định đây là Xá Lợi toàn thân, chân thân thiền sư.
HT Thích Giác Quang