Tôi được mời làm diễn giả của Frankfurt Book Fair 2015 – Hội Sách lớn nhất toàn cầu và diễn thuyết tại Hội nghị Giám đốc Bản quyền. Ngay sau khi hội nghị kết thúc nhiều người tìm đến gặp tôi, cả trên email, facebook lẫn gặp trực tiếp, có lẽ vì đây là lần đầu tiên xuất hiện một diễn giả người Việt Nam tại một diễn đàn lớn nhất thế giới về sách này nên mọi người tò mò. Thôi cũng tốt vì dù sao Việt Nam cũng đã xuất hiện trên bản đồ sách và xuất bản của thế giới rồi. Thật là đáng mừng.

Bất ngờ làm sao, có khá nhiều nước mời tôi về nói chuyện nhưng tôi chưa dám nhận lời bất cứ ai. Cứ để từ từ và tùy duyên bởi tôi đang còn lang thang khắp châu Âu và vẫn chưa xếp được lịch. Vả lại tôi hơi lười và lo ngại nghĩ đến các chuyến bay xa.

Tuy nhiên, câu chuyện của chị Maurice làm tôi vô cùng ngỡ ngàng và chấn động tâm can thật sự. Số là sau khi họi nghị kết thúc, chị Maurice đến gặp tôi để tâm sự. Chị cho biết chị đã đọc và tìm hiểu khá kỹ về tôi. Tôi giật mình vì tưởng chị biết tiếng Việt. Tuy nhiên, chị cho biết chị đọc các bài viết của tôi trên mạng internet thông qua một người bạn biết tiêngs Việt .

Tôi hỏi chị xem tôi có thể chia sẻ và giúp được gì cho chị. Chị cho biết chị không làm trong nghành xuất bản mà làm quản lý ở một doanh nghiệp kỹ thuật. Chị đến Frankfurt Book Fair chỉ để tham dự Hội nghị mà tôi làm diễn giả và để gặp trực tiếp tôi. Chị kể rằng chị đã từng có nhiều đau khổ trong chuyện riêng tư và công việc. May thay chị biết đến đạo Phật và đã giúp tháo gỡ được một phần. Chị muốn nhờ tôi giúp đỡ và chính thức mời tôi về doanh nghiệp của chị nói về ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống và công việc.

Tôi phải hỏi lại chị vài lần xem chị có nhầm người hay không. Nếu chị muốn mời người nói về Phật giáo thì phải mời các nhà sư nổi tiếng, nhất là các thiền sư . Riêng tôi chỉ có thể đến nói chuyện về quản trị kinh doanh, về lãnh đạo doanh nghiệp đúng theo chuyên môn của tôi. Tuy nhiên chị lắc đầu cho biết nếu chuyên gia về quản trị bên Mỹ rất nhiều, chị không cần cất công mời tôi. Chị tâm sự rằng các nhà sư có cuộc sống của người xuất gia nên khó có thể hiểu hết cuộc sống đời thường, nhất là của người quản lý. Hơn nữa chị ít biết những CEO tu tập nghiêm túc và ứng dụng triết lý đạo Phật vào cuộc sống có hiệu quả.

Nghe đến đây tôi thật thà giới thiệu một vài người bạn làm giám đốc người Mỹ, người Pháp và đang tu tập rất tốt. Tuy nhiên, chị lại lắc đầu. Chị muốn có một doanh nhân người Việt, từ đất nước hội tụ cả 2 nền văn hóa đông tây, từ xứ sở ảnh hưởng cả 2 nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Chị nhắc đến bài viết của tôi về thiền sư Khương Tăng Hội. Chị còn biết cả rằng công ty sách Thái Hà của chúng tôi chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Thiền sư Khương Tăng Hội” - một người con nước Việt Nam đã mang đạo Phật từ Việt Nam sang Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3. Tôi giật mình hỏi sao chị biết. Chị mỉm cười và nói rất nhỏ rằng thế giới vô cùng nhỏ bé. Chỉ cần riêng internet và các mối quan hệ của cá nhân chị sẽ có đầy đủ mọi thông tin cần tìm.

Tôi ngỡ ngàng xin bái phục chị. Xin khâm phục cách làm việc và tìm hiểu của người phương tây. Họ luôn tìm hiểu, nghiên cứu cẩn thận, chu đáo, tỷ mỷ, kỹ lưỡng, có cơ sở mọi vấn đề một cách rất kỹ lưỡng. Thế là chúng tôi đi vào phần tâm sự với nhau.

Chị hỏi tôi nhận xét về thế giới ngày nay. Tôi trả lời rằng nếu cho phép nói thật tôi tuyên bố rằng con người chúng ta đang sống trong những chiếc hộp. Ta ngủ trong phòng là một cái hộp. Ta ăn ở bếp cúng là cái hộp. Đi vệ sinh trong toilet vẫn là cái hộp. Hàng ngày chị lái xe đến công ty hay có đi xe buýt, tàu điện, máy bay thì vẫn là những chiếc hộp. Cơ quan và nơi làm việc dĩ nhiên là những cái hộp. Kể cả đi ăn ở nhà hàng, đi xem phim, nhảy đầm,… cũng vẫn đứng ngồi những chiếc hộp. Cuộc sống ngày nay của thời văn minh là những chiếc hộp mà lỗi môt phần do chính tôi và chị. Nhà máy công nghiệp của chị là một nguyên nhân.

Chị ngắt lời tôi và hỏi thế giới đang thiếu cái gì. Tôi trả lời không ngần ngại rằng chúng ta đang thiếu hai thứ duy nhất dù chúng ta đang có hai thứ này. Đó là thiên nhiên và nội tâm. Bây giờ mọi thứ đều là máy móc, tất cả đều hiện đại và chính xác vô cùng. Tuy nhiên, chúng ta dành quá ít thời gian chui ra khỏi những chiếc hộp, để hòa mình với thiên nhiên. Ở nhiều nước và nhiều nơi trên thế giới, người ta tàn phá thiên nhiên dã man không thương tiếc cùng nhiều hoạt động khác như ,mỏ, khai thác khoáng chất, đốt rừng, phá rừng lẫy gỗ, ngăn sông,…. Chẳng mấy nữa chốc nữa trong tương lai, môi trường thiên nhiên sẽ bị tàn lụi. Tuy nhiên, khi chúng ta ngồi trong những chiếc hộp thì lại hướng ngoại: xem ti vi, vào máy tính, lên internet,… Có mấy ai thật sự hướng vào bên trong tâm mình nữa đâu.

Chúng tôi ngồi uống cà phê và trà. Tôi chỉ vào chiếc cốc cà phê của chị và cốc trà của tôi mà nói thật rằng tâm của chúng ta, của tôi và chị đục như nước ở 2 chiếc cốc này. Cần làm cho tâm của mình trong lại, trong đến mức như cốc 2 chiếc cốc này đã lắng hết cặn cà phê và trà xuống đáy. Trong đến mức qua nước ta nhìn thấy đáy cốc mới ổn. Chị gật đầu ra chiều đăm chiêu suy nghĩ miên man.

Chị hỏi suy nghĩ của tôi về con người và trái đất. Tôi giật mình vì cữ ngỡ đây là một buổi phỏng vấn. Tuy nhiên tôi vẫn nêu lên quan điểm cá nhân của mình rằng trái đất quá nhỏ bé so với vũ trụ nhưng trái đất quá thừa để cung cấp tất cả những gì cần cho loài người và chúng sinh nơi đây. Trái đất rất rộng lớn dung chứa mọi thứ nhưng lại quá bé nhỏ so với lòng tham của chỉ một con người. Thậm chí cả vũ trụ này cũng quá bé so với lòng tham của ai đó. Cần và muốn là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tôi quan tâm đến những gì tôi thật sự cần cho tôi. Còn ai đó chỉ quan tâm đến những cái họ muốn nhưng điều họ tham muốn thì vô hạn.

Chúng tôi nói chuỵện về kinh nghiệm thực hành thiền của mình. Chị Maurice cũng nhất trí với tôi rằng thiền là rất quan trọng. Tuy nhiên, vì công việc lôi kéo làm chị không thiền đều đặn và thường xuyên được. Tôi động viên chị rằng tôi cũng như chị, rằng sự lười biếng dãi đãi của tôi khi tu tập có thể còn hơn cả chị. Tuy nhiên tôi khuyên chị nên thực tập thiền trong cả 4 tư thế: ngồi, nằm, đứng, đi, từng chút từng chút một. Chị nên thực hành thiền định không mong cầu và làm một cách tự nhiên như khi chúng ta ăn, uống và thở. Nếu chúng ta mong cầu và chấp trước khi thiền tập chỉ sinh thêm phiền não, loạn tâm mà thôi.

Tôi cũng nói một chút về 2 từ mindfulness và consciousness theo hiểu biết và trải nghiệm của cá nhân tôi trong quá trình 10 năm thực hành vừa qua. Hình như có nhiều thứ chị Maurice vẫn chưa biết hoặc không biết sâu hoặc chưa có trải nghiệm thực thụ nên khi nghe tôi tâm sự, chị gật đầu tâm đắc lắm.

Chị khen tôi dám nghỉ việc từ 1 tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam để lập ra công ty sách Thái Hà. Chị Maurice lạ kỳ thật vì biết cả những chuyện này dù các bài báo hay đưa tin về chúng tôi không phải viết bằng tiếng Anh. Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi, chị bảo rằng tìm kiếm thông tin bây giờ dễ lắm, chỉ cần lên google tìm hiểu và dùng Google Translation dịch sang các thứ tiếng khác nhau sẽ biết tất cả. Thì ra tôi thật là lạc hậu vì không biết được điều này.

Chị Maurice đề nghị tôi nói về thiền sư Khương Tăng Hội. Tôi nói thật rằng tôi biết rất ít và hơn nữa tài liệu về Ngài không nhiều. Chị bảo rằng tôi là người Việt Nam, thiền sư Tăng Hội là người Việt, hơn nữa tôi biết nhiều ngoại ngữ lại là “chuyên gia” xuất bản thì không thể không biết. Thế là tôi đành nói những gì mình biết được. Vậy mà không ngờ chị Maurice ghi chép liên tục. Tôi lại học thêm chị tinh thần ham học hỏi và sự cẩn thận.

Chị Maurice nói rằng rất thích công ty sách Thái Hà của chúng tôi vì các nhân viên đều học thiền, thưc tập thiền và nhất là có “Loving Garden” – Vườn Yêu Thương. Chị cho tôi xem các bức ảnh chúng tôi đi nhặt rác, đi phát thức ăn cho người nghèo, đi tặng sách, xếp sách nghệ thuật,… và có vẻ chị rất thích thú. Ô hay, chị làm cho tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì chị còn lưu còn có cả những tấm ảnh này trong máy của mình nữa. Tôi cũng thấy vui bởi một công ty bé nhỏ từ một nước còn nghèo và lạc hậu lại được các bạn Mỹ quan tâm và biết tường tận đến vậy.

Hội Sách Franfurt đông vô cùng và đa phần toàn là lãnh đạo các nhà xuất bản cũng như các doanh nghiệp đến dự mà thôi. Hội Sách này không giống như các hội sách khác tập trung bán sách. Ở đây chỉ trưng bày sách mẫu, có nhiều tọa đàm, buổi giao lưu, giới thiệu sách. Frankfurt Book Fair là một sân chơi, là nơi gặp gỡ của cả thế giới. Người từ hơn 100 quốc gia đổ về đây mà. Do đó, tôi rất bận rộn với gần cả chục buổi hẹn mỗi ngày nhưngchị Maurice cứ nhất định mời tôi một bữa ăn trưa, một bữa ăn chiều. Tôi chẳng biết làm thế nào để thực hiện và ao ước một ngày có 40 tiếng nhỉ, nhất là trong 5 ngày chính thức và 1 ngày hội nghị của Hội Sách Frankfurt Book Fair này.

Chị Maurice muốn tôi giới thiệu một số quyển sách ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống của các tác giả Việt Nam. Tôi giới thiệu các tác phẩm của thầy Thích Nhất Hạnh. Nghe xong chị nói rằng chị muốn biết thêm 3 tác giả người Việt nữa viết về ứng dụng triết lý Phật giáo vào cuộc sống. Đến đây thì tôi xấu hổ. Tôi bí vì không có trên tay và trong tâm tôi không biết thêm được tên các quyển sách bằng tiếng Anh của các vị thầy lớn khác người Việt. Tôi cười và xin lỗi chị sẽ gửi sau. Tôi chỉ nhớ ra và giới thiệu được 3 cuốn của tác giả Trịnh Xuân Thuận cho chị. Chị nhìn tôi và cười rất tươi rồi hỏi rằng tại sao tôi không dịch 4 cuốn sách của tôi ra tiếng Anh để cả thế giới đọc. Tôi lại giật mình. Chị bảo nếu không có ai dịch thì chị sẽ học tiếng Việt và nhận dịch miễn phí. Tôi cười và chị cũng cười theo rất vui.

Tự nhiên tôi nghĩ đến danh sách các tác phẩm Phật giáo hoặc sách ứng dụng Phật giáo của các tảc giả Việt Nam đã xuất bản bằng tiếng Anh. Có lẽ khi về Việt Nam tôi phải làm ngay chuyện này.

Từ lâu nay , luật hấp dẫn trong 2 cuốn sách gối đầu giường của tôi là “Người nam châm” và “Think and grow rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu” ngấm quá sâu vào người tôi. Tôi biết rất rõ rằng khi mình nói về cái gì, nghĩ về cái gì thì cái đó tự đến. Tôi cứ liên tục nói về việc Việt Nam cần xuất khẩu Đạo Phật thì đến hôm nay, ngay cả người nhỏ bé, tu tập còn kém cỏi như tôi mà còn được mời đi chia sẻ ở phương tây thì rõ ràng khối kim cương quý của các quý thầy, quý sư cô, quý cư sỹ đàn anh, đàn chị, rồi cô bác của tôi có thể làm được ngàn vạn lần. Làm sao mà không tự hào và nghĩ đến một tương lai tươi sáng của Đạo Phật được.

Suốt những ngày qua, câu chuyện của chi Maurice luôn xuất hiện trong đầu tôi. Tôi chưa kịp đọc email của chị ấy mà cũng chưa biết trả lời thế nào. Lịch của tôi từ nay đến cuối năm 2015 đã kín mít. Hơn nữa liệu những gì mình biết, mình trải nghiệm có thật sự hữu ích cho chị Maurice và doanh nghiệp của chị ấy bên Mỹ hay không. Nhưng thôi, tôi quyết định cứ để cho Phật thu xếp. Cũng có thế sang năm 2016 sẽ đi Mỹ tiếp tục sứ mệnh sẻ chia. Chỉ có điều, bây giờ tôi đã vượt qua khỏi lãnh thổ hình chữ S mất rồi.

Đạo Phật hay đến vậy, những lời dạy của Đức Phật có tính ứng dụng cao đến vậy, các bạn phương tây tìm đến với chúng ta như thế đấy, mà chúng ta, 93 triêu dân Việt Nam đã ứng dụng tốt chưa. Hình như vẫn chưa hẳn tốt. Hình như đâu đó vẫn còn hình thức, vẫn còn đi quảng bá cho món ăn ngon mà chưa kịp ăn. Ăn mới là quan trọng. Thưởng thức món ăn mới là cần thiết nhất. Cả tôi nữa, Hùng ơi, cậu đã ngấm, thật sự ngấm vị ngọt của Phật Pháp chưa.

Trước khi chia tay chị Maurice, tôi bảo chị đừng gọi tôi là Doctor Hùng mà chỉ cần gọi là Hùng hay brother Hùng thôi. Chữ DR trước tên Hùng của tôi không có nghĩa là tiến sỹ . Tiến sỹ nhiều khi chỉ là tiến sỹ giấy, chỉ toàn một mớ lý thuyết mà thiếu hẳn phần quan trọng nhất của đời người là thực hành, cũng như chính tôi của ngày xưa khi còn là nghiên cứu sinh học tiến sỹ. DR không có nghĩa là Doctor hay Ph. D gì đâu mà là Do Right thing và Do Rightly. Có nghĩa là làm đúng việc, làm những việc đúng, việc cần thiết, việc bổ ích và hay họ. Có nghĩa là làm 1 cách đúng, làm trúng. Cũng giống như TS trong tiếng Việt trước chữ ký của tôi không có nghĩa là Tiến sỹ mà đơn giản là Thiền Sinh, là Tu Sinh. Hay nghĩa khác là Thí Sinh, thí sinh thi vào trường Giác ngộ, trường Giải thoát như cách lý giải của nhà tâm thư pháp nổi tiếng Chính Trung. TS cũng còn có nghĩa là Thầy giáo Sẻ chia, Thầy giáo San sẻ yêu thương như cách lý giải của 1 hoc trò của tôi (bời ngoài đời tôi vẫn là ông thầy giáo và có rất nhiều học trò mà).

Chị Maurice nhìn tôi cười rất tươi, gật đầu lia lịa như có vẻ rất tâm đắc và hứng thú. Chị nói rằng chị đồng ý. Thế rồi, đột nhiên chị quay sang bảo tôi “Tôi vấn gọi anh là DR, là Doctor. Nếu anh không nhận mình là tiến sỹ cũng không sao nhưng anh là bác sỹ. DR cũng có nghĩa là bác sỹ mà. Anh là bác sỹ chữa bệnh tâm hồn cho biết bao người. Trong đó có tôi”. Tôi giật mình đánh thót. Thân bệnh do tâm bệnh sinh ra. Muốn trị thân bệnh phải trị tâm bệnh trước. 2 câu này tôi thuộc lòng 10 năm nay rồi . Chị Maurice này thật kỳ là và không biết tại sao chị thông minh đến vậy. Tôi cười rất to và chúng tôi chia tay nhau.

Tôi không thể nhận lời cho bữa ăn trưa hay ăn tối nào được với chị. Tôi cũng chẳng kịp chụp một bức hình của chị hay với chị. Nhưng bức ảnh chị mà tôi đã chụp lại và lưu trong tâm trí vẫn còn nguyên vẹn. Thôi thì xin đăng bức ảnh của cái buổi tôi làm diễn giả hôm 13 tháng 10 đáng nhớ ấy vậy.

Tôi xin dừng việc gõ máy tính đây. Đến giờ tôi phải bước ra khỏi cái hộp để hòa mình với thiên nhiên thôi. Ngoài kia là cánh rừng mùa thu nước Pháp rất đẹp. Rừng thông xanh. Rừng sồi lá váng với quả và hạt rơi kín mặt đất. Tôi nghĩ nhất định sẽ gặp nhữung chú sóc đáng yêu bởi các chú ấy rất khóai khẩu với món này mà. Phải đi thiền hành một lát trước khi đi ngủ. Sáng mai 05h15 thức chúng để 06 giờ sáng cùng ngồi thiền.

Có bao nhiêu chị Maurice nhỉ? Bạn có biết ai nữa thì cùng sẻ chia nhé. Niềm vui cho đi sẽ tăng gấp bội. Thật mà.

Nhưng thôi, tặng bạn câu nói hay của ngày hôm nay nhé. “Mình là chiếc lá trên đầu cành. Ngày tháng đến với chúng ta. Để sống cùng nhau. Mình là con sóng trên đại dương. Mình là sao sáng trên đại dương”. Hát lên đi bạn. Hát vui lên bạn. Đây là lời bài hát mà. Tất cả chúng ta là một cây, là một đai dương, là một bầu trời. Mỗi chúng ta là một chiếc lá, một con sóng, một ngôi sao. Chúng ta, dù là người Việt hay người Mỹ, dù người Á hay người Phi đều là anh em huynh đệ một nhà. We are brotherhood and sisterhood. Cùng thiền ca nào.

TS Nguyễn Mạnh Hùng

Frankfurt, Germany – Paris, France



Có phản hồi đến “Hạnh Ngộ Chị Maurice Đầy Tâm Linh Diệu Kỳ Ở Frankfurt Book Fair 2015”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com