Đỗ trạng từ khi 12 (nhiều sách ghi lại là 13), tương truyền dân gian còn gọi Trạng Hiền là “ông trạng trẻ con”.
Trạng Hiền tên thật là Nguyễn Hiền là người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ, mẹ cho ông theo học sư cụ ở chùa Hà Dương.
Một hôm, Hiền quét chùa và đề nghịch vào lưng một pho tượng mấy chữ "đày ba ngàn dặm”. Đêm ấy sư cụ nằm mộng thấy một vị tôn giả đến từ giã mình, bảo rằng có việc phải đi xa. Tỉnh dậy sư cụ trong bụng lấy làm phân vân, khi nhìn thấy lưng tượng Phật có mấy chữ Hán, đoán biết là chữ của Hiền, vội quát bắt phải lấy nước rửa ngay. Đêm hôm ấy lại mộng thấy vị tôn giả tới cảm ơn.
Tích khác lại ghi, một đêm, sư cụ nằm mộng thấy Phật quở rằng: "Trạng nguyên mỗi lần vào chùa thường nghịch ngợm, sao nhà ngươi không răn đe, ngăn chặn?".
Nhà sư tỉnh dậy, đốt đuốc khắp chùa thấy sau lưng các pho tượng đều có khắc chữ "phạt 30 roi", riêng hai pho hộ pháp ghi "phạt 60 roi", sư nhận ra ngay chữ của Hiền. Một hôm, sư lên lớp bèn lấy một câu trong sách: "Kính quỷ thần mà phải lánh xa" mà dặn Hiền rằng: "Phật tức quỷ thần, trò không được nhạo báng". Hiền liền nhận lỗi và tự lau sạch những chữ mình đã viết.
Tương truyền, Hiền vừa thông minh, vừa khéo tay. Năm lên 7 ông nặn một con voi đất, chân voi đặt trên mình cua, vòi voi làm bằng con đỉa, lấy bươm bướm làm tai, sâu đo làm đuôi cho nên voi đất của ông vừa cử động được chân, tai biết phe phẩy, vòi biết co vào duỗi ra, đuôi thì đung đưa...
Đám trẻ con chơi cùng Hiền thích quá reo hò ầm ĩ. Vừa lúc đó có một viên quan đi qua, chợt thấy đám trẻ la hét, dậm chân, múa tay bèn rẽ vào xem. Nhìn con voi bằng đất của Hiền sống động như thật, viên quan vuốt râu gật gù khen và đọc một vế đối:
- Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo ( nghĩa là: trẻ con năm sáu đứa, chẳng ai khéo như mày).
Hiền ngừng chơi, làm bộ lễ phép, khoanh tay thưa:
- Bẩm xin cho biết ông làm chức gì?
Viên quan hợm hĩnh khoe luôn:
- Thái Thú, ăn lương hai ngàn hộc.
Hiền vừa ngạc nhiên xuýt xoa và xin cho đối lại vế đối vừa rồi. Viên quan khoái chí gật đầu. Hiền bèn đọc:
- Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công (...?)
Viên quan cười, vẻ cảm thông:
- Trẻ con chưa được học hành nên chưa biết đối. Vế đối của ta gồm 9 chữ: "Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo", vậy mà người đối chỉ có 8 chữ "Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công”, nghĩa là "Quan Thái thú ăn lương 2000 thạch, không ai (...) bằng ông".
Hiền vội thưa:
- Bẩm, con chưa đọc hết.
Viên quan khuyến khích:
- Vậy đọc nốt đi!
Hiền nói to:
- Chữ cuối cùng là "tham" và chạy biến mất.
Năm 12 tuổi, Hiền đi thi và đậu Trạng nguyên, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông.
Cùng năm đó có Lê Văn Hưu (17 tuổi) đỗ Bảng nhãn và Đặng Ma La (14 tuổi) đỗ Thám hoa. Khi Hiền vào bái mạng trước sân rồng, vua thấy Trạng bé loắt choắt trong bộ áo mũ quá khổ, bèn phán hỏi:
- Trạng học với ai?
Nguyễn Hiền trả lời:
- Thần không phải là người sinh ra đã biết, nhưng khi có một đôi chữ không biết thì hỏi thầy chùa.
Vua Trần phán:
- Trạng nguyên niên ấu vị tri lễ hứa hồi gia học lễ đãi tam niên nhi hậu dụng (có nghĩa là Trạng nguyên còn trẻ chưa biết lễ về nhà học lễ ba năm rồi ta dùng).
Hồi ấy có sứ nhà Nguyên đưa sang ta một câu đố để thử xem nước Nam có nhân tài chăng. Triều đình nhà Trần mở quốc thư ra chỉ thấy có bốn câu thơ chữ Hán:
Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn,
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.
Cả vua lẫn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mãi về sau có người nhớ đến Trạng Hiền, vua vội sai một viên quan văn đi mời ngay Trạng về triều giải đố.
Viên quan tìm về làng Trạng, thấy một lũ trẻ đang đùa nghịch ở gốc đa đầu làng, quan thử ra một câu đối để dò xem Trạng có mặt trong đám ấy chăng:
- Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con: con ai con ấy?
Hiền tay vẫn chơi đùa, miệng đáp lại ngay:
- Vu (于) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa: đứa nào đứa này.
Đáp đoạn, bỏ chạy về nhà. Khi viên quan tìm được vào nhà thì thấy Hiền đang đun bếp, lại ra một câu đối:
- Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo (Tôi nghe người quân tử xa chỗ bếp núc, sao lại nịnh ông Bếp).
Hiền đối đáp lại:
- Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm canh).
Biết đích là Trạng, viên quan đưa chiếu chỉ của nhà vua, mời Trạng về triều để hỏi một việc quan trọng. Nhưng Hiền lắc đầu nói: - "Trước đây vua bảo ta không biết lễ phép, nhưng chính vua không hiểu lễ phép nữa là ai". Nói rồi nhất định không chịu đi.
Về sau vua phải cho quân gia mang cờ quạt võng lọng đến đón Hiền vào triều. Trước mặt sứ thần của một cường quốc, ông trạng nhỏ tuổi ấy cầm cục than viết ra một chữ "điền" (田) giữa sân rồng. Thấy giải đáp đúng, sứ thần lặng lẽ rút lui.
Bốn câu thơ này nghĩa là:
Hai mặt trời bằng đầu nhau (đồng thời có nghĩa là có hai chữ nhật 日).
Bốn hòn núi nghiêng ngả (tức là có bốn chữ sơn 山).
Hai vua tranh một nước (tức là có hai chữ vương 王).
Bốn miệng ngang dọc trong khoảng đó (tức là có bốn chữ khẩu 口).
Về sau, vua ban thưởng cho Trạng rất hậu và tuy Trạng còn ít tuổi cũng phong chức Thượng thư Bộ công.
Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta lại bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước.
Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông Trạng chức "Đệ nhất hiển quý quan". Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ.
Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý, trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là "Đại vương thành hoàng" và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội - huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hiện nay, tại đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt bảo tồn được cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của ông, trong đó có câu ca ngợi tài năng của Nguyễn Hiền như sau:
"Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc, Vạn niên thiên tuế lập tam tài"
Tạm dịch là: "Mười hai tuổi khai khoa hai nước, Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài".
(Theo tamguong.vn)