Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM. Tôi vẫn nhớ mãi và sẽ chẳng bao giờ quên câu nói của mẹ tôi rằng “Ngay cả các con ở nhà cũng không chăm sóc mẹ tốt như các bạn đồng tu ở đây”. Mẹ tôi bảo “Từ nay, thay vì cho bố mẹ đi nước ngoài, các con cứ cho bố mẹ tham gia khóa tu thì tuyệt vời hơn”.
Mẹ tôi được quý thầy tặng cho pho tượng Phật. Từ ngày đó đến ngày hôm nay, bố mẹ tôi tối nào cũng tụng kinh, cũng niệm Phật. Mẹ bảo, không tung kinh không thể ngủ được. Tôi cứ nghĩ về câu chuyện của bố mẹ tôi ở một làng quê thuộc xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình và nguyện mong có thật nhiều, thật nhiều ngôi nhà, gia đình miền Bắc được như vậy.
Ở miền Nam có rất nhiều ngôi chùa tổ chức các khóa tu như nơi chùa Hoằng Pháp nhưng với quy mô nhỏ hơn, với mức độ thường xuyên ít hơn. Tuy nhiên, quý Phật tử trong Nam có khá nhiều lựa chọn và cơ hội được tham gia các khóa tu, được nghe pháp thoại mỗi tuần. Mừng muốn khóc.
Ở miền Bắc, do hoàn cảnh của đất nước, rất nhiều ngôi chùa bị phá hủy, nhiều chùa không có quý sư mà chỉ có ông từ trông nom và Phật tử tự rủ nhau đến tụng kinh ngày rằm mồng một. May thay gần đây đã xuất hiện những vị thầy tâm huyết với hoằng pháp, xuất hiện những ngôi chùa có các khóa tu cũng xếp vào hàng “chẳng kém miền Nam”. Chuyện thật là khó tin nhưng là sự thật. Chúng ta không mơ đâu, thật mà.
Một ngôi chùa tôi muốn nói đến trong bài viết này là chùa Bằng của thủ đô Hà Nội. Chùa nằm ngay cửa ngõ phía Nam, nơi có khá nhiều dân cư sinh sống và đường đến chùa khá thuận tiện. Chùa lại là di tích từ thời xưa nên có khả năng thu hút Phật tử rất tốt.
Đầu tiên tôi muốn nhắc đến Bảo tháp Báo Ân, công trình kế thừa ý nghĩa của Tháp Báo Thiên thời Lý, được xây dựng nhân lễ kỉ niệm 350 năm ngày đại trùng tu chùa Linh Tiên lần đầu tiên (1654-2004). Đây thật sự là một di tích quý giá, một công trình nổi tiếng từ thủa xưa. Với chiều cao kỷ lục 54,66m (tính từ mặt tháp lên ngọn tháp), đạt kỷ lục Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam năm 2007. Năm 2010, tháp xác lập kỉ lục Việt Nam lần 2 với tiêu chí Tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam với 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá. Đứng từ xa, trên đường từ nhiều hướng chúng ta đã có thể nhìn thấy Bảo tháp rồi. Tôi luôn nghĩ trong đầu, Bảo tháp như ngọn hải đăng lôi hút Phật tử, nhất là giới trẻ về đây tu học.
Tôi đã đến chùa Bằng vài lần, trong đó có một lần được mời đến hướng dẫn vài trăm bạn trẻ cho khóa tu một ngày. Một ngày mà nhớ mãi. Nhớ nhất là tấm lòng của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và sự khát khao tu tập của các em sinh viên Thủ đô. Tôi ấn tượng vô cùng khi các em cứ hỏi tôi bao giờ sẽ có khóa tu tiếp theo. Thương lắm. Yêu lắm. Vui lắm. Bởi xưa nay, các bạn trẻ miền Bắc không được khuyến khích đến chùa, thậm chí có khi còn bị cha mẹ và người lớn cấm! Nghe mà não ruột não lòng.
Bạn có biết ở chùa Bằng có bao nhiêu quý Thầy không ạ. Xin thưa là 3. Ở miền Bắc số lượng sư tại các chùa vẫn rất rất ít. Tôi cũng luôn hỏi lòng mình tại sao tăng tài phía Bắc lại ít đến như vậy. Có cách nào để có thêm nhiều quý thầy quý sư cô hay không. Hoặc có cách nào vận động quý sư từ miền Nam và miền Trung ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phụng sự hay không. Bởi đã xuất gia tức đã phụng sự cả đời cho Phật Pháp và Tăng thì ở đâu mà chẳng được. Miễn là các tỉnh phía Bắc thật sự chào đón (trong đó có cả Giáo hội, chính quyền địa phương và nhân dân.)
Chùa bằng có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trụ trì. Tôi muốn nói rằng Hòa thượng là một trong những quý thầy tâm huyết nhất với giới trẻ mà tôi được biết. Nhớ lại khóa tu mùa hè vừa rồi, chỉ sau ba ngày công bố có khóa tu mà đã có đến 500 bạn trẻ đăng ký tham dự. Ai cũng cảm nhận được cái tâm của Hòa thượng. Mở khóa tu chỉ mong sao có đông người đăng ký. Cá nhân tôi đặc biệt rất quan tâm đến các khóa tu dành cho giới trẻ. Khóa tu này đã thành công và mang lại những lợi ích thiết thực và rõ ràng vô cùng. Tâm sự với những bạn từ khóa tu trở về thấy em nào cũng hạnh phúc và đổi thay.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm quá nhiều việc. Hòa thượng lại là đại biểu Quốc hội nên quỹ thời gian họp cũng đã lấy đi của Hòa thượng rất nhiều rồi. Thời gian còn lại còn phải lo cho biết bao nơi, biết bao ngôi chùa ở bao miền đất, bao nhiêu là khóa tu. Ấy vậy mà cá nhân tôi gặp Hòa thượng lần nào cũng thấy Hòa thượng rất nhẹ nhàng, cười tươi, thư giãn và bình an. Tôi cứ nghĩ, nếu không tu cao, khó có thể nào có tâm đẹp đến như vậy được.
Nhiều bạn tôi gọi điện và email nói rằng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm vật lộn với giới trẻ. Từ VẬT LỘN tôi nghe từ nhiều người và nhiều lần. Thật lạ. Tôi vui vô cùng. Nếu giới trẻ được quan tâm, được ưu tiên như vậy, tương lai Phật giáo miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung sẽ là tươi sáng. Sao mà có thể không vui.
Mấy lần đến chùa Bằng tôi được nghe kể về sự quan tâm của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm với từng bữa ăn của các tu sinh. Chuyện rất nhỏ đúng không ạ. Hòa thượng rất chú tâm đến đầu vào của thức ăn phục vụ các khóa tu, rằng thức ăn phải tươi, phải sạch, phải đảm bảo vệ sinh, phải đủ dinh dưỡng. Bộ máy giúp việc phần lớn là cư sỹ và đã hiểu ý Thầy, đã làm rất tốt, rất đúng tinh thần “Có thực mới vực được đạo”.
Viết đến đây tôi nhớ đến câu chuyện ngày xưa thời đức Phật. Có bác nông dân đến nghe pháp muộn, Phật hỏi bác đã ăn gì chưa, bác bảo chưa. Phật bảo mang thức ăn ra cho bác ăn rồi mới bắt đầu buổi thuyết pháp. Ngài Annan còn thưa rằng nên bắt đầu vì mọi người đang chờ đợi. Vậy mà Phật vẫn quan tâm đến bác nông dân kia và khi no bụng bác yên tâm nghe pháp cùng tứ chúng. Câu chuyện này làm tôi nhớ mãi suốt cả chục năm nay.
Bạn đã bao giờ được nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ban đạo từ chưa. Nếu chưa, tôi khuyên bạn tìm lấy cho mình một cơ hội, hoặc trực tiếp, hoặc trên internet. Lợi ích của Phật tử luôn được Hòa thượng đặt lên trên cùng. Nghe mà thấm lắm, ngấm lắm, nghe mà thấy những từ những chữ, những chỉ dạy như ngấm vào khắp 70 ngàn tỷ tế bào trong cơ thể vậy. Còn gì quý giá hơn nữa ạ.
Tôi tự nhiên nhớ đến giới đàn năm 2014 vừa rồi. Giới đàn được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tổ chức rất nghiêm trang, rất long trọng, vô cùng ấn tượng và ý nghĩa. Bất cứ ai được tham dự cũng đều xúc động và ghi tâm khắc cốt. Họ đều mong được chứng kiến một giới dàn nữa trong tương lai. Và luôn hỏi tôi, “Bao giờ sẽ có nữa à anh Hùng”
Cá nhân tôi luôn nhớ mãi chùa Bằng với các khóa tu dành cho thanh thiếu niên. Quý hóa lắm. Với nguồn nhân lực tăng tài chỉ là 3 quý thầy mà có thể tổ chức các khóa tu nhiều như vậy tôi thật sự, thật sự khâm phục. (và chắc bạn cũng thế). Tôi cũng chưa biêt bí quyết nằm ở đâu. Một anh bạn của tôi bảo “Lúc nào anh gọi điện xin đến uống trà với Hòa thượng mà tìm hiểu. Hay lắm đấy.”
Tôi lại muốn quay lại với tòa tháp Bảo Ân nơi chùa Bằng. Tháp được xây dựng trong 7 năm và hiện tháp lưu giữ 104 pho tượng Đức Thích Ca bằng đồng. Tôi như thấy rất rõ rằng sự hiện hữu của Bảo tháp Báo Ân là kế thừa ý nghĩa của Tháp Báo Thiên thời Lý (một trong “An Nam Tứ Đại khí”) do Thiền Sư Không Lộ đúc, bao gồm: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm (tượng Di Lặc) và vạc Phổ Minh. Ôi, Phật pháp đang được giữ gìn và phát triển thật rồi. Chúng con vui lắm Phật ơi.
Tôi ngồi và nhớ lại khóa tu một ngày cho các em sinh viên Hà Nội năm ngoái. Tôi đã hướng dẫn và cùng các em đi thiền hành trong sân, vườn. Chúng tôi đi quanh tháp Báo Ân và thiền hành quanh khu vườn rất đẹp, ngắm và thưởng thức 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, rất sinh động và rõ nét. Rồi tôi còn nói chuyện với các em về từng bức tượng này. Mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử. Các bạn trẻ bất ngờ khi biết rằng những pho tượng này được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị La Hán chùa Tây Phương, ngôi chùa cổ ở Việt Nam và đó cũng chính là những vị Đại Đệ tử của Đức Phật qua các đời, theo sự truyền đăng của Thiền Tông.
Chúng tôi cũng đã thiền hành nơi Quan Âm viên, được tôn trí bởi 45 pho tượng khác nhau: chính thân, 32 hóa thân theo phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và 12 đại nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.Thầy trò chúng tôi đã bước những bước rất chậm rãi, thảnh thơi. Tất cả cùng chú tâm vào từng bước chân, từng hơi thở. Tất cả như được hòa mình vào tinh thần cứu khổ, ban vui của Bồ Tát Quán Thế Âm cho tất cả chúng sinh trong thế giới này. Những pho tượng này giúp cho các bạn thanh thiếu niên thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam hiện nay và Phật Pháp ngấm sâu hơn vào thân và tâm của các bạn.
Ngồi nghĩ về những khóa tu danh cho các bạn trẻ nơi chùa Bằng tôi mơ về những khóa tu diễn ra khắp mọi nơi trên cả nước. Tôi cũng mong chính quyền các cấp ủng hộ và tạo điều kiện cho các khóa tu này. Bởi các em tu thì sẽ sống tốt, sống thiện. Điều này có lợi cho mỗi gia đình, mỗi địa phương và cả dân tộc Việt Nam. Tôi muốn rằng các tỉnh còn rất khó khăn khi cấp phép các khóa tu (như Thái Bình quê tôi chẳn hạn) rồi nay mai cũng hiểu được giá trị của Đạo Phật để rộng lòng thương giới trẻ, thương tương lai của chính họ.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng chiếc thống đá dùng ngâm gạo làm oản cúng Phật trong chùa Bằng. Trên thân thống được khắc chữ “TÂM” to, dưới viết các bài kệ dạy đệ tử tỏ ngộ tâm tông của Phật tổ do Thiền sư Bất Trược Thủy - Tự Như Liên soạn:
“Dũng trung tịnh thuỷ nguyệt ảnh tiềm
Nhân nhân bả trốc bất hội nguyên
Nhược nhân ngộ đắc chân như tính
Thượng kiến Như Lai phúc tuệ viên”
Dịch rằng:
“Trong thống nước thanh tịnh, trăng chìm
Cội nguồn chẳng biết đi tìm uổng công
Chân như ai ngộ tính không
Vê tròn phúc tuệ nối dòng Như Lai”
Mong lắm những ngôi chùa có những khóa tu. Mong lắm những khóa tu dành riêng cho giới trẻ. Mong lắm tâm của các quý thầy quý sư cô. Mong sự rộng lòng của lãnh đạo và chính quyền các cấp của các tỉnh thành trên cả nước. Và mong sự ủng hộ của hơn 90 triệu dân Việt Nam vốn có truyền thống Đạo Phật tuyệt vời từ xa xưa. Mong cho tất cả tứ chúng cùng nhau chung tay, góp tâm, góp sức để “vê tròn phúc tuệ nối dòng Như Lai”. Có vê được tròn hay không, có nối được dòng hay không là nhờ bạn, nhờ tôi, nhờ mỗi chúng ta, tất cả chúng ta.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng