Tôi chỉ có một tuần trọn vẹn với Hội Sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair khi bay từ Việt Nam sang Đức. Hết chương trình về bảy thị trường sách lớn nhất thế giới đến làm diễn giả của Hội nghị giám đốc bản quyền với sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo các nhà xuất bản trên thế giới. Hàng ngày, biết bao cuộc gặp gỡ và giao lưu nên tôi lúc nào cũng ra khỏi nhà khi trời chưa sáng và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Dự định viết một số bài Hội sách lớn này nhưng lực bất tòng tâm.

Vừa kết thúc hội sách Frankfurt Book Fair tối chủ nhật thì sáng sớm thứ hai đã lên tàu cao tốc đi Colonge thăm Học viện Ứng dụng Phật giáo Châu Âu. May mắn thay đang có khóa tu của 35 thiền sinh các nước nói tiếng Pháp (các bạn đến từ Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ,…) . Vì tôi được học tiếng Pháp từ thời phổ thông nên có cơ hội tham gia tu tập cùng các bạn phương tây. Một khóa tu vô cùng tuyệt vời không thể diễn tả được.

Bất ngờ và bàng hoàng thay khi tôi nhận được tin từ em Phương Thảo – Phó Tổng giám đốc Thái Hà Books cho biết anh Alan Phan, người bạn thân thiết của tôi, tác giả của chục đầu sách, một con người rất tâm huyết với Việt Nam, với thế hệ trẻ đã qua đời. Tôi như nửa tỉnh nửa mơ.

Nhận tin mà tôi cứ nghĩ đó chỉ là một giấc mơ lạ. Biết tin mà vẫn cứ mong rằng em Phương Thảo báo nhầm. Chỉ vừa mới đây thôi đã có một bạn báo cho tôi biết mẹ của Tiến sỹ Alan Phan qua đời mà tôi đọc nhanh vì cứ tưởng anh đã mất…

Anh Alan Phan còn rất trẻ và khỏe. Anh vẫn bay đi bay về, vẫn giao lưu và viết lách liên tục. Anh không hề có biểu hiện nào của bệnh tật hay ốm đau. Vậy tại sao anh lại ra đi đột ngột như vậy?

Tôi ngồi im nghhĩ về vô thường. Ơ hay, mình đã đọc, đã nghe, đã ngấm vô thường từ bao năm nay nhưng khi vô thường đến lại không chịu chấp nhận. Đã biết cái chết không chừa bất cứ ai và có thể đến bất cứ khi nào. Vậy mà nghe tin anh Alan Phan ra đi tôi vẫn cảm thấy bất ngờ.

Mới ngày hôm trước anh còn khỏe mạnh, còn làm việc liên tục, còn viết, còn thuyết giảng mà hôm nay anh đã ra đi vĩnh viễn. Một hơi thở ra mà không thở vào là kết thúc đời người. Đời người được tính bằng hơi thở chứ đâu phải là bằng những công trình hay những kế hoạch lớn lao, vĩ đại.

Tôi ngồi tĩnh lặng quán vô thường. Học viện Ứng dụng Phật giáo Châu Âu (European Institute of Applied Buddhism) EIAB thật tĩnh lặng, tĩnh lặng đến khó tin. Sự tĩnh lặng đến mức tôi có thể nghe thấy nhiều thứ hiện lên trong tâm mình với bao nhiêu kỷ niệm thân thương tràn về.

Tôi và Tiến sỹ Alan Phan đã có rất nhiều buổi nói chuyện với các em sinh viên tại cả Hà Nội và TP HCM. Tôi và anh đã bao lần trao đổi về những câu chữ, nội dung của từng bản thảo mà anh gửi trước khi biên tập, xin giấy phép và in thành sách. Tôi nhớ về hai chương trình lớn anh trực tiếp tổ chức và nhất định mời tôi làm diễn giả: Super Investor Day tại nhà thi đấu Nguyễn Du và Super Stock Day tại dinh Thống Nhất. Tôi nhớ những lần chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, đi dạo cùng nhau và cùng ký tặng sách cho sinh viên và bạn đọc. Tôi nhớ một con người nhỏ bé, hóm hỉnh và rất dễ gần.

Vậy mà anh đã mãi đi xa không bao giờ trở lại. Alan Phan là một nhà kinh tế nên anh bôn ba khắp thế giới. Tuy nhiên, anh không chỉ nói về kinh tế hay viết về kinh doanh vì những câu chuyện ủa anh rất dễ thương, rất đời thường. Trong vô vàn câu chuyện của chúng tôi, anh nói về chuyện bạn anh đã ra đi khi anh bắt đầu muốn thư giãn và bình an. Anh bảo tôi rằng khi nào mình bắt đầu dựa dẫm vào người khác thì họ sẽ bỏ mình ra đi. Vì vậy, mình phải luôn luôn tự đứng lên, tự đi, tự làm, tự dựa vào chính mình.

Lời anh nói làm tôi thấm những câu kệ Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Đừng dựa dẫm vào ai”. Anh làm tôi nhớ đến thầy Huyền Diệu ở Bồ Đề Đạo Tràng và Lâm Tỳ Ni. Thầy luôn có thói quen tự mình nấu ăn, tự mình giặt quần áo, tự mình làm tất cả mọi việc.

Anh Alan Phan vô cùng hài hước. Nhiều câu nói của anh làm tôi cười ra nước mắt. Các bạn trẻ chắc chẳng bao giờ quên tuyên bố của anh là có khả năng đầu tư 2 triệu và thu về 20 triệu. Vấn đề ở đây là anh đầu tư 2 triệu đô la Mỹ và thu về 20 triệu đồng Việt Nam hoặc nhân dân tệ Trung Quốc. Đó là khi chúng tôi giao lưu về cuốn sách “42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc”. Cũng từ câu chuyện này lại nhắc tôi đến vô thường, đến tính không của đồng tiền. Đồng tiền chỉ là những tờ giấy vô tri.

Chiều hôm kia, 19 tháng 10, khi nhận được tin bạn Alan Phan của tôi qua đời thì cũng là ngày học viện tổ chức lễ cúng cô hồn cầu nguyện cho những vong linh đã mất được siêu thoát. Quý thầy, quý sư cô và 35 thiền sinh Pháp ngữ cùng thành tâm làm lễ. Hàng trăm trái tim yêu thương được treo lên rất đẹp. Tâm bình an của gần 100 con người tỏa năng lượng bình an và yêu thương đến những người đã mất. Tôi nghĩ về anh và gửi đến anh chút năng lượng bình an và cầu mong anh sớm siêu sinh về cõi lành.

Tối hôm qua và sáng hôm nay, chúng tôi cùng ngồi thiền. Tôi lại nghĩ về anh và mong cho bạn Alan Phan ra đi thật bình an. Trong buổi thiền hành sáng nay, tôi bước từng bước chân thảnh thơi cho anh. Tất cả chúng tôi đều bước rất nhẹ nhàng trong cái lạnh dưới 10 độ của nước Đức. Tôi bước cho anh. Tôi thở cho anh.

Thật tình cờ khi trước mặt tôi cõ một bạn người Pháp mặc áo có bức thư pháp chữ KHÔNG rất ý nghĩa. Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện thời đức Phật còn tại thế.

Trong một lần, có một nhóm du sĩ ngoại đạo đến gặp thầy Anuruddha. Họ chất vấn thầy rằng sau này Đức Phật chết đi thì Ngài có còn hiện hữu hay không. Các du sĩ ngoại đạo đưa ra bốn lựa chọn và buộc thầy Anuruddha trả lời: Một là sau khi chết, Đức Phật còn. Hai là sau khi chết, Đức Phật không còn. Ba là sau khi chết, Đức Phật vừa còn vừa không còn. Bốn là sau khi chết, Đức Phật vừa không còn cũng vừa không không còn.

Thầy Anuruddha biết rõ bốn lựa chọn này không có lựa chọn nào phù hợp với lời dạy của Đức Phật nên thầy không nói gì và giữ im lặng. Các du sĩ ngoại đạo bỏ đi và thầy Anuruddha đem chuyện này lên thưa với Đức Phật,

Đức Phật hỏi, Này thầy Anuruddha, có thể tìm Như Lai nơi thân sắc này không?

Thầy Anuruddha trả lời, Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai nơi cảm thọ không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai nơi tư tưởng, hành động, lời nói và tri thức không? Bạch Thế Tôn, không. Lại nữa, thầy Anuruddha, có thể tìm Như Lai ngoài sắc thân này không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai ngoài cảm thọ không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai ngoài tư tưởng, ngoài hành động, ngoài lời nói, ngoài tri thức không? Bạch Thế Tôn, không.

Phật dạy, Đúng như vậy, này thầy Anuruddha, không thể tìm thấy Như Lai ở năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và cũng không thể tìm Như Lai ngoài năm uẩn. Không thể tìm thấy Như Lai ở đất, nước, lửa, gió, kiến và thức và cũng không thể tìm Như Lai ngoài bảy yếu tố này. Thầy Anuruddha ơi, từ trước cho tới nay, Như Lai chỉ tuyên bố về khổ, nguyên nhân của khổ, có thể chấm dứt khổ và con đường để chấm dứt khổ, đạt hạnh phúc đích thực trong hiện tại, chỉ có vậy mà thôi.

Như Lai đang sống đây mà còn không tìm ra thì làm sao tìm thấy Như Lai sau khi ta đã chết. Vậy khi ta nhập diệt, làm sao thầy có thể nói ta còn hay mất.

Tôi ngồi nhớ về bạn Alan Phan rồi quán tưởng đến ngọn lửa. Sau khi ngọn lửa tắt, ngọn lửa đi về đâu. Đủ nhân, đủ duyên ngọn lửa biểu hiện. Khi nhân duyên chưa đủ, ngọn lửa chưa biểu hiện. Tôi ngồi và quan sát lá cây mùa thu đang rụng xuống. Có nhân duyên lá cây ở trên cành. Hết nhân duyên lá cây rơi xuống đất. Đúng là tính không. Không sinh cũng không diệt. Vạn vật luân chuyển. Vạn vật thay đổi. Tất cả là vô thường.

Tôi nhặt những chiếc lá vàng nằm trên mặt đất. Bạn Alan Phan tắt hơi thở nhưng giúp tôi thấm hiểu một bài pháp rất lớn cho tôi: Hùng ơi, cậu còn sống ngày nào, giờ nào, phút nào, hãy sống cho thật tốt, thật xứng đáng nhé. Cậu hãy phụng sự cho đời, bởi nếu không phụng sự ngay đi, biết đâu không còn kịp đến ngày mai.

Tôi quay ngay lại với hơi thở của mình. Tôi thở thật nhẹ và êm. Tôi cảm nhận rất rõ phút giây hiện tại là phút giây tuyệt vời. Đạo Phật là đạo của tỉnh thức của giác ngộ. Sự qua đời của bạn Alan Phan chắc chắn không chỉ làm cho tôi mà biết bao người nữa được tỉnh thức, giác ngộ. Bạn ơi, tôi và bạn, mỗi chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi ngay thôi. Mỗi chúng ta cần tự chiêm nghiệm, tự chứng ngộ. Mỗi chúng ta cần tự quán sát và tự thấy. Đừng mong chờ gì nữa, đừng mong đợi ai nữa. Cần thực tập chánh niệm và tỉnh thức ngay thôi.

Lại thêm một chiếc lá nữa lìa cành và thêm một chút vô minh trong tôi rụng xuống. Tôi mỉm cười bình an với chính mình và với bạn tôi, tiến sỹ Alan Phan.

Một chiếc lá nữa rơi xuống đất, trước mặt tôi. Chiếc lá rời cành nhưng không bị tịch diệt. Chiếc lá vàng chuyển sang ngôi nhà mới – mảnh đất trước mặt tôi. Alan Phan – bạn tôi không mất, anh chỉ chuyển sang thân mới, sang hình hài mới mà thôi.

Tôi mỉm cười với bạn Alan Phan. Anh đã về cõi vĩnh hàng ngày 18/10 và như vậy là một mầm cây mới đã nẩy sinh. Tiến sỹ Alan Phan đang như nói chuyện với tôi, đang như vẫn bước cùng tôi trong một hình hài mới. Cám ơn bạn Alan Phan đã nhắc nhở tôi phả biết trân quý những phút giây hiện tại. Tôi càng nên sống hết mình với hiện tại mà không tiếc nuối về quá khứ, không lo lắng cho tương lại. Tôi cũng chỉ là một chiếc lá trên cành chưa biết lá nào rụng về đất trước lá nào mà thôi.

Bạn Alan Phan ra đi để lại biết bao đau buồn, thương nhớ cho cả gia đình, bạn bè người thân, trong đó có tôi. Xin tri ân bạn đã nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm hơn với cuộc sống hiện tại bởi tôi còn phái sống để phụng sự cho cả anh nữa mà. Tự nhiên trời nắng lên. Thật là lạ.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Frankfurt – Cologne CHLB Đức 21/10/2015



Có phản hồi đến “Vô Thường Hư Không – Thương Nhớ Bạn Tôi, Tiến Sĩ Alan Phan ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com