VẤN: Con thấy hiện nay phong trào hiến xác kể cả ở Phật tử tại gia và xuất gia đang được tuyên truyền, nâng cao. Có nhiều nhà sư mất đi xin được hiến xác cho y học. Có chùa còn tổ chức đăng ký hiến xác cho cả Phật tử tại gia lẫn xuất gia khi còn sống. Tuy nhiên, con có nghe một số bài giảng và đọc đâu đó nói rằng hiến xác là một việc làm tốt nhưng chỉ dùng cho những bậc tu hành chứng ngộ, thoát được sự đau đớn của xác thân. Bậc phàm phu chưa chứng ngộ, một niệm lầm đã đọa, chỉ một cử động ai động vào khi vừa tắt thở thần thức vẫn còn sẽ rất đau thì nói chi đến chuyện mổ nội tạng, đưa đi hiến xác nên sẽ bị đọa và mất chánh niệm. Vậy có phải là người muốn hiến xác nên chờ cho thần thức ra đi thì mới di chuyển không? Như vậy thì nên chờ bao lâu? Nếu một người bị tai nạn giao thông rất nặng lúc đó vẫn chưa chết còn thở nhưng sẽ chết một vài giờ sau đó, việc mổ lấy nội tạng để cấy ghép theo lời khuyên của bác sĩ và sự đồng ý của cả người hiến cúng lúc này có đúng không hay là một hành động sát sanh đi ngược giáo lý nhà Phật?
ĐÁP:
Trong giới Phật giáo vấn đề hiến xác, hiến tạng xưa nay không phải không có, nhưng rất hiếm. Việc hiến xác, hiến tạng là việc làm tùy hỷ công đức của người con Phật, không ai có thể cản trở việc làm của con người ở thế kỷ 21 nầy!
Con người đưa ra những ý tưởng nầy “cao”, người khác phát minh tiếp những ý tưởng mới “cao hơn”, rồi người khác nữa tiếp tục phát minh “cao hơn”...cứ như thế mà tìm kiếm những ý tưởng mới giúp đỡ cộng đồng sống bình yên.
Khẩu chiến, chiến tranh súng đạn gây chết chóc cho biết bao nổi khổ đau bằng máu và nước mắt. Nước mạnh hiếp nước yếu, lấn làn ranh giới đất đai, phân định quy ước, tạo nên những xung đột lời nói ý tưởng, chiến tranh bằng khí tài bộc phát, đem bom giết các dân tộc yếu hơn, gây nên cảnh đau thương mất mát cho con người, rồi xoa dịu con người...tất cả cũng từ con người.
Cho đến hôm nay cũng từ con người phát tâm hiến xác, hiến tạng, hiến những phần thân thể, thiêu thân để đòi hỏi nhu cầu lý tưởng, hiến thân dưới mọi hình thức. Đấy cũng là ý tưởng đến giai đoạn “cao trào”, ảnh hưởng đến tôn giáo, nhất là những người con Phật đang có sự phát tâm làm xoa dịu không khí “nóng”, những sự mất mát đau thương của con người trên hành tinh địa cầu.
Đốt thân cúng dường
Những ý tưởng trên không phải là mới. Ngay từ đầu thời kỳ Phật sanh tiền, cũng có nói đến việc Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh giảng kinh Pháp Hoa, Bồ Tát tinh tấn tu hành, một lòng cầu thành Phật nguyện đốt thân cúng dường kinh Pháp Hoa để giúp cho pháp giới chúng sanh được trí tuệ, như một người Thầy giáo giúp cho mọi người biết chữ, khai thông trí tuệ, tự mình nên người. Việc làm của Bồ Tát là biểu hiện tấm lòng của một mẫu người muốn đem ánh sáng trí tuệ đến với chúng sanh.
Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963, quý Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật tử nguyện đốt thân bảo vệ Phật giáo Việt Nam là hành động hiến thân vì đại cuộc
Xả thân viết kinh
Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, ngài Phổ Hiền, nguyện hiến thân chẻ xương làm viết, chít máu làm mực, lột da làm giấy dùng biên chép kinh điển chất cao như núi tu di để cúng dường bảo vệ chánh pháp khiến cho giáo pháp Phật trường tồn không bị họai diệt. Việc làm của Bồ Tát nói lên tinh thần khuyến tấn mọi người vượt khó, mà thực hiện các pháp thế gian và xuất thế gian đến thành tựu. Việc làm của ngài Phổ Hiền kêu gọi con người phát minh cống hiến những ý tưởng mới làm lợi lạc cho quần sanh.
Thí thân không ngại:
Theo sử lưu truyền, chùa Long Hưng còn gọi là chùa Tổ Đỉa, tọa lạc ấp 4, làng Tân Định, huyện Bến Cát, Bình Dương được thành lập năm 1768. Chùa do Tổ sư Thiện Hiếu-Đạo Trung vốn xuất gia tu hành tại một ngôi chùa ở quận Thủ Đức, sau đó đi hành đạo khắp nơi. Ngài đến khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà (Tây Ninh) vào năm 1763. Từ Linh Sơn tự, nhà tu hành xuôi về vùng đất Thới Hòa (huyện Bến Cát). Thấy cảnh vật thanh tịnh, đồng ruộng thoáng mát nên ông dừng chân nghỉ mát dưới gốc cây trâm ở ven đường. Nghe nói đỉa nhiều quá, dân làng không thề làm mùa được. Ngài nghe nói như thế tự mình hiến thân cho đỉa xâu xé hút máu đề dân làng được bình yên làm ruộng.
Cứ mỗi khi ngài đến, dân làng lại cầu xin ngài dùng phép nhiệm mầu nhà Phật cứu giúp. Ngài trả lời không có phép mầu như nhiều người vẫn thường ảo tưởng. Nhưng ngài hứa sẽ dùng thân xác mình hóa kiếp cho loài đỉa, để chúng không còn quấy phá con người nữa”.
Hiến xác
Việc hiến xác ở Việt Nam có gặp trở ngại trong vấn đề giải quyết giữa người thân và những người thân thuộc sau khi chết. Chết đã 50 năm, 60 năm mà các gia đình liệt sĩ còn phải đi tìm xác để cải táng mới thỏa mãn tấm lòng của người thân. Trong tình nghĩa thân tộc họ hàng, đang hưởng những tài sản của Ông Bà, nên dù người thân mình có qua đời bao nhiêu năm cũng nhớ ơn, mà nhớ ơn thì việc tiên quyết là xây lại mồ mả Ông Bà. Một đôi khi mồ mả lưu lạc, khó tìm, nếu chưa tìm được xác để làm việc chôn cất cho chu đáo, người hiện tại không làm được, thì con cháu các thế hệ sau vẫn quyết tâm tìm cho bằng được dù đó cũng là một nắm đất (thay cho xác chết) đã thấm đậm trong sương tàn khói lạnh hằng thề kỷ, người thân vẫn xây lại mồ mả Ông Bà để đền ơn đáp nghĩa.
Năm 1957, lúc chưa xuất gia đầu Phật, Sư có người thân qua đời trong thời chiến tranh Việt Pháp đươc chôn cất nhờ ở phần đất ở địa phương khác huyện (quận). Khi đi lấy cốt cải táng về đất nhà, Bà Cô Năm căn dặn phải lấy cốt cho đủ, đừng để thiếu một lóng tay, một cái răng cũng không nên “Ông Bà về đòi, mắc công đi lấy cốt lần thứ hai nghe các con...”. Các Bạn có thấy không, tuy chuyện cách đây 60 năm nhưng cũng nói lên đạo đức của Ông Bà xưa thật “khó tánh” trong việc cải táng “lấy cốt”. Cái khó tánh của Ông Bà là đạo đức cơ bản của người đời đó các Bạn. Đạo lý gia đình đó còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay. Chỉ trừ những người con bất hiếu “đào mồ cuốc mả” Ông Bà bán đất nuôi thân là việc khác.
Việc hiến xác cũng không ảnh hưởng lớn đến “người tu Phật” tuy hầu hết của các tông phái Phật giáo quy định người mới qua đời, phải chờ đủ 8 tiếng đồng hồ sau mới được “đụng chạm”,“tắm rửa” và làm tất cả mọi việc đến nhập quan ...Tuy nhiên theo Phật giáo, việc lấy cốt trên là việc bình thường. Căn cứ Kinh Phổ Hiền, Kinh Pháp Hoa, quý Thầy Cô lúc nào cũng khuyến tấn người Phật tử phát bồ đề tâm hưởng ứng chương trình hiến xác. Người chết, mọi thủ tục đối với người hiến xác phải được thực hiện theo đúng nghi lễ của nhà Thiền và quy chế đăng ký hiến xác với bệnh viện. Có thể sau phần nghi lễ cũng đã qua 8 tiếng đồng hồ, nên việc đem xác vào bệnh viện theo tâm nguyện của người hiến xác không có gì phải trở ngại.
Quan tâm đến người mới chết là việc của lễ nghi khuôn thước nhà Phật. Người tu đắc đạo viên tịch, người phàm phu qua đời cho đến khi nhập quan là việc được quan tâm xưa nay, nhưng dường như chúng ta lơ là với người sống?. Theo giáo pháp nhà Phật, trong hai lẽ vô thường “nhứt kỳ vô thường” và “sát na vô thường”, chúng ta chỉ quan tâm đến người chết trong “nhứt kỳ vô thường”, từ khi sanh ra đến tuổi già rồi chết. Còn lại “sát na vô thường” chết đi rồi sống lại “trong một niệm”, xưa nay chúng ta ít hoặc không bàn?
Việc hiến xác, hiến tạng là việc làm của người phát tâm Bồ Tát. Khi đã phát nguyện làm việc cứu người thì dù có tổn hại bản thân bao nhiêu cũng phải hiến thân, như ngài Quang Mục Bồ Tát đi vào địa ngục cứu Mẹ. Việc hiến thân cứu người không nên nghi ngờ, không bàn đến việc đắc đạo hay không đắc đạo, chánh niệm hay không chánh niệm, đau đớn hay không đau đớn. Cứu người như cứu lửa mà còn “nghi” là trở ngại lớn của Bồ Tát
Tai Đồng Nai, Tổ đình Long Thiền có ĐĐ Thích Thiện Nguyện là vị Giảng sư của Tĩnh hội Phật giáo đã phát tâm hiến xác sau khi viên tịch. Ngoài ra Thầy còn vận động trong bà con, Tăng Ni, Phật tử cũng phát tâm hiến xác cho y học nghiên cứu trị bệnh cứu lê dân bá tánh.
Hiến tạng
Hiến tạng có 2 cách hiến: một là hiến lúc còn sống, hai là hiến tạng lúc mới chết. Tuy nhiên nghe đến hiến tạng, mọi người sợ, có người sẽ nghĩ ngay đến những kỷ nghệ bất thiện của một số quốc gia, mua bán tạng người sống, lạnh người với những việc làm bất thiện đó!
Tại Việt Nam người khởi tâm hiến tạng là Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y Tế nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bà đã có tham khảo quý vị chức sắc tôn giáo Phật giáo và Công giáo thì đây là việc làm phước đức chứa đựng lòng hy sinh cao cả của con người và chính Bà là người đầu tiên đăng ký hiến tạng để cứu người hồi năm 2013. Hiện nay Bà là Chủ tịch phong trào Hiến tạng Ghép tạng và đã có thêm một vị nguyện hiến tạng nữa là Bà Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam. (tư liệu báo Người Lao Động, Y hoc Việt Nam và Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến)
Sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 01 ca ghép tụy và 1.400 ca ghép giác mạc. Hiện còn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi; hơn 6.000 người mù chờ ghép giác mạc. Tại bệnh viện Việt Đức, Tp.Hà Nội mỗi năm có 1.000 ca chết vì bại não. Trung tâm điều phối từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó có 13 người đăng ký hiến sống ( tư liệu báo Người Lao Động, Y hoc Việt Nam và Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến)
Ảnh hưởng giới luật Phật?
Giới không cho Tăng Ni, Phật tử phạm giới luật, như việc hiến tạng phạm vào giới sát. Tuy nhiên để cứu người, ở một mặc khác giới có “khai, giá, trì phạm”: khai là mở cho làm mới giữ giới, giá là ngăn không cho phạm giới, trì là giữ giới, phạm là vi phạm điều giới.
Giới có ”chỉ trì, tác phạm và tác trì chỉ phạm”
Chỉ trì là nói về phương diện các điều ác, quyết giữ gìn không gây tội lỗi.
Tác phạm là nói về phương diện các điều ác, đáng lẽ phải giữ gìn, mà lại không giữ được, cho nên phải phạm giới.
Tác trì là nói về phương diện các điều thiện, cần phải làm, không làm là phạm giới.
Chỉ phạm là nói về phương diện các điều thiện, nếu đình chỉ không làm, là phạm giới. (Phật Học Phổ Thông - bài thứ 6, nói về Luật tông, tác giả HT Thích Thiện Hoa)
Khai giới là mở cho làm, khai giới sát hiến tạng cứu người thì gọi là giữ giới (tác trì). Ví dụ: Trong Kinh Kim Cang bát nhã có nhắc đến câu chuyện vị đạo sĩ đang tu giữa rừng, thọat có con thỏ chạy ngang và trốn mất. Vua Ca Lợi Vương đi săn đang rượt thỏ, đến gần đạo sĩ hỏi: đạo sĩ có thấy con thỏ chạy ngang qua đây không? Đạo sĩ chờ cho Nhà Vua hỏi ba lần mới trả lời: dạ không thấy! Đạo sĩ thấy mà nói không thấy, dùng cách “nói láo” nầy để cho thỏ chạy xa khỏi bị bắt. Đạo sĩ “nói láo” cứu thỏ. Như vậy “nói láo” nầy không phạm giới.
Trường hợp hiến thân, hiến xác, hiến tạng đã có đăng ký hợp pháp đôi bên thỏa thuận với tổ chức, được pháp luật và ngành y chấp thuận. Đến lúc người hiến có Bác sĩ xem chừng vài giờ nữa là chết, hoặc người mới chết đem hiến tạng sẽ không phạm quy, phạm giới sát, nếu sợ phạm giới sát mà không cứu người gọi là chỉ phạm
Giá giới là ngăn cấm không cho phạm giới, không cho làm việc “không cứu người”, làm việc “không cứu người” tức là phạm giới. Như Giới cho phép hiến tạng cứu người, hiến tạng cứu người là giữ giới, không hiến tạng cứu người là phạm vào giới “thấy chúng sanh sắp chết mà không cứu” (chỉ phạm)
Ngài A Dật Đa là tiền thân của ngài Di Lặc, thời gian đang tu hành Bồ Tát, nhằm vào lúc không ai cúng dường lương thực, có người thợ săn đem cúng cho ngài con thỏ có chữa để dùng bữa qua ngày. Ngài A Dật Đa phát nguyện thà chết đói chứ không ăm thịt “thỏ mẹ thỏ con”. Nghĩ thế, Ngài liền nhảy vào hầm lửa đốt thân (khai giới sát) để giữ tròn khi tiết người tu và cứu sống “ thỏ mẹ, thỏ con”.(Kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật). Bài pháp nầy là chuyện ngụ ngôn, khuyến tấn cứu chúng sanh, làm việc thiện, chứ không khuyến mọi người tự thiêu. Theo luật giới của nhà Phật và pháp luật Nhà Nước tuyệt đối không cho phép.
Việc hiền xác, hiến tạng đối với thế gian, đối với cá nhân một mạnh thường quân hay Phật tử nếu đã được pháp luật, tổ chức và ngành y cho phép chấp thuận, có sự thỏa hiệp giữa người hiến và bệnh viện là việc làm giàu lòng nhân ái rất cao quý đáng trân trọng. Đối với Phật giáo là việc làm của Bồ Tát cứu nhân độ thế như hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Dược Sư...
Ngài Bồ Tát Phổ Hiền có lời nguyện:”Tam giả quảng tu cúng dường”. Là phát nguyện hiến thân mình cho cuộc đời, dù trải qua những gian lao thử thách vẫn không tiếc thân mạng để cứu chúng sanh là cúng dường chư Phật.
Làm con Phật cứu chúng sanh
Phải có trí tuệ mới thành mới nên
Công cha nghĩa mẹ chưa đền
Không nên làm việc khổ tâm Ông Bà
Bồ Tát độ tận bá gia
Hiến xác, hiến máu chỉ là một thôi
Hiến tạng là hạnh tuyệt vời
Phải có pháp luật của đời mới xong
Bồ Tát lực dụng làm nền
Không có trí lực, uổng công phát nguyền
Làm đạo Bồ Tát phải chuyên
Thí thân thí pháp như tiền Phật thân
Giúp người thì phải ân cần
Sá gì đau đớn, chẳng màn nghiệp duyên
Người tu kỹ lúc lâm chung
Nhưng vì phát nguyện thí thân chẳng màn
Hiến tạng là giống Tây phang
Công lao hiến đó niết bàn là đây
Đã hy sinh phải đong đầy?
Nghĩ suy nghĩ mãi chẳng làm được đâu?
Hiến tạng đạo lý nhiệm mầu
Thật đáng trân trọng cao sâu giữa đời
Đã hiến thì đừng sợ đau?
Sợ mất chánh niệm làm sao cứu người?
Người tu cũng như người đời
Đã khởi tâm nguyện thì đừng ngại chi
Hiến tạng giữ giới đại thừa
Còn giữ giới tiểu thì chưa dám làm
Hiến tạng cứu giúp chúng sanh
Nhưng phải thõa thuận với ngành y vương
Đừng làm việc hiến đơn phương
Suy cho thật kỹ cúng dường chúng sanh
Có thêm pháp luật mới thành
Người hiến tạng báu mới sanh pháp lành
HT Thích Giác Quang