VẤN: Công án thiền nghĩa là gì? Việc tu thiền có phải là tâm truyền tâm vậy là tu theo Mật giáo hay hiển giáo? Một người tu thiền đúng nghĩa nên cần những điều kiện gì? Trong tất cả các phương pháp tu thiền, cách nào là dễ tu và phù hợp với căn cơ của những Phật tử thường làm việc bận rộn như chúng con? Các phương cách tu như thiền ăn, thiền ngủ, thiền nói chuyện, v.v thực hành trong tư thế di động vậy có phải là tu thiền không? Người tu thiền và có thể xuất hồn, xem tướng số căn cơ có phải là cấp bậc cao của người tu thiền và là dấu hiệu nhận biết sự chứng ngộ không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:
I .
Công án

Nói đến công án là nói đến Thiền, trong nhà Thiền, các Thiền viện, các Thiền sư đắc đạo thường “khởi” câu hỏi xuất phát từ tâm, hoặc dùng câu kinh hỏi vặn các Thiền sinh, các Thiền sinh có trí tuệ lợi căn sẽ đáp ngay và được Thiền sư ấn khả là pháp khí Phật pháp có đủ khả năng truyền thừa. Những vị độn căn kém tu, kém trí tuệ không đáp được tiếp tục “khán công án” một thời gian nữa mới có năng lực hành đạo.

Công án trong triều đình

“Công” là việc làm. “Án” là cái án lệ do các quan phán việc “phải” việc “trái” chốn công đường. Một văn bản có nội dung là một sự kiện, một thông cáo chính thức của Chính phủ, nó phải được mọi người tôn trọng, thực hiện, theo đó mà làm không được chống đối, hoặc ai xâm phạm (Phật Quang Đại Tự Điển - Thích Quảng Độ dịch)

Công án thiền

Thiền tông ghi chép lời nói và những việc làm, lời dạy của các bậc cao tăng qua các đời để làm kim chỉ nam cho người tu Thiền, lâu ngày đã trở thành một án thi, văn, bài kinh ngắn để các Thiền sinh tham cứu học hỏi, hoặc là bài minh treo bên phải của chỗ Thiền sinh ngồi để đọc đi đọc lại nhiều lần. Loại ngôn lục, bài viết nầy có thể mở mang tư tưởng, giúp người nghiên cứu, đồng thời là phép tắc để hậu duệ nhiều đời sau nương tựa, học hỏi., những lời khẩu khuyết chơn truyền của Thầy Tổ gọi là “Công án”
“Công án” như là một pháp khí Phật Pháp, là gươm huệ, chặt đứt các sân si phiền não, phá tàn màn vô minh mê muội của chúng sanh. “Công án” được khởi xướng từ đời Đường (618-907), đến đời Tống (960-1279) thì rất thịnh hành (Phật Quang Đại Tự Điển - Thích Quảng Độ dịch). Thông thường tổng số công án của Tổ sư được kết thành sách vở thi, văn là một nghìn bảy trăm tắc, nhưng thực tế thì người xưa để lại chưa đủ con số một nghìn bảy trăm, mà được dùng một cách phổ biến thì chỉ độ năm sáu trăm bài tắc mà thôi. Ngoài ra, hoặc là trùng lắp, hoặc chỉ có ít giá trị tham cứu. Lúc đầu Thiền tông chỉ có ngữ lục là lời dạy của Tổ sư chốn thiền môn, cũng có thể là lời dạy đơn phương hay giáo chúng được kết thành sách, rất quý như kinh Phật. 

Ví dụ:

Như sách Thiền Lâm Bảo Huấn (của đại sư Tịnh Thiên, HT Thích Thanh Kiểm biên dịch), Quy Sơn Cảnh Sách (Tổ sư Quy Sơn giáo chúng), Sách Ngữ Lục (của Tuệ Trung thượng sĩ, thời nhà Trần)
Một lời khuyến giáo

Ngẫu Ích Đại Sư bảo: 'Một câu Phật hiệu nếu niệm cho thuần thục, thì ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, bao nhiêu công án của Thiền Tông và đạo lý cực tắc của Giáo môn đều ở trong đó. (Tịnh Độ Thập Nghi Luận - bản dịch HT Thích Trí Tịnh)

Hoặc bài thi kệ
Bao nhiêu sông nước bao trăng hiện
Mấy dặm mây tan mấy dặm trời
(Thiền sư Khuyết Danh)
Chuỗii lần trăm tám chẳng đuôi đầu
Mỗi niệm tinh minh mỗi hạt châu
Sáu chữ mở toang vô tận tạng
Như như buông thả lại hồi thâu
(Tiến sĩ cư sĩ Bành Triệu Thăng)


Hiện nay sách ngữ lục mỗi ngày một nhiều, nên các ngữ lục mời được lựa chọn và biên tập thành công án Công án như là một đoạn kinh”, “một kinh nghiệm giác ngộ”, “một câu chuyện về một vị sư”, “một cuộc đàm thoại”,”một cuộc đối đáp ngẫu hứng”. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vũ trụ và nhân sinh. Đặc trưng của công án là thường nghịch lý, (nằm ngoài phạm vi của lý luận). Công án không phải là "câu đố" thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lý luận. Muốn hiểu nó phải dày công tu hành, có trình độ nhận thức về quá trình tu chứng thực thụ của chính bản thân Thiền sinh, vượt khỏi lý luận nhị nguyên, có không, phải quấy tốt xấu, có trình độ tầm sát nội tại vững vàng.

II .
Thiền tông thuộc Hiển hay Mật?

Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Có hai pháp Thiền: một là Thiền đốn ngộ (công án trực chỉ) hai là Thiền tiệm tiến, là Thiền (tu từ thấp lên cao)

Thiền đốn ngộ là pháp tu chủ yếu khuyên hành giả tọa thiền để kiến tánh, được coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Đối với những Thiền sư là bậc có kiến thức cao viễn, trí tuệ tuyệt vời, nghiệp dứt tình không, xả bỏ những tiền tài danh vọng để bước vào Thiền, phá bỏ hết những lệ ước của thế gian.

Thiền đốn ngộ có tư tưởng luôn trái nghịch với những ý tưởng thông thường của thế gian, nhưng cũng không phế bỏ việc độ đời của nhà Phật. Các bậc Thiền sư đã nghiệp dứt tình không, tĩnh lặng trong muôn sự, tĩnh thức trong phiền não. 

  

Pháp tu nầy Đức Phật đã áp dụng ngay từ đầu trên đỉnh Linh Thứu Sơn, trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma ha ca diếp, một đại đệ tử, mỉm cười lãnh hội ý chỉ của cách "Dĩ tâm truyền tâm". Phật Thích ca ấn chứng cho Ca Diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Đốn ngộ, nghĩa là "giác ngộ ngay tức khắc", trên con đường tu học.
Đối đáp thành câu chuyện

* Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đem giáo pháp Phật truyền sang Trung quốc vào thời nhà Lương thế kỷ thứ VI (520). Lúc bấy giờ có gặp vua Lương Võ Đế tại Nam Kinh, gặp Tổ sư vua hỏi:”Trẩm xây chùa giúp cho Tăng Ni có nơi tu hành, có nơi cho tín đồ chiêm bái, có công đức nhiều chăng? Tổ sư trả lời “không có công đức”! Vì sao vì đối với thế gian có công đức to lớn, nhưng đối với đạo thi chẳng là gì...Lời đối đáp như vậy phân thành 2 pháp tu: một là đốn tu “không có công đức”, hai là tiệm tu “có công đức”, hai pháp đốn và tiệm trở thành bài kinh giúp cho hậu côn “tham cứu” tu học (Bách khoa toàn thư - tiểu sử Bồ Đề Đạt Ma)

* Một chú Sa di đi hành cước lỡ đường, ghé lại một chùa xin nghỉ qua đêm. Hòa Thượng Trụ trì đồng ý cho người đem cơm đãi cho chú, lo dọn phòng cho chú nghỉ. Đến giờ công phu khuya, Hòa Thượng thức dậy công phu, chú Sa di vẫn ngủ tỉnh bơ. Sau khi công phu xong Hòa Thượng quở:”chú Sa di tu hành nghe chuông đổ mà không thức dậy công phu, chết thành rắn. Chú Sa di trả lời:”con nằm ngủ chết thành rắn, Hòa Thượng “ngồi chết thành con cóc”. Hòa Thượng nghe nói rất bực và hỏi: chú là đệ tử của ai? - Bạch ngài con là đệ tử của Lâm tế Nghĩa Huyền. Hòa Thượng: “thảo nào”!
Những nét đặc trưng của Thiền tông từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa có thể tóm tắt được như sau:
Truyền giáo pháp ngoài kinh điển,
Không lập văn tự,
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành phật

Thiền tiệm tu 

Pháp Thiền ngày nay được phổ cập trên thế giới giúp cho Tăng Ni, Phật tử có chổ nương tựa về tâm linh. Thiền rất nhạy cảm dễ dàng hội nhập trong những công việc hằng ngày của những người tu học
Thiền tiệm tu dành cho những người mới nhập tu, căn khí chậm lục, gia duyên bận buộc, còn hội nhập vào dòng đời nhưng phát tâm tu hành, những Cư sĩ phát tâm học Thiền
Thiền tiệm tu là hành trình tu chứng từ thấp lên cao, rất chuẩn mực, đặc biệt dành cho các bậc xuất gia, các Thiền sinh, các tín đồ thực tập theo thời dụng biểu. Điển hình như: Thiền tứ niệm xứ, Thiền chỉ quán, quán đề mục đất, nước, Thiền ngũ đình tâm quán: Quán sổ tức, Quán Bất tịnh, Quán từ bi, Quán Nhơn Duyên, Quán Giới phân biệt. Các tầng thiền trong các cõi dục, sắc, vô sắc giới. Người tu thiền từ thấp lên cao cũng tiến đến chứng đạo, nhưng chứng đắc từ từ,

Công án đâu tiên “tâm truyền tâm”?
Một vị Tổ sư trước khi tịch không có dự kiến giao vật chất cho ai cả, mà chỉ tìm người giao Phật pháp, vì chỉ có “tâm quyết người đệ tử nào với tâm quyết Thầy là một”, Thầy mới giao Phật pháp mà thôi. Sau đó mới tính chuyện giao “chùa”.

Tâm truyền tâm có nghĩa là không nói chuyện với nhau bằng lời nói, mà nói chuyện bằng tâm. Lần đầu tiên, Đức Phật nhận được sự cúng dường từ 2 vị Cư sĩ thương buôn trên con đường tơ lụa mấy cành hoa sen. Sau khi độ ngọ xong, Phật cầm mầy cành hoa sen đưa lên và không nói, không hỏi gì. Đại chúng nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu Phật muốn nói gì; riêng chỉ có Ca Diếp mĩm cười, thâm thấu được ý Phật, đây là “chánh pháp nhãn tạng”. Câu chuyện “Phật đưa cành hoa sen lên không nói gì, Ca Diếp mĩm cười”, gọi là “niêm hoa vi tiếu”. Đó là “công án” Thiền đầu tiên trong giáo pháp của Phật!

Do “công án” trên, chúng ta có thể thấy Thiền thuộc “tâm truyền tâm”. Đạt Ma Tổ sư nói chuyện với Thần Quang bằng tâm, giữa “chủ” và “khách” nói với nhau bằng tâm, vượt qua sách vở, đả phá hình thức tu. Theo nghĩa rộng cũng có nghĩa là cuộc nói chuyện giữa những người hiểu biết lẫn nhau.
Thần Quang đến cầu pháp Bồ Đề Đạt Ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết băng đóng lạnh nhiều ngày lên tới gối. Để chứng minh tâm của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ Đề Đạt Ma và sau đó được nhận là môn đệ. Công án thứ 41 trong “Vô môn quan” có ghi lại cuộc đối đáp đầu tiên giữa Bồ Đề Đạt Ma và Thần Quang

Bồ Đề Đạt Ma sau khi không độ được Lương Võ Đế vào núi Tung Sơn ngồi nhìn vách tường “cửu niên diện bích”. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói: "Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con."

Đạt Ma bảo: "Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho."
Sư đáp: "Con không thấy tâm đâu cả."
Đạt Ma đáp: "Ta đã an tâm cho con."
Sau sáu năm tu tập dưới sự hướng dẫn của Bồ Đề Đạt Ma, Sư được ấn chứng, nhận y bát và trở thành Nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc (Bách khoa toàn thu - tiễu sử Thiền sư Thần Quang-Huệ Khả).

Tu Thiền mà đệ tử (khách) không hiểu ý của Tổ sư (chủ) thì coi như khách bị chủ trách mắng và mời ra khỏi pháp hội đó và phải tiếp tục tu thêm “khán công án”, khán cho đến khi nào hiểu được ý Tổ sư muốn nói gì, thì trở lại lãnh hội ý chỉ cho đến khi nào Tổ sư “gật đầu”. Lúc bấy giờ Thầy Trò “tâm tâm khế hiệp”, “hiệp nhất với nhau” nên gọi “tâm truyền tâm”, có thể đem Đạo của Tổ sư đi truyền bá như Lục Tổ Huệ Năng. Pháp môn tu “tâm truyền tâm” không có bóng dáng Hiển giáo hay Mật giáo. Chung quy “tâm truyền tâm”, tức là pháp đốn ngộ, y cứ lời Phật dạy, trao đổi với nhau bằng tâm, hiểu với nhau ý, thông với nhau lời. Tổ sư (chủ) nói người (khách) phải hiểu ngay tức khắc, nếu người không hiểu không nhạy bén tiếp nhận, tức là người học thiền không toàn tâm toàn ý, chưa buông bỏ ngã chấp, còn vướng bận nặng nề theo pháp chấp, tu hành chưa đến nơi đến chốn, không làm sao truyền “tâm ấn” cho người được là vậy!

III .
Điều kiện của người phát tâm tu thiền?

Điều cần yếu của người tu Thiền là dứt sạch các duyên, giảm lần sự giao tiếp với ngọai nhân bạn bè người thân, nên kết bạn với bạn đồng tu, cùng chí hướng, cùng hạnh nguyện, cần làm lại những hành vi đi đứng nằm ngồi có khuôn thước, nhạy cảm theo tuổi thời gian.

Khi tìm được Thầy truyền dạy Thiền cho rồi thì một lòng tinh chuyên, hằng ngày giữ niệm không sanh, không sanh khởi những cử chỉ hành động theo thế gian, đình chỉ những tâm niện tán lọan nên không cần phải diệt, tức là thấy Phật tánh hiển lộ. Chuyện đời, chuyện của gia đình là đa đoan vạn sự, vạn sự tức là duyên, như chuyện gia đình, giao tế cưới hỏi, thôi nôi đầy tháng cho con cháu, lo việc ăn mặc ở bệnh, còn biết bao nhiêu duyên trần mà suốt trong 24 tiếng đồng hồ đến trao đổi với ta không bao giờ ngừng nghỉ. Phật tử phát tâm tu thiền, trước nhất là phát đại nguyện, buông bỏ các phan duyên, giảm lần ý thức do ngọai cảnh, duyên trần chi phối, những tùy phiền não vốn không có, nay có do duyên trần, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bớt phan duyên với ngọai cảnh.

Giữ giới tinh nghiêm, dứt sạch lần các phan duyên, tức là dứt trừ duyên vọng niệm, duyên dứt sạch thì vọng niệm không do đâu mà sanh khởi. Đây là điều kiện tiên quyết để hành giả Thiền thấy tánh đắc đạo. Nếu điều kiện tiên quyết này không chuyên chú thực hành, thì không những tham thiền không được kết quả gì, mà cả đến vào cửa thiền cũng vẫn còn chưa đủ tư cách nữa thay, huống hồ là chuyện minh tâm kiến tánh! 

Phan duyên còn dính mắc là còn trói buộc, tức là còn ái dục, tham sân si, tài sắc danh thực thùy còn chứa đựng đầy tâm, thì tâm niệm còn loạn động sanh diệt dập dồn, vật chất dẫy đầy cao hơn núi tu di, thế sự đa đoan địa vị tước quyền đường công danh chưa thỏa mãn, gia cang sự nghiệp còn lôi kéo mãi, thế thì còn đâu rảnh tâm để nói đến tham thiền

Thiền có nhiều cách tu, rất thuận duyên cho cư sĩ tu hành, trong thiền tứ niệm xứ, là cấp thiền dành cho người xuất gia cao kiến theo Phật Tổ tu hành. Tuy nhiên cũng có pháp tu dành cho Phật tử là thiền quán hơi thở ra vào hằng ngày có thể thực tập vừa tĩnh tâm, vừa có sức khỏe, vừa chặn đứng các phan duyên pháp bất thiện phát sanh.

* Quán sổ tức là pháp tu phổ thông trong giới cư sĩ:

Cách tu gồm có 3 giai đoạn:
1/. Điều thân

Những điều cần tư lương trước khi vào thiền quán sổ tức: có 9 việc mà người tu Thiền phải chuẩn bị chu đáo, như - Thức ăn đơn giản - Áo mặc rộng rãi – chỗ ở thoáng mát vắng vẻ - tự ấn định thời giờ tu - nơi tắm rửa cho phù hợp - học cách thức ngồi bán già, kiết già - tư thế lưng thẳng - tư thế hai tay kiết ấn tam muội - cổ thẳng và đầu hơi cúi, tư thế ngồi thật vững vàng như đảnh đồng ba chân không ngã bất cứ hướng nào.

2/. Điều tức

Hành giả đếm hơi thở, trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những nặng nề trong người đều tuôn ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí của thiên nhiên. .
Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "Những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hời thở thấm vào bủa khắp thân tâm". 

Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, nhẹ nhàng. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thanh thảng. 

* Ðếm lẻ: Thở ra đếm một, hít vô đếm hai, thở ra đếm ba, đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ.
* Ðếm chẵn: Thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười lại, mãi như thế cho đến nghỉ. 

* Ðếm thuận: Đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được.

* Ðếm nghịch: Cũng dùng hai cách trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một.
Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.

3/. Điều tâm:

Trước khi tọa thiền, hành giả có phát tâm khởi niệm tu thiền định là pháp tu phù hợp với bản thân. Ở giai đọan thứ ba nầy là điều tâm. Điều tâm là pháp môn tu chủ chánh, tâm trí chuyên hướng về một chổ, không phóng túng theo ngọai cảnh, dù đó là pháp thiện hay bất thiện, kiểm soát những hành vi tế nhị của thân khẩu ý. Tu pháp quán Sổ tức này tiện lợi cho Phật tử tại gia, không phải rườm rà với pháp tu. Quán sổ tức làm cho tâm hết tán loạn, trí huệ phát sanh và trở lại với bản tâm thanh tịnh.

Các phương cách tu như thiền ăn, thiền ngủ, thiền nói chuyện, v.v thực hành trong tư thế di động vậy có phải là tu thiền không?

Thiền dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tĩnh Lự, Tĩnh là không có vọng niệm, Lự cũng chẳng phải là vô niệm. Chẳng phải hữu niệm, chẳng phải vô niệm. Chẳng phải hữu niệm là không có hết thảy vọng niệm. Như vậy chúng ta có thể hiều về Thiền tức là yên lặng tất cả vọng niệm. Vọng niệm không phải là không có, nhưng tâm hành giả yên lặng tất cả vọng niệm, nên gọi là Thiền tĩnh lự.

Thiền trong tất cả việc làm
Theo ý nghĩa của Thiền như trên, chúng ta thấy Thiền là yên lặng, người tu Thiền luôn có sự tĩnh tâm trong tất cả việc làm hằng ngày, như: ngồi văn phòng, học tập, lái xe, nấu ăn, tắm rửa, ngũ nghỉ, nói chuyện...đều tĩnh lặng chính đó là Thiền. Người tu Thiền không nên làm việc tạp vụ trong lúc tinh tấn, trở thành thói quen xấu khó điều chỉnh. Nghĩa là Bạn không có tư tưởng vừa tu Thiền vừa lái xe, vừa tu thiền vừa ăn cơm, vừa tu thiền vừa làm mọi việc...mà Bạn quán chiếu công việc lái xe, ăm cơm, học tập, làm việc văn phòng, nấu ăn, tắm rửa... chính đó là Thiền

Cần có thời gian tọa thiền

Tuy nhiên, khi đã phát nguyện tu Thiền, hằng ngày Bạn phải sắp xếp thời dụng biểu làm việc trong gia đình, dành một thời gian nhất định, chẳng hạn như vào lúc 21 giờ Bạn trích thời gian 30 phút dành cho “thời tu tọa thiền”, như đã có hướng dẫn tọa thiền ở bài trước. Chỉ có tu thiền thì định lực mới sanh, định lực không sanh thì không thể diệt được vọng niệm ngàn đời.

Vọng niệm không diệt thì muốn được kiến tánh thành Phật càng khó. Tuy là tu tại gia, nhưng người tu Thiền phải lập chí lớn như Phật Thích Ca sáu năm tu khổ hạnh chốn rừng già, chim cáp làm ổ trên đầu không hay biết, không động niệm ngã nhân, cỏ tranh mọc xuyên đùi không đau đớn không hay biết. Người có chí tu Thiền thì xem thân như cây khô, tâm như tro tàn, quên đi chân tay rời rã, quyết chí đuổi thông minh cho đi mất bên kia thế giới, xa lìa ngu trí trả lại cho cuộc đời những khôn lanh bướng bỉnh, thì mới mong hả dạ chí bình sanh, an tọa chốn Thiền.

Ban ơi, Bạn đã hiểu cảnh giới tu Thiền như thế nào rồi phải không, chính đó là pháp môn Thiền của Phật Thích Ca mà bạn có thể phát tâm tu học đó. Còn ngoài ra, Sư cân nhắc lần thứ ba, không nên tập tành những pháp Thiền không phải của Phật nhé.

Việc xuất hồn, xem tướng bằng Thiền định,

Việc xuất hồn, là pháp tu của Pháp Luân Chiếu Minh, do Cụ Đổ Thuần Hậu (Ông Tư) sáng lập
Trích một đoạn sách của Cụ nói về pháp soi hồn như sau:” Hành giả làm pháp luân chiếu minh đều đặn thì lâu ngày, Vía sẽ bớt cực nhọc. Vía cai quản lục phủ ngũ tạng, Hồn phải cố gắng dùng pháp luân chiếu minh để tiếp ứng cho Vía được mạnh lên, nếu không, thần dân và quan chức có trách nhiệm trong cơ tạng đó sẽ bất phục tùng Vía. Chúng làm loạn là hư cái xác, Hồn sẽ chịu tội. Đó cũng là nhờ ý chí ý chí sáng suốt của Hồn cương quyết làm Soi Hồn để tự giải thoát mình ra khỏi con tim bằng thịt rồi lần mò lên Nê Hườn Cung tu luyện tiếp. Muốn lên tới đó, hành giả phải có dũng chí mãnh liệt, trước khi bước vào Cửu Trùng Đài hành giả phải qua Quỷ Môn Quan. Phải qua một trận thử lửa. Qua được rồi thì không còn sợ ma quỷ nữa. Nhiều người rất sợ ma quỷ nhưng cố Soi Hồn một thời gian thì sẽ hết hồi nào không hay. Mình sợ tại vì vạn linh tại Hạ Giới nó bao vây hiếp đáp cả Vía lẫn Hồn tại Trung Giới, cho nên hành giả phải cố gắng, trì chí, một mặt phải pháp luân chiếu minh để Vía được phục hồi pháp lực, rồi Soi Hồn cho điển Hồn thoát khỏi con tim, về ngự lại ngai vàng nắm lại chủ quyền tại Nê Hườn Cung. Giải vây cho Hồn rồi nó mới giúp Vía bình định Hạ Giới, Hồn Vía tương ngộ rất là đẹp. Nên chấm dứt rước thịt động vật vào cơ thể; đừng cho thứ dữ nhập cảnh thì xã hội không mất an ninh...”

Ông Lương Sĩ Hằng (Ông Tám) 

Chúng ta sẽ nghe Cụ Lương Sĩ Hằng (Ông Tám) là đệ tử của Cụ Đổ Thuần Hậu (Ông Tư):” trình bày về ý tưởng tu Thiền theo Pháp luân chiếu minh như sau: "Ở đời này, tiền - tình - duyên - nghiệp đủ đắng cay trong cuộc đời đầy đủ sự kích thích cần gì phải tu. Nhưng mà tu có hữu ích gì ! Tu là phải thiền chứ tu không có dùng cái miệng lý thuyết mà không sửa tâm thân. Tâm thân của chúng ta bị nghiệp lực lôi cuốn từ nhiều kiếp. Bây giờ cần phải thiền nó mới thanh nhẹ. Thanh nhẹ chừng nào mới giải được trược khí. Mắt sáng, mặt tươi vui khoẻ nhưng mà cần cái pháp “khử trược lưu thanh”. Lấy cái gì giải cái trược? Lấy nguyên khí của trời đất mới giải được trược.” (Lương Sĩ Hằng)

Quý Cụ trình bày quan điểm của Kinh A Di Đà như sau: "Tu hành là luyện đạo, trau dồi sửa đổi nền móng cho sáng suốt thông minh hiền từ như trước, gọi là Chơn Như. Nhờ có 6 chữ Di Đà chuyên môn của Phật Ngài, là một vị thuốc trường sanh, dắt linh hồn chúng ta về thiên đàng cảnh cũ. Ta muốn theo gót Phật, làm Tiên làm Phật thì phải ráng luyện đạo, hành đạo cho mềm dẻo bền bỉ mới sáng suốt nơi thiên đàng." (Đỗ Thuần Hậu)

Nói về tình thương cha me: “ ... Tình thương của người mẹ hiền và của người cha yêu quý đều là vô cùng tận. Nó cũng là một tia sáng hào quang xoay chuyển trong cơ tiến hóa không ngừng nghỉ, ý nghĩa tràn đầy tình thương và đạo đức. Nghe qua những lời này sẽ rõ sự sai lầm của chính mình và sẽ tự đóng góp một phần tốt đẹp cho chúng sanh sau khi thức tâm." (Lương Sĩ Hằng)

Xem ra phép tu Thiền “Pháp luân chiếu minh” không do Phật dạy, các pháp học, pháp Thiền của “Pháp luân chiếu minh” là do Cụ Đổ Thuần Hậu phát minh từ năm 1948 và cùng với đệ tử là Cụ Lương Sĩ Hằng truyền bá từ năm 1968 đến nay. Các pháp của quý Cụ có giá trị thiêng liêng của pháp giới và tín đồ “Pháp luân chiếu minh”, không thể đem giáo lý của “Pháp luân chiếu minh” soi hồn, xuất hồn dành cho Phật tử tu học, cảm thấy không phù hợp lắm! Do Phật tử đã quy y Tam Bảo, nên không tiếp tục phổ cập ở bài pháp nầy!

Hơn nữa phép xuất hồn, tiên tri, xem bói tướng, lộ nguyên hình những pháp tỏ vẻ ta đây có quyền năng định đọat cho con người, cho đời sống thế gian, xưng hô ta đây đắc đạo, thâm thấu thiên cơ, vũ trụ biết rõ lẽ vô vi huyền bí... tất cả thuộc về “đạo lạ” không nằm trong phạm vi chánh pháp của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trong kinh Trường A Hàm, Phật Thích Ca có huyền ký, giáo pháp của Ngài trụ thế 16.800.000 năm mới truyền trao lại cho Phật Di Lặc. Như vậy hiện nay giáo pháp của Phật mới tồn tại có 2560 năm, còn 16.797.440 năm nữa giáo pháp của Phật mới chấm dứt (Phật học tinh yếu của HT Thích Thiền Tâm -1965).. Trường hợp nếu có giáo lý nào ra đời mà không do Đức A Nan trùng tuyên lại với câu “ta nghe như vầy” thì không phải chánh pháp của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Trung Thiên Điều Ngự..

Thiền là pháp Phật ba đời
Lập thành công án từ thời Phật xưa
Công án tâm ấn thượng thừa
Tâm truyền dòng giống cũng vừa trau tâm
Tu Thiền giữa chốn thiền lâm
Tâm truyền cho khỏi mê lầm Thích Ca
Tu Thiền không phải mật gia
Cũng không hiển giáo mà là ấn tâm
Ấn tâm sau khỏi kiếm tầm
Một dòng một giống không lầm quỷ ma
Soi nẽo chánh tránh đường tà
Làm Phật tử như bách gia
Tu quán sổ tức khỏi tà kiến biên
Điều thân điều tức điều tâm
Thiền quán hơi thở ra vào định tâm
Căn cơ phù hợp xứng tầm
Hãy còn giao tế xa gần thôn lân
Đừng ham tu chín tầng thiền
Bạn cần hơi thở soi liền cội căn
Tham sân khỏi phải lằn nhằn
Lặng yên trong lọan tinh thần thế gian
Thiền trong đi đứng nằm ngồi
Ăn ngủ, nói chuyện, một lòng cũng xong
Thiền tâm, thiền lự, thiền na
Có nhiều tư thế ba la mật truyền
Tu Thiền tam nghiệp thật yên
Bước lần vào thánh điện tìm chủ nhân
Khách chủ một ý ân cần
Khách và chủ thể thật gần như nhau
Thong dong tự tại ra vào
Tâm vô quái ngại chứng mau niết bàn
Đừng theo thiền lạ ngoài tông
Xuất hồn không phải giống dòng thích Ca
Tiên tri, bốc phệ xem nhà
Không thuộc dòng dõi thiền na Phật nhà
Có gì mà thấp với cao
Tu Thiền mà thấy thấp cao thiền tà
Soi hồn thấy mặt bá gia
Ngụy biện xem gió trăng tà thâu đêm
Căn cơ ai nấy tự tìm
Tập thiền làm chủ cái tâm chính mình
Khai sáng Thiền phải cho minh
Không bị họai diệt không sanh không về
Đừng làm bá tánh đam mê
Làm cho bá tánh đam mê chẳng Thiền
Tu Thiền nói chuyện xuất hồn
Đó là không phải đạoThiền Bạn ơi
Thiền Phật không nói bằng lời
Thiền Phật tâm ấn tâm truyền tâm không
Thiền đó mới là giống dòng
Pháp thiền xưa mới cội tòng Thích Ca.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Công Án Thiền Là Gì? Có Phải Việc Xuất Hồn Khi Thiền Là Dấu Hiệu Của Sự Đắc Đạo?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com