Mùa Vu Lan thường gợn lên trong tôi hình ảnh của từng chòm mây mưng mưng nước, tưởng như chỉ cần đến vài cây sào nối nhau chạm vào hẳn sẽ bung ra muôn vàn nước mắt trần ai.
Thuở xưa ấy, mẹ thường đố lũ trẻ trong nhà: “Mưa xuống vườn, cây nào được mát đầu tiên?”. Cả lũ chúng tôi tranh nhau đáp: “Đó là cây cau!”. Rồi trẻ quê nắm đuôi áo nhau chơi rồng rắn lên mây chờ mưa xuống, đứng dưới gốc cau đợi khi nước đọng trên buồng lá nặng trĩu, trút ào xuống như ai cầm cả xô nước dội đầu mình thì cười giòn tan.
Vu Lan, tôi nao nao nhớ bến sông xưa, nơi cứ mỗi Rằm tháng Bảy ông nội tôi đều đáp thuyền buôn trở về. Đó là thời kỳ sung túc nhất của đại gia đình tôi. Trên chiếc thuyền đầy đủ người ăn kẻ ở, cửu vạn, tay chèo… hình ảnh người đàn ông cao gầy, khuôn mặt phảng chất ngang tàng, bụi bặm của ông nội đổ bóng xiên xiên trong nắng quái xế chiều. Một đám cháu lít nhít trên bờ đứng vẫy ông, ông xoa đầu từng đứa cho quà và đi thẳng về căn nhà ngói đỏ trải dài quyền uy như thủ phủ. Bên bể nước, tiếng lợn kêu eng éc báo trước bữa ăn đủ đầy mà miệng con trẻ sẽ bóng loáng mỡ dầu, miệng đàn ông phả men nồng rượu nếp. Mẹ tôi và các chị em dâu luôn tay nhặt rau, bày biện, chào ông một dạ hai vâng.
Trong nhà, chỉ duy nhất một người không ra bến sông ngóng ông, cũng không đứng bên bể nước chào ông, đó là bà nội. Bà điềm tĩnh, lặng lẽ trong tà áo nâu, kính cẩn trước ban thờ tổ tiên, trên tay giữ sẵn nén nhang chờ ông vào thắp lên để chào những người quá cố trong dòng tộc. Rồi một lần như thế, ông dẫn theo người đàn bà miền biển, người ấy đứng song song bên ông, bà nội trao thêm nén nhang cho người đàn bà ấy. Xong xuôi, ông tôi lại biền biện trên những chuyến thuyền bè ngược ngàn, xuôi bể đổi chác, bán mua. Bà hai đã luống tuổi nhưng mái tóc đen dày, làn da bánh mật căng mọng. Bà ở riêng một căn buồng nho nhỏ nhìn ra mấy gốc cau. Cho đến bây giờ, dù cố nhớ, tôi vẫn không sao nhặt được nỗi buồn trong mắt bà nội. Bà vẫn đi lại điềm tĩnh, khoan thai, vẫn một màu áo nâu nhuần nhị. Mỗi lần các anh họ tôi lấy liềm sắc buộc cây sào trẩy bồ kết cho phụ nữ trong nhà, bà tôi lại nhặt những chùm quả to, nguyên vẹn mang hong trước gốc cau cho người đàn bà trong căn buồng nhỏ.
Một ngày, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc tức tưởi, cả âm thanh đập phá từ buồng của bà hai. Bờ vai tròn lẳn của bà run run kề vào vai gầy bà nội. Bà hai nói, bà đã quá tin vào những lời hứa hẹn, để bây giờ chỉ biết mỏi mòn nhìn cau úa, trầu vàng. Thà rằng, người trong nhà, nhất là bà nội, cứ chửi rủa, hắt hủi có khi bà hai lại đỡ phần dằn vặt, buồn đau. Bà nội tôi an ủi bà hai hãy chờ đến Rằm tháng Bảy, ông tôi xa cách mấy cũng về. Mắt bà hai chợt lóe lên, vừa như ẩn giấu những tia chớp lửa, vừa đong đầy nước. Bà hai nghẹn ngào: “Ông ấy về thế là vì người âm, đâu phải bởi kẻ dương”. Rồi bà cắp áo ra đi, không bao giờ trở lại.
Ông tôi về, vẫn chiếc bóng đổ dài trên khoang thuyền một ngày mây trời mưng mưng nước. Lũ trẻ trong nhà đợi ông xoa đầu mà tuyệt nhiên không dám hé răng chuyện bà hai bỏ đi. Bà nội tôi vẫn đợi ông bên ban thờ tổ tiên với nén nhang trên tay. Khấn vái xong, ông nói với bà: “Người ta đến thế nào thì ra đi như thế”. Không gian im lặng, thâm u bao trùm khắp hiên nhà hắt ráng vàng tháng Bảy. Sau này, trong câu chuyện nói cùng những người con dâu, bà nội tôi nhủ rằng, bao năm tháng qua, bà quen với việc thỉnh thoảng ông lại đưa về một người đàn bà xa lạ, ông cũng quen dùng tiền bạc, của cải để mỗi lần đưa tay vẫy vẫy trên mạn thuyền lại có đàn bà theo… Sau cuối, có lẽ chỉ người đi là buồn, là khôn nguôi rấm rứt và tức tưởi.
Chiều nay, tháng Bảy, mây kéo về trùng trùng hệt từng đoàn kị mã. Tôi nao nao nhớ mùi nhang tỏa bay trong căn nhà ngói đỏ đổ dài, nhớ cả những chùm bồ kết bà nội tôi hong cho bà hai gội đầu mà thỉnh thoảng, đang dở tay têm trều, bà chợt ngước đôi mắt đục mờ nhìn trời lo cất vội những chùm quả khô kẻo “nước mắt trời” trút xuống. Lần lượt những mùa Vu Lan đã trôi qua, ông bà tôi bao năm rồi khuất núi. Ngày còn ở quê, mỗi lần ngồi bên hiên nhà cạnh hàng gạch rêu mòn, bên mâm xếp đầy quần áo giấy, bánh đa quế, bỏng, ổi, nhãn… thấm mùi khét ấm đốt mã, tôi tựa hồ nghe bao nhiêu bước chân đang bước tới và dừng lại nơi này. Cũng trong chính căn nhà một thời giàu sang, dư dả ấy, có những người đàn bà đã không đợi nổi thuyền ông tôi vào Rằm tháng Bảy.
Đôi khi, trên đường đời tấp nập, giữa phố thị phồn hoa, tôi hay tự hỏi lòng, những con người ấy, trong những ngày tháng ấy, họ đi về phương nào nào? Liệu rằng phương ấy có đủ đầy bao nhiêu khăn áo mới hay mịt mù mưa giông hoen ướt mắt người?
Nhà thơ Lữ Mai
Theo Gia đình và Xã hội