Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Câu ca dao cũng là lời ru của mẹ ngày xưa chợt vọng về, làm sống dậy biết bao hình ảnh được tích tụ trong tiềm thức của cô.

Chiều chiều - không phải chỉ có một buổi chiều nào đó mà có rất nhiều buổi chiều - như chiều nay chẳng hạn; Khi ánh mặt trời dần khuất sau những dãy lầu cao, mọi người vội vã trở về, sau một ngày bon chen trong cuộc sống, cô cũng len vào dòng xe cộ để trở về nhà. Trong căn nhà trống vắng chiều nay, lòng cô lại ngập tràn nỗi nhớ về mái nhà xưa, về người mẹ thân yêu - hơn mười năm trôi qua rồi còn gì!

Ngày ấy - Mẹ kể, Ngoại con về làm dâu trong một gia đình khá giả, nhưng bất phước ông ngoại con lại nghiện thuốc phiện. Suốt ngày ông chỉ có việc miệt mài bên bàn đèn hay đi chơi cùng bạn bè, không quan tâm gì đến gia đình. Và mẹ là nguồn an ủi duy nhất của ngoại. Lúc đó mẹ còn nhỏ dại, làm sao ngoại có thể chia sẻ với mẹ được những chất chứa trong lòng? Con biết không? Có những đêm khi làm xong công việc nhà, ngoại ngồi ôm mẹ lặng lẽ bên ánh đèn dầu lung linh… Lặng lẽ thở dài… Bất chợt những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên bàn tay bé xíu của mẹ. Giật mình, mẹ đưa hai tay ôm lấy khuôn mặt ngoại hỏi: "Mẹ ơi! Sao mẹ khóc? Ai bắt nạt mẹ vậy?" - Ngoại lắc đầu: "Không ai bắt nạt mẹ đâu. Con ngoan, để mẹ kể chuyện cổ tích cho con nghe nha". Và ngoại bắt đầu kể chuyện cho mẹ nghe. Những câu chuyện ngày xưa có Hoàng tử, Công chúa, có cô Tấm mồ côi nghèo khổ bị mẹ ghẻ bắt nạt nên được Bụt hiện ra giúp đỡ… Những câu chuyện thần tiên như vậy đã đưa mẹ vào giấc ngủ êm đềm, mẹ đâu biết rằng cuộc đời của ngoại đầy sóng gió truân chuyên!

Sức chịu đựng của con người có hạn, ngoại ngã bệnh mất sớm. Mấy năm sau vào một lần lên cơn nghiện, ông ngoại con đã dùng cây đinh dài đóng vào thái dương, đến khi mọi người phát hiện thì không còn cứu được nữa.

Thân gái bơ vơ đầy cơ cực giữa thị thành, mẹ gặp cha con là một thầy giáo nghèo. Mẹ theo cha con về dạy học ở một làng quê miền núi. Tưởng rằng hạnh phúc đơn sơ sẽ mỉm cười với gia đình chúng ta, nào ngờ tai nạn xảy đến mang cha con ra đi mãi mãi. Từ đó, một mình mẹ với bốn đứa con, bươn chãi giữa cuộc đời như đàn gà giữa trời giông bão. Mẹ tảo tần với đủ thứ việc để có thể nuôi các con. Vậy mà các con của mẹ vẫn không đủ no lòng, áo không đủ ấm thân. Mẹ nhớ, có lần con bưng chén cơm nhưng không chịu ăn, cứ trộn hoài rồi hỏi: - "Mẹ ơi! Cơm gì mà trắng như than vậy hở mẹ?"

- Ăn đi con, hồi sáng cây chuối sau nhà bị ngã, trái còn non nên mẹ gọt vỏ hấp cơm cho các con đó. Ngon lắm, ăn đi con - giọng mẹ dỗ dành.

Mẹ nghẹn ngào lời nói

Con nghẹn ngào chén cơm

Nhà nghèo đứt tay cam chịu

Tối lửa tắt đèn biết cậy ai hơn?

Nghiệp lực của mẹ không dừng ở đó, tiếp đến anh hai con mất tích khi ra trận. Nghe tin này mẹ như bị sét đánh ngang tai! Cái tin đã làm cho mẹ sững sờ, ngơ ngác cả thời gian dài. Mãi cho đến bây giờ, chưa ngày nào lòng mẹ cảm thấy được bình yên khi chưa biết xác anh con bị chôn vùi ở nơi nào?

Dẫu cho cuộc sống có khó khăn, mẹ vẫn một lòng vững tin nơi Pháp Phật nhiệm mầu. Mẹ nghĩ, nếu không nhờ ơn Phật từ bi cứu độ thì mẹ biết nương tựa vào đâu, nơi xứ núi đèo heo hút gió này?!

Con thấy đó, bao nhiêu nỗi khổ đau và những sự mất mát quá lớn cứ đổ ập lên đôi vai của mẹ. Mẹ quay quắt, chắt chiu, như gà mẹ xới tìm từng hạt thóc rơi để kiếm mồi nuôi con. Mẹ không còn nghĩ đến bản thân mà chỉ xót xa cho đôi tay mình quá yếu đuối, không đủ sức che chở cho đàn con thơ dại. Mẹ nói đùa: "Tại mẹ tuổi con gà, nên mẹ cũng cực như con gà mẹ vậy". Cả hai mẹ con cùng cười.

Cô chạnh nghĩ: Rồi thì các con của mẹ cũng lớn lên theo năm tháng, tản mát mưu sinh mỗi đứa một nơi, lâu lâu về thăm mẹ, rồi lại ra đi.. Đôi cánh gầy của gà mẹ không còn vươn lên được nữa! Cho đến một ngày, mẹ cô khép hẳn đôi mắt mòn mõi vì mãi chờ đợi ngóng trông đàn con viễn xứ.

Chiều nay, cô lại dõi mắt trông về chốn quê nhà xa xăm diệu vợi. Mặc cho những mái nhà cao che khuất, những dây điện chằng chịt dọc ngang, những mảng tường nham nhở của phố thị đông người, dường như nơi đâu cô cũng chỉ thấy cái dáng gầy của mẹ: Trên con đường làng, trên ruộng lúa lâm thâm mưa phùn hay khuất sau những hàng dừa nghiêng bóng trên bờ ao… Người ta đã chẳng từng ví mẹ là nải chuối, là buồng cau, là những gì giản đơn và sâu lắng nhất trong cuộc đời đó sao?

Mặt trời đã lặn, trên nền trời còn vương vất một ít ráng hồng, bên tai cô loáng thoáng đủ thứ thanh âm hỗn độn nhưng cô chẳng quan tâm. Cô lại nhớ đến dư vị mộc mạc của quê nhà:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè.

Hạnh phúc biết bao! Có những buổi chiều đi học về, cô được mẹ để dành cho chén cơm nguội mà tuổi thơ vô tình cô không để ý thấy rằng, mẹ chỉ lựa những lát khoai độn hay ăn những miếng cơm cháy với chén mắm mặn nuốt tê cả lưỡi. Tất cả mẹ đều nhường lại cho các con.

Cô thảng thốt kêu lên: "Ôi sao lại có những buổi chiều như vậy trong cuộc đời ta nhỉ?". Chiều hôm nay đâu phải là chiều hôm qua và cũng chẳng phải chiều của ngày mai?! Cái vòng tròn tưởng như bất tận ấy của kiếp người, xoay quanh đến bao giờ mới chấm dứt, khi dòng nghiệp thức cứ mãi chạy theo vô minh, dẫn đến nẻo sanh tử luân hồi?

Mẹ ơi! - Cô thì thầm: Con chắp tay cầu nguyện Đức Phật cho mẹ, cho con, cho tất cả mọi người còn bị nghiệp chướng trầm luân, sớm được thoát khỏi cái vòng tròn trong sáu nẽo quẩn quanh. Con mong cho mẹ con mình sẽ được gặp nhau, nhưng không phải gặp nhau trong vòng hệ lụy như ngoại, như mẹ, như con… đã gặp.

Boong… Boong… tiếng chuông từ ngôi chùa trong xóm vọng lên, thức tỉnh cô trở về thực tại. Phố đã lên đèn.

Phúc Châu 




Có phản hồi đến “Chiều Ơi”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com