Khi lớn lên mỗi người chúng ta ai cũng phải tự tìm học nghề để bảo đảm tương lai. Một việc làm cần thiết mà mọi người, mọi thời đại ở mọi quốc gia không thể làm sai khác được, nhất là đối với lớp tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. 

Cũng vậy, Hiếu cần phải học hỏi, trau dồi, áp dụng đúng cách thì không gian và thời gian tới nhiều thế hệ. Vì cần phải học hỏi, Hiếu cũng được quan niệm như một nghề tinh xảo từ đời ông sang đời cha, tới đời con cháu về sau. Những gương hiếu thảo ngàn xưa vẫn còn sáng ngời qua sử sách, đủ để chứng minh một cách cụ thể đức Hiếu không thể thiếu đối với xã hội văn minh tiến bộ loài người. Xã hội loài người càng văn minh, con người càng phải nghĩ tới Hiếu nhiều hơn thì cái văn minh ấy mới hàm dưỡng khía cạnh tinh thần - văn minh đạo đức - bằng ngược lại, là sự phá sản vô cùng lớn lao không lường được.

Là người con của gia đình ta nên hiếu dưỡng với cha mẹ, thuận thảo với anh em, chị em; là người tín đồ của đạo giáo, ta phải niệm nghĩ ân đức để tỏ ra xứng đáng là người học trò thuần thiện với đấng giáo chủ, bậc khai sáng nền đạo đức cổ kim.
Các gương hiếu sau đây là những bài học vô cùng quí giúp soi sáng việc tu thân xử thế cho chúng ta.

I- CÁC CON THAY PHIÊN NHAU NUÔI CHA MẸ

Ông già họ Ngô người quận Sùng Minh, tỉnh Giang Tô đời nhà Thanh, sanh được bốn người con trai. Vì nhà nghèo, ông phải đem bán mấy đứa con để bù đắp sinh kế gia đình.
Cả bốn đứa con trai đều giúp việc cho một gia đình giàu có. Cho đến khi trưởng thành, họ tự do lập thân và cả bốn người đều đã có vợ con, tất cả họ đều ở cùng một vùng. Trước hết họ phụng dưỡng cha mẹ và chia phiên nhau ra mỗi người lo một tháng. Nhưng mấy cô vợ của các anh ấy không chịu nói : "Mỗi tháng một người lo thì phải đợi ba tháng sau mới có dịp săn sóc cha mẹ; như vậy việc lo cho cha mẹ quá thưa thớt, chi bằng chia ra mỗi ngày một người lo mới hợp lẽ".

Sau khi phân ra mỗi ngày tới phiên một người lo vẫn phải chờ tới ba hôm sau mới có thể săn sóc cho cha mẹ được, như thế vẫn còn quá thưa thớt. Tốt hơn hết, mỗi bữa ăn tới phiên một người mới thích hợp.

Từ đó về sau, họ đồng ý sửa đổi lại mỗi bữa ăn đến phiên một người lo. Ví dụ bữa ăn sáng người anh cả lo cung cấp cho cha mẹ, đến bữa ăn trưa người thứ hai cung cấp, buổi tối đến phiên người thứ ba và đến bữa ăn sáng hôm sau thì người con thứ tư lo. Họ cứ luân phiên nhau như vậy săn sóc cho cha mẹ chu đáo. Mỗi lần gặp ngày mồng 5, mồng 10 cả bốn anh em cùng sắm món ngon vật lạ đem dâng. Cha mẹ ngồi hướng nam, bốn con và các cháu trai ngồi hướng đông, bốn con dâu và cháu gái ngồi hướng tây. Họ theo thứ tự sớt thức ăn cho cha mẹ. Sau nhà ăn, các con trồng một cây, mỗi gia đình anh em đem tới treo một quan tiền lên đó. Mỗi lần cha mẹ dùng bữa xong thì quay ra cây lấy một quan tiền ra phố mua bánh trái để dùng. Tiền trên cây mỗi ngày một thêm nhiều, vì bốn anh em thường ngày tiếp tục dắp tiền vô không ngừng. Hai cụ lúc nhàn rỗi thường hay tới chơi nhà mấy người bạn tri kỷ, cũng có khi đánh cờ tướng, lúc chơi bài... Các con ông Ngô biết tại nhà nào các cụ hay lui tới chơi, bèn âm thầm gởi cho mấy ông bạn cố tri ấy vài trăm quan tiền nhờ họ đưa cho cụ thân. Cụ nhận được tiền rất phấn khởi, lúc trở về cụ vui vẻ kể lại cho cháu con nghe hoặc mua đồ chơi về cho các cháu chơi, hoàn toàn không biết tiền đó ở đâu ra mà thật ra của chính con mình. Lấy đó làm niềm vui quên mối phiền lo, nên cả nhà hòa nhã sống yên vui vẻ. Lúc ông cụ tuổi 99 thì bà cụ thọ 97, trưởng nam 77 tuổi, con trai thứ 76 và người thứ ba thứ tư tóc cũng đã bạc. Năm đời cùng sống chung nhà, con cháu, chắt, chít gồm hơn 20 người. Tại Sùng Minh ông Lưu Công Triệu đề tặng cụ Ngô một tấm biển : "Bách linh phu phụ tề mi, ngũ thế nhi tôn nhiễu tất" (trăm tuổi chồng vợ đề huề, năm đời con cháu sum sê). Đây quả là niềm vui số một đời người, nhân hiếu thuận mà được quả báo trước mắt. Phàm làm con cháu nên bắt chước con nhà họ Ngô hết lòng báo hiếu và kịp thời phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta không thấy cảnh mất cha trên đời sao ? Nên phải hiếu dưỡng cha già mà vẫn xem như không hiếu. Chúng ta không thấy ở đời cảnh mất mẹ sao ? Nên phải hiếu dưỡng mẹ hiền mà xem như không. Ta nên bắt chước mấy nàng dâu nhà họ Ngô về việc hiếu thuận. Đó mới thật là cách báo hiếu hiệu quả có giá trị ở đời.
(Ngư Dương Dạ Đàm)

****

Xem qua gương hiếu các con ông Ngô, ta vô cùng cảm kích, quí trọng, nhất là đối với bốn cô dâu biết nhường nhị tương kính nhau. Họ biết hòa nhã thuận thảo sống chung vui vẻ, không những lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu đầy đủ an vui hai mặt : vật chất, tinh thần mà còn tương trợ đùm bọc lẫn nhau quây quần dưới mái ấm gia đình bên cạnh cha mẹ, con cháu, con dâu, cháu chắt tạo nên cảnh đoàn viên sum hợp an lành hạnh phúc.
Khung cảnh gia đình hòa hợp, ấm cúng nên thơ, vui vẻ này có được là nhờ mỗi cá nhân anh em biết khắc phục những khó khăn, nhẫn nại, tận tình để tâm ý áp dụng bài học làm con giữ tròn đạo hiếu. Qua kinh nghiệm, mỗi ngày việc báo hiếu của họ một tinh thần có kỷ luật cao.

II- BÀI HỌC BÁO HIẾU

Dưong Phủ người quận Thái Hòa, tỉnh An Vi, biết đời người vô thường, nên dốc chí học đạo tu hành.

Nghe nói ở Tứ Xuyên có Hòa Thượng Vô Tế đạo cao đức trọng nên muốn tìm tới để nhận làm bậc minh sư. Dương Phủ từ giã song thân và xóm làng yêu quí để lên đường tới Tứ Xuyên tìm thầy học đạo. Vừa tới nơi liền gặp ngay một vị lão Hòa Thượng đạo mạo trang nghiêm, Phủ tỏ lòng cung kính xin đảnh lễ Ngài một lạy, Hòa Thượng hỏi : "Ông từ đâu tới ? Tới Tứ Xuyên để làm gì ?".

- Đáp : Con từ tỉnh An Vi tới. Tới đây tìm ngài Vô Tế đại lão Hòa Thượng để xuất gia học đạo tu hành.

- Hỏi : Ông cần gặp Vô Tế lão Hòa Thượng, đâu bằng gặp Phật.

- Đáp : Con muốn gặp Phật, nhưng không biết Phật ở đâu, xin lão Hòa Thượng chỉ cho con.
- Hỏi : Ông hãy trở về, trông thấy người nào vai quấn mền vải, chân mang giày ngược, đó chính là Phật.

Dương Phủ nghe Hòa Thượng bảo vậy, tin chắc không nghi ngờ gì cả, chuẩn bị hành trang thuê thuyền trở lại quê nhà. Trên đường về ròng rã trên một tháng trời. Hôm về tới nhà, trời đã nhá nhem tối, khi vừa bước chân vào cửa, Phủ kêu mẹ ra mở cửa. Người mẹ nghe tiếng đứa con yêu quí trở về, chi xiết vui mừng liền từ trên giường chạy ra, không kịp mặc áo, bà vớ vội chiếc mền khoát lên vai, xỏ giày ngược, hối hả chạy ra mở cửa, tiếp đón đứa con yêu quí. Dương Phủ thấy mẹ vai quấn mền, chân mang giày ngược liền hiểu ngay rằng cha mẹ mới chính là những vị Phật sống. Từ đó trở đi, hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ về cả hai phương diện.

- Phương diện vật chất : cung phụng cho cha mẹ đầy đủ không thiếu món nào.
- Phương diện tinh thần : hết sức làm cho cha mẹ được hài lòng trong niềm an lạc.
Dương Phủ về sau này trước giờ lâm chung đã tụng bài kệ bốn câu kinh Kim Cang và lìa đời trong niềm an lạc, hưởng thọ được 80 tuổi.
(Đức Dục cổ giám)

****

Kinh Đại Tập có nói : "Nếu ở đời không có Phật, khéo biết kính thờ cha mẹ, tức là kính thờ Phật vậy". Người xưa nói : "Trên nhà có hai đức Phật đáng tôn kính, nhưng khá tiếc cho người đời không biết nên không dùng vàng lá phủ bọc, cũng không biết lấy gỗ quí chiên đàn điêu khắc. Đó là cha mẹ đang còn tại thế như đức Thích Ca, Di Lặc. Nếu biết thành kính các vị, thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn".
Từ trong kinh điển Phật giáo và lời của cổ đức trích dẫn ở trên, ta nhận thấy ngay rằng lời dạy Dương Phủ cách báo hiếu thực tiễn của Hòa Thượng Vô Tế thật thâm trầm tế nhị hợp đạo lý.

Trước sức mạnh của kim tiền, của văn minh vật chất càng ngày càng ảnh hưởng sâu đậm trong nếp sống, trong thâm tâm con người thời nay bao nhiêu thì giá trị đạo đức tinh thần càng đi xuống, hiếu thuận của người xưa càng hiển lộ sáng suốt như kim cương.
Lòng chí hiếu thuần thiện của người con đối với cha mẹ mang một sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển được, cho dù bả mồi danh lợi cũng không thể nhử được, vũ khí tối tân cũng không đe dọa được, kể cả tánh mạng dù phải hy sinh, miễn tâm thành báo hiếu được mãn nguyện.

III- LÒNG CHÍ HIẾU CẢM ĐỘNG TỚI TRỜI

Tôn Cẩn là người con chí hiếu ở vào đời Nguyên triều, phụng dưỡng cha và kế mẫu hết lòng, nên người đương thời không ngớt lời ca tụng. Sau khi cha chết, quan tài quàng lại trong nhà bốn năm. Tôn Cẩn vô vàn thương tiếc, sầu khổ khôn nguôi qua nhiều ngày quần áo chẳng thay. Đoạn tuyệt chẳng thịt cá, chí thành tụng kinh niệm Phật cầu nguyện vong hồn cha siêu sanh Cực lạc quốc.
Lúc đưa đám tang, phải thuê thuyền chở quan tài qua sông, thình lình một trận cuồng phong nổi lên, sóng gió dữ dội. Nhưng lúc cổ quan tài vừa đưa lên thuyền chuẩn bị ra đi thì sóng lặn gió êm.

Mọi người thuận buồm xuôi gió trên đường đi tới đất liền một mạch, nên ai nấy đều hết lời tán thán lòng hiếu thảo của Tôn Cẩn cảm động tới trời. 

Tôn Cẩn hầu hạ kế mẫu là Đường Thị chu đáo nhỏ nhẹ cũng như chính mẹ ruột. Một năm kia nơi ngực kế mẫu nổi lên một mụt nhọt lớn máu mủ cứ tươm nước, bà rên rỉ trên giường và đau nhức vô cùng. Hành xử theo dòng hiếu kính, Cẩn không kể máu mủ dơ uế, hôi tanh, kê miệng hút mủ nơi mụt nhọt của kế mẫu, dùng lưỡi liếm sạch máu dính trên da thịt bà. Vài hôm sau, mụt nhọt dần dần lành lặn hẳn. Nhưng sau bà lại mắc phải chứng đau mắt. Đầu tiên hai mắt bà đục mờ trông không thấy rõ. Thầy thuốc trị bịnh cho toa, chứng bịnh vẫn không giảm nhẹ. Trái lại ngày này qua ngày khác bịnh càng trầm trọng hơn. Cuối cùng cả hai mắt đều hết thấy đường. Tôn Cẩn thấy kế mẫu không còn nhìn thấy mọi vật chung quanh nữa nên lấy làm thương xót vô cùng. Ông nghĩ rằng trước đây bịnh nhọt của kế mẫu ông dùng lưỡi kiếm mà hết bịnh. Nếu bây giờ dùng lại cách ấy không biết có hy vọng làm cho mắt mẹ sáng ra không ? Do đó, ông một lần nữa không sợ dơ uế, cũng chẳng phiền hà, mỗi ngày dùng lưỡi liếm vào hai mắt kế mẫu. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua đều thấy không hiệu quả. Nhưng ông cương quyết không nãn lòng, mỗi ngày tiếp tục dùng lưỡi liếm vào đôi mắt kế mẫu. Ông nghĩ làm như thế ít ra cũng an ủi về mặt tinh thần bà rất nhiều, nên cứ duy trì như vậy suốt trong hai tháng thì đôi mắt bà từ từ sáng lại và nhìn thấy được ánh sáng mặt trời. Hai mẹ con mừng rỡ không thể diễn tả hết được ra lời. 

Về sau kế mẫu già bịnh mà chết. Lúc sắp đưa đám tang thì trời mỗi lúc càng mưa lớn dầm dề. Do đó đám tang phải dời lại ngày khác. Ban đêm ông ngẩng mặt lên trời kêu khóc cầu xin ông trời tạnh nắng. Qua sáng sớm hôm sau quả nhiên trời quang mây tạnh, bầu trời trong sáng, đám tang được cử hành dễ dàng. Sau khi chôn cất xong trời lại đổ mưa qua nhiều ngày không dứt. Trời chỉ tạnh ráo một ngày đúng là để cho đám tang của mẹ người con hiếu thảo được cử hành thuận lợi.
Từ sự tích hiếu thảo của Tôn Cẩn cảm kích tới trời, chứng tỏ cho ta thấy rằng, tâm trí hiếu thành khẩn thì mọi việc sở cầu đều như nguyện. Hễ không có cảm thì cũng chẳng không hay cũng không ứng, thật là điều khó có thể nghĩ bàn.
(Lịch sử cảm ứng thống kỷ)

****

Mỗi một việc làm, mỗi một thái độ báo hiếu của người con mang một sắc thái cá biệt, song mục đích cũng vẫn giống nhau : đền đáp ân đức sanh thành vô cùng cao cả của cha mẹ. Cái tác dụng hiếu hạnh người xưa muôn đời bất diệt được hậu thế mãi truyền tụng tán dương không ngừng.

Và đây lại là một gương hiếu khác góp phần thêm một cánh hoa xây dựng đạo hiếu con người.

IV- LẠY SÁM HỐI GẶP ĐƯỢC MẸ

Chu Thọ Xương người đời Tống là con trai quan Hình Bộ Thị Lang Chu Tốn. Mẹ ông là Lưu Thị xuất thân nhà nghèo khó.

Năm Thọ Xương lên 7 tuổi, cha mẹ ông ly hôn. Về sau mẹ tái giá (lấy chồng khác), ông biệt luôn tin tức. Đến lúc trưởng thành, ông thường nghĩ tới mẹ luôn, nhưng không biết mẹ lưu lạc phương nào, nên rất đau khổ không làm sao gặp lại mẹ thật là buồn thương. Ông rũ áo từ quan. Lập chí quyết tâm đi tìm mẹ. Tìm khắp đông tây vạn dặm trải qua trăm cay nghìn đắng vẫn không tìm thấy mẹ. Lúc ấy báo chí tin tức không giống như bây giờ, không có một tờ báo để đăng quảng cáo tìm người, nên hoàn toàn vô vọng không còn cách nào khác hơn. Thật là hết sức khó khăn, chỉ còn một chút hy vọng cuối cùng ông vẫn không thối tâm nãn chí : không đạt tới mục đích, không chịu thua. Ông là một Phật tử thuần thành, tin chắc có sự cảm ứng không sai. Ông chích máu và dùng máu ấy viết kinh Thủy Sám, đem in ấn tống phân phát cho nhiều người cùng lợi lạc. Chính ông ngày đêm trì tụng kinh Thủy Sám không ngớt mong được sự cảm ứng của chư Phật, Bồ Tát. Quả nhiên trời cao không phụ lòng người đang đau khổ. Có một hôm, ông tới vùng Đông Châu, Thiểm Tây thì bất thần gặp mẹ. Lúc đó mẹ ông tóc đã bạc màu, mặt nhăn nheo, nhưng dung mạo vẫn còn nhìn ra được. So Thọ Xương trước kia là một chú bé 7 tuổi với bây giờ là một người lớn, mẹ ông không làm sao nhận ra được. Thọ Xương thân mật gọi : "Mẹ, mẹ" rồi nói lớn : "Con của mẹ à, như chiêm bao cũng không có cảnh này, lại được gặp con ở đây sao !".
Hai mẹ con trên 20 năm không gặp nhau, mừng tủi tủi, chi xiết hả hê trào nước mắt, rồi ôm nhau khóc mũi lòng. Cuộc trùng phùng giữa mẹ con cảm động đến độ khiến cho nhiều người đi đường phải đứng lại xem. Thọ Xương đón mẹ về nhà hết lòng phụng dưỡng từ đó. Về sau này, ông làm quan tới chức "Ty Trung Thiếu Khanh" vẫn một lòng hiếu thảo mẹ hiền.

Lúc bấy giờ trong giới sĩ phu đều truyền tụng câu chuyện : "Lòng hiếu thảo của Chu Thọ Xương được cảm ứng".

****

Các nhà tâm lý học cận đại cũng thừa nhận việc cảm ứng tâm linh. Song cảm ứng tâm linh thì ít xảy ra, nguyên nhân chính ra do sự thiếu thành tâm, nên khó đạt được cảm ứng.
Trong câu chuyện đây Chu Thọ Xương chích máu viết bộ kinh Thủy Sám và đêm ngày trì tụng để mong gặp được mẹ. Vạn dặm kiếm tìm vẫn không nãn chí. Đó là lòng thành biết bao ! Việc cảm ứng phải đến, mẹ con được hội ngộ... Tục ngữ có câu : "Thành thì linh", phải tin đó là sự thật.

V- HẦU MẸ MỘT BƯỚC KHÔNG RỜI

Từ Tích là người quận Hoài An tỉnh Giang Tô, mồ côi cha từ lúc mới lên ba tuổi. Mỗi sáng sớm Tích quỳ dưới đất khóc lóc gọi cha thật là thảm thiết.
Thời thiếu niên có đọc hiếu kinh nên luôn nghĩ tới ân cha khó báo đáp, ông thường hay khóc thầm. Năm 20 tuổi, ông theo học thầy Hồ An Định nên thâm hiểu đạo lý Khổng giáo về cách chánh tâm thành ý. Do đó, ông thờ mẹ hết lòng rất mực nghiêm cẩn. Ông luôn luônhầu cận mẫu thân không rời một bước, trừ trường hợp bất khả kháng gặp những việc trọng đại. Hầu mẹ tươm tất ngày đêm trong việc cung cấp món ngon vật lạ chu đáo.

Về sau lên kinh đô thi, song không nỡ lìa người mẹ thân yêu, ông dắt mẹ theo cùng, đúng là mẹ con như hình với bóng để sớm chiều có bạn. Cha ông tên Thạch, làm cho ông rất quí trọng nên trong sinh hoạt thường ngày, gặp đá trên đường, ông không hề nhẫn tâm dẫm đạp lên. Có người hỏi : "Ông tránh không dẫm đạp lên đá trên đường; việc đó đâu cần thiết". Từ Tích trả lời : "Tôi không hề cố ý tránh đạp đá, nhưng trên thực tế, cha tôi tên Thạch, nên mỗi khi thấy đá tôi liên tưởng đến cha tôi ngay, và không muốn bị lương tâm dày vò nên tôi không nỡ dẫm lên đá".
Khi mẫu thân lìa đời, ông than khóc đến nỗi xuất huyết và nhịn ăn uống vài hôm không giọt nước thấm môi và làm túp lều nhỏ bên mộ ở đó chịu tang mẹ. Mỗi ngày ở trước mộ mẹ khóc than thăm hỏi y hệt như mẹ lúc còn sống.
Sau khi Từ Tích qua đời, người đời nể trọng gọi ông là "Ông Từ hiếu" và vẫn lập đền thờ cúng cho tới ngày nay. Mọi người đều tỏ lòng sùng kính ông, đều nhận là gương hiếu hạnh của họ Từ có thể đem so sánh với Tằng Mẫn Tương vậy.
(Đức Dục cổ giám)

****

Kinh Đại Niết Bàn nói : "Mẹ ta chịu khổ cực muôn phần trải qua mười tháng cưu mang bào thai. Sau khi chào đời, mẹ nhường khô chịu ướt, giặt rửa bẩn dơ, đại tiện, tiểu tiện, cho bú mớm nuôi dưỡng bảo bọc ta. Do ân nghĩa đó, ta nên báo đáp thâm ân, về mặt vật chất hầu cận chăm nom săn sóc tùy hỷ cung cấp mọi thứ". Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán nói : "Này các Thiện nam tử, trên thế gian này gì là giàu nhất ? và gì là nghèo nhất ? Từ mẫu còn tại thế là giàu nhất. Từ mẫu mất đi là nghèo nhất. Lúc mẹ còn sống ở đời như mặt trời ban ngày. Khi mẹ chết đi như mặt trời lặn khuất. Mẹ còn sống như là vầng trăng sáng. Mẹ chết đi như đêm vắng tối tăm. Vì thế các ông cần nên tu tập hiếu dưỡng cha mẹ. Cũng như thờ cúng Phật - phụng dưỡng cha mẹ - phước đức không khác. Các ông nên theo như vậy báo ân cha mẹ".
Đoạn kinh trên thuyết minh về mẹ còn sống vui mạnh khỏe là hạnh phúc nhất trên đời. Ông Từ Tích do khi mẹ ông còn an lành khỏe mạnh ông theo hầu hạ một tấc không rời. Ngược lại mẹ hiền chết đi là buồn thương nhất trần gian. Cho nên ông Từ Tích lúc mẹ qua đời đã khóc thương đến độ xuất huyết. Theo quan niệm của Phật giáo, mẹ lìa đời dĩ nhiên là điều đau buồn nhất trên đời, nhưng trong lúc cha mẹ gần lâm chung tuyệt đối không nên đứng bên giường kêu khóc làm trở ngại việc vãng sanh Tây phương mà nên khắc phục thương xót. Thay vì khóc lóc thì nhiếp tâm niệm Phật để trở niệm cha mẹ vãng sanh Tây phương cực lạc.

Thích Bảo Lạc



Có phản hồi đến “Thơm Hương Hiếu Thảo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com