Ấy là một ngày yên ả vô cùng với tôi trong căn nhà nhỏ ở giữa làng. Sự im ắng không gian, sự thanh thản tâm trí lại nghĩ xuân về đã khiến tôi tìm đọc những bài thơ thiền. Đúng là thơ thiền chỉ thấu khi ta tĩnh tâm, tĩnh lặng. Mà thiền theo đạo Phật là tư duy tĩnh tự, nghĩa là để cho tâm tư yên tĩnh không chút vướng bận. Có vậy mới được sáng tỏ.
Tôi giở lại những bài thơ thiền đã lưu giữ bấy lâu nay. Càng đọc càng thảng thốt. Có cái gì đó man mác, thăm thẳm, gợi mở, khai sáng bao điều mà trước đó vẫn còn nhạt nhòa, lấp ló trong tâm. Đây, Ngôn hoài (Tỏ lòng) của Thiền sư Không Lộ thời Trần ở thế kỷ XII.
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu trì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hân thái hư
(Kiểu đất long xà chọn được nơi
Thú quê nào chán suốt ngày vui
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời)
Lên đỉnh núi mà nghe tiếng kêu lạnh cả trời ! Đấy là tiếng kêu vang vọng trần gian của chúng sinh hay tiếng gọi từ cõi lòng mình. Đây không phải chỉ là tiếng nói, nỗi niềm của một thiền sư mà còn là tiếng gọi của một nhà thơ. Không Lộ là nhà thơ thiền. Đọc bài thơ này lại sực nhớ tới bài thơ của một nhà thơ trước đó, vẫn có từ lạnh rợn người khi nhớ về một người đã khuất:
Nơi nay biệt Yên Đan
Tráng sỹ tóc dựng ngược
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông còn lạnh buốt
Theo Phật Thích ca, mọi sự khổ đau của con người đều bắt đầu từ sự ham muốn quá mức. Bởi thế diệt sự khổ đau, mỗi người phải biết kiềm chế ham muốn, sống an nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì, tức là tự giải thoát. Do đó đạo phật còn gọi là Đạo giải thoát. Nhà sư Hoàng Viên Học (1072 - 1136) trong bài Văn chung (Tiếng chuông) đã bộc bạch:
Trú dạ văn chung khai giác ngộ
(Xóm tối nghe chuông bừng tỉnh ngộ)
Tiếng chuông đây chính là giáo lý đạo Phật.
Phật không phải ở nơi vô định, nơi ngàn trùng xa thẳm mà con người suốt đời phải đi tìm. Theo thuyết lý Thiền phái Trúc Lâm, Phật tại tâm. Người nào luôn hướng thiện, làm điều tốt, giúp kẻ khó, chống cái ác chính là đã tới cõi Phật. Còn ai làm điều xấu, điều ác sẽ chẳng bao giờ tới. Vậy là Phật rất gần và cũng rất xa. Điều ấy đã được nhà sư Kiều Trí Huyền trong thơ trả lời Từ Đạo Hạnh giãi bày:
Hà sa cảnh thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm
(Khắp cõi hà sa đâu cũng Phật
Mà như tới Phật, cách muôn trùng)
Ông cha ta đã từng khuyên: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Thật chí lý, sâu sắc vô cùng.
Với giáo lý tốt đẹp, nhân văn cao cả, đạo Phật đã là đề tài và là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận cho thi ca. Rất nhiều nhà thơ viết về đền chùa miếu mạo, về cõi Phật, tất không sao kể hết, trong đó có những bài thơ nổi tiếng đi cùng năm tháng, để lại dấu ấn suốt bao thế hệ, ví như Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938). Chùa Hương là ký sự về cô gái đi chùa Hương. Có lẽ cho đến nay chưa có bài thơ nào tả cảnh, tả tình nhẹ nhàng, tế nhị, duyên dáng như thi phẩm này. Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã nhận xét khi đọc bài thơ đây: "Người mến cô bé đi chùa Hương và cùng cô bé san sẻ mọi ước mơ, sung sướng, buồn rầu", "Nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng." Bài thơ dài, không thể chép ra đây chỉ dẫn đôi ba đoạn.
Tả cảnh: Réo rắt suối đưa quanh/Ven bờ, ngọn núi xanh/Dịp cầu xa nho nhỏ/Cảnh đẹp gần như tranh.
Tả tình: Những nỗi niềm cô thiếu nữ:
Nào là: Em đi, chàng theo sau/ Em không dám đi mau/ Ngại chàng chê hấp tấp/ Số gian nan không giàu. Nào là : Làn gió thổi hây hây/ Em nghe tà áo bay/ Em tìm hơi chàng thở/ Chàng ôi, chàng có hay? Để rồi kết thúc:
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng
Đa phần các nhà thơ đương đại viết về cuộc sống hôm nay đều nhân cớ qua cửa chùa miếu mạo, qua cõi tâm linh. Duy Khoát ở bài Ghi trước cửa Thiền sau khi tả cảnh chùa Mái chùa cong dáng thuyền rồng/ Tay chèo gác lại bên sông tháng ngày/ Tháp chuông hiện giữa nền mây/ Long ly như múa như bay dập dờn đã tỏ ý dứt khoát: Dẫu trời bể khổ triền miên/ Thì anh vẫn chả sao quên tình đời. Trần Anh Trang Vào chùa để Tìm một chút tâm linh/ Giải nỗi niềm trần thế rồi cuối cùng cũng Giơ tay chào cõi Phật/ Thôi ta ra với đời. Nguyễn Phan Hách ví tay tượng không khác gì tay mẹ:
Tay Phật tạc theo hình tay mẹ
Mẹ và Phật bên nhau lặng lẽ
Những bàn tay nói với bàn tay
Nhà thơ Duy Phi đã khuất khi vào chùa tôn nghiêm đã đưa ra một hình ảnh để người đọc suy ngẫm:
Một vòng tràng hạt lần xoay
Bát hương cầu nguyện đã dày chân hương
Bỗng chốc tôi nhớ tới những câu thơ rất ấn tượng của nhà thơ Phùng Khắc Bắc:
Khi ta còn nhìn lên kính ngưỡng
Khi ta còn cúi xuống khẩn cầu
Ta vẫn tự tạo ra mình bằng những dáng đau
Đời là bể khổ. Người ta khổ không phải chỉ là miếng cơm manh áo, là vật chất thường ngày mà còn là cõi lòng, và bởi vậy không ít người vẫn còn tới tựa cửa Phật để mong tự giải thoát.
Xuân đã về. Tết cũng cận kề. Đây đó hội làng đã mở.
Trên đường cát mịn, một đôi cô
Yếm đỏ, khăn thâm, trảy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Lần lần tràng hạt niệm nam mô
Xưa, Nguyễn Bính - nhà thơ tài danh - đã kể vậy ! Nay chúng ta vẫn thế, chỉ khác cách ăn mặc, lại vào đình chùa đứng trước thánh thần mong sự yên bình, tĩnh tại trong lòng, cầu phúc cho quốc thái dân an.
Đỗ Nhật Minh