Tác giả

Acariya (Acharn) Maha Boowa (Bhikkhu Nanasampanno) là một Ðại Thiền Sư danh tiếng tại Thái Lan trong thời hiện đại. Ngài sanh trưởng trong một làng nhỏ bé của tỉnh Udon-thani và hiện là Sư Trưởng Thiền Viện Wat Pa Barn Tard.

Sau khi rời trường ở làng, Ngài vào chùa Wat Bodhisomporn, thọ giới Sa Di với Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi, học Giáo Pháp và tiếng Pali. Ðến khi đúng tuổi, Ngài thọ Cụ Túc Giới, rồi một thời gian sau vào rừng hành thiền. Ngày kia Ngài được hướng dẫn đến Ðại Ðức Acharn Mun (Bhuridatta Thera) và người ta nói là khi vừa gặp Ngài đã nhận ra đây là vị thầy của mình. Ngài theo học và hành với Ngài Acharn Mun trong chín năm, chí đến ngày Sư Thầy viên tịch vào lúc tám mươi tuổi thọ mới tự mình du phương thực hành trong các rừng núi hầu như cùng khắp xứ Thái.

Thiền Viện Wat Pa Barn Tard nằm trên một khu rừng độ 100 mẫu Anh, trong tỉnh Udorn miền Ðông Bắc xứ Thái, cách tỉnh lỵ khoảng hơn hai mươi cây số. Trong khu rừng rậm cây cao to lớn ấy rải rác đó đây có độ hai mươi tịnh thất nhỏ và riêng biệt, dành cho thiền sinh, phần lớn là chư Tăng mà một số là người Tây Phương.

Thiền viện tương đối nhỏ và xưa cũ nhưng giới luật rất trang nghiêm, thiền sinh sống dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư nổi tiếng là rất nghiêm khắc. Mặc dầu không xa xóm làng và mặc dầu Phật Tử phương xa xin dâng máy điện và hệ thống nước máy, Ngài Sư Trưởng từ chối vì muốn thiền sinh lối sống đơn giản: ngày một buổi cơm, tịnh thất nhỏ, phải đi kéo nước giếng để dùng, vào lúc tửng bưng sáng mỗi ngày phải vào làng đi bát, rất ít chuyện vãn, phần lớn chỉ sống đơn độc v.v... tất cả những điều ấy là để sống biệt lập, không nghĩ đến chuyện ngoài thế.

Thỉnh thoảng có người cung thỉnh Ngài đi Bangkok thuyết pháp. Một số các bài giảng ấy được thâu vào băng nhựa và lưu trữ tại Wat Bovorniwas.

Quyển Straight From The Heart phiên dịch những bài Pháp do Acharn Maha Boowa thuyết giảng bằng tiếng Thái tại Thiền Viện và đã được thâu vào băng nhựa. Trung tâm Narada xin phép chuyển ngữ để cống hiến quý đạo hữu Việt Nam.

-ooOoo-

 Ngôn Ngữ Của Tâm

Ngài Ðại Ðức Acharn Mun dạy rằng tâm của tất cả mọi người đều có ngôn ngữ giống nhau. Dầu ta nói tiếng gì, dầu ta là người thuộc dân tộc nào, tâm chỉ là sự hay biết (lời người dịch: chữ tâm được phiên dịch từ phạn ngữ "citta". Bản Chú giải định nghĩa là cái gì hay biết một đối tượng). Vì lẽ ấy Ngài nói rằng tất cả tâm đều có ngôn ngữ giống nhau. Khi một ý nghĩ phát sanh, chúng ta hiểu nó, nhưng khi chúng ta diễn đạt ra thành lời, nó trở thành ngôn ngữ này hay ngôn ngữ nọ. Do đó chúng ta không thật sự thông hiểu lẫn nhau. Mặc dầu vậy, những cảm giác sâu kín trong lòng mỗi người đều như nhau. Giáo Pháp thích ứng với tâm một cách toàn hảo bởi vì Giáo Pháp không phải là ngôn ngữ của dân tộc đặc biệt nào. Giáo Pháp là ngôn ngữ của tâm. Giáo Pháp cùng ở chung với tâm.

Thỏa thích và đau khổ cùng ở chung với tâm. Những hành động tạo thỏa thích và đau khổ trước tiên được suy tư và phát xuất từ trong tâm. Tâm là cái gì hay biết hậu quả của những suy tư ấy, phát hiện dưới hình thức thỏa thích hay đau khổ. Tâm phải gồng gánh hậu quả những suy tư của chính nó. Ðây là lý do tại sao tâm và Giáo Pháp tương ứng với nhau một cách toàn vẹn. Dầu ngôn ngữ và quốc tịch của ta là gì, tất cả chúng ta đều có thể thấu hiểu Giáo Pháp, bởi vì Giáo Pháp và tâm là một cặp, do bản tánh thiên nhiên của nó.

Tâm là phần nồng cốt bên trong cơ thể, là phần chánh yếu, là cái cốt lõi, là thực chất, là tinh chất cơ bản bên trong thể xác. Nó là nền tảng. Những hiện tượng khởi phát từ trong tâm, như những tư tưởng khởi hiện rồi tan biến, hiện rồi biến, mãi mãi lặp đi và lặp lại. Nơi đây chúng ta đề cập đến tình trạng khuấy động của tâm. Khi tâm chao động, đó là một tư tưởng vừa mới được cấu tạo. Tưởng uẩn, vốn liên quan đến sự liên tưởng, hồi nhớ và nhận ra, được gọi làsanna. Những tư tưởng "dài" là sanna, tưởng uẩn. Tư tưởng "ngắn" là sankhara, hành uẩn. Nói cách khác, khi tư tưởng được cấu thành -- "blip" -- đó là hành uẩn, sankhara. Sanna, tưởng uẩn hàm xúc ý nghĩ nhận ra và đặt tên. Thức uẩn, vinnana, là sự ghi nhận mỗi khi có trần cảnh phát hiện và tiếp xúc với giác quan, như khi có một hình thể (sắc trần) giao tiếp với mắt (nhãn căn) ắt có sự thấy (nhãn thức). Tất cả những hiện tượng này luôn luôn tự nó phát sanh rồi hoại diệt, và Ðức Phật gọi là khandha, uẩn. Mỗi "đống" hay "nhóm" được gọi làkhandha, uẩn. Năm uẩn (panca khandha, ngũ uẩn) này luôn luôn khởi phát rồi biến tan, không ngừng sanh diệt. Chí đến chư vị A La Hán cũng cùng ở trong trường hợp như vậy. giống hệt như một người thường bất cứ ở đâu. Chỉ có điểm khác là ngũ uẩn của các Ngài hoàn toàn trong sạch và đơn giản, không chứa chấp những ô nhiễm truyền lệnh cho các Ngài phải làm điều này hay suy tư điều nọ. Thay vì thế, ngũ uẩn của các Ngài tự do sinh hoạt theo bản chất giải thoát thiên nhiên của nó mà không bị bắt buộc phải suy tưởng thế này thế nọ như tâm của người thường nói chung. Ðể so sánh, ngũ uẩn của người thường giống như tù nhân trong ngục thất, luôn luôn bị sai khiến. Những tư tưởng, những ghi nhận, những nhận định và những suy diễn khác nhau của người thường luôn luôn bị ra lệnh, luôn luôn bị một năng lực ngoại lai nào bắt buộc phải phát hiện, suy tư, nhận định và diễn dịch như thế này hay thế nọ. Nói cách khác, nó bị ô nhiễm làm chủ, chỉ đường dẫn lối, sai khiến, cưỡng bách nó phải phát hiện.

Ngũ uẩn của chư vị A La Hán thì không phải vậy. Khi một tư tưởng cấu hợp, nó chỉ đơn giản cấu hợp. Một khi đã hợp thành, nó đơn giản tan biến. Không có một chủng tử để nuôi dưỡng nó tiếp tục, không có chủng tử đè nặng trên tâm, bởi vì không có gì cưỡng bách, bắt buộc nó phải như thế nào, không giống như ngũ uẩn mà bị ô nhiễm thống trị hay nằm dưới quyền lãnh đạo của ô nhiễm. Ðó là điểm khác biệt.

Nhưng bản chất của ngũ uẩn vẫn như nhau. Tất cả các uẩn mà chúng ta đề cập trên đây đều vô thường (aniccam). Nói cách khác, trạng thái bất ổn định và luôn luôn biến đổi là một phần dính liền theo bản chất thiên nhiên của nó, bắt đầu từ sắc uẩn, cơ thể chúng ta, và thọ uẩn, những cảm giác thỏa thích (thọ lạc), đau khổ (thọ khổ) và những cảm giác không thỏa thích không đau khổ (thọ vô ký). Các uẩn này phát sanh rồi hoại diệt, triền miên lặp đi lặp lại. Tưởng uẩn, sanna, hành uẩn, sankhara, và thức uẩn, vinnanana, cũng ở trong trạng thái luôn luôn sanh diệt, vốn là một phần dính liền với bản chất thiên nhiên của nó.

Nhưng sự hay biết thật sự -- vốn hợp thành nền tảng kiến thức của chúng ta về những sự vật khác nhau không ngừng sanh diệt -- thì không tan biến. Ta có thể nói rằng tâm không thể tan biến. Ta có thể nói rằng tâm không thể khởi sanh. Như vậy, một cái tâm mà đã được thanh lọc đầy đủ không còn vấn đề phiền phức nào liên hệ đến hiện tượng sanh và tử của thân và các uẩn; và như vậy không còn sanh nữa, ở đây hay ở đâu khác, không còn phát hiện trong những hình thể thô thiển như một cá nhân, hay một chúng sanh bởi vì tâm đã hoàn toàn trong sạch.

Nhưng còn những người mà tâm chưa được thanh lọc: Họ là những người còn trong sanh và tử triền miên, những người luôn luôn để mắt trông chừng nghĩa địa, và tất cả chỉ vì cái tâm không chết.

Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn ban truyền giáo huấn cho thế gian, đặc biệt là thế gian loài người, vì con người hiểu biết điều phải lẽ trái, biết điều nào là thiện và điều nào bất thiện; biết bảo tồn nuôi dưỡng cái này và sửa sai chữa trị cái kia; thông hiểu ngôn ngữ của Giáo Pháp mà Ngài giảng dạy. Vì lẽ ấy Ngài dạy thế gian loài người trên và vượt ra ngoài các thế gian khác. Ngài dạy để chúng ta có thể cố gắng chữa trị, sửa sai những gì gây thiệt hại và tổn thương, tách rời nó ra khỏi hành động, lời nói và tư tưởng, để chúng ta có thể gia công nuôi và bảo tồn những gì tốt đẹp đã sẵn có và tạo duyên, làm khởi phát những thiện pháp mà ta chưa có. Ngài dạy chúng ta dưỡng nuôi và phát triển những thiện pháp sẵn có để cung ứng chất dinh dưỡng cho tâm, làm cho tâm tươi tỉnh và an lành, nâng đỡ cho nó ở một mức độ đức hạnh khả quan, trau giồi thiện pháp, để khi tách rời khỏi thân xác hiện tại này và hướng về bất luận nơi nào hoặc cảnh giới nào cái tâm mà đã được dưỡng nuôi trong thiện pháp sẽ là một cái tâm tốt. Bất luận nơi nào mà nó đến nó sẽ đến một cách tốt đẹp. Bất luận ở nơi đâu mà nó được tái sanh vào nó sẽ tái sanh an lành. Bất luận sống ở cảnh giới nào, đó là cảnh giới nhàn lạc. Nó sẽ tiếp tục chứng nghiệm trạng thái an vui hạnh phúc cho đến khi tích tụ đầy đủ khả năng, tiềm lực và phước báo để vượt qua khỏi thế gian và chứng ngộ giải thoát.

Khả năng, tiềm lực và phước báo phải được tuần tự trau giồi và phát triển từ quá khứ đến hiện tại. Hôm qua là quá khứ của ngày hôm nay, hôm nay là vị lai của ngày hôm qua, mỗi ngày trong tất cả những ngày quá khứ và hiện tại ấy ta phải gia công dưỡng nuôi và phát triển thiện pháp, tuần tự từng bước tiến cho đến khi, nhờ sự hỗ trợ của thiện pháp, tâm vững chắc dũng mãnh để vượt thoát ra khỏi thế gian.

Một cái tâm như thế ấy không còn tái sanh nữa, dầu sanh vào cảnh giới nhàn lạc và vi tế nhất của chúng sanh, vốn còn tiềm tàng dấu vết của thực tại quy ước (sammati) -- đó là sanh và chết như chúng ta. Một cái tâm như thế ấy đã vượt ra khỏi những hiện tượng sanh và tử tương tợ. Ðó là tâm của chư Phật và chư vị A La Hán. Tích chuyện Ðại Ðức Vangisa cho ta một ý niệm về vấn đề này. Khi còn tại gia cư sĩ Ðại Ðức Vangisa có biệt tài là biết được vong linh của một người chết đã tái sanh vào cảnh giới nào, dầu người ấy là ai. Ta không thể nói ông là một phù thủy hay một thầy bói. Thật sự ông là một đại sư nắm vững vấn đề tâm lý. Khi có người chết ông lấy sọ của người ấy và gõ trên đó -- cốc! cốc! cốc! -- rồi tập trung tư tưởng... và biết rõ người này tái sanh về đâu. nếu người chết tái sanh vào địa ngục, hay cảnh Trời, làm thú hay làm ngạ quỷ ông ta có thể nói liền mọi trường hợp không chút do dự. Ông chỉ cần gõ trên cái sọ của người ấy.

Khi nghe bạn bè mách bảo rằng Ðức Phật còn tài giỏi hơn gấp mấy lần như thế ấy thì ông muốn mở rộng kiến thức, đến hầu Phật xin thọ giáo để học thêm về khoa này. Khi đến nơi Ðức Phật đưa cho ông cái sọ của một vị A La Hán để ông gõ thử, "Ðược rồi! Để xem ông thiện nam có thể nói người này đã tái sanh về đâu không."

Ðại Ðức Vangisa gõ vào cái sọ và lắng tai nghe. Im lặng. Ông gõ nữa và lắng nghe. Im lặng. Ông ngừng lại, suy gẫm. Im lặng. Ông tập trung tâm lực. Im lặng. Ông không thể tìm thấy chủ của cái sọ đã tái sanh về đâu. Hết phương, ông thành thật nhìn nhận rằng mình không thể biết người chết này tái sanh về đâu.

Lúc ban đầu vị cư sĩ mà sau này là Ðại Ðức Vangisa nghĩ rằng mình tài giỏi, thông minh và đã tinh thông lão luyện trong nghề nên có ý định đến so tài với Ðức Phật rồi mới xin thọ giáo. Nhưng khi đến nơi, Ðức Phật đưa cho ông cái sọ của một vị A La Hán để gõ -- và ngay tại đây ông thảm bại. Giờ đây thật sự ông muốn xin học thêm, nghĩ rằng sau khi gia công tu luyện ông sẽ còn tài giỏi hơn trong hiện tại nhiều -- quả thật đặc biệt! Sự việc đã xảy ra như vậy, ông xin theo học với Ðức Phật. Và Ðức Phật dạy ông khoa học. Ngài dạy ông một phương pháp -- nói cách khác, Ngài dạy ông khoa học của Giáo Pháp. Ðại Ðức Vangisa thực hành và gia công thực hành cho đến khi cuối cùng, đắc Quả A La Hán. Từ đó Ðại Ðức không còn hứng thú gõ vào sọ ai nữa, ngoại trừ cái sọ của chính mình. Một khi đã thấu rõ ràng thì vấn đề tự nhiên chấm dứt. Ðiều này gọi là "gõ đúng vào cái sọ".

Lần nọ Ðức Phật có nêu lên vấn đề cái tâm mà không còn tái sanh -- đầu lâu của người mà tâm đã được thanh lọc hoàn toàn. Dầu Ðại Ðức Vangisa có gõ vào đó bao nhiêu lần và dầu Ngài đã tinh thông lão luyện về khoa này đến đâu cũng không thể biết được cái tâm ấy tái sanh về đâu, bởi vì nơi chốn mà tâm hoàn toàn trong sạch tái sanh vào, quả thật không thể tìm biết. Trường hợp của Ðại Ðức Godhika cũng vậy: Câu chuyện này có thể là thức ăn tinh thần rất bổ ích. Ðại Ðức Godhika hành thiền, tiến bộ dần dần từng bậc, nhưng rồi bị trở ngại, thụt lùi. Tích chuyện thuật rằng Ngài thoái bộ sáu lần như vậy. Sau khi thất bại lần thứ bảy, vì tinh thần quá suy sụp Ngài dùng dao tự khứa cổ mình, nhưng không chết. Lúc tỉnh lại Ngài quán chiếu Giáo Pháp và đắc Quả A La Hán vào khoảnh khắc cuối cùng. Vắn tắt, đó là câu chuyện. Khi Ngài tịch diệt, đạo quân của Ma Vương kéo nhau đi tìm hương linh của Ngài. Nói một cách đơn giản, chúng quậy trời khuấy nước để tìm biết Ngài tái sanh về đâu, nhưng không thể được.

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn mở lời, "Dầu có đào xới, tìm tòi hay tra hỏi thế nào đi nữa bọn ngươi sẽ không thể tìm ra hương linh của Godhika, con Như Lai, vốn đã viên mãn hoàn thành nhiệm vụ. Dầu có lật ngược, làm đảo lộn thế gian đi nữa cũng chỉ thế mà thôi, bởi vì điều ấy đã vượt ra ngoài phạm vi của thực tại quy ước." Làm sao Ma Vương Tâm Ác và đạo binh của Ma Vương có thể tìm được? Làm thế nào khả năng của người còn ô nhiễm trong tâm có thể hiểu biết được tâm lực của một vị A La Hán? Không thể được.

Trong phạm vi quy ước của người thế gian không ai có thể theo dõi con đường mà tâm của một vị A La Hán trải qua, bởi vì tâm của vị A La Hán đã vượt qua khỏi thế gian quy ước, mặc dầu vẫn giống như của ta. Hãy suy gẫm về điểm này: Dầu cái tâm chao động và chậm tiến của ta đi nữa, khi đã thanh lọc tuần tự, liên tục, không ngừng, không gián đoạn, một cách kiên trì không thối chuyển, nó cũng sẽ dần dần đến vi tế cùng tột. Ðến chừng đó chính trạng thái vi tế cũng sẽ tan biến -- bởi vì trạng thái vi tế cũng là thực tại quy ước -- chỉ còn lại bản chất vàng ròng thuần túy, bản chất uyên nguyên của Giáo Pháp, gọi đó là tâm thanh tịnh, hoàn toàn trong sạch. Chừng đó chính chúng ta cũng sẽ không còn vấn đề khó khăn nào nữa, như các vị A La Hán, bởi vì tâm của chúng ta đã trở thành siêu tuyệt, giống như tâm của những vị đã thành đạt giải thoát.

Tất cả tâm cùng loại ấy đều giống nhau, không có sự phân biệt nào chia cách nam và nữ. Nam tính hay nữ tính chỉ là vấn đề quy ước của thế gian. Ðối với tâm không có sự phân chia giữa nam và nữ, và tất cả, dầu là quý ông hay quý bà, đều có khả năng giống nhau để thực hành Giáo Pháp. Cả hai phái, nam và nữ, đều có khả năng thành đạt những tầng Thánh Quả khác nhau, dài dài suốt Con Ðường, cho đến mức giải thoát. Trong lãnh vực này không có hạn định nào cho bất cứ ai. Tất cả những gì cần thiết chỉ là phát triển đầy đủ năng lực và tiềm năng. Rồi tất cả mọi chúng ta đều có thể vượt sang bờ bên kia.

Vì lẽ ấy chúng ta nên tận lực rèn luyện tâm và trí. Tối thiểu đi nữa chúng ta cũng nên đạt đến tình trạng tĩnh lặng và an lạc, với bất luận đề mục hành thiền (hay công án) nào có thể ru dỗ tâm vào trạng thái vắng lặng, và từ vắng lặng phát sanh an lạc thanh bình và thoải mái bên trong. Thí dụ như pháp niệm hơi thở, vốn là đề mục rất phổ thông trong giới hành giả, hình như thích hợp với nhiều người hơn các đề mục khác. Nhưng dầu bất cứ đề mục nào, hãy lấy đó làm nguyên tắc căn bản, làm nơi ẩn trú, làm chỗ nương tựa cho tâm. Hãy áp dụng nó vào pháp hành để rèn luyện, làm cho tâm ngơi nghỉ và an lạc.

Khi tâm bắt đầu lắng động, chúng ta sẽ khởi sự nhìn thấy bản chất chánh yếu và giá trị của nó. Chúng ta sẽ bắt đầu nhận thức tâm là gì và tâm là thế nào. Nói cách khác, khi tất cả những thành phần của tâm tập trung lại và tụ hội vào một điểm duy nhất như chỉ đơn giản là sự hay biết bên trong nó thì đó được gọi là "tâm" (citta). Trạng thái gom tâm xảy diễn ở nhiều tầng lớp khác nhau, tương ứng với khả năng và những mức độ vi tế khác nhau. Cho dù tâm còn ở mức độ thô thiển đi nữa ta cũng có thể hiểu biết khi nó tụ hội lại bên trong. Khi tâm trở nên ngày càng vi tế hơn chúng ta sẽ hiểu biết trạng thái vi tế của nó -- "Tâm này thật là vi tế... Tâm này quả thật sáng ngời... Tâm này vô cùng tĩnh lặng... Tâm này thật vô cùng kỳ diệu" -- càng ngày càng thêm lên, tiến từng bước một, cũng chính cái tâm này!

Trong khi gội rửa và rèn luyện tâm nhằm đạt đến trạng thái vắng lặng, trong khi, với trí tuệ (panna), quán chiếu, nhìn vào và giải quyết những vấn đề khó khăn của tâm -- vốn là phương cách làm cho tâm tiến triển hay làm cho ta có khả năng thấu đạt thực tướng của tâm, từng bước một, bằng những phương tiện đề cập ở trên -- dầu tâm còn thô thiển thế nào, không nên lo ngại. Nếu chúng ta thật sự tinh tấn và chúng ta liên tục kiên trì, với cái vốn kiên trì nỗ lực chuyên cần ấy, trạng thái thô thiển sẽ dần dần phai mờ và tan biến. Trạng thái tâm vi tế sẽ dần dần phát hiện, do nhờ công phu thực hành và đức kiên trì tinh tấn của ta, chí đến khi chúng ta có đủ khả năng vượt qua khỏi bờ mê và thành tựu giải thoát bằng cách phá vỡ, đập tan nhiễm ô ra từng mảnh vụn. Ðây là điều chắc thật cho tất cả, nam cũng như nữ.

Tuy nhiên, trong khi ta chưa đạt đến mức độ có khả năng làm được như vậy, chớ nên lo ngại. Tất cả những gì cần làm trong hiện tại là phải giữ cái tâm trong khuôn khổ kỷ cương để nó có thể là nơi ẩn trú, là chỗ nương tựa cho chính nó. Còn thân này, chúng ta đã nương nhờ nơi nó từ thủa mới ra đời. Ai cũng biết như vậy. Chúng ta đã làm cho nó sống, nằm, ngồi, đi tiểu tiện, đại tiện, làm việc, sinh sống. Ta đã sử dụng nó và nó đã sử dụng chúng ta. Ta đã sai khiến nó và nó truyền lệnh điều khiển chúng ta. Thí dụ như chúng ta bắt nó làm việc và nó làm cho chúng ta đau khổ, đau chỗ này, nhức nơi nọ, và chúng ta phải tìm thuốc đễ chữa trị cho nó. Nó là người bị đau và nó là người đi tìm thuốc. Cũng nó là người giúp phương tiện. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác, chúng ta tự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Khó mà nói rõ là ai chịu trách nhiệm, thân này hay ta. Ðôi lúc chúng ta sai khiến nó, nhưng luôn luôn nó điều khiển ta. Bệnh hoạn, đói, khát, buồn ngủ: Tất cả chỉ là một khối đau khổ và phiền lụy trong đó cơ thể này không ngừng sai khiến chúng ta, và nó sai khiến từ mọi phía. Ta chỉ có thể điều khiển nó được đôi chút. Do đó, khi thời cơ đến, đúng lúc ta có thể điều khiển, hãy bắt nó hành thiền.

Vậy, hãy bắt tay vào việc. Ngày giờ nào mà cơ thể này còn sinh hoạt bình thường, dầu công việc có bề bộn hay nặng nhọc đến đâu, hãy tiến hành ngay. Nhưng khi thân không thể hoạt động bình thường như lúc bịnh hoạn, ta cần phải để ý xem nó có thể làm việc được đến đâu.

Còn cái tâm thì khác, hãy tiếp tục kiên trì tinh tấn, hãy nỗ lực không thối chuyển, bởi vì đó là nhiệm vụ chánh yếu của quý vị.

Từ thủa nào, đã quá lâu rồi, quý vị sống tùy thuộc nơi thân. Giờ đây nó đã hao mòn suy nhược, hãy hiểu biết rằng thân của quý vị đã mỏi mòn yếu kém -- phần nào còn có thể hoạt động, phần nào đã hết khả năng sinh hoạt. Qúy vị là người gánh chịu trách nhiệm. Quý vị hoàn toàn hiểu biết như vậy. Chính quý vị phải tự lo liệu và châm chước để giữ thăng bằng.

Nhưng cái tâm thì không cùng bệnh hoạn với thân. Tâm phải gia tăng cố gắng để tránh khỏi lỡ mất cơ hội thọ lãnh những lợi ích mà thân có thể tạo cho. Hãy nâng cao mức độ của tâm và khép nó vào khuôn khổ kỷ cương -- kỷ cương trong cuộc sống, kỷ cương lúc lìa đời. Bất luận nơi nào mà nó tái sanh vào, hãy làm cho nó nằm trong khuôn khổ mẫu mực, ở mức độ đạo đức thanh cao. Cái mà được gọi là phước báo (punna) không bao giờ phản bội niềm hy vọng và lòng trông đợi của quý vị. Phước báo lúc nào cũng sẽ cung cấp cho quý vị những hoàn cảnh thuận lợi đúng theo nghiệp lành tích trử và những tình trạng an vui hạnh phúc mà toàn thể thế gian đều ham muốn và không ai cho là quá đủ. Nói cách khác, điều mà thế gian hằng mong mỏi muốn được là tình trạng an lành, bất cứ loại an lành nào, và đặc biệt là trạng thái tâm an lành, phát sanh dần dần từng giai đoạn nhờ vào những nghiệp lành cao thượng và tốt đẹp.

Ðó là tình trạng an lành hợp thành phần nồng cốt hay tinh chất chánh yếu rất quan trọng bên trong tâm. Ta phải kiên trì nỗ lực trong khi thân này còn hoạt động, bởi vì khi kiếp sống đã đến mức tận cùng thì không thể làm gì được. Dầu có thành tựu được nhiều hay ít ta phải chấm dứt tạt thời điểm này. Chúng ta ngưng công việc, gác qua một bên, rồi gặt hái phần thưởng của việc làm -- trong một kiếp tới. Bất luận gì có thể làm, hãy làm ngay trong hiện tại. Nếu ta có thể vượt qua và thành đạt giải thoát, đó là mức cùng tột của tất cả những vấn đề khó khăn. Sẽ không còn gì lôi cuốn ta vào phiền lụy.

Nơi đây chúng ta đề cập đến tâm vì tâm là vấn đề căn bản sơ khởi. Chúng ta ra đi an lành hay không, hạnh phúc hay đau khổ tất cả đều chỉ do nơi tâm.

Cái mà người ta gọi là nghiệp bất thiện (akusala kamma) cũng nằm bên trong tâm và do nơi tâm tạo nên. Dầu ta còn nhớ nó không, hột giống đã gieo -- đã nằm bên trong tâm -- không thể ngăn cản nó trổ quả, bởi vì nó đã đâm chồi mọc rễ trong tâm. Chúng ta phải chấp nhận cái nghiệp của mình. Không nên chạy tội. Một khi đã tạo nghiệp thì nghiệp đã được tạo rồi, làm cách nào có thể chối cãi? Bàn tay đã viết ra chữ, vậy chính bàn tay phải bôi (tẩy) những chữ đã viết. Chúng ta phải chấp nhận theo đúng tinh thần thể thao ngay thẳng. Ðó là đường lối thiên nhiên. Ðối với nghiệp báo nó là vậy, cho đến khi chúng ta thành đạt giải thoát -- chừng đó mọi vấn đề khó khăn sẽ chấm dứt.

Phạm Kim Khánh dịch



Có phản hồi đến “Ngôn Ngữ Của Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com