Chùa gắn với mỗi làng quê, là nơi trú ngụ tâm hồn của bà, của mẹ, của mỗi kiếp người.

Bên cạnh đình là nơi thờ cúng Thành hoàng-những người có công dựng làng, giữ nước thì chùa là nơi thờ Phật để dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh. Bà tôi một đời lam lũ, che chắn tứ bề nhưng cái niềm an ủi của Phật với người “lép vế” thì đã ăn sâu “thôi cứ ở hiền gặp lành, để phúc, đức lại cho con cháu”. Có lẽ, đó cũng là đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam mà nếu không có nó thì ý thức, quan niệm của một làng, của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời chưa chắc đã tồn tại.

Trong đời sống cộng đồng của người dân Việt, chùa trở thành tâm điểm của cả làng. Từ người sang, kẻ hèn ai cũng có thể lên chùa thắp hương cầu nguyện. Người dân quê hiền lành với những lời cầu nguyện mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy, gia đình thuận hòa, xóm làng yên vui. Chùa làng đã trở thành một mái ấm tinh thần của cư dân trong làng. Ai cũng có thể đến đây thắp hương lễ Phật, tìm sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Dưới bóng chùa, tình bà con, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, người ta dễ tha thứ hơn, nhân hậu hơn. Ngôi chùa trở thành nơi che chở và chia sẻ, an ủi con người trong những lúc vui, buồn, sinh, tử. Thầy trụ trì chùa làng là người đứng ra lo liệu về mặt tâm linh và cầu kinh cho người quá cố theo phong tục của những người theo đạo Phật. Cứ thế, tình cảm của dân làng và ngôi chùa làng cứ thế dày thêm theo năm tháng.

Ngày nay, hầu hết ngôi chùa làng ở các miền quê đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo trang nghiêm. Về mặt kiến trúc, ngôi chùa làng thường được xây theo kiểu kiến trúc chữ Công, chữ Đinh, hay chữ Tam tùy theo công đức đóng góp. Cổng chùa làng thường không có cánh hoặc có nhưng không bao giờ đóng, có khi nhà chùa chỉ xây dựng hai trụ biểu tượng trưng cho chiếc cổng. Chùa ở các làng quê là nơi mà mỗi sớm mai hay khi hoàng hôn, tiếng chuông chùa mãi níu giữ tình quê, cho ai dù ở bốn phương trời, nhớ về quê cũ vẫn mong được nghe một tiếng chuông chùa, ngắm nhìn làng quê trong buổi hoàng hôn với những cánh cò vội vã bay về tổ ấm.

Chùa làng là nơi sinh hoạt bình đẳng, đó là nơi tụ họp cả làng, và ai cũng có thể đến chùa cầu nguyện, chùa là nơi luôn mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người. Chùa làng đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ với hình ảnh thâm trầm, nép dưới tán cây cổ thụ, với tiếng chuông thả vào thinh không mỗi chiều quê yên bình, dường như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, biết chăm lo cày cấy để có cuộc sống đủ đầy, no ấm.

Vào ngày lễ lớn như rằm tháng Tư, tháng Bẩy, tháng Tám, Tết Nguyên đán… nam nữ trong làng và những người lớn tuổi thường đến chùa lễ Phật. Mỗi người đến chùa đều có tâm sự riêng, nhưng có lẽ khi bước chân qua cửa tam quan là tâm hồn dịu lại bởi phía trong ấy-dưới bóng chùa là tư duy, là triết lý nhân sinh, là cách sống, là phong tục, lề thói, là tôn ti trật tự gia đình…góp phần lớn vào sự phát triển xã hội, quốc gia.

(Theo Báo Bắc Ninh)




Có phản hồi đến “Bóng Chùa Quê”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com